Trang chủ » Tin tức » Điểm báo ngày 18/9/2012

Điểm báo ngày 18/9/2012

Chưa cấp Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm sữa công thức WIOM
Ngày 17-9, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Sau khi rà soát tình hình nhập khẩu từ năm 2009 đến nay, Cục chưa cấp Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm sữa công thức WIOM dành cho trẻ nhỏ nhập khẩu từ Niu Di-lân.
Ðộng thái trên được đưa ra khi Trung tâm An toàn thực phẩm Hồng Công (Trung Quốc) thông báo về việc sữa bột công thức WIOM dành cho trẻ nhỏ nhập khẩu từ Niu Di-lân có hàm lượng i-ốt thấp. Bên cạnh đó, Cục sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, rà soát để thông báo kịp thời đến người tiêu dùng trong thời gian tới. (Nhân dân 18/9- trang 5)
 
Ðưa vào sử dụng Trung tâm Khử độc cho nạn nhân da cam/đi-ô-xin
Ngày 17-9, Bệnh viện 103 (Học viện Quân y) khánh thành đưa vào sử dụng Trung tâm Khử độc tố cho nạn nhân da cam/đi-ô-xin giai đoạn 1. Trung tâm được xây dựng nhằm phục hồi sức khỏe, giúp các nạn nhân tự tin, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống. Trung tâm gồm có các buồng xông hơi, khu tập luyện đa chức năng giúp nạn nhân tập luyện trước và trong quá trình điều trị. Phương pháp điều trị là kết hợp giữa xông hơi, tập luyện và dùng các loại thuốc thay thế như vi-ta-min để tăng khả năng thải tiết qua đường mồ hôi, qua đường tiêu hóa…
Ðây là một biện pháp tẩy độc được thế giới đánh giá rất cao. Trong đợt đầu, sẽ có 24 nạn nhân được điều trị bằng phương pháp mới này và toàn bộ chi phí trong thời gian điều trị được bệnh viện miễn phí hoàn toàn. (Nhân dân 18/9- trang 5, Hà Nội mới 18/9- trang 5, Sức khỏe & Đời sống 18/9 – trang 4)
 
Một trường hợp tử vong do liên cầu khuẩn lợn
Chiều 17-9, Sở Y tế Hà Nội cho biết, đã ghi nhận bệnh nhân Hoàng Minh T. (51 tuổi), ở quận Tây Hồ tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn lợn (LCKL). Bệnh nhân khởi bệnh với các triệu chứng sốt cao, rét run, đau đầu, buồn nôn và nhập Bệnh viện 354 khám, điều trị từ ngày 5-9. Do bệnh không tiến triển khá hơn nên bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, rồi Bệnh viện Nhiệt đới quốc gia. Tại đây, bệnh nhân bị hôn mê, chấm xuất huyết toàn thân, được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn huyết do LCKL. Ngày 8-9 sức khỏe bệnh nhân diễn biến nặng, gia đình đã xin về và bệnh nhân tử vong ngay ngày hôm sau.
Theo điều tra dịch tễ, trước khi mắc bệnh, bệnh nhân có ăn tiết canh lợn. Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, bệnh LCKL là bệnh truyền nhiễm có thể lây từ lợn sang người qua vết thương ở da, đường hô hấp. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do tiếp xúc, sử dụng các chế phẩm từ thịt lợn thiếu an toàn. Do đó, khi ăn các sản phẩm từ lợn mà chưa được nấu chín như tiết canh, lòng, nem… rất dễ bị vi khuẩn LCKL xâm nhập vào cơ thể người và gây bệnh. Ở Việt Nam, trên 70% bệnh nhân mắc LCKL là do ăn tiết canh lợn. (Hà Nội mới 18/9- trang 7, Nông thôn ngày nay 18/9 – trang 3, Sức khỏe & Đời sống 18/9 – trang 4, Tuổi trẻ 18/9 – trang 9)
 
Tập huấn phẫu thuật nội soi cho bác sĩ Philippines
Bảy học viên là các bác sĩ đến từ hai bệnh viện lớn của Philippines là Chinese Generaz Hospital và Victor R.Potenciano Medical Center được tập huấn về kỹ năng phẫu thuật nội soi tại Bệnh viện Trung ương Huế, từ ngày 17 đến 21-9.
Qua lớp tập huấn, các bác sĩ Philippines sẽ được đánh giá cụ thể về năng lực phẫu thuật trước khi thực hành ở phòng mổ với các bài giảng kỹ năng phẫu thuật nội soi đại trực tràng, cắt cụt trực tràng bằng đường bụng và tầng sinh môn, cắt nửa đại tràng nội soi…
Được biết, đầu tháng 10, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp tục đón đoàn học viên của Malaysia đến tham gia khóa đào tạo phẫu thuật nội soi theo phương pháp kỹ thuật cao. (Tuổi trẻ 18/9- trang 9)
 
