Trang chủ » Kho thuốc nhân loại » Dược liệu » Cúc chân vịt Ấn

Cúc chân vịt Ấn

Mô tả: Cây thảo hằng năm có lông. Thân có cánh, các cạnh có răng. Lá xoan ngược hay hình ngọn giáo, hơi nhọn ở chóp, không cuống, thót lại ở gốc, ôm thân, có răng nhỏ ở mép, dài 2-4cm, rộng 6-20mm. Cụm hoa hình rổ đo đỏ, tập hợp thành cụm hoa đầu kép, xoan lúc non, tròn lúc già, to vào cỡ 1cm; lá bắc của các cụm hoa đầu đơn hình dải hay xoan ngược hẹp, có lông nhung ở ngọn, dài 3-4mm. Quả bế có hai loại; các quả ở ngoài dạng trứng thuôn có phần phụ dạng chai, các quả ở phía trong dạng tháp ngược có 4-5 cạnh không lồi.
Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Sphaeranthi Indici
Nơi sống và thu hái: Cây mọc ở ruộng nơi ẩm vùng đồng bằng Nam bộ: Đồng Tháp, Cần Thơ. Còn phân bố ở Campuchia, Lào, Ấn Độ, Malaixia, Inđônêxia, Úc châu.
Thành phần hoá học: Có alcaloid sphaeranthin và 0,01% tinh dầu nhớt màu vàng sẫm, trong. Hoa tươi chứa tinh dầu.
Tính vị, tác dụng: Vị đắng, mùi thơm; có tác dụng bổ, khai thông, lợi tiểu, kích dục. Rễ và hạt trị giun. Dầu hoa có mùi tinh dầu thông có tác dụng giải nhiệt, bổ.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở Ấn Độ, người ta dùng cây, chủ yếu là rễ và hạt làm thuốc trị giun, dưới dạng bột, với liều 2-8g. Cây tươi giã ra cùng với bơ, bột, đường làm bánh ăn bổ, đồng thời ngăn bạc tóc và rụng tóc. Hạt chiên trong dầu vừng hoặc rễ nấu nước uống được xem như là thuốc kích dục mạnh. Nước sắc cây cũng dùng chữa rối loạn đường tiết niệu. Hoa dùng nhai nuốt để điều trị viêm màng kết. Người ta còn dùng cây, nhất là vỏ quả làm thuốc duốc cá.

Gửi thảo luận