Trang chủ » Tin tức » Điểm báo ngày 23/1/2013

Điểm báo ngày 23/1/2013

60/63 tỉnh thành đã áp dụng viện phí mới

Ngày 22.1, ông Nguyễn Nam Liên, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), cho biết hiện đã có 60/63 tỉnh và TP đã được HĐND phê duyệt giá viện phí mới, còn 3 tỉnh và TP là Hà Nội, TP.HCM và Tây Ninh chưa được HĐND đồng ý thực hiện viện phí mới.

3 bệnh viện tuyến T.Ư (Da liễu T.Ư, Viện Giám định pháp y tâm thần và Viện Y học biển) cũng chưa áp dụng viện phí mới. Dự kiến, các địa phương và bệnh viện này sẽ điều chỉnh giá viện phí mới trong năm nay… Điều lo ngại là khoảng 33% dân số còn lại chưa có thẻ BHYT, nếu mắc bệnh nặng, chi phí điều trị lớn sẽ khó có thể chi trả viện phí. Bộ Y tế và Bộ Tài chính đang trình Thủ tướng Chính phủ cho phép hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ BHYT cho người cận nghèo, người mới thoát nghèo mua thẻ BHYT (Thanh niên trang 3).
 
Đưa 500 bác sĩ trẻ về miền núi, hải đảo công tác

Ngày 22-1, Vụ Tổ chức cán bộ – Bộ Y tế đã thông báo dự thảo dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, trước mắt ưu tiên 62 huyện nghèo. 

Theo đó, đối tượng được đưa về công tác tại các vùng khó khăn nói trên bao gồm những bác sĩ mới tốt nghiệp hoặc bác sĩ đã tốt nghiệp nhưng chưa chính thức làm việc tại một cơ sở y tế công lập nào. Khi tình nguyện về công tác tại các vùng khó khăn, bác sĩ nam phải công tác tối thiểu 3-5 năm, với bác sĩ nữ tối thiểu là 2-3 năm. Trong giai đoạn 1 (từ năm 2013 đến 2016), dự án đặt mục tiêu đưa được 500 bác sĩ trẻ về công tác tại 20 tỉnh có huyện nghèo, nhằm đáp ứng nguồn nhân lực là bác sĩ về các vùng khó khăn, cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cho nhân dân ngay tại cơ sở (An ninh thủ đô trang 2, Tiền phong trang 2, Gia đình & Xã hội trang 7).
 
Nhảy lầu tự tử tại bệnh viện

Nữ bệnh nhân chạy thận miễn phí đã gần 6 năm bỗng dưng đón taxi đến bệnh viện và nhảy lầu tự tử. Vụ việc xảy ra vào khoảng 9 giờ ngày 22-1, tại bệnh viện Đà Nẵng. Nạn nhân được xác định là B.T.T (SN 1976, ngụ huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng).

Nhiều người chứng kiến vụ việc cho hay chị T. nhảy từ cửa sổ của tầng 7 bệnh viện, rơi xuống lan can tầng 3 và tử vong tại chỗ.

Người nhà của chị T. đã đến bệnh viện để nhận xác nạn nhân. Chồng chị T. cho biết chị đã chạy thận nhân tạo gần 6 năm nay tại Bệnh viện Giao thông vận tải Đà Nẵng. 

Thời gian gần đây, chị đã nhiều lần có ý định tự tử nhưng được người nhà can ngăn. Đến sáng ngày 22-1, chị T. một mình đón xe taxi đến bệnh viện Đà Nẵng rồi nhảy lầu tự tử (Tiền phong trang 15, Gia đình & Xã hội trang 7).
 
Đến mùa mong máu

ThS. Phạm Tuấn Dương, Phó Viện trưởng VHH – Truyền máu TW cho biết, hiện có gần 700 bệnh nhân thường xuyên trong tình trạng cần được truyền máu nhưng lượng máy chỉ đáp ứng được 35% yêu cầu (Chi tiết xem Gia đình & Xã hội) (Gia đình & Xã hội trang 1).
 
Đừng bỏ qua cơ hội khám sức khỏe trước hôn nhân: Bài 2: Nên qui định bắt buộc

Theo ý kiến của các chuyên gia, người dân vẫn ái ngại khi đi khám sức khỏe tiền hôn nhân vì nhiều lý do, trong đó quan trọng là nhận thức, ý thức của chính “người trong cuộc”. Do đó, để việc làm này phổ biến hơn, pháp luật cần quy định chặt chẽ và đưa nội dung này thành “bắt buộc” (Chi tiết xem Gia đình & Xã hội) (Gia đình & Xã hội trang 1).
 
