Trang chủ » Kho thuốc nhân loại » Dược liệu » Dệu

Dệu

Mô tả: Cây thảo mọc bò, dài 40-60cm, có thân phân nhánh nhiều, thường có màu hồng tím. Những cành sát mặt đất có rễ ở các đốt. Lá mọc đối, mũi mác, nhọn hai đầu, dài 1-3cm, mép nguyên. Hoa nhỏ, màu trắng, không cuống, tập hợp rất nhiều thành bông gần hình tròn hay hình trứng ở nách lá. Quả nang ngắn.
Bộ phận dùng: toàn cây – Herba Al-ternantherae.
Nơi sống và thu hái: Loài liên nhiệt đới, mọc hoang ở các bãi sông ven đường đi, bờ ruộng ẩm khắp nơi. Thu hái cây vào hè thu, rửa sạch, phơi khô dùng dần.
Thành phần hoá học: Trong các ngọn non theo tỷ lệ% có: nước 80,3, protid 4,5, glucid 1,9, cellulose 2,1, khoáng toàn phần 2,2, calcium 98mg%, phosphor 22mg%, sắt 12mg%, caroten 5,1mg% và vitamin C 77,7mg%.
Tính vị, tác dụng: Rau Dệu có vị ngọt và nhạt, tính mát, có tác dụng tiêu viêm, lọc máu, lợi tiểu, chống ngứa, tiêu sưng. Ở Ấn Độ người ta cho là lợi sữa, lợi mật và hạ nhiệt.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng trị bệnh đường hô hấp và khái huyết, viêm hầu; 2. Chảy máu cam, ỉa ra máu; 3. Đau ruột thừa cấp tính, lỵ; 4. Bệnh đường niệu đạo, giảm niệu. Dùng ngoài trị bệnh viêm mủ da, viêm vú, eczema, bệnh viêm da nổi mẩn, lở chàm, nổi hạch, tràng nhạc hột xoài ở bẹn, rắn cắn. Nó là vị thuốc nhuận gan, lợi sữa như Rau má lại là vị thuốc chữa lỵ như Rau sam, Cỏ sữa. Liều dùng 15-30g, dạng thuốc sắc. Hoặc dùng 60-120g cỏ tươi giã lấy dịch dùng uống. Giã cây tươi để đắp ngoài, hoặc nấu lên lấy nước rửa. Thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác.

Gửi thảo luận