Mô tả: Thân ngầm trong bùn, dài và to (25-40cm). Lá gần như mọc vòng ở ngọn cây, hình lông chim, dài 5-6m, có các đoạn thon, hẹp nhọn, có vảy màu lục ở mặt dưới, mép cong về phía dưới. Cụm hoa cao đến 2m; nhánh đực vàng, mang nhiều hoa đực cao 2mm, có tiền diệp hẹp; nhị 3. Quả dạng quả hạch họp thành buồng hình cầu đường kính tới 40cm, màu mận sậm, chứa 1 hạt cứng; phôi nhũ lúc non trong.
Bộ phận dùng: Gốc của lá – Petiolus Nypae.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc ở rừng sát và dựa rạch có nước lợ, gặp rất nhiều ở Cà Mau. Gò Công, Tân An ở miền Nam và Hội An, Ba ngòi ở miền Trung là những vùng có nhiệt độ quanh năm cao trên 20oC. Ta có đem gây trồng thử ở Thuỷ nguyên (Hải Phòng) nhưng cây không phát triển được. Còn ở miền Nam, cây thường được trồng trong các vuông tôm ở Cà Mau, Bến Tre để che nắng cho con tôm, kết hợp khai thác lá, dịch nhựa. Người ta cũng trồng nhiều ở 2 bên bờ sông Cửu Long tỉnh Bến Tre và sông Cần Giuộc thuộc tỉnh Long An. Do điều kiện thổ nhưỡng khác nhau nên kích thước và hương vị của Dừa nước ở mỗi nơi cũng khác nhau. Dừa nước trồng ở Bến Tre do chịu ảnh hưởng của nguồn nước phù sa sông Cửu Long nên mọc tốt, quả có kích thước lớn và vị ngọt. Ngược lại, Dừa nước trồng ở Cần Giuộc do bị ảnh hưởng nguồn nước mặn nên phát triển kém, có quả với kích thước nhỏ hơn và vị nhạt. Ở Bến Tre, nhân dân ta trồng Dừa nước lấy lá nên cây chỉ ra quả mỗi năm một lần vào tháng 9 (tháng 8 âm lịch); còn ở Cần Giuộc, dừa nước không bị cắt lá nên ra hoa kết quả quanh năm, trung bình mỗi ha trồng được 200-300 bụi Dừa nước, mỗi bụi cho 1 quầy quả nặng chừng 3-5kg.
Thành phần hoá học: Dịch cây chứa 15% sacc-harose.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Quả có phôi nhũ trong ăn ngon, còn dùng nuôi lợn mau mập. Quày quả non (bụp phèn) xào nấu với vọp có vị ngọt ngon. Nõn non còn dùng làm thuốc lá. Chất dịch ngọt hứng được từ cuống quày quả non là một nguồn lợi để chế biến đường và rượu hoặc giấm. Vỏ hạt cứng rắn như ngà được dùng làm để lợp nhà, dựng vách nhà lá. Lá non (cà bắp) dùng để gói bánh nếp hay làm các vật dụng như gàu xách, cơi trầu. Bẹ Dừa nước và sống lá được dùng để bện thừng, dệt thảm, làm dây buộc. Cơm dừa nước ăn ngon và mát, nhiều người quen gọi là "trái mát mật" chỉ cần cho vài miếng cơm Dừa nước vào ly, thêm đường cát và nước đá, trộn đều để sau 5-10 phút lấy ra ăn. Có thể làm nhân chè đậu xanh ăn cũng rất mát. Cũng có người cho rằng cơm Dừa nước còn chữa được chứng nhức đầu và đái đường nếu như ăn thường xuyên và điều độ.
Thường người ta hay dùng phần gốc của lá Dừa nước (cà bắp) đem nướng, vắt lấy nước trị bệnh sản hậu, hoặc dùng làm thuốc trị bệnh ỉa chảy với liều dùng 4-8g. "Rún" lá có tác dụng cầm máu.
Ở Philippin, lá giã ra làm bột dùng làm thuốc trị các vết cắn của động vật và rết cắn, còn dùng trị loét.
Trang chủ » Kho thuốc nhân loại » Dược liệu » Dừa nước