Cứu sống bệnh nhân ngừng tim bằng kỹ thuật mới
Lần đầu tiên các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực (Bệnh viện Việt Đức) đã ứng dụng kỹ thuật ECMO – trao đổi oxy ngoài cơ thể trong cấp cứu ngừng thở, ngừng tim ngoại viện (bệnh nhân xuất hiện bệnh khi không ở trong cơ sở y tế).
Trước đó, bệnh nhân Pham Thị H 29 tuổi, ở Hà Nội được hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện Tim – Đông Đô Hà Nội trong tình trạng suy tim cấp ở giai đoạn không còn đáp ứng với liệu pháp cấp cứu thông thường như dùng thuốc trợ tim và hô hấp nhân tạo.
Nguy cơ tử vong cao, do bệnh nhân bị bệnh giãn cơ tim đã 2 tháng, tiến triển bệnh xấu đi nhanh chóng, nhiều lần bị ngừng tim. Kíp can thiệp tim Bệnh viện Việt Đức đã sang tiến hành thủ thuật cấp cứu tại chỗ.
Sau một thời gian rất ngắn, hệ thống ECMO được thiết lập, các chỉ số sinh hiệu bệnh nhân H sau đó tạm ổn định. Bệnh nhân được đưa về Bệnh viện Việt Đức tiếp tục hồi sức và điều trị.
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực cho biết, với kỹ thuật ECMO hoạt động không cần máy, nguồn điện, vì thực hiện bằng hệ thống quay tay mở ra một hướng mới trong cứu sống người bệnh cấp cứu ngừng thở. (Tiền phong 15/1- trang 6)
Kỹ thuật tim phổi nhân tạo tại giường (ECMO): Cứu sống bệnh nhân viêm cơ tim cấp
Theo lý thuyết, khi trái tim ngừng đập cũng đồng nghĩa với sự sống đã khép lại, tuy nhiên vẫn có những trường hợp trái tim gần như đã ngừng đập mà sự sống vẫn trở về cới người bệnh. Đó là sự hồi sinh kỳ diệu. Mới đây, tập thể các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai đã làm nên sự kỳ diệu ấy – cứu sống bệnh nhân bị viêm cơ tim tối cấp nhờ ứng dụng thành công bằng kỹ thuật tim phổi nhân tạo tại giường (ECMO). (xem tiếp Sức khỏe & Đời sống 15/1- trang 4)
Bệnh viện quốc tế ở TP Huế hoạt động từ 26.3: “Cầm máu” ngoại tệ chảy ra nước ngoài chữa bệnh
Ngày 14.1, tại Bệnh viện T.Ư Huế, GS-TS Bùi Đức Phú – Giám đốc BV – đã thông báo với cơ quan chức năng và đối tác tài trợ vốn vay tín dụng của công trình Bệnh viện Quốc tế và điều trị theo yêu cầu về thời gian đưa BV vào hoạt động, cũng như các chiến lược cạnh tranh nhằm ngăn chặn vẫn nạn chảy máu ngoại tệ do người dân Việt Nam đua nhau ra nước ngoài chữa trị bệnh tật, chăm sóc sức khỏe. Theo đó, với tổng vốn đầu tư gần 300 tỉ đồng, trong đó vốn của ngân sách khoảng trên 10%, còn lại chủ yếu là vốn vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, đến nay, BV Quốc tế thuộc BV T.Ư Huế có tổng diện tích xây dựng 21.000m2 đã cơ bản hoàn thành, sẽ chính thức đưa vào hoạt động ngày 26.3.2013. Cùng với đó, hệ thống thiết bị y tế hiện đại có tổng vốn 17 triệu euro từ vốn vay ODA cũng đã được tập kết về đến BV này. (xem tiếp Lao động 15/1- trang 3)
Những người quanh năm "đi viện"
Do bận việc, con cháu của những bệnh nhân cao tuổi không có điều kiện thời gian chăm sóc . “Dịch vụ chăm sóc người bệnh” tại các bệnh viện trong TP. HCM đã làm thay những người thân bệnh nhân, như chăm sóc người bệnh, cho người bệnh ăn, tắm rửa và vệ sinh hàng ngày.
