Trang chủ » Tin tức » Điểm báo ngày 13/1/2013

Điểm báo ngày 13/1/2013


Chăm sóc sức khỏe người nghèo ở vùng khó khăn

Nhằm giúp người nghèo ở các tỉnh miền núi, khó khăn, Liên minh châu Âu (EU) tài trợ dự án hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người nghèo ở các tỉnh Lai Châu, Ðiện Biên, Sơn La, Kon Tum, Gia Lai. Sau năm năm triển khai, dự án đem lại nhiều hiệu quả cụ thể, thiết thực, là cơ sở để tiếp tục có những hỗ trợ trong giai đoạn mới.

Dự án tập trung cung cấp các gói dịch vụ y tế: làm mẹ an toàn; phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em; tiêm chủng mở rộng; phòng, chống nhiễm khuẩn hô hấp; cải thiện quản lý bảo hiểm y tế và hỗ trợ trực tiếp người nghèo khám chữa bệnh; chăm sóc mắt dựa vào cộng đồng… Dự án cũng dành một phần hỗ trợ để cải thiện điều kiện làm việc cho các cơ sở y tế; thí điểm triển khai mô hình chăm sóc bệnh nhân hen và tăng huyết áp dựa vào cộng đồng tại huyện Tam Ðường, tỉnh Lai Châu và huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum. Thí điểm mô hình thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo định suất tại ba xã của huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai và mở rộng ở bốn xã huyện Ðác Tô, tỉnh Kon Tum.

Kết quả cho thấy, chỉ số phụ nữ đẻ được khám thai ít nhất ba lần tăng dần qua các năm từ năm 2010 (49,5%), đến năm 2011 (65,8%) và 2012 (68,3%). Việc hỗ trợ hoạt động khám thai giúp trạm y tế xã quản lý tốt hơn các trường hợp thai nghén, tư vấn tốt hơn cho người phụ nữ mang thai về chế độ ăn, nghỉ ngơi, làm việc và lựa chọn nơi sinh hợp lý, vận động phụ nữ đến cơ sở y tế để đẻ. Ðồng thời giúp quản lý được đối tượng và cung cấp viên đa vi chất cho phụ nữ có thai. Ðáng chú ý, số phụ nữ đẻ được cán bộ y tế đỡ đẻ đạt tỷ lệ rất cao. Ðây là một trong những thành công lớn của dự án do hoạt động này rất khó can thiệp, nhất là ở các huyện, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nơi có phong tục tập quán riêng; địa hình hiểm trở, giao thông đi lại không thuận lợi, nhất là mùa mưa, gây khó khăn không nhỏ để phụ nữ có thai đến các cơ sở y tế đẻ. Chỉ số này tăng qua các năm ở cả năm tỉnh và tăng cao ở ba tỉnh Ðiện Biên, Sơn La và Kon Tum. Bác sĩ Nguyễn Ðức Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ – trẻ em (Bộ Y tế) cho rằng: Dự án xây dựng gói can thiệp theo đúng ưu tiên của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em (chăm sóc trước, trong và sau sinh). Các tiếp cận giải quyết ba chậm trong làm mẹ an toàn (chậm trễ trong việc phát hiện nguy cơ và tai biến là do chậm trong việc quyết định sử dụng dịch vụ chăm sóc và chậm đến cơ sở y tế) của Tổ chức Y tế thế giới là rất phù hợp. 

