Trang medicalxpress ngày 7/8 đưa tin, nghiên cứu do tiến sỹ Lisa Smithers chuyên ngành y tế cộng đồng tại Đại học Adelaide đứng đầu đã xem xét mối liên hệ giữa thói quen ăn uống của những đứa trẻ được 6 tháng, 15 tháng và 2 tuổi với chỉ số IQ của chúng khi được 8 tuổi.
Nghiên cứu được tiến hành với hơn 7.000 trẻ em đã so sánh giữa nhiều chế độ ăn uống khác nhau, trong đó có thức ăn sẵn cho trẻ em, bú sữa và đồ ăn vặt.
Tiến sỹ Smithers nêu rõ: "Thức ăn hàng ngày cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của tế bào não trong hai năm đầu đời, và mục đích của nghiên cứu này là nhằm xác định xem chế độ ăn uống sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chỉ số IQ của trẻ nhỏ. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy trẻ em bú sữa trong sáu tháng và thường xuyên có một chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm những thức ăn như đậu, pho mát, hoa quả và rau trong khoảng từ 15-24 tháng, có chỉ số thông minh cao hơn 2 điểm khi tám tuổi."
"Còn những trẻ em thường ăn bánh quy, chocolate, kẹo, đồ uống giải khát và khoai tây chiên giòn trong hai năm đầu có chỉ số IQ thấp hơn 2 điểm vào lúc 8 tuổi."
Nghiên cứu cũng phát hiện một số tác động tiêu cực của thức ăn sẵn cho trẻ em đối với IQ khi cho trẻ ăn lúc sáu tháng, nhưng lại thấy một số mối liên hệ tích cực khi cho trẻ ăn lúc 24 tháng. Do đó theo bà Smithers, nghiên cứu này cho thấy rõ sự cần thiết phải cho trẻ ăn thức ăn lành mạnh trong giai đoạn hình thành quan trọng của cuộc đời.
Nghiên cứu này được đăng trên trang web của tạp chí Dịch tễ học châu Âu.