Khánh Hòa: Hơn 9.340 người được khám bệnh nghề nghiệp

Năm 2012, ngành Y tế đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho gần 33.000 công nhân của 155 cơ sở; thực hiện khám bệnh nghề nghiệp cho hơn 9.340 người, trong đó gần 2.000 người được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp và 150 người được đo giám định bệnh nghề nghiệp.

Ngành đã tiến hành kiểm tra vệ sinh môi trường 51 cơ sở; kiểm tra chất lượng nước ở 8 cơ sở cung cấp nước, phát hiện 3 cơ sở có chất lượng nước chưa đạt chuẩn. Ngoài ra, ngành cũng kiểm tra nguồn nước ở 8 khu vui chơi giải trí, 30 khách sạn, 13 bệnh viện, tất cả đều đạt tiêu chuẩn theo quy định (Gia đình & Xã hội trang 1).
 
Tăng cường điều trị, quản lý người nhiễm HIV/AIDS

Theo báo cáo của Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, đến nay, tại Việt Nam, Dự án đã tư vấn xét nghiệm tự nguyện cho 118.903 người; điều trị thuốc ARV cho 25.924 người lớn và trẻ em; điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con cho 475 phụ nữ mang thai có HIV(+); phát miễn phí hơn 9 triệu bao cao su và 3.948 người đã được tiếp cận với chương trình can thiệp giảm tác hại…

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2012 và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2013 của Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS (Dự án thành phần y tế) được tổ chức tại Hà Nội ngày 22/1.

Tiến sỹ Phạm Đức Mạnh, Phó Giám đốc Dự án cho biết năm 2012, Dự án đã triển khai được 167 phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện tại 50 tỉnh, thành phố với số khách hàng trung bình hàng tháng là 60 người. Đồng thời, mở mới bảy phòng khám ngoại trú tuyến huyện tại năm tỉnh, nâng tổng số các phòng khám ngoại trú của dự án lên 145 phòng tại 50 tỉnh, thành phố; đa số các phòng khám có số bệnh nhân đang điều trị ở mức từ 51-150 bệnh nhân.

Đặc biệt, hoạt động chăm sóc tại nhà và tại cộng đồng cũng đã được dự án chú trọng với 120 nhóm đồng đẳng viên, 121 nhóm cộng tác viên chăm sóc tại nhà và 39 Câu lạc bộ người nhiễm HIV/AIDS…

Hoạt động của Dự án vẫn còn tồn tại một số yếu điểm như số người nhiễm HIV được tiếp cận và điều trị vẫn còn ở giai đoạn muộn; hầu hết các phòng khám ngoại trú không quản lý được số liệu về người nhiễm HIV và chưa điều trị ARV; tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV được phát hiện và điều trị muộn trong giai đoạn chuyển dạ còn cao; nhiều trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV bị mất dấu…

Năm 2013, Dự án Quỹ toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục lồng ghép các hoạt động của dự án vào hệ thống phòng chống HIV/AIDS, hệ thống y tế có sẵn; tăng cường vai trò điều phối của sở y tế và Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS; chú trọng hoạt động lồng ghép nhiệm vụ điều trị người nhiễm HIV/AIDS và can thiệp giảm tác hại; tập trung các hoạt động cho đối tượng như phụ nữ mang thai, người nghiện ma túy, mại dâm…

Riêng tại các huyện được chọn triển khai dự án cần tập trung nguồn lực để đẩy mạnh các hoạt động dự phòng, phấn đấu mỗi huyện quản lý được trên 100 người nhiễm HIV còn sống, trên 150 người nghiện chích ma tuý và trên 50 người hành nghề mại dâm (Gia đình & Xã hội trang 1).
 
Tăng cường giám sát các phản ứng sau tiêm chủng

Trước tình trạng xảy ra liên tiếp một số ca tử vong sau tiêm chủng  vaccine thời gian qua, ngày 22/1/2013, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa ra Chỉ thị số 01/CT-BYT về việc tăng cường an toàn tiêm chủng và giám sát các phản ứng sau tiêm chủng. 

Theo đó, sử dụng vaccine là biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất. Các vaccine dùng trong tiêm chủng được phép lưu hành tại Việt Nam đều đạt yêu cầu về tính an toàn và công hiệu, tuy nhiên trong quá trình sử dụng vaccine vẫn có thể xảy ra các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng. 

