Trang chủ » Tin tức » Điểm báo ngày 19/1/2013

Điểm báo ngày 19/1/2013


Hàng nghìn bệnh nhân nghèo ở Kiên Giang được bảo trợ

Ngày 18-1, tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động bảo trợ bệnh nhân nghèo năm 2012 và đề ra kế hoạch hoạt động năm 2013. Năm qua, Hội đã vận động tiền và hiện vật với giá trị hơn 58 tỷ đồng. Hội đã thực hiện xuyên suốt các chương trình trọng tâm như: Mổ mắt 4.549 ca; trao 322 xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật và người bệnh nghèo; khám và phát thuốc miễn phí cho 23.478 lượt người. Hội đã phối hợp các bệnh viện tổ chức nhiều đợt khám bệnh tim cho trẻ em nghèo và hỗ trợ phẫu thuật cho 58 ca.
Ngoài ra, Hội còn vận động xây 76 căn nhà cho người nghèo, 32 cầu nông thôn, 16,5 km đường, khoan 148 giếng nước sạch, cấp thùng chứa nước ngọt; xe đạp, quà, học bổng cho học sinh nghèo…

Năm 2013, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Kiên Giang phấn đấu vận động và giải ngân hơn 30 tỷ đồng, tiếp tục duy trì các chương trình mà Hội đã thực hiện xuyên suốt trong thời gian qua. (Nhân dân trang 3)
 
Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác vùng khó khăn

Ngày 18-1, Bộ Y tế có cuộc họp với lãnh đạo một số bệnh viện và Trường đại học Y để chuẩn bị triển khai Ðề án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác ở các vùng khó khăn, trong đó ưu tiên 62 huyện nghèo. Theo đó, những sinh viên y khoa sắp tốt nghiệp hoặc những sinh viên mới tốt nghiệp đang trong thời gian học việc, chưa tìm được việc làm đều có thể đăng ký tham gia. Thời gian đi tình nguyện là hai năm (đối với nữ) và ba năm (đối với nam). Trước khi đi tình nguyện, các bác sĩ trẻ sẽ được đào tạo 12 tháng chuyên khoa định hướng hoặc chuyên khoa cấp 1. Nếu các sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi sẽ được các bệnh viện tuyến Trung ương tuyển dụng trước khi đưa đi tình nguyện.

Theo thống kê đã có 72 sinh viên năm thứ năm và thứ sáu của các trường Ðại học Y Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình và Y dược Thái Nguyên đăng ký tham gia đề án. (Nhân dân trang 5)
 
Nằm viện mà như ở nhà

Cầm cuốn sổ bảo hiểm y tế rách bươm, ông Đoàn Ngọc Thanh đi về phía dãy ghế bóng loáng, thư thái ngồi xuống. Ông đang hồi hộp chờ đợi vợ mình được nhập viện, điều trị miễn phí ở Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng.

Nhìn cảnh ông Thanh ăn vội trái chuối trong lúc chờ vợ mình là bà Nguyễn Thị Én đi xét nghiệm mà thương cho những phận đời khốn khó vì bệnh tật hiểm nghèo.

"Hi vọng bệnh nhân đến bệnh viện sẽ có cảm giác gần gũi như ở nhà, để bớt đau đớn hơn trong lúc phải chống chọi với căn bệnh quái ác"
Bác sĩ Trịnh Lương Trân (giám đốc Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng)


Đang đau mà khuây khỏa lắm

Khi nghe tin Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng chính thức mở cửa đón bệnh nhân (từ ngày 15-1), mới 4g sáng ngày 18-1 ông Thanh cùng bà Én khăn gói từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng. Không đi xe đò vì “ngoài tiền vé còn tiền xe thồ từ bến đến viện nữa, tốn lắm”, nên hai vợ chồng ông chấp nhận chạy xe máy.

“Mặc mấy cái áo rồi mà ra nửa đường, lạnh quá phải dừng lại nhờ chị bán bánh mì bên đường sưởi ấm mới đi tiếp chứ vợ tôi không chịu nổi, nhỡ ngã lăn ra đó thì nguy” – ông Thanh tâm sự. Hơn hai năm điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy với tám lần xạ trị nên giờ nhìn khuôn mặt bà Én xanh xao thấy rõ.

