Trang chủ » Tin tức » Điểm báo ngày 28/9/2012

Điểm báo ngày 28/9/2012

Nông dân, sinh viên được hỗ trợ 50%

 
Ngày 27-9, Bộ Y tế đã trình Chính phủ dự thảo Đề án thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân. Điểm nhấn quan trọng trong đề án này là Bộ Y tế đã đề xuất mở rộng và tăng phí hỗ trợ tham gia BHYT cho nhiều đối tượng khó khăn.
Tăng mức hỗ trợ
Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT – Bộ Y tế cho biết, hiện cả nước còn hơn 30% người dân chưa tham gia BHYT, tập trung vào những người cận nghèo, nông dân, học sinh – sinh viên, lao động tự do…
Đây cũng là những đối tượng rất cần BHYT nhưng vì điều kiện kinh tế khó khăn nên chưa chủ động, nhiệt tình tham gia. Vì vậy, trong dự thảo đề án BHYT toàn dân lần này,  Bộ Y tế đề xuất hỗ trợ nhóm học sinh-sinh viên 50% phí mua thẻ BHYT. Với nhóm người cận nghèo hiện đã được Chính phủ hỗ trợ đến 70% giá trị thẻ, tuy nhiên số người tham gia vẫn còn rất hạn chế (mới chỉ đạt chưa đến 30%) nên Đề án BHYT toàn dân đề xuất dùng ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% giá trị tiền thẻ BHYT còn lại đối với người dân thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc, miền núi hoặc các đối tượng mới thoát nghèo dưới 2 năm. 
Tương tự, với các đối tượng nông, lâm, ngư nghiệp, Luật BHYT đã quy định từ 1-1-2012 sẽ hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT từ Ngân sách Nhà nước, tuy nhiên do đời sống của các đối tượng này vẫn đang hết sức khó khăn nên trong Đề án BHYT toàn dân Bộ Y tế tiếp tục đề xuất tăng mức hỗ trợ mua BHYT lên 50%… Dù tăng mức hỗ trợ song theo bà Hương, việc nâng cao đối tượng tham gia BHYT vẫn bắt buộc nhưng hiện nay tỷ lệ tham gia cũng chưa đạt 100%.
Tăng cả quyền lợi
Có một thực tế cần phải thừa nhận, lý do khiến người dân chưa thực sự mặn mà với BHYT còn do chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng phục vụ tại các cơ sở y tế hiện nay hạn chế, gây phiền hà cho người bệnh, trong khi mức thụ hưởng từ BHYT chưa cao.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trước đây do viện phí quá thấp, các gói dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ chi phí nên giá trị chi trả của BHYT không thể nâng cao. Tuy nhiên với chính sách viện phí mới, các dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ, quyền lợi của người bệnh BHYT chắc chắn sẽ được đảm bảo tốt hơn nhiều, không còn tình trạng phải bỏ tiền túi ra chi trả cho các dịch vụ y tế ngoài khoản tiền đồng chi trả với BHYT. Bộ Y tế cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các BV cam kết sẽ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, phấn đấu giảm chi tiêu trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình xuống dưới 40% vào năm 2015 và dưới 30% vào năm 2020. 
Hiện tại, độ bao phủ BHYT ở nước ta đã đạt 64,9%. Tại Diễn đàn cấp cao về BHYT toàn dân nằm trong khuôn khổ hội nghị khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế thế giới lần 63 đang diễn ra ở Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm của các nước trong khu vực để rút ngắn thời gian, lộ trình tiến tới bao phủ BHYT toàn dân. Hàn Quốc đã mất 26 năm cho tiến trình này, Nhật Bản và Thái Lan mất 36 năm. trong khi Việt Nam mới có 20 năm thực hiện BHYT  (An ninh thủ đô (trang 6), Gia đình 7 Xã hội (trang 3) 28/9)
 