Người già chăm ông lão
Bà Nguyễn Thị Mẫu 60 tuổi, quê ở huyện Mỏ Cày – Bến Tre chậm rãi kể cho tôi nghe về những đoạn trường của nghề chăm sóc người bệnh trong khuôn viên bệnh viện Thống Nhất – TP.HCM như một sự chia sẻ về nghề. “Nghề này đòi hỏi phải chịu khó, lại phải hiểu tâm lý người già. Người già đã khó tính rồi nhưng nay bệnh tật lại khó tính gấp mười. Mình phải chăm sóc sao cho họ ăn, họ ngủ, rồi rửa ráy, tắm giặt cho họ nữa”.
Dù cũng đã bước vào tuổi lão nhưng vì cuộc mưu sinh, bà Mẫu vẫn phải rời vùng quê sông nước lên Sài Gòn làm ăn thuê. Bà Mẫu kể: “Mới năm ngoái, dì chăm sóc một ông cụ 82 tuổi, nằm ở Khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Thống Nhất, cụ lớn tuổi lại bị tai biến mạch máu não, con cái là công chức nhà nước cả. Các cô chú ấy đều bận việc nhà nước, nên gọi dì chăm sóc ông cụ. Mình phải thường xuyên trực tại giường người bệnh chú ạ”. Bà Mẫu giãi bày: “Mà chú biết không, khi vào đây dì cũng đã được các y bác sĩ tập huấn và chăm sóc các bệnh nhân lớn tuổi”.
Làm nghề chăm sóc người bệnh, những người như bà Mẫu được các y bác sĩ của bệnh viện hướng dẫn một số động tác cơ bản như massage, sơ cấp cứu và họ phải có đăng ký tạm vắng, tạm trú ở một địa phương, để thân nhân người bệnh yên tâm và điều đặc biệt quan trọng là những người chăm sóc bệnh nhân phải hiểu tâm lý của người bệnh cũng như cách sống để động viện người bệnh nhanh chóng hồi phục.
Chú Tư Lành năm này cũng đã 55 tuổi cùng vợ và 2 người con dâu và con gái cũng làm nghề này. “Làm nghề này cực một chút nhưng có thu nhập chú ạ”. Chú Tư Lành cho chúng tôi biết, chăm sóc một người bệnh nặng, gia chủ trả công 10 triệu đồng/tháng . “Mà tôi chỉ lấy giá theo công sức mình bỏ ra thôi”, chú Tư tâm sự.
Phải có nhân thân tốt
Hiện nhu cầu cần người chăm bệnh nhân lớn tuổi ở những thành phố như Hà Nội và TP.HCM là rất lớn. Một bác sĩ ở bệnh viện Thống Nhất – TP.HCM cho biết; những bệnh nhân nằm viện chủ yếu là người cao tuổi, ngoài sự chăm sóc và thăm khám của y, bác sĩ, nếu người nhà có nhu cầu chăm sóc các cụ 24/24 thì họ sẽ thỏa thuận với những người chăm sóc bệnh nhân. Những người chăm sóc bệnh nhân này, được bệnh viện giao cho đội bảo vệ kiểm tra về chứng minh thư, về tạm vắng, tạm trú để đề phòng kẻ gian trà trộn vào bệnh viện làm điều khuất tất. Những người chăm sóc người bệnh, họ đều có nhân thân tốt và làm việc có trách nhiệm.