“Vợ tôi bị ung thư đại tràng. Đã hai lần phẫu thuật cắt bỏ một phần nhưng căn bệnh quái ác vẫn không buông tha. Gần hai năm rồi, gia sản có bao nhiêu bán hết sạch, vậy mà cũng chẳng đâu vào đâu”. Vừa nói đôi mắt ông Thanh vừa ứa lệ. Những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má người đàn ông 55 tuổi khiến nhiều người ngồi cạnh chạnh lòng.

Cũng khánh kiệt như vợ chồng ông Thanh, ông Võ Ngãi (62 tuổi, Điện Bàn, Quảng Nam) dù đang được điều trị ở Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng nhưng vẫn còn cảm giác như trong mơ. Hỏi ra mới biết năm ngày trước, bà Hương (vợ ông) còn phải gồng sức đứng xếp hàng chờ khám ở Bệnh viện Chợ Rẫy với số thứ tự 800.

Vợ chồng ông Ngãi làm ruộng, nhưng cứ 20 ngày lại phải bay vào TP.HCM để điều trị thuốc một lần và mỗi chuyến như vậy đi đứt cả chục triệu đồng. “Bệnh tình ông vậy mà giờ đi xe đò là chết liền. Vậy nên mỗi khi vào Chợ Rẫy là phải bán heo, gà… mà đi máy bay. Đi mãi giờ cũng hết cái để bán rồi” – bà Hương buồn bã nói. Nỗi ám ảnh về tiền nhiều hơn bệnh tật của mỗi lần đi Sài Gòn điều trị khiến ông Ngãi nhiều lần nghĩ đến cái chết. Bà Hương kể bác sĩ khám xong nói “cứ yên tâm chữa bệnh, hộ nghèo thì miễn phí hết toàn bộ”. “Đang đau mà nghe rứa là sướng, khuây khỏa lắm chú à” – ông Ngãi tâm sự thật lòng.

Bốn năm trời mang trong mình căn bệnh ung thư bàng quang, hai lần phải lên bàn mổ là chừng ấy lần ông Khôi (43 tuổi, Hòa Minh, Liên Chiểu, Đà Nẵng) phải mang giấy tờ nhà đi cầm cố. Những cuốc xe thồ của người đàn ông tiều tụy này không bù đắp được chi phí hàng trăm triệu đồng cho những lần vào viện. “Lắm lúc chán nản, nghĩ quẩn, tui định chết đi cho xong. Nhưng thương con còn dại quá mà không đành” – ông Khôi tâm sự.

Vậy nên dù đau đớn đến mấy, ông Khôi vẫn ráng ra bến xe kiếm một vài cuốc xe ôm lấy tiền phụ giúp vợ. Nhưng mỗi lần bưng bê nặng, tối về ông tiểu ra máu, lại nhập viện. Cho đến ngày hôm kia, đọc báo xong, vợ ông hớt hải báo tin mừng: “Có bệnh viện chữa ung thư miễn phí nè ông ơi”. Vậy là hai vợ chồng khăn gói xin nhập viện chỉ với một tờ giấy chứng nhận hộ nghèo. “Tui nghe miễn phí hoàn toàn mà ngỡ ngàng quá chú à” – ông Khôi nói với ánh mắt mừng vui.

Niềm hi vọng của bệnh nhân nghèo

Hình ảnh những cô điều dưỡng với ánh mắt thật tươi, miệng luôn cười chào khiến ít ai có thể nghĩ rằng đây lại là bệnh viện, mà lại là bệnh viện dành cho những người mắc căn bệnh hiểm nghèo. Uyên, cô gái Huế vừa tốt nghiệp đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng đang làm nhiệm vụ hướng dẫn tiếp nhận bệnh nhân, nói chân tình: “Bệnh viện mới mở cửa đúng ba hôm mà em gặp nhiều tình cảnh éo le lắm. Nhiều người đến khám bệnh nghèo không tưởng anh ạ. Em chỉ tiếc mới ra trường không có nhiều tiền để giúp họ”. Vậy là Uyên giúp các bệnh nhân bằng việc cố gắng chỉ dẫn thật chu đáo, bệnh nhân khát nước thì rót nước mời, ai mệt thì đưa xe lăn đẩy đi. Các hộ lý chăm sóc đến mức bà Tăng Thị Cứ (74 tuổi, Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng) phải thốt lên: “Mấy đứa chăm sóc khiến bà cứ nghĩ mình đang ở nhà”.

