Đây là thời điểm bạn phải nắm được các triệu chứng bệnh và những loại thuốc cần thiết để kịp thời làm dịu sự khó chịu của trẻ. Ngoài ra, bạn còn phải biết cách vỗ về, an ủi trẻ để chúng yên tâm và chịu “hợp tác” với bạn trong việc điều trị bệnh.
1. Kiểm tra các triệu chứng
Một đứa trẻ sẽ khó có thể mô tả chính xác những gì chúng đang cảm thấy trong người. Chính vì vậy, việc kiểm tra kỹ lưỡng là điều cần thiết nhất. Sốt, tăng huyết áp, hay các cơn đau trên cơ thể… là dấu hiệu rõ ràng nhất chứng minh cho những bất ổn đang diễn ra trong cơ thể bé. Điều quan trọng nữa cần chú ý là khả năng ăn uống của con.
2. Bình tĩnh
Không nên tỏ vẻ lo lắng hay hoang mang trước mặt trẻ vì chúng sẽ quan sát mọi thái độ, cử chỉ của bạn. Nếu bạn bình tĩnh, trẻ cũng sẽ cảm thấy an toàn và không lo lắng. Sự bình tĩnh còn giúp bạn tỉnh táo để thu xếp và tập trung hơn vào việc giải quyết, kiểm soát mọi những vấn đề có thể xảy ra.
3. Nuông chiều trẻ
Hãy chịu khó nuông chiều trẻ trong giai đoạn khó khăn này, khi cơ thể chúng đang mệt mỏi và khó chịu vì phải “chiến đấu” với bệnh tật.
Nếu trẻ bị sốt hoặc không đủ khả năng để tập trung, hay trẻ đang mắc bệnh lây nhiễm, cần cho con nghỉ học. Điều này vừa giúp trẻ có thời gian để nghỉ ngơi, điều trị, vừa phòng tránh trường hợp con lây bệnh sang cho các bạn trong lớp.
Bạn có thể nấu cho con mình một chén cháo thật ngon, cho trẻ nằm trên giường hoặc chơi đùa, đọc sách trong phòng riêng của chúng.
Ảnh minh họa:Internet
4. Dự phòng thuốc
Nếu có con nhỏ, trong tủ thuốc gia đình phải có sẵn một số loại thuốc để chữa trị một số bệnh thông thường như thuốc hạ sốt, tiêu chảy, cảm, ho… dành cho trẻ em. Hãy sắp xếp tủ thuốc ngăn nắp và kiểm tra thường xuyên để có thể tìm thấy ngay loại thuốc bạn đang cần và loại bỏ những thứ hết hạn sử dụng. Đối với những bệnh thông thường và không nguy hiểm, bạn có thể cho con uống theo chỉ dẫn của nhà sản xuất.
Trong trường hợp trẻ bị nặng hoặc mắc bệnh lây nhiễm, cần đưa chúng đến bác sĩ để kiểm tra kịp thời và chính xác hơn.
5. Cho trẻ ăn uống đầy đủ
Một trong những biểu hiện thường gặp nhất khi trẻ bị bệnh là bỏ bữa. Điều này cũng dễ hiểu vì cơ thể mệt mỏi khiến con bạn khó nuốt nổi thức ăn. Tuy nhiên, trẻ cần phải ăn để có đủ năng lượng để chống chọi với bệnh. Bạn cần giải thích cho chúng hiểu điều này.
Nếu trẻ không ăn được nhiều, có thể chia nhỏ bữa ăn. Cháo, xúp, trái cây hay rau, củ luộc là những món phù hợp và dễ ăn trong giai đoạn trẻ bị bệnh. Bên cạnh đó, cần cho trẻ uống nước thường xuyên vì mất nước sẽ làm chúng mệt mỏi và đuối sức hơn.
Ảnh minh họa: Internet
6. Giữ vệ sinh
Trong trường hợp trẻ không muốn tắm, bạn có thể dùng khăn nhúng nước ấm và lau rửa cơ thể cho chúng. Thường xuyên thay drap giường và gối nằm để vi khuẩn và mầm bệnh không tích tụ lâu. Phơi nắng gối và drap nếu con bạn bị các bệnh dễ lây. Phòng ngủ nơi con bạn đang nằm phải luôn thoáng mát và sạch sẽ.
7. Cho phép trẻ thư giãn
Nằm cả ngày trong phòng sẽ làm trẻ chán ngán. Hãy cho phép trẻ xem phim, đọc sách hoặc chơi những trò mà chúng thích, miễn là trẻ không quá mệt và mất sức khi chơi.
8. Uống thuốc
Có những đứa trẻ rất sợ phải uống thuốc và thường giấu thuốc mà bố mẹ đã đưa. Nếu con bạn rơi vào trường hợp này, trước tiên bạn cần giải thích cho trẻ hiểu được tác dụng chữa bệnh của thuốc.
Ngoài ra, khi trẻ đã hoàn thành xong “nhiệm vụ” uống thuốc theo đúng yêu cầu, có thể thưởng cho chúng những thứ be bé như viên kẹo, bánh hay một ly nước cam… để trẻ không lo lắng và tiếp tục cố gắng uống thuốc trong những lần tiếp theo.