Ai cũng muốn mình có con mập mạp, khỏe đẹp, vì thế trong thai kỳ thường cố gắng ăn. Việc ăn uống thái quá thường dẫn đến tình trạng trẻ nặng quá số ký cần thiết. Theo BS Lưu Thị Thanh Loan – BV Từ Dũ TP.HCM, những trẻ mới sinh có cân trọng lớn hơn 3,5kg chưa chắc đã là khỏe mạnh. Lúc sinh, những trẻ này dễ bị sang chấn sản khoa trong đó có nguy cơ bị kẹt vai, gãy xương đòn, liệt đám rối thần kinh cánh tay… còn người mẹ có thể phải chịu những can thiệp thủ thuật như sinh hút, sinh kềm hoặc mổ sinh…
BS Thanh Loan hướng dẫn: “Để tránh những trường hợp sinh con quá to, các bà mẹ nên theo chế độ dinh dưỡng phù hợp. Thông thường, trong suốt thai kỳ, việc tăng cân nên duy trì ở mức 10-12kg. Tuy nhiên, ở những người thừa cân hoặc béo phì, việc tăng cân chỉ nên ở mức 8kg trong suốt thai kỳ. Ngược lại, ở những người gầy, nên tăng khoảng 16kg”.
Đẻ không đau
Tùy người mà cơn đau đẻ diễn ra dài hay ngắn. Song, người sinh dễ hay khó cũng đều có những cơn đau lúc chuyển dạ và khi bé “sổ lồng”. Cơn đau này làm mất sức thai phụ nên các bác sĩ sẽ thực hiện gây tê cho người mẹ để giúp quá trình vượt cạn bớt đau.
Có nhiều phương pháp giảm đau nhưng nổi bật nhất là bơm thuốc tê vào vùng quanh rễ thần kinh lưng, nhằm ngăn chặn luồng thần kinh “dẫn dắt” cơn đau về não khi tử cung lên cơn gò. Khi không còn cảm giác đau, sản phụ sẽ thư giãn, không bị tăng huyết áp, nhức đầu gây thiếu oxy cho thai, nhờ vậy mà đủ sức để vượt cạn và sinh con bình thường. Sau khi hết thuốc tê thì cơn đau đẻ đã qua mà không ảnh hưởng đến bé. BS Hoàng Thị Diễm Tuyết – PGĐ BV Từ Dũ TP.HCM cho biết: “Nếu muốn đẻ không đau cần đăng ký tại phòng tiếp nhận sinh. Bác sĩ sẽ kiểm tra về mặt y khoa xem có chống chỉ định hay không. Nếu vượt qua “ải” mới được thực hiện kỹ thuật này”.