Trang chủ » Tin tức » Điểm báo ngày 14/1/2013

Điểm báo ngày 14/1/2013


Hà Nội: 87,6% trường học có cán bộ y tế

TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hết năm 2012, 87,6% số trường học của thành phố có cán bộ y tế, 63% trường bố trí phòng y tế theo quy định (các trường còn lại đều có góc y tế).

Về cơ sở hạ tầng, 80% trường học được lắp đặt hệ thống chiếu sáng hợp vệ sinh, phòng chống bệnh khúc xạ; 95% trường học có bảng chống lóa, 81,1% trường có đủ vòi nước rửa tay, 62,2% trường đủ nhà vệ sinh… Việc chăm sóc sức khỏe HS được thực hiện tốt thông qua các hoạt động khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc phát hiện các bệnh học đường (bệnh răng miệng, tật thị giác, gù vẹo cột sống…). Mặc dù tỷ lệ trường học có cán bộ y tế cao, nhưng trình độ chuyên môn của đội ngũ này còn nhiều hạn chế vì phần lớn chỉ là y sỹ, điều đưỡng; kinh phí để triển khai các hoạt động chuyên môn chủ yếu từ nguồn mục tiêu quốc gia, mục tiêu thành phố (khoảng 1,5 – 2 tỷ đồng/năm) và nguồn bảo hiểm y tế học sinh trích lại cho các trường, kinh phí của các quận, huyện, thị xã hỗ trợ rất ít, thậm chí nhiều nơi không có kinh phí cho công tác này. (Hà Nội mới 14/1 (trang 5))

Ba người nhập viện vì nhiễm liên cầu lợn

Ngày 13.1, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết đang điều trị cho 3 bệnh nhân bị nhiễm liên cầu lợn (Streptococuccus 2), gồm 1 người ở Đà Nẵng, 1 người ở Quảng Ngãi và 1 người ở Quảng Nam.

Theo Sở Y tế Đà Nẵng, trong 3 người bị nhiễm liên cầu lợn nói trên, có 2 trường hợp liên quan đến việc nuôi lợn tại gia đình, ăn thịt lợn nướng và tiết canh. Trường hợp còn lại khai báo không rõ tiền sử tiếp xúc nguồn bệnh.

Sở Y tế Đà Nẵng đã gửi yêu cầu đến các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý bệnh này, đồng thời yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt tình trạng lợn ốm, chết do dịch bệnh để đề phòng dịch bệnh lây lan trên người.

* Chiều 13.1, bác sĩ Võ Văn Thanh – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Kon Tum cho hay, bệnh viện đã cứu sống bệnh nhân A Chiến (31 tuổi, ngụ tại khối phố 3, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum). Bệnh nhân Chiến nhập viện trong tình trạng nguy kịch bởi vết thương ở cổ dài 8cm, đứt cơ ức đòn chũm và đứt một nửa khí quản. Các bác sĩ đã kịp thời phẫu thuật thành công, hiện nay sức khỏe bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

Bà Y Bôi – mẹ nạn nhân cho biết: Hàng ngày A Chiến thường xuyên uống rượu, khi say A Chiến không làm chủ được bản thân nên đã có hành động dại dột tự gây thương tích cho bản thân.(Nông thôn Ngày nay 14/1 (trang 4))

TP.HCM kiểm soát chặt việc tiêm vắc xin

Tại TP.HCM mỗi tháng có khoảng 40.000 trẻ dưới hai tuổi cần tiêm vắc xin "5 trong 1" và TP.HCM đang kiểm soát chặt chẽ việc tiêm vắc xin này.

Trao đổi với Thanh Niên Online, TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết bình quân trong một tháng, mỗi quận, huyện của thành phố có trên dưới 2.000 trẻ dưới hai tuổi có nhu cầu tiêm vắc xin ngừa 5 bệnh nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Đó là vắc xin “5 trong 1”, phòng năm bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ, viêm gan siêu vi B.

Các tai biến ở trẻ sau tiêm vắc xin “5 trong 1” liên tục xảy ra gần đây (gần nhất là ở tỉnh Bình Định, TP.Hà Nội, và tỉnh Kiên Giang), khiến nhiều người lo lắng.

   


Trước tình trạng trên, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM yêu cầu các đơn vị y tế dự phòng quận, huyện, những nơi có tiêm ngừa cho trẻ, trước khi tiêm vắc xin, nhất là loại vắc xin “5 trong 1” nói trên, cần phải tuân thủ nghiêm việc khám lâm sàng thật kỹ cho trẻ.

Nếu khám thấy trẻ không đáp ứng được điều kiện, sức khỏe để tiêm, thì không ra chỉ định tiêm.

Với những trẻ được tiêm, kỹ thuật viên, bác sĩ phải dặn dò, hướng dẫn kỹ người thân của trẻ theo dõi sát trẻ sau khi tiêm.

Ngoài ra, các đơn vị y tế phải xem kỹ lại khâu bảo quản, lưu trữ, thực hiện tiêm vắc xin.

