Trang chủ » Kho thuốc nhân loại » Dược liệu » Dầu mè tía

Dầu mè tía

Mô tả: Cây nhỡ cao 1-2m, có mủ trong. Lá hình tim dài ở gốc, dạng tròn, đường kính 12-15cm, chia thuỳ ở nửa dưới với 5 thuỳ có mũi nhọn ngắn, hơi có lông tuyến ở mép, cuống lá cũng dài bằng phiến; cuống lá và gân lá màu đỏ. Hoa xếp thành chuỳ ở ngọn. Hoa có 5 lá đài, 5 cành hoa màu đỏ cao cỡ 5mm, 3 vòi nhuỵ có nuốm hình móng ngựa. Quả nang, dài 1-1,2cm, cụt hai đầu, có 3 rãnh, hầu như nhẵn. Hạt màu xám hung, viền đen, có mồng.
Bộ phận dùng: Lá, hạt, vỏ – Folium, Semen et Cortex Jatrophae Gossypiifoliae.
Nơi sống và thu hái: Gốc ở Trung Mỹ (Braxin) được nhập trồng và cũng gặp ở trạng thái hoang dại; thường thấy dọc đường đi. Có thể thu hái lá và hạt quanh năm.
Thành phần hoá học: Lá chứa một saponin, một chất nhựa và tanin. Nhựa mủ của thân chứa một chất dầu bay hơi.
Tính vị, tác dụng: Lá và hạt gây xổ. Nhựa mủ thân có tính chất làm phân huỷ.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Hạt có dầu dùng xổ và gây nôn như hạt Dầu mè; người lớn dùng mỗi lần 20 hạt đem rang lên làm thuốc xổ. Dầu hạt cũng dùng để trị phong cùi và cũng dùng để thắp sáng. Nhựa cây bôi chữa rắn cắn. Lá sắc uống chữa ho khan, mỗi lần dùng 7-12 lá. Người ta còn dùng lá Dầu mè tía, lá Vạn niên thanh và củ Ngô đồng nấu thành cao đặc làm thuốc dán.
Ở Ấn Độ, lá dùng đắp nhọt đầu đinh, mụn nhọt, eczema và ghẻ ngứa. Nước sắc vỏ cây dùng điều kinh. Hạt gây điên dại và cũng có tác dụng gây nôn.

Gửi thảo luận