Trang chủ » Kho thuốc nhân loại » Dược liệu » Dong riềng

Dong riềng

Mô tả: Cây cao 1,2-1,5m, có thể tới 2m. Thân rễ phình to thành củ, chứa nhiều tinh bột. Lá có phiến thuôn dài, thường có màu tía, bẹ tía, gân giữa to, gân phụ song song. Hoa xếp thành cụm ở ngọn thân; đài 3, cánh hoa 3, vàng vàng; nhị lép màu đỏ son, rộng 1cm; nhị vàng, môi vàng. Quả nang.
Ra hoa quả quanh năm.
Bộ phận dùng: Thân rễ, hoa – Rhizoma et Flos Cannae Edulis.
Nơi sống và thu hái: Gốc ở Mỹ châu được trồng. Cây tương đối chịu rợp, yếu chịu rét, cho năng suất 20 tấn củ trở lên sau một năm, trong điều kiện thuận lợi. Thu hái các bộ phận của cây quanh năm. Rễ dùng tươi hay phơi khô. Hoa phơi khô.
Thành phần hoá học: Củ giống củ Riềng, chứa nhiều tinh bột.
Tính vị, tác dụng: Dong riềng có vị ngọt, nhạt, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, an thần, giáng áp. Lá có tác dụng làm dịu và kích thích.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Củ luộc ăn ngon, và chế bột làm miến (bún tàu) tại nhiều vùng ở nước ta. Rễ dùng chữa viêm gan hoàng đản cấp tính. Dùng ngoài trị đòn ngã chấn thương, viêm mủ da. Hoa dùng chữa chảy máu bên ngoài. Hạt có thể tán bột rắc chữa viêm tai có mủ. Liều dùng: Rễ 15-20g, sắc uống; hoa 10-15g, hãm sôi trong nước và dùng ngay. Ở Ấn Độ, rễ được xem như làm ra mồ hôi, lợi tiểu được dùng trị sốt và phù.
Đơn thuốc:
1. Viêm gan cấp: Rễ Dong riềng tươi 60-90g đun sôi uống. Có hiệu quả sau một tuần lễ điều trị.
2. Đòn ngã chấn thương: Giã rễ tươi và đắp tại chỗ.

Gửi thảo luận