Để tăng cường công tác này, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tiêm chủng trên địa bàn bảo đảm an toàn (Gia đình & Xã hội trang 1).
 
Giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng chiều cao xuống còn 26%

Ngày 22/1, tại Quảng Bình, Viện Dinh dưỡng – Bộ Y tế tổ chức tổng kết hoạt động dinh dưỡng năm 2012 và triển khai kế hoạch năm 2013 của dự án cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em.

Dự hội nghị có Sở Y tế, Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản và Trung tâm Y tế Dự phòng của 31 tỉnh khu vực phía Bắc.

Năm 2013, mục tiêu chung của dự án là cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng (SDD) (cân nặng/tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi từ 16,2% năm 2012 xuống còn 15,6% và SDD (chiều cao/tuổi) từ 26,7% năm 2012 xuống còn 26% năm 2013. Để làm được điều đó, các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục dinh dưỡng cho người dân; hỗ trợ, phục hồi dinh dưỡng cho trẻ bị SDD nặng bằng các sản phẩm dinh dưỡng và sản phẩm bổ sung chất dinh dưỡng, ưu tiên trẻ dưới 2 tuổi, các vùng khó khăn, vùng tỷ lệ SDD cao. Các địa phương cần phòng chống thiếu vitamin A và các chất vi lượng cho trẻ dưới 5 tuổi, tổ chức kiện toàn và tập huấn cho cán bộ chuyên trách dinh dưỡng, cộng tác viên và cán bộ liên ngành làm công tác dinh dưỡng…

Năm 2012, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi của cả nước bị suy dinh dưỡng (SDD) (cân nặng/tuổi) là 16,2 %, giảm 0,6% so với năm 2011. Trong đó, trẻ SDD độ I là 14,5 %, độ II là 1,5 % và độ III là 0,1%.         Như vậy, các thể SDD đều giảm và hiện nay SDD thể nhẹ là chủ yếu. Tuy nhiên, tỷ lệ SDD chiều cao theo tuổi hiện tại so với tiêu chuẩn quy định của Tổ chức Y tế thế giới thì vẫn còn ở mức cao. Tỷ lệ SDD (chiều cao/tuổi) năm 2012 là 26,7%. Tỷ lệ SDD trẻ em tính theo các tỉnh thành có sự khác biệt khá lớn ở các vùng sinh thái khác nhau, các tỉnh khác nhau và nhất là giữa nông thôn và thành phố. Các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc tỷ lệ SDD ở trẻ em khá lớn như Hà Gang: SDD cân/tuổi là 23,1%, SDD cao/tuổi là 35%; Lào Cai: SDD cân/tuổi là 23,2%, SDD cao/tuổi là 37,8%; Lai Châu: SDD cân/tuổi là 23,5%, SDD cao/tuổi là 36,4%. (Gia đình & Xã hội trang 1).
 
Sẽ thưởng bệnh viện dùng nhiều thuốc nội

Ngày 22.1, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, sẽ thưởng mạnh cho bệnh viện nào có tỷ lệ dùng thuốc nội cao nhất.

Hiện nay, tỷ lệ dùng thuốc nội của các bệnh viện tại Việt Nammới đạt 47%, ở các bệnh viện T.Ư chỉ đạt 10-20%. Việc dùng thuốc ngoại giá cao khiến chi phí chữa bệnh đè nặng lên vai người dân. Tại Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc ViệtNam”, Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2020, tăng tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại các bệnh viện đạt 60% (Nông thôn ngày nay trang 2).
 
Bộ Y tế khẳng định không làm khó hàng rong

Trước dư luận về tính khó khả thi của Thông tư 30 quy định về quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, ngày 22.1, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Thông tư chỉ đưa ra các điều kiện cơ bản để đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm chứ không có gì là “làm khó” những người bán hàng ăn đường phố.

Theo ông Long, không thể chấp nhận tình trạng quán ăn không đủ nước rửa chén bát hay người bán dùng tay không bốc đồ ăn. Chỉ cần tuyên truyền để người ăn muốn có thức ăn hợp vệ sinh thì tức khắc người bán phải “chấp hành”.

Tuy nhiên, để thực hiện Thông tư thành công cũng cần lộ trình dài. Trước mắt, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn yêu cầu các tỉnh phổ biến nội dung thông tư đến người bán hàng, đồng thời có hỗ trợ tập huấn, đào tạo về kỹ năng an toàn thực phẩm miễn phí cho người bán hàng (Nông thôn ngày nay trang 2).

Gửi thảo luận