Không chỉ người bệnh được chăm sóc ân cần, người nhà bệnh nhân cũng được bệnh viện lo chu đáo khi mỗi người được cho một căn phòng nằm ở khu nhà dành riêng cho người thăm nuôi với đầy đủ tiện nghi từ gường đến tủ đựng tư trang, bình nước nóng lạnh. Tất cả sạch sẽ tươm tất và miễn phí cho người nghèo. Bà Hương nói mà như khóc: “Ngày trước nằm bệnh viện có khi nào tôi được một giấc ngủ tròn. Bây giờ ra đây chồng nằm giường ấm, còn mình cũng có nơi để nghỉ ngơi, đỡ cực lắm”. Không chỉ được ngủ – nghỉ miễn phí, ngay cả bữa ăn của bệnh nhân và người nhà cũng được bệnh viện “bao” trọn gói. Bếp ăn từ thiện nằm ở tầng trệt khiến nhiều bệnh nhân ấm lòng.

Theo bác sĩ Trịnh Lương Trân – giám đốc Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, ngoài việc chữa trị miễn phí cho bệnh nhân nghèo, nếu người bệnh có hoàn cảnh quá khó khăn, Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh sẽ tìm cách hỗ trợ về kinh tế, tặng kế sinh nhai để họ có cuộc sống ổn định. Cũng theo lời bác sĩ Trân, bệnh viện đang triển khai thêm khoa điều trị tâm lý cho các bệnh nhân bị ung thư giai đoạn cuối. “Nói nôm na là bệnh viện sẽ bố trí một khu vực dành riêng cho các bệnh nhân giai đoạn cuối. Ở đó hằng ngày sẽ có bác sĩ, y tá chuyên trị tâm lý đến nói chuyện để động viên họ vui vẻ, yêu đời hơn và nếu nhỡ may có chết cũng thanh thản. Cứ coi như đây là nhà của họ vậy” – bác sĩ Trân giải thích.

Đã hơn 11 giờ trưa, khu tiếp bệnh của bệnh viện vẫn nườm nượp người, trong thành phố cũng có mà ngoại tỉnh cũng nhiều. Tất cả họ đến với một ánh mắt tràn đầy hi vọng. “Nhiều người bệnh nghèo gặp tôi đều nói một câu “Trăm sự nhờ bác (bác sĩ)”. Còn chúng tôi thì nói vui lại rằng: có được bệnh viện này cũng “trăm sự nhờ bác Thanh” (ông Nguyễn Bá Thanh – bí thư Thành ủy Đà Nẵng). Chính ông Thanh là người khởi xướng xây dựng Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng rồi bếp ăn từ thiện đầy nhân ái này” – bác sĩ Trân nói. (Tuổi trẻ trang 9)
 
Kon Tum: Một trẻ chết vì uống nước ô nhiễm

Chiều 18.1, ông Trần Minh Quang – Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy – cho biết, bé gái Y Lét (18 tháng tuổi, con chị Y Ngân trụ tại thôn 5, xã Đăk Tờ Re) bị tử vong do uống nước giọt. Cùng với bé Y Lét còn có 8 trẻ em khác trong thôn sau khi ăn uống nước này đã bị đau bụng dữ dội, nguyên nhân chính do nước giọt (nước tự chảy ra từ khe suối, nhưng chưa được đun nấu) bị ô nhiễm dẫn tới trẻ em mắc bệnh tiêu chảy hàng loạt. Ngành y tế Kon Tum đã kịp thời tổ chức các biện pháp xử lý ổ bệnh tiêu chảy cấp, khống chế không để bệnh lây lan trong cộng đồng. (Nông thôn ngày nay trang 2)
 
Chống bữa ăn bẩn!

