Trang chủ » Tin tức » Điểm báo Ngày 16/1/2012

Điểm báo Ngày 16/1/2012

Miền Bắc thiếu trầm trọng máu điều trị

Hiện nay do thời tiết ở miền Bắc giá lạnh, cộng thêm không khí chuẩn bị Tết nguyên đán nên số người đi hiến máu giảm quá nửa so với bình thường. Trong khi đó, nhu cầu máu phục vụ điều trị không những không giảm mà lại có xu hướng tăng lên, khiến cho tình trạng thiếu máu diễn ra trầm trọng trên quy mô rộng.

Từ nay đến Tết cần 12.000 đơn vị máu

Chỉ tính riêng tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương thời điểm này, trung bình mỗi ngày cần khoảng 700 đơn vị máu để đáp ứng điều trị cho 600-700 bệnh nhân. Tất cả đều là những bệnh nhân mắc các bệnh nặng về máu, phải truyền máu liên tục mỗi ngày. Vậy nhưng khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, nhiều ngày liền Viện không tiếp nhận được đơn vị máu hiến nào. Đấy là chưa kể Viện còn phải đảm trách nhiệm vụ của một cơ sở tuyến đầu, cung cấp máu điều trị cho khoảng 100 BV khu vực phía Bắc. Tại Viện hiện chỉ còn khoảng 4.000 đơn vị máu dự trữ, chưa đủ để cung cấp cho tất cả các BV trong vòng… 1 tuần. Trên thực tế, đây cũng là tình trạng đã diễn ra suốt nhiều năm nay, mỗi khi đến dịp Tết cổ truyền.

Bệnh nhân Bùi Huy Thục, 72 tuổi, quê Thanh Hóa, hiện đang điều trị bệnh rối loạn sinh tủy tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương chia sẻ, năm ngoái ông vào Viện Huyết học cấp cứu dịp giáp Tết nguyên đán. Khi đó, do lượng máu lưu trữ của Viện khan hiếm nên ông cũng như các bệnh nhân khác phải vận động người nhà hiến máu cho mình, song đây chỉ là giải pháp tình thế. Lúc bấy giờ, còn khoảng 15 ngày nữa mới diễn ra Lễ hội Xuân Hồng (lễ hội hiến máu tình nguyện lớn nhất trong năm), trong khi các bệnh nhân không thể chờ đợi được bất cứ ngày nào. Nhiều bệnh nhân chạy đôn chạy đáo các nơi tìm mua máu. Để khắc phục, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã phát động toàn thể cán bộ công nhân viên của Viện hiến máu để cấp cứu người bệnh, nhằm có thêm máu điều trị ngày nào hay ngày ấy. Cũng theo ông Thục, thời điểm hiện nay tình trạng thiếu máu tại Viện Huyết học lại tái diễn và rất nhiều bệnh nhân mới vào đang phải trải qua tình trạng giống như ông từng trải qua.

GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương chia sẻ, thiếu máu dịp Tết diễn ra trên quy mô cả nước song đặc biệt trầm trọng ở khu vực phía Bắc. Lý do ngoài ảnh hưởng của không khí Tết, thời tiết giá lạnh cũng khiến người ta ngại đi hiến máu hơn. Bên cạnh đó, sinh viên các trường đại học – cao đẳng đang bước vào kỳ thi cuối kỳ, sau đó lại rục rịch về quê ăn Tết nên không đi hiến máu.

Đừng để bệnh nhân chết vì thiếu máu

Cũng giống như Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, tại khoa Ung bướu – BV Nhi trung ương thời điểm này, sự lo lắng hiển hiện trên gương mặt của từng người nhà các bệnh nhi đã có thâm niên ăn Tết tại BV. Với những bệnh nhi chưa đến mức quá cần máu hàng ngày, vài tuần gần đây lượng máu truyền đã bị cắt giảm gần nửa. Số lượng máu hạn chế còn lại phải ưu tiên dành cho các bệnh nhân cấp cứu. Theo TS.BS Đỗ Minh Cầm, trưởng khoa Huyết học – BV Nhi Trung ương, tình trạng thiếu máu kéo dài có thể ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bệnh nhân song do thiếu máu nên thời điểm này BV cũng không thể cung cấp máu đầy đủ, đều đặn cho tất cả các bệnh nhân được. Phương châm không để bệnh nhân chết vì không có máu điều trị được đặt lên hàng đầu.