Ca tử vong nghi do amip ăn não người
Ngày 17-9, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết cuối tuần qua bệnh viện đã dùng kỹ thuật sinh học phân tử (PCR) xác định mẫu bệnh phẩm từ một bệnh nhân tử vong và kết quả cho thấy bệnh nhân đã bị nhiễm Naegleria fowleri, loại amip ăn não người.
Các bác sĩ cho biết bệnh amip ăn não người rất khó điều trị, tỉ lệ tử vong rất cao.
Trong khi đó trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Văn Hiếu, giám đốc Trung tâm Pháp y TP.HCM, cho biết hiện ông đang đợi một kết quả xét nghiệm rất quan trọng nên chưa thể khẳng định được điều gì.
Ông Hiếu cho biết cuối tuần này mới có kết luận chính thức về trường hợp tử vong trên. Hiện cơ quan công an cũng đang điều tra về trường hợp này.
Trước đó cuối tháng 7-2012, một bệnh nhân 25 tuổi ở quận Bình Thạnh đã tử vong vì nhiễm amip ăn não người khi tiếp xúc với một ao nước tại Phú Yên. Đây cũng là trường hợp bệnh nhân mắc bệnh amip ăn não người đầu tiên được ghi nhận tại VN. (Tuổi trẻ 18/9- trang 4, Lao động 18/9 – trang 1, Tiền phong 18/9 – trang 2)
 
Thêm nhiều người nhiễm HIV ở xã Ngãi Đăng
Bác sĩ Trần Tấn Đạt, giám đốc Trung tâm phòng chống AIDS Sở Y tế tỉnh Bến Tre, cho biết qua công tác xét nghiệm đã phát hiện thêm ba người dân ở xã Ngãi Đăng, huyện Mỏ Cày Nam bị nhiễm HIV/AIDS.
Như vậy tại xã này đã phát hiện 18 trường hợp nhiễm HIV/AIDS, trong đó có tám trường hợp đã chuyển sang AIDS và hai người tử vong.
Theo bác sĩ Đạt, sở dĩ dư luận chú ý nhiều vào xã Ngãi Đăng vì chỉ trong vài tháng phát hiện gần 20 người nhiễm HIV/AIDS. Nói về mặt dịch tễ học thì đây là điều bình thường. Những người này đã bị nhiễm cách đây 5-10 năm mà mãi đến bây giờ họ mới xét nghiệm và rủ nhau đi cùng lúc nên phát hiện nhiều. Nếu phát hiện vài trường hợp/năm/xã cũng không có gì lạ.
“Tại Bến Tre không ít xã có số người nhiễm HIV/AIDS nhiều hơn xã Ngãi Đăng nhưng không ai nhắc vì mỗi năm ghi nhận vài trường hợp. Chẳng hạn xã Tân Thạch, huyện Châu Thành đã có hàng chục người nhiễm trong hơn chục năm qua” – ông Đạt nói. (Tuổi trẻ 18/9- trang 4)
 
Bệnh tay chân miệng tiếp tục tăng
Theo Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, hiện số trẻ mắc bệnh tay chân miệng vẫn tiếp tục tăng. Mỗi ngày khoa nhiễm- thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận khoảng 90 trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện, tăng gấp ba lần so với những ngày tháng 7.
Bác sĩ Đỗ Châu Việt, trưởng khoa nhiễm – thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết tình trạng tương tự ở bệnh viện này. Mỗi ngày hiện có 140-150 trẻ nằm viện và trung bình 60-70 trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện điều trị. Dù số ca nhập viện tăng cao nhưng các bác sĩ cho biết đa số là ca bệnh nhẹ. (Tuổi trẻ 18/9- trang 9)

Đổ xô đến khách sạn chờ chữa bệnh
Chiều 17-9, gần 300 người dân thuộc nhiều tỉnh, thành miền Trung đổ xô đến khách sạn Hoàng Cung (số 8 HÙng Vương, Huế) để chờ xin một lương y thăm khám, chữa bệnh, gây nên tình trạng lộn xộn chưa từng có phía ngoài cơ sở lưu trú thuộc loại sang trọng bậc nhất xứ Huế này.
Trước đó, qua thông tin được đăng tải trên một tờ báo về khả năng ấn huyệt chữa câm điếc, bại liệt. thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm… của một lương y có tên là Võ Hoàng Yên và thời gian tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cụ thể tại Huế. Thanh tra Sở Y tế TT-Huế phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành lập biên bản và yêu cầu chủ khách sạn không có cá nhân ông Võ Hoàng Yên tổ chức khám, chữa bệnh khi chưa có sự đồng ý của Sở Y tế. (Tiền phong 18/9- trang 2, Lao động 18/9 – trang 2, Nông thôn ngày nay 18/9 – trang 6)
 