Thông tư 30 của Bộ Y tế quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, sẽ có hiệu lực từ ngày 20.1. Nếu như thông tư này được thực hiện nghiêm ngặt thì các gánh hàng, quầy hàng bán thực phẩm rong trên phố, chính thức bị “khai tử”.

Nhiệm vụ bất khả thi

Hầu như những người bán hàng rong đều ngơ ngác khi nghe hỏi về Thông tư 30. Tuy nhiên, sau khi được nêu các “đầu mục” phải thực hiện, những người bán hàng thực phẩm trên phố đều lắc đầu, “bó tay”.

Bà Nguyễn Thị Hòa từ Hà Nam lên Hà Nội đã được 3 năm, vốn ít nên bà thường mua khoai, sắn, củ dong về luộc rồi cho vào gánh, quẩy trên phố bán rong. Có lúc bà còn làm cơm nắm, giã muối vừng bán kèm. Khi được hỏi về “chứng nhận nguồn gốc hàng hóa”, bà Hòa ngơ ngác: “Khoai sắn mua ở chợ, lấy đâu ra “nguồn gốc”.

Còn cơm nắm cũng tự làm, biết xin đâu được “chứng nhận”. Bà cũng cho biết, vì ít tiền nên lâu nay bà không đi khám sức khỏe. Thỉnh thoảng bà vẫn thường, ho sốt, nhưng chỉ uống vài viên thuốc cảm mạo, đỡ bệnh lại đi bán hàng.

Còn bà Đấu, bán trà đá ở vỉa hè trước cổng chùa Quán Sứ đã hơn chục năm cũng cho biết, đá bà mua ở cửa hàng quen, cũng không rõ cơ sở sản xuất đó có đủ nguồn gốc xuất xứ hay không. Nước đá chủ yếu làm bằng nước máy, nước giếng. Trong khi đó, Thông tư yêu cầu nước đá phải đúng “quy chuẩn kỹ thuật quốc gia” mà bà lần đầu tiên nghe thấy.

Còn chị Lê Thu Mị (45 tuổi, Phú Thọ) đang bán bún đậu mắm tôm trên phố Quán Thánh chia sẻ, bún, đậu chị đều mua ở chợ, không có giấy chứng nhận. Hơn nữa, đi đường bán rong, gặp khách đâu thì “ngả mâm” đấy, cũng không thể tự chọn “vị trí sạch đẹp” được.

Bún đậu mắm tôm chỉ nằm trong 2 bên quang gánh, đặt trực tiếp dưới đất. “Bàn” ăn cũng chỉ đặt trên ghế cao khoảng 20cm trong khi đó Thông tư 30 quy định “bàn ghế bày đồ ăn thức uống phải cách mặt đất ít nhất 60cm”.

“Không có vốn thuê cửa hàng, mọi thứ chất lên vai nên không thể quẩy theo bàn ghế đúng quy định được” – chị Mị cho biết. Theo cảm quan của phóng viên, với chục cái bát và chục đĩa, bán cho vài chục khách hàng, với một xô nước xin tạm ở gần đó, chị Mị cũng khó có thể rửa bát sạch sẽ, đúng “quy chuẩn kỹ thuật quốc gia” được. …

Còn theo bà nội trợ Đào Thị Nga (Lê Quý Đôn, Hà Nội), Thông tư 30 đưa ra các quy định “siết chặt” các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố là chỉ nắm phần ngọn và chẳng khác nào “bắt cóc bỏ đĩa”. Một cơ sở sản xuất bún, đậu hay mắm tôm đâu chỉ bán cho mình bà bán bún đậu mà còn hàng trăm người bán hàng khác và hàng nghìn người tiêu dùng. Nếu 1 cơ sở sản xuất sạch thì sẽ có thêm nhiều người bán hàng sạch. Vì thế, thay vì đuổi theo các bà bán rong thì nên quản lý chặt những cơ sở sản xuất.

Quy định cũ?

