Trang chủ » Kho thuốc nhân loại » Dược liệu » Cúc đồng tiền dại

Cúc đồng tiền dại

Mô tả: Cây thảo sống lâu năm, có gốc dày. Lá hình thuẫn hay trái xoan, mọc từ gốc, chóp tròn, mép nguyên; mặt trên phiến có lông thưa, mặt dưới có lông mềm dày. Cụm hoa đầu to; lá bắc hình sợi nhọn, có lông nhiều ở mặt ngoài. Hoa trắng ở trong, tím hồng ở ngoài. Quả bế hình thoi dẹp có 4-5 cạnh, mang mào lông.
Ra hoa vào tháng 4-6.
Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Gerberae Piloselloidis.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc trên đất núi đá vôi và rừng thưa các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Bắc Thái, Lạng Sơn, đến tận Kontum, Gia Lai và Lâm Đồng. Còn phân bố ở Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc. Thu hái cây vào mùa hạ, mùa thu; rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô dùng dần. Có khi người ta chỉ lấy cây bỏ hoa, hoặc chỉ dùng rễ.
Tính vị, tác dụng: Vị hơi đắng, tính bình; có tác dụng tiêu viêm, kháng sinh, chống ho, làm long đờm, lợi tiểu, hoạt huyết, giảm đau.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng trị 1. Cảm lạnh và ho, lao phổi, khái huyết giả; 2. Viêm hầu họng, viêm hạch hạnh nhân, viêm kết mạc cấp; 3. Loét dạ dày và hành tá tràng, viêm dạ dày ruột, kiết lỵ; 4. Viêm thận phù thũng, đái đục; 5. Trẻ em cam tích. Liều dùng 15-30g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài trị đòn ngã tổn thương, rắn độc cắn, mụn nhọt và viêm mủ da, viêm âm đạo do trùng roi. Giã cây tươi đắp chỗ đau, hoặc nấu nước để rửa.
Ở Ấn Độ, có nơi người ta dùng nước hãm rễ xông tai chữa đau tai; rễ còn dùng nấu với sữa hoặc hãm uống chữa đau ngực.

Gửi thảo luận