Bởi, ngoài chất lượng vắc xin, cơ địa của trẻ, thì các khâu lưu trữ, bao quản, vận chuyển, và thực hiện tiêm chích đúng quy trình cũng rất quan trọng. Các nhà chuyên môn cho rằng, sau việc liên tục xảy ra nhiều trường hợp trẻ bị tai biến sau tiêm như vậy, Bộ Y tế cần xem xét lại thật kỹ lưỡng từng yếu tố một, để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, tránh gây nguy hiểm tính mạng của trẻ, cũng như ảnh hưởng đến chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (trẻ được tiêm miễn phí trong chương trình này).(Thanh niên 14/1 (trang 2))

Tái tạo bàng quang cho bé sơ sinh 2 ngày tuổi

Ngày 13-1, khoa ngoại nhi – cấp cứu bụng Bệnh viện Trung ương Huế cho biết các bác sĩ của khoa đã thực hiện thành công ca phẫu thuật chữa dị tật cho một trẻ sơ sinh 2 ngày tuổi.

Bé gái sơ sinh này ra đời ngày 2-1 tại Bệnh viện Trung ương Huế, với rất nhiều dị tật: bàng quang bị lộ ra ngoài và chẻ đôi thành hai phần; ruột non và ruột già cũng lộ ra ngoài, lộn ngược lồng ruột chèn vào giữa hai nửa bàng quang; hai phần cổ bàng quang, đường tiểu dưới và cơ quan sinh dục bị chia đôi hoàn toàn, thành bụng phía trên bị khiếm khuyết không đóng lại được. Sau đó, ca phẫu thuật do PGS.TS Phạm Anh Vũ, phó khoa ngoại nhi – cấp cứu bụng, chủ trì đã được thực hiện.

Sau bốn giờ, cùng lúc bệnh nhân được tái tạo bàng quang, thành bụng trước và hình rốn, khớp lại xương mu và một phần cổ bàng quang, kèm cơ quan sinh dục ngoài. Ngày 13-1, bệnh nhi này đã bú được và tiêu hóa tốt.

Theo PGS.TS Phạm Anh Vũ, dị tật lộ bàng quang ở bệnh nhân sơ sinh rất hiếm gặp, tỉ lệ là 1/100 trẻ sơ sinh sống được. Phẫu thuật dị tật rất phức tạp, thường phải thực hiện rất nhiều thao tác mới có thể có được chức năng đại tiểu tiện gần như bình thường. (Tuổi trẻ 14/1 (trang 2))

2012, Quỹ bảo hiểm y tế dư 500 tỉ đồng

Ngỡ bội chi nhưng năm 2012, Quỹ bảo hiểm Y tế lại kết dư 500 tỉ đồng.

Nửa cuối năm 2012, nhiều bệnh viện thực hiện giá viện phí mới, nhưng trái với các dự đoán bội chi trước đó, Quỹ bảo hiểm Y tế vẫn kết dư khoảng 500 tỉ đồng. Thông tin từ Bảo hiểm xã hội VN vừa cho hay.

Theo Bảo hiểm xã hội VN, tính từ 2010, năm bắt đầu Quỹ bảo hiểm y tế có kết dư trở lại cho đến nay, Quỹ bảo hiểm y tế đã có kết dư khoảng 4.000 tỉ đồng.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ ban hành danh mục thuốc thiết yếu được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán mới, đồng thời sẽ kiểm soát chặt chẽ việc chi trả thuốc sử dụng để bổ trợ điều trị và các thuốc chưa có tác dụng điều trị rõ ràng. (Tuổi trẻ 14/1 (trang 12))

Bắt đầu triển khai mô hình bác sĩ gia đình

Thông tin từ Bộ Y tế cho hay đề án xây dựng và phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình 2013-2020 đang chuẩn bị được bộ trưởng Bộ Y tế phê chuẩn.

Theo đó, mô hình bắt đầu triển khai từ năm 2013, giai đoạn 2013-2015 thí điểm tại tám tỉnh thành gồm Hà Nội, TP.HCM, Thái Nguyên, Thừa Thiên – Huế, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hải Phòng và Tiền Giang.

Riêng Hà Nội và TP.HCM sẽ có 20-30 phòng khám/địa phương, các địa phương còn lại có 5-10 phòng khám/địa phương. Mỗi phòng khám có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, giám sát, phát hiện dịch, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, người mắc bệnh mãn tính, phục hồi chức năng, tư vấn sức khỏe cho tối thiểu 500 người dân. (Tuổi trẻ 14/1 (trang 12))

Khổ sở vì chờ thẻ bảo hiểm y tế mới

Trong những ngày đầu năm 2013, rất nhiều bệnh nhân kêu trời vì hết hạn thẻ bảo hiểm y tế cũ và chưa được cấp thẻ mới. Không may nằm trong viện trong giai đoạn này, bệnh nhân phải bỏ tiến túi ra chi trả tiền thuốc men và vật tư tiêu hao trong thời gian điều trị chờ đợi Bảo hiểm xã hội ở địa phương cấp thẻ mới… (Gia đình & Xã hội 14/1 (trang 12))

Điều trị ung thư ở Đà Nẵng: Miễn viện phí cho người nghèo

Những bệnh nhân ung thư nghèo ở Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh miền Trung khi đến điều trị tại Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng sẽ được miễn phí viện phí và được hỗ trợ nhiều dịch vụ khác… (Gia đình & Xã hội 14/1 (trang 12))

 


Gửi thảo luận