Bác sĩ Ngô Mạnh Quân, Trưởng khoa Vận động và Tổ chức Hiến máu Tình nguyện – Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết, tình trạng khan hiếm máu điều trị dịp Tết nguyên đán năm nay đến sớm hơn dự kiến. Lượng máu hiến đã bắt đầu giảm nhanh và mạnh ngay sau Tết dương lịch 2013 tại thời điểm này, các lịch hiến máu mới đáp ứng 35% nhu cầu. Viện nhận định, đến cuối tháng 1 và cả tháng 2-2013, tình trạng thiếu máu do thiếu nguồn người cho máu sẽ lên đến đỉnh điểm. GS.TS Nguyễn Anh Trí ước tính, từ nay đến Tết nguyên đán, Viện cần khoảng 12.000 – 14.000 đơn vị máu để đáp ứng điều trị, cấp cứu. Nếu vận động tốt, tổ chức tốt công tác hiến máu tình nguyện thì may ra mới có thể đủ máu điều trị trong dịp Tết này. Nếu không, sẽ không tránh khỏi có những trường hợp tử vong vì thiếu máu điều trị kịp thời. (An ninh thủ đô (trang 4) 16/1)

Bớt chữ ký để bệnh nhân bớt chờ đợi

Ngày 15-1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đi kiểm tra thực tế quy trình khám chữa bệnh tại Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương TP.HCM.

Sau khi đi theo một bệnh nhân đến khám bệnh tại bệnh viện từ khâu đầu tiên là đăng ký khám bệnh đến khâu cuối cùng là nhận thuốc, bà Tiến đã đưa ra một số góp ý cho bệnh viện để đẩy nhanh quy trình khám bệnh như tổ chức thêm bàn lấy máu xét nghiệm cho bệnh nhân, mở thêm cửa để thu viện phí… Ngoài ra, bà Tiến cũng lưu ý sơ đồ hướng dẫn quy trình khám bệnh của bệnh viện còn rối rắm, khó hiểu, cần phải rõ ràng hơn.

Báo cáo với bộ trưởng về cải tiến quy trình khám chữa bệnh, bác sĩ Lê Thanh Chiến, giám đốc Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương, cho biết hiện nay khoa khám bệnh của bệnh viện có 28 phòng khám, 63 nhân viên (12 bác sĩ, 47 điều dưỡng, 4 hộ lý) cùng 25 bác sĩ chuyên khoa. Mỗi ngày khoa khám bệnh tiếp nhận 1.200-2.500 bệnh nhân.

Trước đây, quy trình khám bệnh ở Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương gồm 12 khâu với thời gian chờ đợi khá lâu. Bệnh viện đã bỏ hai khâu mang tính hành chính không cần thiết là thu tạm ứng viện phí và duyệt toa thuốc bảo hiểm. Ngoài ra, bệnh viện còn có những cải tiến ở các khâu trong quy trình khám bệnh. Cụ thể, nhận đăng ký khám bệnh qua tổng đài 1080, qua website của bệnh viện. Gộp chung khâu nộp thẻ và lấy số thứ tự làm một.

Tại phòng khám bệnh, bác sĩ phải có mặt đúng giờ, bố trí điều dưỡng trước khu vực khám…, bác sĩ kê toa trên máy vi tính và ký phiếu xét nghiệm trước cho lần tái khám sắp tới. Khâu xét nghiệm: rút ngắn phần hành chính, thực hiện mã vạch. Khâu chẩn đoán hình ảnh: tách riêng siêu âm nội trú, ngoại trú, liên kết thông tin từ khoa khám bệnh đến khoa chẩn đoán hình ảnh. Áp dụng thanh toán qua thẻ ATM, xây dựng bệnh án điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối giữa các phòng, khoa…

Nhờ những cải tiến nói trên, bệnh nhân bảo hiểm y tế chỉ khám đơn thuần thì tổng thời gian khám giảm từ 3,5 giờ như trước đây xuống còn 2,16 giờ. Bệnh nhân khám, xét nghiệm giảm thời gian từ 4,3 giờ xuống còn 3,2 giờ. Bệnh nhân khám, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh giảm thời gian từ 4,6 giờ xuống còn 3,6 giờ.

