Nhầm lẫn nguy hại
Tại phòng điều trị, ông Trần Văn Lân (ở Vĩnh Phúc) đang ngồi ủ rũ nhìn đứa con trai bị ngộ độc rượu mấy ngày trước, chia sẻ: “Con trai tôi mới 21 tuổi, làm công nhân ở gần nhà. Bình thường nó ít rượu chè nhưng mấy hôm có đám cưới đứa bạn, uống rượu nhiều quá nên được bạn đưa về nhà trong tình trạng say xỉn. Vợ chồng tôi cứ tưởng nó say bình thường nên đóng cửa phòng cho nó ngủ, ai ngờ đến tối mở cửa gọi con thì không thấy động đậy. Tôi vạch mắt ra cũng không thấy động tĩnh gì, véo vào người nó cũng không thấy phản ứng nên gia đình đưa cháu lên BVĐK Phúc Yên cấp cứu. Đưa đến viện, bác sĩ bảo cháu bị hôn mê, cần chuyển lên Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai ngay. May mà lên đây cháu được các bác sĩ có chuyên môn cấp cứu nên đã qua cơn nguy kịch”.
PGS.TS Phạm Duệ cho biết, trong dịp gần Tết và ra Tết, nhiều thanh niên phải nhập viện vì rượu. Thường vào cuối năm nhiều người gặp gỡ nhau uống rượu liên hoan chia tay, đầu năm thì rượu chè gặp gỡ. Những bệnh nhân được đưa đến cấp cứu trong những ngày đó thường là ngộ độc nặng, biểu hiện như hôn mê, nôn mửa do uống quá nhiều hoặc rượu rởm. Phần lớn bệnh nhân là nam thanh niên, trong đó cũng có bệnh nhân ngoài 50 tuổi. Đặc biệt, vừa qua có một bệnh nhân nữ uống quá nhiều rượu phải nhập viện. Nhờ được cấp cứu kịp thời nên các bệnh nhân trên đã bình phục sau 3-4 ngày điều trị.
Theo PGS.TS Phạm Duệ, những trường hợp ngộ độc rượu cấp tính đều do uống quá nhiều. Nếu được xử lý kịp thời thì sẽ không để lại di chứng. Còn đối với những trường hợp nghiện rượu mãn tính, di chứng hết sức nặng nề như trí nhớ kém hoặc nhớ không chính xác, thay đổi hành vi, sa sút trí tuệ, hoang tưởng, viêm gan, xơ gan, bụng to không ăn uống và dẫn tới tử vong. Tại Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận nhiều ca xơ gan tới điều trị. Tuy nhiên, đến lúc bệnh nặng mới tới viện thì chỉ giảm nhẹ tác hại chứ không khỏi hẳn.
“Rượu cũng ảnh hưởng tới sức khỏe của giống nòi, nếu một người nghiện rượu sẽ rất khó có con và nếu có thai nhi sẽ dễ dị tật, đó là gánh nặng của gia đình và xã hội”, PGS.TS Phạm Duệ khuyến cáo.
Ngày 3/1, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết Năm an toàn giao thông 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị 63 tỉnh, thành cần triển khai quy định cấm cán bộ, công chức uống rượu bia vào buổi trưa trong ngày làm việc. PGS.TS Phạm Duệ cho rằng, việc cấm cán bộ, công chức uống rượu bia vào buổi trưa trong ngày làm việc là rất cần thiết. Vì uống rượu vào dễ gây buồn ngủ, làm việc uể oải kém hiệu quả, dễ ba hoa, nóng giận do thiếu kiểm soát, ảnh hưởng tới công việc và sức khỏe… |
Nghiện rượu có thể cai được
Để xử lý những tình huống ngộ độc rượu cấp tính, người nhà cần kê gối thấp cho bệnh nhân nôn hết rượu ra. Sau đó, để bệnh nhân ngủ, cứ vài tiếng phải đánh thức bệnh nhân dậy cho ăn cháo loãng. Tránh trường hợp để bệnh nhân đói sẽ bị hạ đường huyết nguy hiểm.
Nếu bệnh nhân lâu không tỉnh hoặc nôn quá nhiều, không ăn uống được gì hoặc cứ ăn vào là nôn thì phải đưa đến bệnh viện. Dân gian có nhiều cách giã rượu như bôi vôi vào chân người say, cho uống nước lá dong nhưng chưa có những chứng minh khoa học chứng tỏ hiệu quả của những phương pháp này. Một số người cho người say uống mật ong pha loãng nhưng nếu người say vẫn còn một lượng rượu trong người thì khi kết hợp với mật ong sẽ dễ lên men, gây say hơn.
Theo PGS.TS Phạm Duệ, có thể nhiều người không thích uống rượu nhưng ai cũng thích vui, khi được mời thì cần phải đáp lễ. Theo thói quen gặp gỡ, chia tay, việc vui việc buồn đều có rượu. Rượu được cả thế giới sử dụng vì vậy khó có thể loại bỏ rượu ra khỏi đời sống con người, nhưng uống rượu nhiều sẽ thiếu kiểm soát được hành vi, lời nói, ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng. Vì vậy, mỗi người cần phải kiểm soát tốt khi uống rượu và không nên uống nhiều.
PGS.TS Phạm Duệ cho rằng, nghiện rượu có thể cai được. Trung tâm Chống độc không có chương trình cai nghiện nhưng nếu những bệnh nhân thực sự có nhu cầu và cần được giúp đỡ thì Trung tâm cũng sẽ tạo điều kiện. Vừa qua Trung tâm đã cai nghiện thành công cho một thanh niên ở Lào Cai do gia đình tha thiết nhờ các bác sĩ giúp đỡ. Người thanh niên này nghiện rượu khá lâu, luôn ở trong tình trạng mê sảng, không còn điều chỉnh được hành vi. Sau một thời gian điều trị, thanh niên này đã cai được, đi làm trở lại và gọi điện xuống để cảm ơn bác sĩ.
“Nếu người nghiện rượu muốn cai lập tức thì cần phải có sự trợ giúp của bác sĩ. Vì lúc cai sẽ có những phản ứng sốc ban đầu như vật vã, run rẩy cần dùng tới thuốc. Còn nếu cai dần dần thì bản thân người nghiện phải có nghị lực và giảm dần liều lượng rượu. Sau một thời gian có thể giảm hẳn”, PGS.TS Phạm Duệ nói.