Hói vì nang tóc "ngủ quên"
Một số nghiên cứu gần đây phát hiện thấy, tình trạng rụng tóc hay hói ở một số người là do các nang tóc đã bị mắc kẹt trong trạng thái "ngủ" nên không thể sản sinh ra các sợi tóc mới nữa.
Quá trình sinh trưởng và phát triển của tóc tuân theo một chu kỳ nhất định. Nang tóc là cơ quan nhỏ xíu trên da, chịu trách nhiệm cho sự sinh trưởng và phát triển của các sợi tóc. Chúng sản sinh các sợi tóc trong 2 – 6 năm trước khi những sợi tóc này rụng dần và nang tóc rơi vào tình trạng không hoạt động trong 1 khoảng thời gian ngắn, từ vài tuần cho tới vài tháng. Sau đó, chúng sẽ hoạt động trở lại và sản sinh một lứa tóc mới.
Theo ước tính của các nhà khoa học, tại bất cứ thời điểm nào thì cũng có khoảng 15% số nang tóc đang ngủ. Tuy nhiên, với một số người, trạng thái ngủ của các nang tóc kéo dài vĩnh viễn và nếu như nhiều nang tóc tại cùng một khu vực trên da đầu đều rơi vào trạng thái này thì sẽ dẫn đến hói đầu.
Tế bào dermal papilla giữ vai trò truyền tín hiệu mọc tóc tới các nang tóc và góp phần phân loại các tế bào gốc. Thông thường, các tế bào gốc chưa trưởng thành trên da sẽ được phân ra làm 2 loại: Loại 1 phát triển thành tế bào da bình thường và loại 2 phát triển thành các tế bào nang tóc. Nếu tín hiệu không được truyền đúng cách, các nang tóc sẽ tiếp tục duy trì trạng thái ngưng hoạt động và các tế bào gốc chưa kịp phân loại sẽ trở thành những tế bào da bình thường, thay vì tế bào nang tóc.
Thay đổi "số phận" của tế bào gốc
Mới đây, nhóm các nhà nghiên cứu đến từ nhiều trường đại học khác nhau tại Mỹ đã khám phá ra rằng 2 yếu tố đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của tóc và quá trình hói đầu là vitamin D và những vi thụ thể giữ chức năng tiếp nhận nó.
Theo đó, vitamin D chính là chìa khóa để giải phóng những thụ thể ở nang tóc đang bị kìm hãm trong trạng thái ngủ.
Năm ngoái, nhóm nghiên cứu của GS Marie Demay tại Đại học Harvard (Mỹ) tìm thấy một phân tử khác mang tên LEF1, có thể kích hoạt các thụ thể vitamin D, ngay cả khi không có vitamin D. Theo đó, nếu những phân tử này kích hoạt thụ thể vitamin D, chúng sẽ thay đổi "số phận" của những tế bào gốc thành tế bào nang tóc.
Nghiên cứu của Đại học Tokyo (Nhật Bản) còn cho thấy, vitamin D nếu được hấp thụ ở mức độ vừa phải sẽ kích thích phát triển các tế bào dermal papilla.
Thí nghiệm trên chuột cho thấy, nhiều tế bào gốc được chuyển sang nhóm làm tế bào nang tóc nhiều hơn khi vitamin D được bổ sung trong giai đoạn phát triển cuối của tế bào, đồng thời lượng nang tóc trưởng thành và sản sinh ra các sợi tóc cũng nhiều hơn. Như vậy, rất có thể 1 nang tóc có thể sản sinh ra 1.000 sợi tóc.
Một thử thách cho các nhà khoa học là vitamin D có quá nhiều chức năng, như giúp xương chắc khoẻ, làm đẹp da… Uống quá nhiều vitamin D có thể mang lại tác dụng phụ tiêu cực như bị tích tụ canxi trong máu gây suy thận hoặc các vấn đề khác về thận.