Hoạt động hỗ trợ phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em cũng rất được quan tâm qua các hoạt động hỗ trợ và can thiệp. Nhiều hoạt động được triển khai như lập danh sách, cân và theo dõi cân nặng cho trẻ dưới hai tuổi; xác nhận và theo dõi các trẻ dưới năm tuổi suy dinh dưỡng; bổ sung dinh dưỡng cho trẻ dưới năm tuổi suy dinh dưỡng nặng… Nhờ đó, tỷ lệ trẻ dưới năm tuổi bị suy dinh dưỡng giảm dần qua các năm: 2008 (30,8%); 2009 (26,2%); 2010 (25,7%); 2011 (24,6%) và chín tháng 2012 (23,5%). Tổng số trẻ dưới năm tuổi được phát hiện suy dinh dưỡng nặng là 88.632 trẻ và số trẻ được cấp sản phẩm phục hồi dinh dưỡng (PHDD) là 40.714 trẻ. Những trẻ được nhận và sử dụng sản phẩm PHDD đã được cải thiện nhiều về tình trạng suy dinh dưỡng, tăng cân nặng. Tuy nhiên vẫn còn một số trẻ quay trở về tình trạng suy dinh dưỡng nặng sau khi hết đợt cung cấp sản phẩm PHDD. Từ thực tế cho thấy việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở trẻ là một vấn đề khó khăn, nếu chỉ giao riêng ngành y tế thì rất khó cải thiện được. Ngành y tế làm tốt công tác tư vấn, truyền thông cho người dân, nhưng nếu người dân nghèo, không có tiền để mua đầy đủ các thực phẩm nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho con họ thì tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ khó có thể cải thiện.

Một sự hỗ trợ khá thiết thực và hiệu quả là dự án hỗ trợ trực tiếp người bệnh chi phí khám chữa bệnh. Thống kê cho thấy có gần 800 nghìn người nghèo, nhất là người dân tộc thiểu số ở các tỉnh nêu trên nhận được hỗ trợ trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh như tiền ăn, tiền đi lại, vận chuyển cấp cứu và phần 5% đồng chi trả. Việc hỗ trợ đó giảm đáng kể gánh nặng chi phí mà người bệnh phải bỏ ra khi đi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế. Các hoạt động của dự án nhằm tăng cường sử dụng nguồn tài trợ để trực tiếp hỗ trợ tài chính cho người nghèo theo Quyết định 139 của Chính phủ. Hỗ trợ chi trả chi phí khám chữa bệnh cho người nghèo, nhất là người dân tộc thiểu số nhằm tăng khả năng tiếp cận và được hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng; giảm gánh nặng chi phí trong khám chữa bệnh đối với các hộ gia đình nghèo. (Nhân dân 13/1- trang 5)
                                                                                                                             
Hà Nội tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội thời gian qua còn nhiều bất cập. Mặc dù các lực lượng chức năng liên tục kiểm tra, rà soát các đường dây vận chuyển, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, qua đó, phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm, nhưng trên thực tế, tình hình rất phức tạp, nhất là vào thời điểm lượng hàng hóa luân chuyển trên thị trường lớn như hiện nay. Các lực lượng chức năng của TP Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp, nhằm bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ sắp tới.
Hà Nội không chỉ là thị trường bán lẻ với mức tiêu thụ hàng hóa lớn, mà còn là điểm trung chuyển, bán buôn hàng đi các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Do đó, số lượng hàng hóa nói chung, các mặt hàng thực phẩm nói riêng được luân chuyển trên địa bàn rất lớn, đòi hỏi công tác kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm phải được quan tâm đặc biệt. Trong những tháng cuối năm 2012 đầu năm 2013, các lực lượng chức năng của thành phố đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát các nguồn hàng đổ về thành phố, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Hàng loạt các vụ vi phạm nghiêm trọng đã bị phát hiện.

