Trang chủ » Tin tức » Điểm báo ngày 22/1/2013

Điểm báo ngày 22/1/2013


Trước tiêm chủng phải tư vấn kỹ

Liên quan đến tình trạng liên tục xuất hiện các vụ tai biến sau tiêm chủng trong hơn một tháng qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa có chỉ thị tăng cường an toàn tiêm chủng và giám sát các tai biến sau tiêm chủng. Bộ trưởng yêu cầu các cơ sở tiêm chủng phải tư vấn đầy đủ cho gia đình và người được tiêm chủng về các lợi ích/rủi ro có thể gặp phải khi tiêm chủng, khám sàng lọc theo quy định để loại trừ các trường hợp có chống chỉ định với tiêm chủng, chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư y tế để xử lý kịp thời nếu có tai biến sau tiêm chủng.

Theo chỉ thị này, chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã triển khai tại VN trong 25 năm, có 30 bệnh truyền nhiễm có thể phòng bằng văcxin. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng văcxin đã xảy ra một số tai biến sau tiêm. Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các sở y tế giám sát, phát hiện sớm, xử trí kịp thời nếu có tai biến sau tiêm. Các viện Pasteur và vệ sinh dịch tễ tăng cường giám sát định kỳ và đột xuất về chất lượng văcxin, chất lượng dịch vụ tiêm chủng, tăng cường hướng dẫn về an toàn tiêm chủng. Qua thống kê của Bộ Y tế, tỉ lệ gặp phản ứng nặng sau tiêm văcxin tại VN là 0,5-0,9/1 triệu mũi tiêm, nhưng trong hơn một tháng qua đã có chín trường hợp gặp phản ứng nặng sau khi tiêm hai loại văcxin ngừa lao và văcxin 5 trong 1
Quinvaxem, trong đó có sáu trẻ em tử vong (Tuổi trẻ trang 12, Nông thôn ngày nay trang 2, An ninh  Thủ đô trang 8, Sức khỏe & Đời sống trang 2).
 
Điều trị giãn tĩnh mạch bằng laser: thành công 96%

Đó là kết quả được công bố trong nghiên cứu "bước đầu điều trị giãn tĩnh mạch nông chi dưới bằng phương pháp laser nội mạch tại Bệnh viện Nhân dân 115". Phương pháp laser nội mạch được thực hiện tại khoa lồng ngực – mạch máu của Bệnh viện Nhân dân 115 từ tháng 8-2011 đến nay cho 60 bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới. Trong số bệnh nhân được điều trị có đến 58 bệnh nhân (96%) giảm hẳn triệu chứng lâm sàng, 9 bệnh nhân (15%) có dấu hiệu căng đau sau một tuần, không trường hợp nào bị biến chứng.

Phương pháp laser nội mạch được áp dụng trong điều trị suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới mang lại kết quả tương đối tốt so với phẫu thuật lột tĩnh mạch trước đây. Bệnh nhân khi phẫu thuật bằng phương pháp này có thể được xuất viện trong ngày, phục hồi nhanh, ít xâm lấn nên ít đau và không để lại sẹo. Chi phí một ca phẫu thuật điều trị giãn tĩnh mạch nông chi bằng phương pháp laser nội mạch khoảng 5,5 triệu đồng (Tuổi trẻ trang 12).
 
Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện bảo hiểm y tế

Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách tài chính quan trọng để xây dựng nền y tế theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển; là giải pháp bảo đảm an sinh xã hội. Chính vì vậy, các cấp, các ngành liên quan cần tháo gỡ những vướng mắc để hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân. Sau 20 năm triển khai, nhất là sau ba năm thực hiện theo Luật BHYT, đến hết năm 2012 cả nước đã có 70% số dân tham gia, trong đó các nhóm ưu tiên đã tham gia đạt 100%. Trong năm qua cả nước đã có 130 triệu lượt người có thẻ BHYT được khám, điều trị bệnh với tổng chi phí khoảng 32 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế triển khai BHYT còn nhiều hạn chế, vướng mắc từ cơ chế, chính sách đến tổ chức thực hiện.

