Luật quảng cáo và Luật an toàn thực phẩm “đá” nhau
Bộ Y tế vừa có công văn gửi Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch đề nghị khi xây dựng nghị định hướng dẫn thực hiện Luật quảng cáo (có hiệu lực thực hiện từ ngày 1-1-2013), riêng quảng cáo các hàng hóa và dịch vụ đặc biệt như khám chữa bệnh, thực phẩm chức năng, y học cổ truyền… phải giữ như quy định của luật chuyên ngành. Bộ Y tế đề nghị nội dung quảng cáo phải được cơ quan quản lý nhà nước thẩm định, cấp giấy tiếp nhận đăng ký quảng cáo và đóng dấu vào nội dung quảng cáo trước khi phát hành, phát sóng để tránh thổi phồng, quảng cáo quá mức.
Trong khi đó, theo Luật quảng cáo sắp có hiệu lực, doanh nghiệp chỉ cần thông báo nội dung quảng cáo mà không quy định cơ quan chức năng phải thẩm định nội dung. Bên cạnh đó, còn một số quy định trong Luật quảng cáo và Luật an toàn thực phẩm (có hiệu lực thực hiện từ ngày 1-7-2011) “đá” nhau. Luật quảng cáo quy định hồ sơ đăng ký nội dung quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng sản xuất trong nước cần giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm và giấy chứng nhận tiêu chuẩn. Tuy nhiên, cả hai loại giấy này đã bị bãi bỏ và thay bằng giấy tiếp nhận công bố hợp quy hoặc giấy chứng nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm (Tuổi trẻ 17/9).
26% số ca ngộ độc thực phẩm tử vong do rượu
Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), thời gian qua tình trạng ngộ độc thực phẩm (NĐTP) do rượu và tai nạn giao thông liên quan đến rượu gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân. Theo thống kê, số vụ NĐTP do rượu chiếm 3,4% trong tổng số vụ NĐTP/năm, nhưng số người chết do ngộ độc rượu chiếm đến 26% số người chết do NĐTP/năm. Trong số những nạn nhân bị tai nạn giao thông đường bộ, có tới 62% có nồng độ cồn trong máu cao; 34% nạn nhân tử vong có nồng độ cồn trong máu cao (Thanh niên 17/9).
Phòng amip ăn não người
Chiều 16.9, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết, sau ca nhiễm amip ăn não người phát hiện hồi cuối tháng 8, đến nay chưa có trường hợp nào tương tự nhập viện. Amip ăn não người là ký sinh trùng có tên Naegleria Fowleri, gây viêm não, màng não, khiến một nam bệnh nhân tử vong rất nhanh sau khi vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Bộ Y tế cũng vừa khuyến cáo người dân cách phòng căn bệnh hiếm gặp nhưng tỷ lệ tử vong rất cao này. Theo đó, không nên tắm, bơi ở những nơi cảm thấy không đảm bảo vệ sinh, có nguy cơ cao; trong khi tắm, bơi ở hồ, ao, suối… hạn chế tối đa để nước vào mũi; sau khi tắm, bơi nên vệ sinh mũi sạch sẽ (Thanh niên 17/9).
Nam giới giúp nâng tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ
Trường ĐH Y tế công cộng vừa triển khai thí điểm chương trình “Can thiệp nâng cao vai trò của người cha trong việc hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) hoàn toàn trong 6 tháng đầu” tại 7 xã, phường của thị xã Chí Linh (Hải Dương). Sau một thời gian thực hiện, tỷ lệ NCBSM tăng gấp 2 lần so với tỷ lệ trung bình cả nước, cao gấp 4 lần so với tỷ lệ trung bình ở các địa phương còn lại trong tỉnh Hải Dương. Ông Trần Hữu Bích, Phó Hiệu trường Đại học Y tế công cộng – người thực hiện chương trình cho biết, rất nhiều người đàn ông có học thức vẫn thiếu kiến thức về việc NCBSM, tồn tại quan niệm cũ rằng thời gian cho con bú là việc của người phụ nữ. Tuy nhiên, để chăm sóc trẻ khỏe mạnh,̀ tốt nhất cần lôi kéo được sự tham gia của người đàn ông vào việc NCBSM (An ninh Thủ đô 17/9).
Đứt rời chân tay, đừng vội… vứt đi
Đầu tháng 9.2012, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) nối ghép thành công bàn chân đã bị đứt rời của một cháu bé. Đây được đánh giá là “cực kỳ may mắn” vì bàn chân đã bị vứt xuống sông 1 giờ đồng hồ.
“Tưởng đứt là vứt đi”
Bệnh nhi may mắn ấy là cháu Nguyễn Văn Dân (3 tuổi, ở Tiền Hải, Thái Bình). Anh Nguyễn Văn Chiến – bố cháu bé cho biết, do bố mẹ đi làm ăn xa nên cháu Dân được gửi cho ông bà nội. Ông bà sống ở trên thuyền, sợ cháu bị rơi xuống sông nên buộc chân cháu vào mạn thuyền bằng một sợi dây dù. Hôm đó, một đầu dây thõng xuống nước bị quấn vào máy, kéo căng sợi dây dù và tiện đứt bàn chân phải của cháu ngay khớp cổ chân.