Đem những bức xúc của người dân hỏi ông Trần Quang Trung – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ông này cho biết: Thông tư 30 không phải là quy định mới, thực tế trước đây Bộ Y tế đã có những quy định về việc sử dụng găng tay nylon khi tiếp xúc với thực phẩm và bày thực phẩm chín trong tủ kính. Cũng theo ông Trung, trách nhiệm thông báo và tập huấn cho những người kinh doanh thức ăn đường phố thuộc về Sở Y tế địa phương và y tế xã phường. Tuy nhiên, cũng chưa có đánh giá việc thực hiện quy định cũ đến đâu, hay chỉ nặng tuyên truyền, nhẹ xử phạt hoặc tồn tại trên giấy.

Cửa hàng kinh doanh thức ăn đường phố kinh doanh ở khu vực công cộng (bến xe, bến tàu, nhà ga, khu du lịch, khu lễ hội, khu triển lãm, hè đường phố) phải đảm bảo các điều kiện sau: Để xa cống rãnh và địa điểm ô nhiễm; có phương tiện bảo quản, che chắn thức ăn, chống bụi, côn trùng; bàn ghế, giá tủ để bày bán thức ăn, đồ uống phải cách mặt đất ít nhất 60cm; nước chế biến thực phẩm, pha chế đồ uống cho đến nước sơ chế, nước vệ sinh dụng cụ, rửa tay và cả nước đá đều phải phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia…
(Trích Thông tư 30)


Còn ông Lê Đức Thọ – Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội) lại cho biết, đây là Thông tư mới cần thời gian để người kinh doanh hiểu và thực hiện đúng. Hiện Chi cục đã phối hợp với 29 quận, huyện tập huấn, hướng dẫn nội dung Thông tư 30 đến các cơ sở dịch vụ ăn uống.

Ông Thọ cũng cho biết, quy định này khá chặt chẽ đối với điều kiện kinh doanh, quy định người bán lẻ cũng phải khám sức khỏe nên thời gian tới, nhiều cơ sở kinh doanh hàng ăn nhỏ lẻ, hàng rong sẽ bị thu hẹp.
Cũng theo ông Thọ, thành phố Hà Nội có gần 25.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhưng mới cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho gần 18.300 cửa hàng. Còn lại gần 6.700 cửa hàng vẫn hoạt động “ngoài vòng pháp luật”.

Đó là các cửa hàng có địa chỉ để quản lý, còn hàng nghìn gánh hàng rong khó “có tóc mà túm”.
Một cán bộ y tế phường cho biết, quy định nếu rõ “kiểm tra không quá 4 lần/năm đối với đối tượng kinh doanh đường phố” nhưng có hàng chục nghìn người bán, lại đi khắp nơi, chẳng có đủ lực lượng chạy theo các gánh hàng rong để kiểm tra. (Nông thôn ngày nay trang 4)
 
Kết quả kiểm định độc lập quốc tế: Xác định vaccin “5 trong 1” quinvaxem là an toàn

Liên quan đến việc một số trẻ nhỏ bị phản ứng sau khi tiêm vaccin “5 trong 1” quinvaxem (báo Sức khỏe & Đời sống đã có nhiều tin, bài thông tin về những phản ứng của Bộ Y tế với vấn đề này), ngày 18/1, TS. Nguyễn Văn Bình – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, Bộ Y tế đã phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp kiểm tra chất lượng vaccin, nghiên cứu đánh giá nguyên nhân phản ứng sau tiêm chủng. Đặc biệt, WHO đã gửi mẫu vaccin “5 trong 1” quinvaxem đến một tổ chức quốc tế để kiểm định độc lập đánh giá lại chất lượng của loại vaccin này và kết quả cho thấy vaccin “5 trong 1” quivaxem vẫn an toàn, đảm bảo chất lượng.