 Ðiển hình như tại Nam Ðịnh, quá trình thực hiện có sự "vênh" quá lớn giữa các đơn vị thực hiện, chính vì vậy đến nay mới có 43% số dân toàn tỉnh tham gia  BHYT. Số người tham gia ít nên chi phí bình quân khám, chữa bệnh trên đầu người của tỉnh cũng thấp và việc bù trừ, hỗ trợ lẫn nhau giữa các nhóm đối tượng khám, chữa bệnh BHYT cũng không đáng kể. Trong quá trình triển khai, quan điểm giữa ngành y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) chưa thống nhất trong sử dụng các loại dịch vụ khám, chỉ định lựa chọn sử dụng thuốc và quá trình giám định. Chỉ đến khi quyết toán mới đưa ra ý kiến khác nhau dẫn đến tình trạng xuất toán của cơ sở khám, chữa bệnh. Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Ðịnh, đến hết quý IV năm 2012, số tiền chưa được BHXH quyết toán lên tới hơn 40 tỷ đồng. Ngày 14- 1-2013, BHXH tỉnh Nam Ðịnh tạm ứng cho bệnh viện khoảng 26 tỷ đồng, trong khi đó phần nợ từ năm 2011 là 2,5 tỷ đồng, đến nay vẫn chưa được BHXH tỉnh thanh toán. Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Ðịnh Trần Minh Châu cho biết: Bệnh viện chủ yếu khám và điều trị cho các đối tượng BHYT (chiếm tỷ lệ 70% nguồn thu viện phí), tuy nhiên kinh phí để phục vụ hoạt động này rất khó khăn do việc thanh quyết toán của BHXH còn chậm. Kinh phí vượt trần, vượt quỹ là do chi phí thuốc, vật tư tiêu hao tăng, đồng thời áp dụng các dịch vụ kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Nhiều lần, đơn vị đề nghị BHXH cho tạm ứng 80% số kinh phí thực tế đã sử dụng cho khám, chữa bệnh BHYT nhưng không được BHXH chấp nhận.

 Tuy là buổi chiều nhưng tại các phòng khám của Bệnh viện đa khoa Kiên Giang vẫn chật kín người, nóng bức, không khí ngột ngạt. Trò chuyện với bà Na cũng như nhiều người bệnh khác đang điều trị ở đây chúng tôi đều nhận thấy không có thẻ BHYT, họ sẽ khó có khả năng đến các cơ sở y tế điều trị bệnh. Nhưng ai cũng ngại khi nhắc đến số tiền phí phải bù thêm, dù tại Kiên Giang đối tượng hộ cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ đến 90% mức phí. Thời gian qua, tại Kiên Giang đã xảy ra tình trạng hàng nghìn, thậm chí là hàng chục nghìn thẻ BHYT của đối tượng cận nghèo bị chính quyền nhiều xã, thị trấn đóng gói bỏ trong tủ. Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Kiên Giang, nguyên nhân chính là các nơi không thu được 10% phí còn lại.
Ðến khi lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo phát thẻ BHYT trước tiền thu sau, thì chính quyền cơ sở không dám "tự ý làm" vì không có văn bản chỉ đạo cụ thể.
Theo Phó Giám đốc BHXH Kiên Giang Thái Văn Tính, năm 2012, toàn tỉnh chỉ có 837 nghìn người tham gia đóng BHYT, đạt 49,2% số dân. Tỷ lệ tham gia BHYT của tỉnh đạt thấp có nhiều lý do, nhưng điều cốt lõi là ý thức tự nguyện mua BHYT của một bộ phận người dân chưa cao. Trong khi đó, cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là ở cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, cũng như chưa phối hợp cơ quan BHXH trong việc thực hiện chính sách BHYT.

 Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo cho biết: Quá trình triển khai cho thấy quy định việc tham gia BHYT hiện nay chưa rõ ràng, cho nên nhiều nhóm đối tượng đã không tham gia, kể cả những đối tượng thuộc diện bắt buộc. Kinh nghiệm các nước cho thấy, để thực hiện BHYT toàn dân thì tham gia BHYT là bắt buộc. Bên cạnh đó, cũng cần rút gọn từ quá nhiều nhóm đối tượng tham gia BHYT như hiện nay (khoảng 25 nhóm) thành khoảng năm nhóm để dễ quản lý, dễ triển khai cũng như thống nhất được chế độ, nghĩa vụ và quyền lợi của người tham gia BHYT.

 Một bất hợp lý trong thực hiện chính sách BHYT hiện nay cần được tập trung tháo gỡ, đó là mức đóng và hưởng BHYT hiện nay chưa hài hòa. Bình quân một thẻ BHYT của nước ta là khoảng 600 nghìn đồng/năm, mà quyền lợi của người có thẻ BHYT hiện nay là quá rộng. Ðiều đó dẫn đến nhiều người bị bệnh rồi mới đi mua BHYT. Không ít trường hợp bỏ ra hơn 600 nghìn đồng mua thẻ BHYT nhưng hưởng tới 50, 70 thậm chí cả trăm triệu đồng. Năm 2012, cả nước có 4,5 triệu người thuộc nhóm đối tượng tự nguyện tham gia mua BHYT với số tiền 2.000 tỷ đồng, nhưng tổng số tiền chi phí khám, chữa bệnh cho nhóm đối tượng này lên đến 4.500 tỷ đồng. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, mức thu của nhóm đối tượng tự nguyện là 300 tỷ đồng, nhưng tổng chi lên đến 1.300 tỷ đồng (bội chi khoảng 1.000 tỷ đồng). Cả nước hiện có hơn 10 nghìn người suy thận, chi phí trung bình cho một người bệnh là 100 triệu đồng/năm.