Cháu bé được đưa lên bệnh viện tuyến huyện rồi tuyến tỉnh và chuyển lên Bệnh viện Việt Đức cấp cứu. Đáng lưu ý, ngay khi cháu bị tai nạn, ông nội cháu đau xót đã vứt bàn chân xuống sông. Khi được bác sĩ cho biết “có thể nối lại chân cho cháu”, người nhà mới thuê người mò bàn chân của cháu lên sau 1 giờ bị ngâm dưới nước và đưa chân “đuổi theo” cháu bé lên Bệnh viện Việt Đức. Tuy đã 10 tiếng sau tai nạn nhưng bàn chân cháu vẫn được các bác sĩ nối ghép thành công. Bác sĩ Đào Văn Giang (Khoa Phẫu thuật hàm mặt tạo hình) cho biết, việc nối chân cho cháu Dân khá vất vả vì các động mạch, tĩnh mạch của cháu rất nhỏ, chỉ bằng 1/5 của người lớn, tuy nhiên, các bác sĩ đã dùng kính hiển vi phẫu thuật thành công.
Sau gần hai tuần, chân của cháu Dân đã có các dấu hiệu hồng ấm của sự sống. “Do bàn chân của cháu bị đứt ngang khớp, không phải cắt các phần xương gãy dập nên khả năng phục hồi và đi lại sẽ rất khả quan” – bác sĩ Giang cho biết.
Gần đây nhất, Khoa Phẫu thuật hàm mặt tạo hình cũng đã nối liền hai bàn tay đứt rời cho bệnh nhân N.V.Đ (18 tuổi, trú tại Đông Anh, Hà Nội). Theo lời kể, khi đưa giấy vào máy cắt, anh Đ vô tình ấn nút điều khiển, khiến lưỡi cưa sập xuống, cắt đứt nửa bàn tay trái và cả bàn tay phải. Suốt từ 18 giờ ngày hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau, các bác sĩ đã vất vả nối từng ngón tay trái và cả bàn tay phải cho anh Đ. Và chỉ chiều cùng ngày, hai tay đã có dấu hiệu sống lại.
Sai lầm khi xử lý
Có rất nhiều trường hợp do thiếu hiểu biết, cho rằng không thể cứu được các bộ phận cơ thể nên vứt vào thùng rác, vứt xuống sông, mang đi chôn, đến khi tìm lại thì đã muộn. Bác sĩ Giang cho biết, có trường hợp bệnh nhân bị đứt tai, người nhà vứt vào thùng rác, khi các bác sĩ yêu cầu lấy lại để nối ghép thì mới đi bới rác để tìm. Do bị lẫn trong rác, cái tai đã bị nhiễm trùng, không sống lại được nữa. Lại có trường hợp thả thẳng các ngón tay vào thùng đá để bảo quản, do các ngón tay tiếp xúc trực tiếp với đá nên bị bỏng lạnh, da và các mạch máu cũng bị hỏng…
Theo bác sĩ Giang, ngoài bàn tay, bàn chân, các ngón chân, tay, BV Việt Đức đã xử lý thành công nhiều tai nạn đứt rời khác như tai, mũi, dương vật, môi… với tỷ lệ thành công trên 80%. Điều này giúp nhiều bệnh nhân tránh được thương tật vĩnh viễn và trả lại thẩm mỹ cho cơ thể. Tuy nhiên, sự thành công của các ca nối ghép này phụ thuộc nhiều vào công đoạn bảo quản các bộ phận đứt rời. Vì vậy, người dân cần hết sức lưu ý bảo quản các bộ phận cơ thể đứt rời để có thể được cấp cứu kịp thời (Nông thôn Ngày nay 17/9).
Bệnh sốt rét bùng phát mạnh ở Ðác Nông
Sở Y tế tỉnh Ðác Nông vừa cho biết, sau nhiều năm được kiểm soát, đẩy lùi, năm nay, bệnh sốt rét đang quay trở lại và bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh có nguy cơ bùng phát thành dịch. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn ghi nhận 420 ca mắc, tăng 80 ca so cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu ở các huyện: Cư Giút, Ðác Mil, Ðác Song, Krông Nô, Tuy Ðức và thị xã Gia Nghĩa.
Qua kiểm tra của hệ thống y tế dự phòng còn phát hiện tỷ lệ lam máu dương tính với ký sinh trùng sốt rét tăng hơn 30% so với các năm trước đây. Sở Y tế Ðác Nông đang chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh phối hợp Trung tâm y tế các huyện, thị xã tiến hành phun thuốc diệt muỗi truyền bệnh sốt rét; cấp phát test chẩn đoán nhanh bệnh sốt rét cho các cơ sở y tế và cán bộ quân y các đồn biên phòng trên tuyến biên giới để kiểm tra, phát hiện và có biện pháp chữa trị kịp thời, kiên quyết không để xảy ra tử vong vì bệnh sốt rét (Nhân dân 17/9).
Trang chủ » Tin tức » Điểm báo ngày 17/ 9/2012