Cũng về vấn đề này, Bộ Y tế cũng đã công bố kết quả xét nghiệm mẫu vaccin “5 trong 1” quinvaxem: Chỉ tiêu sinh học thực hiện đạt độ an toàn chung và an toàn đặc hiệu ho gà trên động vật thí nghiệm theo Dược điển Việt Nam và tiêu chuẩn của WHO. Ngoài ra, điều tra cũng cho thấy, vaccin được vận chuyển, bảo quản đúng quy trình tiêu chuẩn, cán bộ tiêm chủng cũng thực hiện đúng quy định nên có thể loại trừ nguyên nhân do vaccin và do lỗi tiêm chủng. 
Riêng với 3 lô vaccin bị tạm đình chỉ lưu hành do liên quan đến các ca tai biến sau khi tiêm chủng cho trẻ, TS. Nguyễn Văn Bình cho biết, hiện vẫn đang trong quá trình kiểm nghiệm lại chất lượng. Nếu các kết quả kiểm nghiệm cho thấy vaccin an toàn thì mới cho phép được sử dụng tiếp.

Trước đó, trong các thông báo liên quan đến việc một số trẻ nhỏ bị phản ứng sau khi tiêm vaccin “5 trong 1” quinvaxem, Cục Y tế dự phòng cho biết, quy trình thẩm định, cấp giấy phép lưu hành, kiểm định và sử dụng vaccin tuân thủ đúng quy định. Khi sử dụng vaccin có thể xảy ra phản ứng do những nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, việc tiêm chủng cho trẻ em là cần thiết để bảo vệ cho trẻ em, gia đình và cộng đồng, chủ động phòng bệnh. Do đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia tăng cường tập huấn cho cán bộ tiêm chủng về tiêm chủng an toàn, giám sát xử lý phản ứng sau tiêm. Đồng thời, Bộ Y tế khuyến cáo các bà mẹ cần theo dõi chặt chẽ trẻ sau tiêm chủng để phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm và khẩn trương đưa đến cơ sở y tế để khám và xử trí kịp thời.(Sức khỏe & Đời sống trang 3)
 
Cấp cứu nạn nhân sập giàn giáo xây dựng ở Thái Nguyên

Tính đến 17 giờ ngày 18/1/2013 đã có 3 người tử vong và 59 người bị thương trong 2 vụ tai nạn.
Hơn 200 bác sĩ, điều dưỡng được huy động để cấp cứu nạn nhân.

Trong hai ngày 16 – 17/1/2013, tỉnh Thái Nguyên liên tiếp xảy ra hai vụ tai nạn trên công trường xây dựng. Cả hai vụ đều gây thiệt hại nghiêm trọng khiến nạn nhân tử vong. Bệnh viện đa khoa (BVĐK) TW Thái Nguyên là bệnh viện thuộc Bộ Y tế đóng trên địa bàn đã kịp thời huy động hàng trăm lượt bác sĩ, kỹ thuật viên trực tiếp tham gia cấp cứu các nạn nhân.

Vào khoảng 9 giờ sáng 17/1, tại xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên), hơn 100 người dân và công nhân đang thi công xây dựng nhà thờ Ngọc Lâm của xã (trong đó có hàng chục người đang đổ bê tông mái nhà thờ) thì nguyên mái nhà trên độ cao 10m bỗng nhiên bị đổ sập khiến tất cả những người đứng trên mái đều rơi xuống. Anh Bùi Văn Thao, một nạn nhân bị gãy tay cho biết: “Tôi may mắn rơi xuống chỗ không có bê tông nên chỉ bị gãy tay và xây xát. Có những người bị cây cột đè lên, có những người rơi xuống va đập vào bê tông”. Anh Thắng, người thân của nạn nhân Nguyễn Văn Biển – người bị chấn thương cột sống, thở dài nói: “Tết đến nơi rồi mà lại xảy ra tai nạn này, nó lại là lao động chính, không biết Tết này gia đình nó sẽ thế nào”.

10 giờ ngày 17/1, BVĐK Trung ương Thái Nguyên đã tiếp nhận cùng lúc hàng chục bệnh nhân cấp cứu. Trong đó, có 3 người đã tử vong, hơn 30 người khác bị thương. Trong đó, có 19 người điều trị tại Khoa Chấn thương chỉnh hình, 10 người vào Khoa Tim mạch, 1 ca đang mổ vỡ gan và một số bệnh nhân được điều trị tại các khoa khác. Do lượng bệnh nhân quá đông và vào cùng lúc nên bệnh viện đã phải huy động toàn bộ lực lượng, thiết bị để cấp cứu.

