Trong hai ngày 2 và 3-10, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo khu vực "Ðánh giá hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết (SXH) và đề xuất các biện pháp phòng, chống SXH", với sự tham dự của các đại biểu đến từ bốn quốc gia: Cam-pu-chia, Lào, Xin-ga-po và Việt Nam.
Năm 2012, SXH được coi là dịch bệnh vi-rút lây truyền qua muỗi nguy hiểm nhất trên thế giới. Hiện bệnh có diễn biến phức tạp, trong đó có khu vực tây Thái Bình Dương và Nam Á.
Số tử vong tăng lên hằng năm và bệnh đang có nguy cơ lan rộng. Tại Việt Nam, chín tháng đầu năm 2012, có gần 48 nghìn ca SXH, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó 86,2% số ca bệnh ở khu vực miền nam. Mục tiêu của chiến lược toàn cầu trong phòng, chống SXH đến năm 2020, giảm ít nhất 25% số ca mắc và 50% tỷ lệ tử vong. Ðể ngăn chặn dịch bệnh này, bốn quốc gia thực hiện quản lý, giám sát, kiểm soát véc-tơ SXH. Bên cạnh đó, Việt Nam đã hợp tác các quốc gia sản xuất vắc-xin phòng bệnh, phối hợp các nước trong khu vực giám sát và học kinh nghiệm trong điều trị dịch bệnh SXH. (Nhân dân (trang 1) 3/10)
Ngăn chặn ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể
Thống kê của các cơ quan chuyên môn cho thấy, số vụ ngộ độc tại các bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp, khu chế xuất không phải là nhiều, nhưng khi xảy ra thường gây hậu quả nghiêm trọng.
Từ năm 2007 đến nay, cả nước ghi nhận gần một trăm vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, với khoảng 8.500 người mắc, phần lớn số người mắc phải vào các cơ sở y tế điều trị. Mới nhất, vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại Công ty Hansoll Vina (Khu công nghiệp Sóng Thần II, tỉnh Bình Dương) với 1.609 người ăn, trong đó số người nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm phải đi điều trị tại bệnh viện là 238 người. Kết quả phân tích từ các vụ ngộ độc thực phẩm cho thấy, có 19,4% do độc tố, 33,3% do vi sinh vật, 11,1% do hóa chất…
Nguyên nhân chính dẫn đến các vụ ngộ độc tập thể thời gian qua được xác định là "lỗi" trong quy trình chế biến đến cung cấp các suất ăn. Do nhu cầu các bữa ăn tập thể, bữa ăn công nghiệp ngày một gia tăng, nhiều công ty, nhà máy, xí nghiệp chấp nhận giá thành thấp, nên nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm là rất lớn. Nguồn nguyên liệu để chế biến các suất ăn rất đa dạng, nhưng chủ yếu vẫn do hộ gia đình cung cấp, cho nên rất khó kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào. Thậm chí có những cơ sở chế biến cố tình mua những nguyên liệu rẻ tiền, chất lượng kém… Ðiều đó dẫn đến nguy cơ ngộ độc từ nguyên liệu là khá cao. Trong khi đó, phần lớn các cơ sở cung cấp suất ăn cũng có quy mô nhỏ, điều kiện chế biến thực phẩm thủ công, quá trình bảo quản, vận chuyển thô sơ, cho nên khó bảo đảm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do các công ty, xí nghiệp thường ký hợp đồng cùng một lúc với hai, ba cơ sở cung cấp suất ăn, dẫn đến việc theo dõi, quản lý từ khâu nguyên liệu, chế biến và chất lượng bữa ăn gần như khoán trắng cho các cơ sở này.
Việc bảo đảm an toàn thực phẩm, nhằm ngăn chặn các vụ ngộ độc tại các bếp ăn tập thể, không chỉ bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người lao động, mà còn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm cho doanh nghiệp. Vì vậy, lãnh đạo các doanh nghiệp sử dụng lao động cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm đối với việc kiểm tra, giám sát chất lượng dinh dưỡng, an toàn thực phẩm các suất ăn do các cơ sở chế biến cung cấp. Cần coi sức khỏe người lao động là sức khỏe của chính doanh nghiệp để có những biện pháp kiểm tra, giám sát hiệu quả. Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp trong việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động, chủ động giám sát cũng như phối hợp các cơ quan chức năng phát hiện các đơn vị, cơ sở chế biến không thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các cấp chính quyền địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các công ty, xí nghiệp, các cơ sở chế biến, nơi cung cấp nguyên liệu, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật, tránh tình trạng như ở một vài địa phương thời gian qua còn trông chờ, ỷ lại và coi lĩnh vực này là công việc riêng của ngành y tế.
Ðối với ngành y tế, cần phát huy hơn nữa vai trò đầu mối quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật An toàn thực phẩm và những quy định khác có liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, cần chú trọng đào tạo, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, nhất là đối với các cơ sở sản xuất, người chế biến thực phẩm. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát, nhất là giám sát theo chuỗi từ nguyên liệu sản xuất cho tới khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Ðồng thời, có biện pháp hỗ trợ về kỹ thuật cho các công ty, xí nghiệp trong việc đánh giá chất lượng, độ an toàn thực phẩm do các cơ sở chuyên chế biến, cung cấp các suất ăn cho các bếp ăn tập thể. (Nhân dân (trang 1) 3/10)
Gia tăng số ca mắc bệnh tay chân miệng
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, trong 9 tháng đầu năm có hơn 93.000 người mắc bệnh tay chân miệng, trong đó 41 trường hợp tử vong. Những địa phương có số bệnh nhân tăng là Bắc Giang, Hà Nội, Bình Phước.
Theo Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, từ đầu năm đến nay, thành phố có gần 3.000 người mắc bệnh tay chân miệng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Y tế nhận định dịch tay chân miệng diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác. Đáng chú ý là sự lưu hành của virus EV71 rất phổ biến nên diễn biến bệnh cảnh lâm sàng nặng, dễ gây tử vong. (Tiền phong (trang 2) 03/10)
Lạm dụng kháng sinh làm tăng nhiễm khuẩn bệnh viện
Tại hội nghị Triển khai kế hoạch hành động quốc gia về tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám chữa bệnh do Bộ Y tế tổ chức ngày 2-10, GS.TS Trần Quỵ, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn BV Hà Nội cho biết, tỷ lệ nhiễm khuẩn BV của nước ta hiện dao động 5-8%.
Theo GS. Quỵ, nguyên nhân chính dẫn đến nhiễm khuẩn BV là tình trạng lạm dụng kháng sinh và ý thức rửa tay bằng xà phòng trong BV chưa cao. (An ninh Thủ đô (trang 2) 03/10)