Bé 3 tuổi bị xi măng vón cục trong phổi

 
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 25-9, bác sĩ Trần Phương Nam, phó khoa tai mũi họng Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết bệnh nhi Đặng Văn Thành (3 tuổi, trú thôn Phú Hòa, xã Phú Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn khó thở do bị ximăng vón cục nằm sâu trong phổi. Theo bác sĩ Nam, bé Thành đang bị viêm phổi rất nặng bởi đã hít nhiều ximăng vào phổi, sau đó ximăng vón cục chèn ép đường thở. Hiện các bác sĩ đang làm các xét nghiệm, tiếp đó sẽ nội soi gắp những dị vật này ra khỏi phổi. Đây là lần đầu tiên bệnh viện này cấp cứu, điều trị một ca bệnh bị ximăng vón cục trong phổi.
Chị Hoàng Thị Thúy, mẹ bé Thành, cho biết chiều 23-9, cháu Thành chơi đùa với chiếc xe đạp thì bị cả bao ximăng đã mở miệng để trên xe đổ trùm lên cả người. Mặc dù người nhà dùng nước giội lên người Thành để rửa sạch ximăng nhưng bé đã lên cơn co giật, khó thở, người tím tái nên đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Khoa hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện VN – Cuba Đồng Hới cho biết đã sơ cứu bằng cách đặt ống nội khí quản cho cháu thở và dùng nước muối sinh lý rửa tạm thời bụi dính trong phổi, qua đó lấy ra được nhiều bụi ximăng vón cục. Do bệnh viện không có máy và ống mềm nội soi nhỏ để đưa vào hút bụi trong phổi và rửa phế quản nên đến trưa 24-9, cháu Thành được chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế tiếp tục điều trị (Tuổi trẻ (trang 2), Tiền phong (trang 6) 28/9).
 

Ký sinh trùng kháng thuốc sốt rét xuất hiện ở VN và Myanmar

 
Ngày 27-9, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát đi thông cáo cho hay ký sinh trùng kháng sốt rét đã được tìm thấy ở miền Trung, miền Nam VN và đông nam Myanmar.
Tình trạng này được phát hiện sau khi sự tồn tại của ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc điều trị artemisinin được xác định ở dọc biên giới Thái Lan – Campuchia và Thái Lan – Myanmar.
Theo TS Shin Young Soo, giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, artemisinin vốn là thuốc điều trị sốt rét có hiệu quả, nhưng tình trạng kháng thuốc và thời gian điều trị kéo dài đang xuất hiện ngày một nhiều. Ông Shin cho biết trước năm 2010, số ca mắc và số ca tử vong do sốt rét giảm mạnh, nhưng nỗ lực này đang bị ảnh hưởng do có khả năng tình trạng kháng artemisinin tiếp tục lây lan sang các quốc gia có lưu hành bệnh sốt rét (Tiền phong (trang 6) 28/9).
 
Trao quà trung thu tới bệnh nhi BV Bạch Mai
 
Chiều 27.9, tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động, Công đoàn Bệnh viện Bạch Mai tổ chức lễ trao quà trung thu cho bệnh nhi của bệnh viện (ảnh). Đoàn đã trao 80 suất quà tới các bệnh nhi đang điều trị  tại khoa Nhi. Mỗi suất quà gồm: 200.000 đồng, 16 hộp sữa Vinamilk và 1 hộp bánh trung thu Kinh Đô. Đây là sự hỗ trợ của Tổng Cty Ximăng VN, Cty CP sữa VN (Vinamilk), Cty CP Kinh Đô thông qua Quỹ TLV LĐ. Theo PGS – TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi, số bệnh nhân nhi nội trú tại khoa luôn quá tải, nhiều bệnh nhi từ miền núi xa xôi, khó khăn về kinh tế và bệnh tình hiểm nghèo. “Trong khi đó, khoa còn gặp nhiều khó khăn trong điều trị và kinh phí. Chính vì vậy, sự quan tâm của các đoàn thể, ban ngành với các bệnh nhi trong dịp Tết Trung thu đều rất quý giá” – bác sĩ Dũng cho biết thêm.
Nhận những món quà chân tình cho con em mình trong dịp Tết Trung thu này, nhiều thân nhân bệnh nhi đã xúc động và gửi lời cảm ơn tới Quỹ TLV LĐ và các nhà hảo tâm. Bà Thu Huyền – Phó ban Nữ công Cơ quan TCty Ximăng VN – công tác từ thiện luôn được TCty quan tâm và xác định là nhiệm vụ quan trọng. Không chỉ tặng quà, CBCNV trong TCty còn hưởng ứng nhiều chương trình từ thiện khác của Quỹ TLV LĐ những năm qua. Tận tay trao quà tới từng bệnh nhi, ông Nguyễn Hữu Thành – Trưởng ban Pháp chế đối ngoại Cty CP Kinh Đô – cho biết: “Bên cạnh công tác kinh doanh, hoạt động từ thiện luôn được Cty chú trọng, vì đó là trách nhiệm xã hội của DN. Món quà trung thu của Cty gồm những tấm bánh nhỏ bé, nhưng chứa đựng tình cảm của tập thể cán bộ, công nhân dành cho các cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn” (Lao động (trang 1) 28/9).
 