BV Chợ Rẫy, TP.Hồ Chí Minh: Cứu sống em bé bị sắt đâm xuyên đầu
Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. HCM vừa cứu sống ngoạn mục một em bé 10 tháng tuổi bị thanh sắt dài đâm xuyên đầu.
Theo BS. Nguyễn Kim Chung – Phó Trưởng khoa Ngoại thần kinh – BV Chợ Rẫy, đây là một trường hợp bị tổn thương rất nặng và cực kỳ nguy hiểm, lần đầu tiên gặp trong hơn 20 năm công tác. Cụ thể, bé Trần Thị Yến N., 10 tháng tuổi, khi đang được ba bế đứng chơi ngoài sân thì bất ngờ bị một thanh sắt từ máy cắt cỏ mà người hàng xóm đang sử dụng bay văng đâm xuyên qua đầu. Ngay lập tức, gia đình đưa bé cấp cứu BV Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) rồi các bác sĩ nhanh chóng chuyển em lên BV Chợ Rẫy. BS. Chung cho biết, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi trong tình trạng lơ mơ và có thanh sắt dài đâm xuyên từ bên này qua bên kia đầu. Chẩn đoán bệnh nhi bị vết thương sọ não do dị vật đâm xuyên, gây tổn thương vỏ não và nhu mô não trên đường thanh sắt đi qua. Các bác sĩ đã mổ cấp cứu ngay, rút thanh sắt ra và làm sạch vết thương cho bệnh nhi.
Sau gần một tháng điều trị, theo dõi và chăm sóc, hiện tình trạng sức khỏe của bé Trần Thị Yến N. đã hồi phục rất rốt. Em đã tỉnh, bú sữa tốt, chơi đùa bình thường. Đặc biệt, không có biểu hiện tâm thần và đã được xuất viện về nhà. Cũng theo bác sĩ Chung, do đây là giai đoạn não mới bắt đầu phát triển nên các chức năng não của bé sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, để tránh các di chứng về sau, tập thể y bác sĩ của khoa đã thực hiện ca phẫu thuật, điều trị và chăm sóc cho bé rất cẩn trọng và chu đáo. Hiện bệnh nhi vẫn đang được hẹn tái khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy để các bác sĩ tiếp tục theo dõi thêm. (Sức khỏe & Đời sống 18/9- trang 4)
 
Sức khỏe 2 bé chuyển viện bằng máy bay đã ổn
Ngày 17-9, giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư Nguyễn Thanh Liêm cho biết cả hai bệnh nhi hiểm nghèo chuyển viện bằng máy bay từ TP.HCM ngày 19-7 (Tuổi Trẻ 19-7) đều được điều trị thành công.
Hai bé là Lữ Trà My, hiện bốn tháng rưỡi tuổi và Trần Hải Quân gần 3 tuổi. Theo ông Liêm, bé My lúc được phẫu thuật hai tháng rưỡi tuổi, nặng 3,3kg, mắc loại dị tật tim rất hiếm gặp và Trần Hải Quân bị u bạch huyết lớn ở vùng cổ và mặt. Với trường hợp bé My, đây là lần đầu tiên các bác sĩ VN thực hiện ca phẫu thuật loại dị tật này và trong quá trình phẫu thuật và hậu phẫu, tính mạng bé My nhiều lần bị đe dọa. Tuy nhiên theo ông Liêm, sự kiên trì và tính toán hợp lý trong điều trị đã giúp ca phẫu thuật này thành công, mở ra cơ hội cho nhiều trẻ em mắc loại dị tật tương tự tại VN.
Ông Liêm cũng cho hay trước khi Bệnh viện Nhi T.Ư nhận điều trị cho bé My, đã có hai bệnh viện ở Thái Lan và Ấn Độ từ chối điều trị cho bé do lo ngại thất bại. Còn bệnh viện ở Mỹ nhận điều trị nhưng bé lại khó đủ sức khỏe để đi một chặng đường dài. Hiện bé My tuy chỉ nặng 3kg nhưng đã thở tốt, tim phổi tốt, ăn được 600-700ml sữa/ngày. Dự kiến hai tháng nữa bé sẽ phải thực hiện thêm một ca phẫu thuật, mức độ khó đã giảm.
Bé Trần Hải Quân cũng được mổ hai lần nhưng đều bị tái phát, khi được chuyển viện ra Bệnh viện Nhi T.Ư, bé phải ăn qua sonde, thở rất khó, u bạch huyết vùng cổ và mặt lớn bằng 1/2 khuôn mặt của bé khiến bé rất khó mang thẳng đầu. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư đã chọn phương pháp điều trị mới là tiêm thuốc làm xơ hóa vùng u bạch huyết và phẫu thuật sau khi tiêm 20 ngày, khối u vùng mặt được tách toàn bộ, chỉ còn phần u vùng cổ và vùng sâu hơn. Bé Quân đã được chuyển điều trị ngoại trú để chờ phẫu thuật phần u còn lại ở vùng cổ. (Tuổi trẻ 18/9- trang 9, Lao động 18/9- trang 2, An ninh Thế giới 18/9 – trang 2)


Gửi thảo luận