Theo lãnh đạo bệnh viện, mục tiêu sắp tới của bệnh viện là cố gắng để bệnh nhân khám bệnh đơn thuần không mất quá 2 giờ, bệnh nhân khám bệnh cộng với các xét nghiệm cận lâm sàng không mất quá 4 giờ.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết sắp tới sẽ có bộ tiêu chí đánh giá bệnh viện. Các bệnh viện sẽ tự đánh giá mình, đồng thời có một tổ chức khác đánh giá độc lập, từ đó sẽ xếp hạng bệnh viện. Việc đánh giá, xếp hạng bệnh viện không theo tuyến nữa mà theo chất lượng quốc tế và khu vực. Trong đó, lấy sự hài lòng của bệnh nhân làm trung tâm.
Việc cải tiến quy trình khám bệnh để bệnh nhân không phải mệt mỏi vì chờ đợi là rất quan trọng để nâng cao thứ hạng của bệnh viện.

“Phải nghiêm túc xem bệnh nhân là khách hàng của bệnh viện. Bớt được chữ ký nào không cần thiết là bớt được sự mệt mỏi cho bệnh nhân” – bà Kim Tiến nhấn mạnh. (Tuổi trẻ (trang 8) 16/1)

Người nghèo được chữa bệnh ung thư miễn phí

Ngày đầu mở cửa đón tiếp bệnh nhân, Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng đón hàng trăm bệnh nhân ung thư trên địa bàn thành phố, miền Trung và cả nước với chính sách miễn phí cho người nghèo.

7 giờ sáng qua (15-1), sảnh chờ đón tiếp của bệnh viện đã đông đúc bệnh nhân, người nhà đến đăng ký. Ông Nguyễn Thị Minh Khôi (43 tuổi, Hòa Minh, Liên Chiểu, Đà Nẵng) gầy nhom, vàng sẫm, được người nhà dìu đến bệnh viện.

Vừa đặt chân đến sảnh chờ, ông Khôi được các nhân viên hướng dẫn tận tình chỉ dẫn, đăng ký và đi đến các khoa phòng khám, xét nghiệm ung thư. Hơn 5 năm nay, ông
Khôi bị ung thư bàng quang, đã điều trị, phẫu thuật nhiều nơi, hết tiền, đành bỏ và khối u vẫn tái phát.

“Có người phẫu thuật cắt bàng quang cùng tôi ở Huế tháng 11-2012, nay đã mất rồi. Tôi may mắn còn sống”, ông Khôi nói.

Chị Nguyễn Thị Kim Thoa (20 tuổi), ở Phan Rang (Bình Thuận) bắt xe ra Đà Nẵng từ hôm trước để đăng ký khám sàng lọc ung thư. TS.BS Nguyễn Anh Quân, Trưởng khoa Tầm soát ung thư, cho hay: Tùy mỗi loại tầm soát, xét nghiệm có mức giá quy định khác nhau. Bệnh nhân nghèo có BHYT sẽ được hưởng chính sách miễn phí của bệnh viện. Với những bệnh nhân ung thư được phát hiện giai đoạn đầu vẫn có thể điều trị như những bệnh khác. Và khả năng chữa khỏi rất cao.

Theo ThS.BS Trần Văn Tiến, Phó trưởng khoa Khám bệnh và cấp cứu (BV Ung thư Đà Nẵng): Chỉ trong buổi sáng ngày đầu mở cửa, bệnh viện đã đón hơn 70 bệnh nhân, không chỉ ở Đà Nẵng, Quảng Nam, mà nhiều người ở TPHCM Bình Thuận, Nghệ An, Thanh Hóa… Hầu hết phải nhập viện điều trị nội trú.

“Mắc bệnh ung thư coi như sạch nhà sạch cửa. Nghe bệnh viện có nhiều chính sách hỗ trợ nên tôi ráng ra đây”, chị Thoa nói.

Bác sĩ Trịnh Lương Trân – Giám đốc BV Ung thư Đà Nẵng cho biết: Để đánh giá hết tính năng ưu việt và nhân văn của bệnh viện cần có thời gian để kiểm nghiệm thực tế.