Bộ Y tế cảnh báo xuất hiện chủng virus nguy hiểm

 
Chiều 27- 9, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đưa ra cảnh báo về việc xuất hiện một chủng virus mới trên thế giới gây ra hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính rất nguy hiểm.
Cụ thể, theo thông báo của WHO-IHR ngày 25-9-2012, phát hiện một bệnh nhân 49 tuổi người Qatar có hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính có suy thận, khởi phát bệnh ngày 3-9-2012. Kết quả xét nghiệm tại Vương quốc Anh xác định bệnh nhân nhiễm chủng virus mới mang tên coronavirus, không phải là chủng virus gây bệnh SARS năm 2003.
Bộ Y tế đã họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi; chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường công tác kiểm dịch y tế biên giới; yêu cầu giám sát chặt chẽ các trường hợp mắc hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng, lấy mẫu bệnh phẩm để phát hiện sớm ngay ca bệnh đầu tiên, sẵn sàng triển khai ngay các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thường gặp ở mùa đông – xuân như cúm, viêm đường hô hấp cấp, sởi, rubella…; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn sau khi hắt hơi, ho; súc miệng bằng nước sát khuẩn và các dung dịch sát khuẩn mũi họng khác; vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường; khi thấy có các biểu hiện sốt, ho, đau họng thì cần đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời (Hà Nội mới (trang 7), Khoa học & Đời sống (trang 2), Gia đình & xã hội (trang 3), Nông thôn ngày nay (trang 2) 28/9).
 