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thị Như Mai cho biết, chỉ trong hai tháng vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra 2.014 vụ, xử lý 1.784 vụ vi phạm, phạt gần 10 tỷ đồng. Phòng Cảnh sát môi trường (Công an TP Hà Nội) cung cấp một con số đáng lo ngại hơn. Chỉ trong 20 ngày gần đây, các đơn vị đã phát hiện, xử lý 81 vụ việc, trong đó có 47 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều vụ việc có tính chất nghiêm trọng với số lượng hàng hóa thu giữ lớn, như vụ phát hiện xe ô-tô tải chở gần ba tạ chân, cánh gà và lòng lợn đã qua sơ chế, ngâm tẩm hóa chất vào ngày 8-1; thu hơn 1.000 hộp gia vị các loại… không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ vào ngày 5-1. Các loại đồ uống, nước giải khát bị làm giả, làm nhái với số lượng lớn, qua kiểm tra các cơ sở ở quận Hà Ðông, huyện Hoài Ðức, lực lượng chức năng đã thu giữ hàng chục nghìn chai nước ngọt, rượu được pha chế từ cồn công nghiệp, đường hóa học, đóng chai hoàn toàn thủ công. Chủ các cơ sở khai nhận, thành phẩm có giá bán khá rẻ và đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh lân cận, khu vực nông thôn…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, một mặt, thành phố đã chủ động sản xuất, dự trữ, bảo đảm đủ nguồn hàng sạch để đáp ứng nhu cầu của người dân, tránh tình trạng khan hiếm hàng, để người dân phải tìm đến các thực phẩm không an toàn. Mặt khác, thành phố đã thành lập sáu đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức giám sát chất lượng thực phẩm lưu thông, lấy mẫu xét nghiệm các sản phẩm được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết như rau, thịt, giò, chả, đồ uống, bánh, kẹo, ô mai, mứt, thực phẩm khô… Ngành y tế thành phố đã kiểm tra 12 cơ sở, xử lý vi phạm tám cơ sở, lấy các mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức 140 buổi kiểm tra 242 cơ sở, xử lý 18 cơ sở vi phạm, tiêu hủy hơn một tấn sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc. Ngành công thương đã kiểm tra 48 vụ về chất lượng an toàn thực phẩm… Sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Nổi bật là tình trạng nhập lậu gà loại thải, gia cầm không rõ nguồn gốc trên địa bàn trong thời gian qua đã giảm hơn 90%.

Tuy nhiên, tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm bẩn vào thành phố vẫn diễn biến phức tạp. Thành phố hiện có hơn 400 chợ lớn nhỏ, trong đó có nhiều chợ tạm, chợ cóc cùng hàng nghìn cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại nhiều nơi còn buông lỏng, trong khi nhiều người tiêu dùng chưa thật sự quan tâm đến an toàn vệ sinh khi vẫn sử dụng những thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Phó Giám đốc Nguyễn Thị Như Mai nhận định, các đầu nậu buôn bán gia cầm loại thải hoạt động tinh vi, khó kiểm soát. Các đối tượng này thường lợi dụng quy định vận chuyển dưới 50 con gia cầm thì không cần giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, để đưa hàng vào thị trường Hà Nội tiêu thụ. Ðội trưởng Quản lý thị trường số 11 Lê Mạnh Hùng cho biết, các chủ hàng thường thuê xe ô-tô hoặc xé nhỏ hàng, vận chuyển bằng xe máy từ khu vực biên giới về Hà Nội tiêu thụ, cho nên, nếu cơ quan điều tra bắt giữ xe chở hàng lậu, cũng rất khó tìm được đúng chủ hàng để xử lý. Ngoài ra, các cơ sở chăn nuôi, trồng trọt, chế biến, sản xuất thực phẩm trên địa bàn và các tỉnh lân cận thường hoạt động ở mức nhỏ lẻ, đầu tư trang thiết bị chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là các sản phẩm nông nghiệp. Lượng hóa chất tồn dư trong rau, củ, quả, chất kháng sinh, vi sinh và các chất cấm khác trong thịt gia súc… vẫn là nỗi lo ngại của người tiêu dùng.

Trong thời gian tới, các lực lượng chức năng của thành phố đẩy mạnh các hoạt động nghiệp vụ liên quan đến công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời bảo đảm việc cung ứng, dự trữ hàng hóa phục vụ thị trường trước và sau Tết Nguyên đán. Trong đó, tập trung kiểm tra, quản lý thị trường, thường xuyên lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng các sản phẩm, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các cơ sở, đối tượng vi phạm; công khai các kết quả thanh, kiểm tra để tăng sức răn đe các đối tượng. Thành phố tiếp tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo phân cấp quản lý. Bên cạnh đó, chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân lựa chọn, sử dụng, sản xuất và kinh doanh thực phẩm an toàn. Thành phố không chỉ tập trung làm tốt công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong đợt Tết, mà cố gắng giữ vững những kết quả đã làm được, để mọi người dân luôn có "bữa ăn an toàn" suốt cả năm. (Nhân dân 13/1- trang 8+7)
 
Nhiều trẻ em nhập viện do rét đậm kéo dài

Trong những ngày gần đây, tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng số bệnh nhi đến khám và điều trị gia tăng. Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng Bác sĩ Vũ Văn Ngọ, cho biết, hơn một tuần qua, số trẻ em phải vào bệnh viện điều trị tăng 30 đến 50 cháu/ngày, tức là tăng từ 10 đến 15%.