Tuy nhiên, với trang thiết bị máy móc hiện đại, đồng bộ nhiều thiết bị thuộc loại hiện đại nhất Việt Nam, như máy CT-scan đa lát cắt, máy MRI 3T, máy tăng sáng truyền hình, máy siêu âm màu 4 chiều, máy nội soi can thiệp, máy xét nghiệm sinh hóa tự động, hệ thống trang thiết bị xạ trị ung thư kỹ thuật cao… chúng tôi tin tưởng sẽ khám, điều trị và tầm soát ung thư có hiệu quả cao. Giai đoạn đầu, bệnh viện đưa vào sử dụng 200 giường bệnh và 21 khoa với 415 nhân viên, trong đó có 74 bác sĩ.

Gần 2/3 giường bệnh được sử dụng ngay trong ngày đầu tiếp nhận. Cũng theo BS Trân, những bệnh nhân thuộc diện hộ nghèo, có BHYT, có hộ khẩu tại TP Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh miền Trung sẽ được miễn phí hoàn toàn chi phí điều trị, sau khi trừ phần được BHYT thanh toán.

Đặc biệt, các loại thuốc nằm ngoài danh mục thanh toán của BHYT cũng được cấp phát miễn phí. Bệnh viện có khu ký túc xá cho người nhà bệnh nhân ăn ở miễn phí… (Tiền phong (trang 4) 16/1)

Thủ tướng phê duyệt đề án giảm tải bệnh viện
 
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 – 2020, đề nghị Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan từng bước giảm tình trạng quá tải bệnh viện ở hai khu vực khám bệnh và điều trị nội trú, phấn đấu không để người bệnh phải nằm ghép trong bệnh viện; trước mắt tập trung giảm quá tải ở các chuyên khoa: Ung bướu, ngoại – chấn thương, tim mạch, sản và nhi thuộc một số bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối của hai thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Đề án đưa ra mục tiêu giảm công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện có công suất sử dụng gường bệnh quá cao (>120%) thuộc tuyến trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của hai thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh xuống dưới 100%; cơ bản khắc phục tình trạng nằm ghép vào năm 2015; phấn đấu từ năm 2020 trở đi không còn tình trạng quá tải bệnh viện.

Cụ thể, đầu tư cho y tế cơ sở, nâng công suất sử dụng giường bệnh của bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh hiện có công suất sử dụng bệnh thấp đạt 60% vào năm 2015 và 80% vào năm 2020. Trong đó, đầu tư xây mới, nâng cấp các bệnh viện thuộc Đề án, đến năm 2015 tăng tối thiểu 7.150 giường bệnh. Tiếp tục cải tạo, mở rộng và từng bước hiện đại hóa khoa khám bệnh của các bệnh viện, hiện có công suất sử dụng giường bệnh quá cao ở tuyến trung ương và tuyến cuối của hai TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Ưu tiên tăng thêm số giường bệnh ở tuyến tỉnh cho năm chuyên khoa: Ung bướu, ngoại – chấn thương, tim mạch, sản và nhi.

Ngoài ra, thành lập mạng lưới bệnh viện vệ tinh của năm chuyên khoa: Ung bướu, ngoại – chấn thương, tim mạch, sản và nhi theo hướng lấy một số bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối của TP Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh làm bệnh viện hạt nhân; đồng thời phát triển một số bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện làm bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện hạt nhân; phấn đấu mỗi chuyên khoa nêu trên có từ 15 bệnh viện, khoa vệ tinh trở lên.

Bên cạnh đó, đề án đề ra giải pháp thí điểm xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình lồng ghép với các cơ sở y tế sẵn có để tăng cường năng lực quản lý, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục cho người dân; tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới trạm y tế xã; đẩy mạnh các hoạt động y tế dự phòng…

Đặc biệt, đề án đề ra đến năm 2015 bảo đảm mỗi bác sĩ khám bệnh không quá 50 người bệnh/ngày làm việc và đến năm 2020, mỗi bác sĩ trung bình mỗi ngày chỉ khám 35 người bệnh/ngày làm việc. (Gia đình & xã hội (trang 2) 16/1)

 

Gửi thảo luận