“Amip ăn não” hiếm gặp, khó lây

 
Thông tin về “amip ăn não” gây hoang mang cho người dân, tuy nhiên trong buổi trả lời phỏng vấn Báo GĐ&XH, PGS.TS Nguyễn Văn Đề, Chủ nhiệm bộ môn Ký sinh trùng (Đại học Y Hà Nội) đã trấn an rằng kí sinh trùng này thuộc loại hiếm gặp và rất khó lây nhiễm.
Thời gian vừa qua có rất nhiều thông tin gây hoang mang về “amip ăn não người”, ông có thể cho biết rõ hơn về loài ký sinh trùng này?
Amip là nhóm đơn bào vận động bằng chân giả, bao gồm 2 nhóm chính: Nhóm đơn bào sống ký sinh và nhóm đơn bào sống tự do. Trong nhóm đơn bào sống ký sinh, đáng lưu ý là loài amip đường ruột Entamoeba histolytica, xâm nhập vào người qua đường ăn uống, thường gây bệnh lỵ amip, đôi khi chúng theo máu lên gan gây áp xe gan, lên phổi gây áp xe phổi và lên não gây áp xe não. Tuy nhiên, áp xe não do loài amip này hoàn toàn khác với loài “amip ăn não”. Chúng ta không được gọi loài amip này là “amip ăn não người”.
Trong nhóm amip sống tự do, đáng lưu ý là loài “amip ăn não” Naegleria fowleri, tồn tại trong nước hồ ao, sông, bể bơi không khử trùng, đất ẩm, có thể bất thường xâm nhập vào người qua đường mũi khi tiếp xúc với nước có mầm bệnh, mầm bệnh qua khoang mũi rồi lên não gây bệnh. Không được nhầm lẫn với loài amip đường ruột nói trên.  
Chủng amip ăn trực tiếp trên não người đã gây tử vong cho 2 trường hợp tại TPHCM, trước đó, y tế Việt Nam có ghi nhận trường hợp nào khác không thưa ông?
Hai ca bệnh “amip ăn não” gây tử vong tại TP HCM là lần đầu tiên phát hiện ở Việt Nam. Cũng như nhiều bệnh ký sinh trùng khác, khó xác định được bệnh xuất hiện ở nước ta từ lúc nào trong đó có bệnh “amip ăn não”. Hiện nay, chưa có nghiên cứu nhiều về loài amip này, chỉ mới xác định loài bằng PCR, nhất định sắp tới sẽ nghiên cứu đầy đủ hơn để chia sẻ thông tin với cộng đồng.
Thế giới đã phát hiện hàng trăm bệnh nhân tại Mỹ, Tiệp Khắc(cũ), Ấn Độ, Pakistan, Hàn Quốc, Malaysia, Anh bị amip “ăn não” tương tự như hai ca bệnh phát hiện ở Việt Nam vừa qua. Theo các tài liệu tôi có, chưa có tài liệu nào khẳng định ký sinh trùng này truyền lây qua không khí, thậm chí nước uống có mầm bệnh cũng không lây nhiễm và không lây từ người sang người. Nếu nhà khoa học nào có tài liệu khác xin được chia sẻ.
Trước khi có những nghiên cứu chính thức của các nhà khoa học về chủng “amip ăn não người” tại Việt Nam, ông có thể tư vấn cho người dân cách phòng tránh loài ký sinh trùng này?
Trước khi có những nghiên cứu chính thức của các nhà khoa học về loài amip Naegleria fowleri tại Việt Nam, chúng tôi đề nghị cộng đồng không hoang mang vì đây là bệnh rất hiếm gặp và cũng rất khó lây cho người. Chúng ta cần biết đường lây chủ yếu qua mũi khi tiếp xúc với nước không đảm bảo vệ sinh. Chúng ta cũng yên tâm vì hiện nay các bể bơi và nước máy đều được khử khuẩn bằng Clo nên không có điều kiện cho loài amip này tồn tại.
– Xin cảm ơn ông!
Tỷ lệ mắc nhiều ở người dưới 18 tuổi
Theo TS. Nguyễn Tiến Lâm – Trưởng khoa Sốt rét, Kí sinh trùng (BV Nhiệt đới TƯ), amip ăn não người chắc chắn không thể lây qua không khí. Mặc dù ký sinh trùng amip chủng Naegleria fowleri cực kỳ nguy hiểm, mắc ca nào tử vong ca đấy nhưng lại rất hiếm mắc. So với viêm não mô cầu, viêm não Nhật Bản, liên cầu lợn thì amip ăn não người không đáng phải quá lo lắng. Ở Việt Nam, năm 1974 đã có 1 bệnh nhân bị “amip ăn não” nhưng là amip thuộc nhánh khác.
Theo các nhà khoa học, chủng “amip ăn não” (Naegleria fowleri) di chuyển phải dựa vào môi trường nước như sứa. Nếu đưa vào đất khô thì nó không thể di chuyển. Khả năng lây bệnh của amip rất hiếm, từ năm 1962 tới nay chỉ có 150 trường hợp mắc, trong đó riêng Mỹ có 123 ca. Khi bệnh nhân bị nhiễm amip, thời gian ủ bệnh từ 1 đến 14 ngày. Tỷ lệ mắc nhiều nhất là người dưới 18 tuổi, chủ yếu là nam giới vì gắn liền với bơi lội, tiếp xúc với nước. Khả năng mắc bệnh là rất hiếm xảy ra (Gia đình & Xã hội (trang 1) 28/9).

Gửi thảo luận