Chị Nguyễn Thị Tuyết, trú trên đường Nơ Trang Long – P13 – Quận Bình Thạnh. TP.HCM có mẹ nằm ở khoa Cấp cứu bệnh viện Nhân dân Gia Định tâm sự: “Nếu không có những người giúp việc và chăm sóc người bệnh thì chị không biết phải làm sao”. Làm kế toán ở một công ty về xuất nhập khẩu, chị Tuyết phải đánh vật với những số liệu cuối năm của công ty. Nên khi biết, mẹ bị đau dạ dày cấp, chị cuống lên, trong khi chồng đi công tác xa. Nhưng khi vào bệnh viện, qua một người quen, chị gặp bác Văn Thị Phúc, quê ở Nha Trang, làm nghề chăm sóc người bệnh đã lâu tại bệnh viện này. Khi mẹ chị Tuyết hết bệnh thì bác Phúc và mẹ chị Tuyết đã trở thành bạn già với nhau. Tâm sự với chúng tôi, chị Tuyết bảo. “Những lúc rảnh rỗi, bác Phúc hay đến nhà chị chơi với mẹ chị. Họ như hai người bạn già tri kỷ ấy”.
Anh Nguyễn Văn Đức – Đội trưởng đội bảo vệ của Bệnh Viện Nhân dân Gia Định cho biết: Những người chăm sóc bệnh nhân, khi vào bệnh viện chúng tôi đều kiểm tra Chứng minh Nhân dân cũng như giấy tạm vắng tạm trú. Họ là những người ở quê lên làm nghề chăm sóc người bệnh, là những người thật thà, chất phác, nhưng chúng tôi không loại trừ, một số người có những hành động không tốt, trà trộn vào trộm cắp tài sản của bệnh nhân. Những người có hành vi như thế chúng tôi theo dõi và báo cho công an phường để có biện pháp ngăn chặn. (An ninh Thủ đô 15/1- trang 7)
Lật tẩy thủ đoạn chữa bệnh lừa bịp của thầy bói
Đã từ rất lâu nay, tại những khu vực miền núi tỉnh Quảng Ngãi liên tục xảy ra các vụ án liên quan tới việc “cầm đồ thuốc độc”. Đó là một hủ tục tồn tại dai dẳng, phức tạp và những ai bị nghi cầm đồ thuốc độc, nếu không bị dân làng giết dã man thì cũng bị đánh đập tàn bạo, hoặc phải trốn biệt xứ khỏi làng. Lợi dụng hủ tục này, nhiều thầy cúng, thầy bói lừa gạt lấy tiền người bệnh và làm tăng thêm sự mê tín, nghi kỵ thù hận giữa người dân với nhau.
Giải “đồ độc” để chữa bệnh
Đầu năm 2012, anh Đinh Văn Thủy (xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) lâm bệnh, vợ anh là chị Đinh Thị Sơn đã tìm đến Đinh Thị Sí (27 tuổi, cư trú ở thôn Tà Gầm, xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) xem bói và rước về tìm túi “đồ độc” phía sau vườn. Sau lần đó sức khỏe của anh Thủy vẫn không thuyên giảm, người vợ tiếp tục cầu cứu Sí. Lần này, Sí “tìm” được một túi đồ độc khác cũng trong vườn gia đình. Nghe lời Sí, hai vợ chồng bỏ ngôi nhà gạch mới cho rằng bị dính “đồ độc”, mượn khu đất cha mẹ vợ dựng chòi tạm bợ ở qua ngày. Hai lần nhờ Sí giải “đồ độc”, vợ chồng nghèo mất 4 triệu đồng. Tuy nhiên, bệnh tình anh Thủy không hề thuyên giảm.
