Mô tả: Cây thảo to sống nhiều năm, có nhiều đọt. Lá 25-30, hình ngọn giáo, dài 1-1,5m, màu xanh lục, mép lá có răng đen gốc rộng và một viền vàng dọc theo hai mép lá. Chuỳ hoa cao tới 10m, nhánh ngang ngắn, hoa màu vàng lục, hình lục lạc dài 2cm; nhị có chỉ nhị hẹp lồi ra ngoài. Quả nang cao 4cm, dai hay hoá gỗ, chứa nhiều hạt màu đen. Trổ bông sau 8-14 tuổi. Hoa vào hạ, thu. Bộ phận dùng: Lá – Folium Agaves Americanae. Nơi sống và thu hái: Gốc ở Mêhicô, được nhập trồng. Thường trồng làm hàng rào và lấy sợi. Sau khi trồng 3 năm có thể bắt đầu thu hoạch lá. Có thể thu hái 2-3 lứa lá trong 1 năm, mỗi cây có thể thu hoạch được 5-6 năm liền. Thành phần hoá học: Trong lá có rất nhiều đường khử sacc-harose, chất nhầy, vitamin C và các saponoizit steroit trong đó thành phần chủ yếu là hecogenin và tigogenin. Tỷ lệ hecogenin ở lá dứa Mỹ ở miền Bắc nước ta vào khoảng 0,03%, còn ở Ấn Độ tỷ lệ này là 0,065%. Tính vị, tác dụng: Lá có vị ngọt, hơi cay, tính bình, có tác dụng nhuận phế, hoá đàm, chỉ khái. Ở Ấn Độ, dịch lá được xem như nhuận tràng, lợi tiểu, điều kinh. Rễ lợi tiểu, làm ra mồ hôi, chống giang mai. Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở Trung Quốc, lá được dùng làm thuốc trị ho do hư lao, cầm máu và chứng thở khò khè. Ta thường dùng lá sắc uống chữa sốt, lợi tiểu. Rễ và lá phơi khô, thái nhỏ ngâm rượu uống giúp sự tiêu hoá, chữa đau nhức, thấp khớp. Ở Ấn Độ, dịch lá được dùng trong bệnh scorbut. Ở nhiều nước, dứa Mỹ được khai thác làm nguồn nguyên liệu chiết hecogenin, để từ đó bán tổng hợp ra các thuốc loại cortison. |
Trang chủ » Kho thuốc nhân loại » Dược liệu » Dứa Mỹ