Trang chủ » Kho thuốc nhân loại » Dược liệu » Cỏ vắp thơm

Cỏ vắp thơm

Mô tả: Cây dưới bụi hay cây thảo sống dai, cao 25-60cm, có lông. Lá mọc đối, phiến lá hình trái xoan thuôn tròn ở gốc, dài 3-5cm, mép khía răng, cả hai mặt đều có lông mềm, mặt dưới màu trắng nhạt. Hoa nhỏ, màu lam nhạt hay tía, họp thành chùy ở nách lá. Quả nang có lông cứng, nứt thành 4 mảnh, với 4 nhân, mỗi nhân 1 hạt.
Ra hoa vào tháng 6.
Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Caryopteridis Incanae.
Nơi sống và thu hái: Loài của Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Cây mọc hoang dại ở một số nơi trên miền bắc, thường thấy có nhiều ở vùng Phả Lại, tỉnh Hải Hưng. Thu hái toàn cây quanh năm, rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô trong râm cho khô, cất dùng dần.
Thành phần hoá học: Có tinh dầu.
Tính vị, tác dụng: Vị cay thơm, tính ấm; có tác dụng làm ra mồ hôi, trừ phong, thư dãn gân, làm long đờm, chống ho, tán huyết ứ, giảm đau.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng chữa: 1. Cảm phong hàn; 2. Viêm phế quản mạn tính; 3. Phong thấp đau lưng, đòn ngã tổn thương; 4. Viêm dạ dày ruột; 5. Ðau bụng kinh, đau trước khi sinh. Dùng ngoài trị mụn nhọt, viêm mủ da, eczema, ngứa, lở sơn, vết thương chảy máu. Liều dùng 15-30g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài giã cây tươi để đắp hoặc đun sôi lấy nước để rửa.
Ðơn thuốc:
1. Chữa phong thấp lưng cơ đau mỏi, thân thể nặng nề, chân tay tê bại, hoặc do lao động hay bị thương ứ máu sưng đau; dùng 30-40g, đổ nước, bịt kín ấm, sắc vài dạo, rót thuốc ra pha thêm một chén rượu uống. Hoặc dùng Cỏ vắp thơm cả cây, cùng Huyết giác, hai vị bằng nhau ngâm rượu uống dần.
2. Viêm dạ dày ruột: Cỏ vắp thơm 30g, Ðịa du 15g sắc uống, liên tục trong 10 ngày.

Gửi thảo luận