Chưa hết, cũng vào khoảng đầu năm 2012, ông Đinh Văn Đẻ (cùng địa phương) bị đau đầu, đau bụng liền tìm đến nhà Sí xem bói. Sí xem bói bằng hình thức xem tiền, mệnh giá từ 2.000 – 20.000 đồng. Khi xem bói, Sí nhúng tiền vào chén rượu, cầm lên xem và phán, ông Đẻ bị đau là do ngoài đám ruộng của ông có một túi “đồ độc”. Sau đó, Sí chỉ chỗ cho ông Đẻ đào gói “đồ độc” ngoài ruộng nhưng đào mãi vẫn không thấy, khi Sí tự tay đào thì phát hiện ngay một gói “đồ độc” gồm: 1 bọc nilông màu đen, trong chứa phân, chén mẻ… Sau khi tìm được, Sí đã lấy của ông Đẻ 300 ngàn đồng tiền công xem bói và tìm “đồ độc”. Hoặc như trường hợp ông Đinh Văn Hút (68 tuổi, ở Làng Mon, xã Sơn Cao) bị bệnh. Theo “qui định”, ông Hút mang chai rượu và tờ tiền 20.000đ đến nhà Sí xem bói. Sí phán ông Hút bị kẻ xấu bỏ “đồ độc” rồi trực tiếp đến nhà ông Hút tìm và giải con ma “đồ độc” đang bị chôn sau bếp.
Tuy nhiên sau đó, bệnh tình của ông Hút ngày càng nặng thêm và cuối cùng dẫn đến tử vong. Cho đến bây giờ, cơn bạo bệnh của anh Đinh Văn Thủy (27 tuổi, ngụ xã Sơn Cao, huyện Sơn Hà) vẫn chưa hết. Tiền mất tật mang, nợ nần chồng chất vì tin lời Sí giải “đồ độc”.
2 năm qua, với thủ đoạn hành nghề coi bói, thầy cúng, Sí đã lợi dụng sự mê tín dị đoan thu lợi bất chính của nhiều người dân. Gần 10 gia đình có người đau ốm đã đến tìm Sí xem bói. Tại đây, Sí bảo người nhà của người bệnh đưa tờ tiền mệnh giá 20.000đ nhúng vào chén rượu để xem bói. Sau khi đọc vài câu “thần chú”, Sí phán gia đình bị kẻ xấu bỏ “đồ độc” trong vườn nên gia đình có người bị đau ốm và chết. Sí còn phán rằng muốn hết bệnh thì phải tìm được “đồ độc” mà chỉ có Sí mới tìm được. Sau khi nạn nhân rước về nhà giải bệnh, Sí giấu một bịch nilông gọi là “đồ độc” vào túi áo, lợi dụng trong lúc ra vườn đào tìm, Sí lén lấy ra và bảo đã tìm được túi “đồ độc”. Sau đó, Sí lên đèn làm lễ cúng giải bệnh. Mỗi lần bói, tìm “đồ độc” và giải bệnh, Sí lấy mỗi người gần 2 triệu đồng. Nhiều người tin lời Sí, bệnh tình ngày càng nặng thêm.
Sau một thời gian mật phục theo dõi, Công an huyện Sơn Hà đã bắt được quả tang Đinh Thị Sí tiến hành nhiều hành vi mê tín dị đoan gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Cơ quan công an cũng đã điều tra, vạch trần bộ mặt thật của thầy cúng Đinh Thị Sí. Tại cơ quan điều tra, Sí thừa nhận mục đích xem bói của mình là để kiếm tiền. Thực tế, các gói bùa gọi là “đồ độc” là do Sí tự làm, sau đó bỏ vào ống tay áo, khi đào tìm dưới đất thì gói “đồ độc” tự rơi xuống đất. Với chiêu thức này, chỉ có Sí mới tìm được các gói “đồ độc” khi phán nó ở đâu! Mỗi lần bói, tìm “đồ độc” và giải bệnh, Sí lấy mỗi người gần 2 triệu đồng. Tổng cộng có trên 10 người bị Sí lừa đảo.
Sáng ngày 10/1/2014, TAND huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) mở phiên toà lưu động, tuyên phạt bị cáo Đinh Thị Sí 12 tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân.
