Mở cửa Bệnh viện ung thư điều trị miễn phí cho bệnh nhân nghèo
Ngày 15-1 tới, Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng sẽ mở cửa, khám chữa bệnh cho bệnh nhân và chính thức hoạt động từ ngày 19-1-2013, BS Trịnh Lương Trân – Giám đốc bệnh viện công bố tại buổi họp báo sáng 11-1. Theo đó, bệnh viện có 21 khoa phòng với 200 giường bệnh ở thời gian đầu và nâng lên 500 giường (27 khoa phòng) vào những năm tới. Ngoài ra, còn có ký túc xá, bếp ăn miễn phí cho người nhà, thân nhân bệnh nhân. Theo BS Trịnh Lương Trân: Hiện đơn vị kiện toàn bộ máy nhân sự, đội ngũ hơn 70 bác sĩ, cùng các chuyên gia, y tá, điều dưỡng có trình độ chuyên môn cao. Bệnh nhân thuộc diện hộ nghèo, có BHYT, hộ khẩu Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung sau khi trừ phần BHYT thanh toán, sẽ được miễn phí toàn bộ phần đồng chi trả.
Với đặc thù bệnh nhân ung thư, nhiều loại thuốc, phương pháp chữa trị không nằm trong danh mục thanh toán BHYT nên nếu bệnh nhân phải đồng chi trả là một gánh nặng lớn. Bệnh viện sẽ miễn phí hoàn toàn cho các bệnh nhân trên. Đặc biệt, trang thiết bị y tế bệnh viện được đầu tư hiện đại, chất lượng với các hệ thống máy xạ trị, y học hạt nhân, gia tốc tuyến tính… Bệnh biện triển khai xây dựng từ năm 2009, với tổng số tiền xây dựng, trang thiết bị y tế lên đến 1.300 tỷ đồng, do Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng làm chủ đầu tư, phần lớn từ các nguồn vận động “xã hội hóa” do các tổ chức, cá nhân hảo tâm đóng góp (Tiền phong, Nông thôn Ngày nay 12/1).
Năm 2015: Bệnh viện cơ bản hết nằm ghép
Chính phủ vừa phê duỵệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 – 2020. Theo đó, sẽ từng bước giảm tình trạng quá tải bệnh viện ở 2 khu vực khám bệnh và điều trị nội trú; cơ bản khắc phục tình trạng nằm ghép vào năm 2015. Từ năm 2020 trở đi, không còn tình trạng quá tải bệnh viện. Cần giảm công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện có công suất >120% xuống dưới 100% và giảm thời gian và lưu lượng người chờ khám bệnh tại khoa khám bệnh của các bệnh viện hiện có công suất sử dụng giường bệnh quá cao. Chính phủ cũng yêu cầu thí điểm thành lập mạng lưới phòng khám bác sỹ gia đình tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương. Ưu tiên thành lập mạng lưới bệnh viện vệ tinh của 5 chuyên khoa Ung bướu, ngoại – chấn thương, tim mạch, sản và nhi theo hướng lấy một số bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh làm bệnh viện hạt nhân (An ninh Thủ đô, Sức khỏe & Đời sống, Nhân dân 12/1).
Bệnh viện 19-8 Bộ Công an: Sáng tạo, cải tiến nhiều kỹ thuật mới trong điều trị
Ngày 11-1, BV 19-8 Bộ Công an đã tổ chức hội thao kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ lần thứ 16 nhằm huy động sức sáng tạo, trí tuệ của cán bộ chiến sĩ trẻ trong BV để hoàn thiện, cải tiến các kỹ thuật, ứng dụng kỹ thuật mới. Đại tá, PGS.TS Bùi Ngọc Tiến, Phó Giám đốc BV cho biết, hội thao lần này có số lượng đề tài đăng ký dự thi nhiều nhất từ trước đến nay, gồm 30 kỹ thuật chia thành 3 lĩnh vực chính là nội khoa, ngoại khoa và cận lâm sàng. Qua đánh giá, có rất nhiều đề tài thiết thực, một số đề tài lần đầu được áp dụng tại BV, thậm chí có kỹ thuật lần đầu tiên được ứng dụng triển khai tại Việt Nam. Cũng theo ông Tiến, qua mỗi lần hội thao lại có rất nhiều kỹ thuật mới, có tính ứng dụng cao được BV triển khai vào thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng điều trị của BV (An ninh Thủ đô 12/1).
