Thiếu bác sĩ nhận chuyển giao kỹ thuật
Đó là khó khăn chung mà đại diện một số bệnh viện tuyến dưới nêu ra trong hội nghị “Tổng kết công tác chỉ đạo tuyến của Bệnh viện phụ sản Hùng Vương” ngày 16-1. Trong năm qua, Bệnh viện phụ sản Hùng Vương đã chuyển giao kỹ thuật cho bốn bệnh viện tuyến dưới và bốn bệnh viện ở các tỉnh lân cận. Theo các bệnh viện này, khó khăn lớn nhất là không có bác sĩ để tiếp nhận kỹ thuật chuyển giao và không đủ lượng bệnh nhân để thực hành. Đại diện Bệnh viện Cần Giờ (một trong những đơn vị được Bệnh viện phụ sản Hùng Vương chuyển giao kỹ thuật) cho biết hiện nay khoa sản của bệnh viện chỉ có một bác sĩ, mà bác sĩ này lại đang nghỉ sinh nên bệnh viện hầu như không có bác sĩ sản khoa, bác sĩ trẻ không ai chịu về bệnh viện dù được tăng chế độ đãi ngộ (Tuổi trẻ 18/1).
Khoảng 25.000 trẻ em bị nhiễm, ảnh hưởng bởi HIV/AIDS
Tại Hội nghị triển khai công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, bảo trợ xã hội năm 2013, diễn ra vào sáng 17.1, bà Lượng Thị Tới, Trưởng phòng Chăm sóc, bảo vệ trẻ em (Sở LĐ-TB-XH), cho biết hiện TP.HCM có khoảng 25.000 trẻ em bị nhiễm, ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Cũng theo bà Tới, TP.HCM có khoảng 1,8 triệu trẻ em, trong đó có 180.000 trẻ là con các gia đình ở các tỉnh thành khác đến và 1.150 trẻ phải lang thang kiếm sống. Những trẻ này đối diện với nhiều nguy cơ như bị lừa gạt, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục, bị buôn bán và khó tiếp cận các dịch vụ giáo dục, y tế… Trong số khoảng 25.000 trẻ bị nhiễm, ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, chỉ có khoảng 6.050 trẻ (chiếm 24,2%) được tiếp cận (Thanh niên 18/1).
Thử nghiệm phòng sốt xuất huyết bằng… thay thế muỗi trong cộng đồng: “Vũ khí” chống dịch mới?
Sáng 17.1, tại TP.Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang tổ chức hội thảo triển khai dự án “Đánh giá khả năng thay thế của quần thể muỗi Aedes aegypti mang các tác nhân sinh học Wolbachia tại một phường của tỉnh Khánh Hòa”. Lần đầu tiên, VN sẽ tham gia một dự án phòng chống dịch sốt xuất huyết (SXH) bằng phương pháp … thay thế muỗi trong cộng đồng.
Thả muỗi vào cộng đồng
Theo GS-TS Nguyễn Trần Hiển – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, các biện pháp phòng SXH hiện đang được áp dụng thường là phun hóa chất diệt muỗi, loại bỏ các dụng cụ phế thải, thả cá, thả mesocyclops… Tuy nhiên, hiệu quả còn khá hạn chế trong dự phòng và kiểm soát dịch SXH thời gian qua. Vì thế, không chỉ VN mà thế giới cũng tìm kiếm một “vũ khí” phòng dịch khác hiệu quả hơn. Với phương pháp thả muỗi vào cộng đồng này, Australia là quốc gia đầu tiên triển khai, từ đầu năm 2011. Và VN là quốc gia thứ hai.
Mục đích của các nhà khoa học nghiên cứu là tạo được loại muỗi Aedes aegypti mang vi khuẩn Wolbachi của VN, sau đó đưa vào cộng đồng để thay thế muỗi tự nhiên vốn đang truyền bệnh SXH. Wolbachia là vi khuẩn được phát hiện từ năm 1924, có mặt trên hơn 70% số loài côn trùng trên trái đất. Kết quả nghiên cứu cho thấy khi bị nhiễm Wolbachia, muỗi Aedes aegypti bị giảm tuổi thọ và ức chế được sự nhân lên của virus Dengue gây bệnh. Do đó, ý tưởng về việc làm muỗi Aedes aegypti nhiễm Wolbachia sẽ giảm tốc độ lây lan của virus Dengue gây SXH đã được đưa ra và nghiên cứu đến ngày hôm nay.
Nguy cơ tác động của Wolbachia tới sức khỏe con người cũng là câu hỏi của không chỉ Hội đồng Y đức Bộ Y tế, mà còn của chính người dân phường Trí Nguyên, TP.Nha Trang – nơi sẽ thử nghiệm phương pháp này. Trên thực tế, bản thân Wolbachia là vi khuẩn ký sinh nội tế bào, đã có mặt trong rất nhiều loài côn trùng như bướm, bọ rầy, kiến, bọ cánh cứng, nhện, giun tròn… mà con người đã tiếp xúc nhưng không bị nhiễm Wolbachia. Sau hơn 2 năm triển khai tại Australia, biện pháp này đã được chứng minh là an toàn với cộng đồng, tỏ ra là hiệu quả khi giảm quần thể muỗi Aedes aegypti tự nhiên gây SXH.
Người dân đồng thuận
VN kiên trì tham gia nghiên cứu phương pháp này, cũng một phần xuất phát từ lý do dịch SXH thời gian gần đây trong nước diễn biến phức tạp với bệnh nhân mắc, ca tử vong nhiều hơn ở một số nơi, đặc biệt là các tỉnh miền Nam và duyên hải miền Trung. Nhu cầu bức thiết cần có một phương pháp phòng bệnh chủ động hiệu quả hơn. Trước khi thử nghiệm ở đảo Trí Nguyên, dự án đã tham vấn cộng đồng ở đây trong một thời gian rất dài từ năm 2009 và đã nhận được sự đồng thuận của 97% số hộ gia đình ở đảo.
Vì thế, tháng 4 tới đây dự kiến sẽ bắt đầu đặt bọ gậy Aedes aegypti mang vi khuẩn Wolbachia vào đảo (Lao động 18/1).
WHO khẳng định vaccine “5 trong 1” an toàn
Ngày 17-1, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có thông báo gửi Bộ Y tế khẳng định vaccine “5 trong 1” Quivaxem là an toàn. Trước đó, Bộ Y tế nước ta đã nhờ WHO vào cuộc đánh giá chất lượng, độ an toàn của vaccine Quinvaxem sau khi trên cả nước xảy ra liên tiếp 5 trẻ tử vong do phản ứng sau tiêm loại vaccine này. Theo TS. Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, dù WHO đã khẳng định vaccine “5 trong 1” Quinvaxem vẫn an toàn song Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu WHO đưa mẫu vaccine này đến một tổ chức kiểm định độc lập để đánh giá lại. Với 3 lô vaccine bị tạm đình chỉ lưu hành do liên quan đến các ca tai biến tử vong nêu trên, hiện vẫn đang trong quá trình kiểm nghiệm lại chất lượng. Nếu các kết quả kiểm nghiệm cho thấy vaccine an toàn thì mới cho phép được tiếp dụng sử dụng (An ninh Thủ đô, Gia đình & Xã hội 18/1).