 Ông Nguyễn Minh Thảo cho rằng, cần thay đổi quy định về quyền lợi của người tham gia BHYT. Ðồng thời bổ sung quy định mức hưởng BHYT tối đa trong một năm để bảo đảm sự công bằng quyền lợi giữa các đối tượng tham gia BHYT. Việc xác định mức đóng và quyền lợi được hưởng cũng chưa dựa trên những bằng chứng khoa học cụ thể, quyền lợi mở rộng đến cả các trường hợp ghép tạng, các vật tư thay thể khớp háng, chỏm xương đùi, máy tạo nhịp tim có chi phí từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng; nhiều loại thuốc điều trị ung thư với chi phí hàng trăm, thậm chí hơn một tỷ đồng mỗi năm. Tình trạng "lựa chọn ngược" vẫn diễn ra, khi người ốm, người cao tuổi, người có nhu cầu chăm sóc sức khỏe cao tham gia BHYT nhiều, làm giảm khả năng chi.

 Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 21-NQ/T.Ư về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020. Nghị quyết đã nêu rõ những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, trong đó bên cạnh những biện pháp của cơ quan chuyên môn thì cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị cần nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT. Coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng cần phải tập trung chỉ đạo, không "khoán trắng" việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về BHYT cho ngành y tế và cơ quan BHXH địa phương như một số nơi. Ðẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện BHYT, tập trung thực hiện quy chế chuyên môn chống lạm dụng Quỹ Bảo hiểm y tế. Ðối với ngành y tế cần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần thái độ đạo đức nghề nghiệp, bảo đảm sự hài lòng của người có thẻ BHYT. Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý bệnh viện, quản lý BHYT, thực hiện Quy tắc ứng xử, cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, nhằm phục vụ tốt hơn nữa cho người bệnh BHYT.
Ðồng thời nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ y tế tuyến dưới, xây dựng và hình thành mạng lưới bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện trung ương tại tuyến tỉnh, bệnh viện vệ tinh của tuyến tỉnh tại tuyến huyện. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần rà soát lại danh mục thuốc bảo hiểm để cân đối quỹ và quyền lợi của người dân.

 Công tác tuyên truyền cũng cần đẩy mạnh, trong đó tập trung vào những nội dung mà hiện nay người dân quan tâm: Người dân sẽ mua thẻ BHYT ở đâu; nghĩa vụ và quyền lợi của người tham gia BHYT trong việc thực hiện cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh… Ðặc biệt cần có giải pháp làm cho người dân nhận thức được BHYT là chia sẻ với cộng đồng, là quyền lợi của chính mỗi người tham gia. Từng bước tháo gỡ những vướng mắc, có những giải pháp hợp lý có thể đưa tổng số người dân tham gia BHYT đạt hơn 90% vào năm 2020 như mục tiêu đề ra, tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân (Nhân dân trang 3).
 
Chủ tịch nước khen thưởng ca phẫu thuật tách song sinh

Ngày 18/1, Văn phòng Chủ tịch nước đã có công văn số 98/VPCTN-TĐKT gửi Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Qua thông tin đại chúng và báo cáo của Bộ Y tế, ngày 14/1/2013, Chủ tịch nước gửi thư khen cho tập thể các bác sỹ, kỹ thuật viên thực hiện thành công ca phẫu thuật tách cặp song sinh tại BV Nhi Đồng 2 TP HCM. Thực hiện ý kiến của Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước trân trọng chuyển Thư khen và quà tặng trị giá 10.000.000đ (mười triệu đồng) của Chủ tịch nước đến Bộ Y tế để trao cho tập thể trên.

Thư Chủ tịch nước nêu rõ: Thành công này là kết quả của sự nỗ lực nâng cao năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cao và tâm huyết hết lòng vì người bệnh của ê kíp bác sỹ, kỹ thuật viên. Kết quả này khẳng định thêm thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến của hệ thống điều trị y tế Việt Nam. Đây cũng là việc làm rất thiết thực trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Lương y phải như từ mẫu” (Gia đình & Xã hội trang 7).

Gửi thảo luận