Trẻ em nhập viện phần lớn do các bệnh về hô hấp (viêm mũi, họng, phế quản, phổi…) và tiêu chảy do thời tiết giá lạnh. Tình trạng quá tải cục bộ đã xảy ra tại một số khoa như Sơ sinh, Tiêu hóa và Hô hấp… Ðể đáp ứng nhu cầu điều trị, Bệnh viện phải bố trí kê thêm giường hoặc bố trí nằm ghép hai trẻ một giường. Tại một số cơ sở khám, chữa bệnh tư trong khu vực nội thành Hải Phòng cũng gia tăng số trẻ em đến khám, điều trị bệnh các bệnh về hô hấp.

Theo Bệnh viện Ða khoa tỉnh Hòa Bình, chỉ trong một tuần qua, đã có 35 bệnh nhi mắc các bệnh về đường hô hấp đến khám và nhập viện. Nguyên nhân các bệnh nhi mắc bệnh về đường hô hấp tăng trong thời gian qua là bị nhiễm lạnh do thay đổi thời tiết. Trong đó có nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng nặng. Ðặc biệt, thời gian này bệnh tiêu chảy cấp và thiếu máu huyết tan cũng tăng. (Nhân dân 13/1- trang 8)
 
3 người nhiễm liên cầu lợn

Ngày 12.1, Sở Y tế TP.Đà Nẵng xác định có 3 người lớn bị nhiễm liên cầu lợn (Streptococuccus 2) được điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng, gồm 1 người ở Đà Nẵng, 1 người ở Quảng Ngãi và 1 người ở Quảng Nam.

Kết quả điều tra dịch tễ học cho thấy có 2 trường hợp liên quan chăn nuôi lợn tại gia đình và ăn thịt lợn nướng. Trường hợp còn lại khai báo không rõ tiền sử tiếp xúc nguồn bệnh. Sở Y tế TP.Đà Nẵng khuyến cáo tình hình bệnh liên cầu lợn có nguy cơ bùng phát trên địa bàn vào những ngày tết, đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan sớm phát hiện và xử lý tình trạng lợn ốm, chết trong khu dân cư. (Thanh niên 13/1- trang 2)
 
Miễn phí điều trị bệnh nhân ung thư nghèo

Bắt đầu từ ngày 15-1, Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng sẽ chính thức tiếp nhận bệnh nhân vào điều trị.

Theo bác sĩ Trịnh Lương Trân – giám đốc Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, bệnh nhân ung thư thuộc diện nghèo của Đà Nẵng và Quảng Nam khi vào điều trị tại đây sẽ được miễn phí hoàn toàn.
Riêng đối tượng thuộc diện đặc biệt nghèo ở các địa phương còn lại trong cả nước cũng sẽ được bệnh viện miễn giảm viện phí. Ngoài ra, Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng dành hẳn một khu bếp ăn từ thiện để phục vụ cháo 3 buổi/ngày cho bệnh nhân cùng hai tòa nhà lưu trú phục vụ miễn phí chỗ ở cho thân nhân đối với bệnh nhân nghèo và thân nhân của họ. Được biết Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng được khởi công xây dựng từ tháng 3-2009 với quy mô 500 giường bệnh. Trước mắt đưa vào hoạt động giai đoạn đầu với quy mô 200 giường, 21 khoa, phòng, 74 bác sĩ. Kinh phí đầu tư xây dựng và trang thiết bị lên đến hơn 1.300 tỉ đồng. (Tuổi trẻ 13/1- trang 4).

Gửi thảo luận