Hệ lụy của hủ tục “đồ thuốc độc”
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Võ Văn Đãi – Trưởng Công an huyện Sơn Hà cho biết: “Những vụ “cầm đồ thuốc độc” là hủ tục lâu đời ở các huyện miền núi Quảng Ngãi. Theo hủ tục, người nào bị bỏ “đồ độc” thì sẽ đau ốm hoặc chết. Hủ tục này gây nên bao cảnh thương tâm, kẻ bị đánh, người bị giết. Chính từ đây xuất hiện các thầy cúng, padâu (thầy bói) lừa gạt lấy tiền người bệnh và làm tăng thêm sự mê tín, nghi kỵ căm thù giữa người dân với nhau. Công an huyện Sơn Hà đã vạch trần nhiều vụ lừa đảo này!”. Theo Công an huyện Sơn Hà thì trong năm 2012, huyện Sơn Hà xảy ra 5 vụ nghi kỵ cầm đồ thuốc độc trong nhân dân gây mất an ninh trật tự ở địa phương. Cũng theo con số thống kê, tại huyện Ba Tơ, từ năm 1999 đến nay có 61 vụ nghi kỵ cầm đồ độc. Các huyện như Minh Long cũng không kém. Tình hình nghiêm trọng đến mức huyện ủy Ba Tơ phải ra nghị quyết để ngăn chặn nạn này nhưng rất khó chấm dứt.
Thực chất “đồ độc” của người dân nơi đây chỉ gồm những vật như xương gia cầm, mẻ chén, sành, lông đuôi heo, huyết gà được gói lại, đem chôn vào chuồng gia súc hoặc ruộng lúa của người khác để trù, ếm. Nhà nào bị “đồ độc”, nếu không cúng thì đau ốm và cầm chắc mất mạng (?). Đôi khi chỉ cần một câu khoác lác “tao có đồ đấy” là người nói không thể yên thân vì bị cộng đồng hợp lực trừ khử, kéo theo hệ lụy cho gia đình… bởi với người dân nơi đây thì nỗi ám ảnh, sợ hãi thiên nhiên như là một phần của thế giới tâm linh người miền núi nên chỉ cần bắt gặp một ánh mắt hoài nghi, một câu nói vô tình, một suy nghĩ nhuốm màu huyền bí ập đến cũng đủ làm họ lo sợ, tìm cách chế ngự để bảo vệ mình, xem việc trừ khử người “cầm đồ” như là chuyện tất yếu, mà nghiệt ngã thay, kiểu hành xử đó lại được cộng đồng làng đồng thuận. Thế là mâu thuẫn, ganh ghét nhau là tìm cách vu cho người kia có “đồ” để hãm hại. Nỗi sợ hãi treo lơ lửng trên đầu những người bị nghi có “đồ độc”. Ở làng không bị đánh, bị giết thì họ cũng bị cô lập. Có người tự cứu mình bằng cách trốn vào rừng.
Đó toàn là những chuyện đau lòng, nhức nhối mà kết cục là án mạng, là thương tích. Bất chấp kỷ cương, luật pháp, nhiều người làm theo bản năng, theo tiếng gọi hoang dã, truyền đời để hành xử với việc “cầm đồ thuốc độc”. Nhiều người dân cho rằng, nạn này có từ Pháp đô hộ, là con đẻ của thực dân nhằm chia để trị. Khi họ đã quyết trừ khử thì khó lòng ngăn cản, ngay cả khi chính quyền có mặt.
Chính từ nhận thức lạc hậu ở một số vùng, khi bị đau ốm không đến bệnh viện mà lại tìm đến thầy bói, thầy cúng đã làm gia tăng nghi kỵ cầm đồ thuốc độc trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài việc lực lượng công an vạch trần các đối tượng thầy cúng, thầy bói lừa đảo trên thì từng cán bộ, đảng viên cũng như chính quyền địa phương phải quán triệt nhận thức về nghi kỵ cầm đồ cũng như nạn bói toán, mê tín dị đoan, đồng thời tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức người dân và đẩy mạnh công tác y tế chăm sóc sức khỏe người dân. (Sức khỏe & Đời sống 15/1- trang 3+15).