Cần Thơ nâng cao chất lượng hoạt động phòng, chống HIV/AIDS
Cùng với đầu tư nguồn lực, năm 2012 ngành y tế ban hành nhiều văn bản về công tác chuyên môn và kế hoạch hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Nhờ đó, tình hình dịch HIV/AIDS tại Cần Thơ đã được kiểm soát và đạt được những kết quả khả quan.
Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS thành phố Cần Thơ Lại Kim Anh cho biết, trước tình hình dịch HIV ngày càng lây lan, thời gian qua, thành phố triển khai nhiều chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Các chương trình này được triển khai đều khắp tại các tuyến, các ban ngành, địa phương với 330 nhân viên truyền thông lưu động, 170 cộng tác viên xã, phường và 96 nhân viên tiếp cận cộng đồng. Qua những chương trình này, tính đến tháng 9- 2012, Cần Thơ thực hiện chăm sóc, hỗ trợ cho 1.408 người nhiễm HIV. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiến hành rà soát thông tin liên quan đến người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn để hướng tới thực hiện bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS. Thành phố cũng duy trì hoạt động thường xuyên của tám phòng khám ngoại trú và thường xuyên theo dõi lộ trình tăng người bệnh của từng phòng khám ngoại trú. Theo đó, rà soát toàn bộ người bệnh đang điều trị ARV theo từng phác đồ tại mỗi phòng khám ngoại trú, tiến tới xây dựng lộ trình và thực hiện chuyển đổi phác đồ cho người bệnh theo hướng dẫn của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế). Ngoài ra, thành phố cũng triển khai có hiệu quả các chương trình như chương trình bao cao-su, bơm kim tiêm sạch, điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, chương trình điều trị ARV… Do vậy, cho đến thời điểm này, Cần Thơ cơ bản đã khống chế được tốc độ gia tăng của dịch HIV/AIDS; giảm số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện, giảm tử vong do AIDS hằng năm và giảm sự kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Cần Thơ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống HIV/AIDS như sự thiếu hụt đầu tư về nhân lực, nhất là ở tuyến cơ sở; kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia còn nhiều áp lực lớn, gây khó khăn cho việc bảo đảm chất lượng hoạt động. Ðáng chú ý, tình hình dịch trên địa bàn thành phố vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là sự lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục vẫn là đường lây truyền chủ yếu. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS đã được cải thiện nhiều, tuy nhiên đôi lúc, đôi nơi vẫn còn có dấu hiệu biểu hiện ngày càng tinh vi hơn, người nhiễm HIV vẫn còn nhiều trường hợp tiếp cận muộn với việc được điều trị ARV. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ phòng, chống HIV/AIDS chưa đáp ứng nhu cầu, đang thiếu hụt ở tất cả các tuyến; trong khi số cán bộ có trình độ và kinh nghiệm được tuyển dụng thêm ít, còn các cán bộ có kinh nghiệm và năng lực lại kiêm nhiệm nhiều chương trình hoặc đi học. Ðây là rào cản cho việc mở rộng các chương trình phòng, chống HIV/AIDS, can thiệp giảm tác hại, điều trị ARV.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn của công tác phòng, chống HIV/AIDS, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ Bùi Lệ Thi cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung triển khai các chỉ tiêu kế hoạch của bốn dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia; nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS, nhất là các dịch vụ hỗ trợ thay đổi hành vi. Tiếp tục duy trì bền vững và hiệu quả các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi có hại, thực hiện hành vi an toàn dự phòng lây nhiễm HIV của các tầng lớp nhân dân, nhất là những người dễ bị tổn thương bởi HIV/AIDS. Xây dựng các đề án kỹ thuật như xã hội hóa Methadone; lồng ghép cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm, điều trị ARV và Methadone… Thực hiện giám sát hỗ trợ kỹ thuật cho các quận, huyện triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại. Ðồng thời, tăng cường quản lý, giám sát hoạt động phòng xét nghiệm và quản lý sinh phẩm; triển khai thành công thí điểm sáng kiến điều trị 2.0; cải thiện chất lượng điều trị HIV/AIDS cũng như triển khai thực hiện các kỹ thuật mới như truyền thông thay đổi hành vi; xây dựng phòng xét nghiệm khẳng định tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS. Qua đó, đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn nói riêng và Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS nói chung (Nhân dân 12/1).