Trước khi xảy ra vụ sập giàn giáo xây dựng nhà thờ Ngọc Lâm (xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên), sáng ngày 16/1/2013, tại công trường thi công đổ bê tông sàn tầng 1 của công trình chợ Đồng Quang (Thái Nguyên) đã bị sập khiến nhiều công nhân bị thương và tử vong. Vào khoảng 10 giờ 45 phút ngày 16/1, BVĐK Trung ương Thái Nguyên tiếp nhận 8 bệnh nhân đầu tiên của vụ tai nạn này. Một trong số 8 công nhân nói trên ở trong tình trạng nguy kịch, đó là ông Đỗ Mạnh Hùng (41 tuổi, trú tại xã Phúc Xuân, TP. Thái Nguyên); 4 người bị chấn thương phần xương phải điều trị tại bệnh viện. Các bệnh nhân gặp nạn trong khi đang hoàn thiện đổ bê tông khoảng 80m2 sàn tầng một của dự án Chợ Đồng Quang II (tổ 11, phường Đồng Quang, TP. Thái Nguyên).

Chiều 18/1, Phó Giám đốc BVĐK Trung ương Thái Nguyên, BS. Phan Bá Đào cho biết: Tính đến 17 giờ ngày 18/1/2013 đã có 3 người tử vong và 51 người bị thương trong vụ tai nạn được các bác sĩ của bệnh viện cấp cứu. Trong đó có những người bị thương khá nặng như lún cột sống, vỡ gan, tràn khí màng phổi. Bệnh viện đã phải huy động hơn 200 bác sĩ, điều dưỡng và cả các sinh viên thực tập để tập trung cấp cứu cho các nạn nhân. Đến cuối ngày, 4 bệnh nhân ổn định đã được ra viện.

Theo điều tra ban đầu, nguyên nhân sập mái công trình là do lỗi thi công. Công trình có thiết kế, được cấp phép xây dựng nhưng người dân tự trộn bê tông một cách thủ công. Trong thời tiết mưa gió nên nền đất yếu, dễ lún, từ đó gây sập cốt-pha, sập mái nhà thờ. Sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo các cơ quan chức năng đã có mặt để động viên và hỗ trợ gia đình các nạn nhân. Trước mắt, các nạn nhân bị thương được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người, các nạn nhân tử vong được hỗ trợ 4 triệu đồng/người.

Trả lời về nguyên nhân của một trong các vụ tai nạn nói trên, bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Vụ tai nạn xây chợ Đồng Quang, nguyên nhân trước hết là lỗi chủ quan của chính người lao động. Thứ hai là do việc ghép cốt-pha không đúng kỹ thuật. Trước khi ghép cốt-pha các cây chống phải được giằng ngang, giằng dọc, nhưng ở công trình này thiếu tất cả các giằng ở bên dưới, nên khi chệch là bị đổ hàng loạt. Còn chủ quan là vì người lao động thấy thế mà vẫn cứ làm”.

Chiều ngày 18/1/2013, ông Trần Quý Tường – Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế được sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm hỏi các bệnh nhân đang nằm điều trị tại BVÐK TW Thái Nguyên sau vụ tai nạn sập giàn giáo hôm 17/1/2013. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến gửi lời chia buồn tới 3 gia đình có người thân tử nạn, chỉ đạo BVÐK TW Thái Nguyên cứu chữa tốt nhất cho người bệnh; Biểu dương sinh viên Trường ÐH Y Thái Nguyên đã hiến 99 đơn vị máu cứu sống người bệnh. Ông Trần Quý Tường thừa ủy quyền của Bộ trưởng trao cho nạn nhân đang điều trị tại bệnh viện 500.000 đồng/người và đến phúng viếng 3 nạn nhân không may tử nạn trong vụ sập giàn giáo và hỗ trợ mỗi gia đình 1 triệu đồng.

(Sức khỏe & Đời sống trang 3)

Gửi thảo luận