Ra mắt kênh phát thanh chuyên biệt về sức khỏe đầu tiên
Sau hơn 3 tháng phát thử nghiệm, sáng ngày 10/1, tại Hà Nội, kênh phát thanh Joyfm của Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội chính thức ra mắt trên tần số 98.9 Mhz với thời lượng từ 6h00 – 24h hàng ngày. Với sự bảo trợ của Bộ Y tế, kênh Joyfm là kênh phát thanh chuyên biệt duy nhất về sức khỏe ra đời với mục đích cung cấp những thông tin cần thiết về sức khỏe, chế độ dinh dưỡng, phòng bệnh chữa bệnh cũng như cập nhật các thông tin liên quan đến vấn đề y tế trong nước và trên thế giới (Sức khỏe & Đời sống 12/1).
Cứu sống trẻ có nhiều nội tạng chui lên lồng ngực
Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư vừa cứu sống một trẻ sơ sinh bị thoát vị cơ hoành bẩm sinh khiến nội tạng tiêu hóa chui lên lồng ngực.Bé Hoàng Chi M. (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vừa chào đời đã phải đối mặt với dị tật thoát vị hoành bẩm sinh rất nặng.
Phần bụng của bé M. xẹp lép, còn toàn bộ vùng lồng ngực căng phồng. Bệnh nhi rơi vào trạng thái khó thở, tím tái do suy hô hấp. BV Phụ sản Hà Nội đã liên hệ với BV Nhi T.Ư để cử bác sĩ sang tận phòng đẻ đánh giá về chức năng sống, đặt nội khí quản cho bệnh nhi và chuyển cấp cứu sang BV Nhi T.Ư. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị thoát vị cơ hoành bẩm sinh.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng phải thở máy, tăng áp lực động mạch phổi nặng nếu không cấp cứu kịp sẽ tử vong, hình ảnh thoát vị hoành trái hiện rõ trên phim chụp Xquang. TS.Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư cho biết khối thoát vị gồm lá lách, toàn bộ ruột, dạ dày, đại tràng chui lên ngực qua lỗ thoát vị, chèn ép phổi và tim khiến phổi chỉ còn 1/3 nang phổi so với bình thường, tim lệch sang bên phải.
Trước tình trạng quá nặng của bệnh nhi, các bác sĩ đã cho thở khí NO để giảm áp lực động mạch phổi, ổn định tình trạng chung của cơ thể để phẫu thuật. GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh vịên Nhi T.Ư là người trực tiếp thực hiện ca mổ nội soi ngay tại giường hồi sức dưới sự hỗ trợ thở của máy thở cao tần (HFO). Sau 50 phút phẫu thuật bác sĩ đã đưa toàn bộ nội tạng tiêu hóa trở lại ổ bụng bệnh nhi, đưa tim về vị trí bình thường, đồng thời khâu phục hồi cơ hoành. Dự kiến bệnh nhi sẽ xuất viện sau 2 tuần nữa.
Phát hiện được qua siêu âm thai
Trước đó trong quá trình mang thai, mẹ bé M. đã được các bác sĩ siêu âm và chẩn đoán có khối thoát vị cơ hoành nên theo dõi sát sao sự phát triển của bào thai. TS.Trần Minh Điển cho biết thoát vị cơ hoành xuất hiện ở giai đoạn phôi thai 8 tuần tuổi. Dị tật bẩm sinh này tác động đến sự phát triển bình thường của tim và phổi. Thời điểm thoát vị và kích thước dị tật ảnh hưởng đến thời điểm phổi ngừng phát triển. Hầu hết các thoát vị xảy ra trước tuần 12 của thai kỳ, số lượng phế quản ở cả 2 lá phổi giảm đáng kể, nhất là phía bên cơ hoành bị tổn thương, và phổi bên đối diện cũng bị ảnh hưởng.
Thông thường phổi bên bị ảnh hưởng trực tiếp sẽ dừng phát triển ở tuần 10-12, phổi đối diện sẽ dừng ở tuần 12-14. Dị tật này có thể phát hiện ở tuần thứ 14 của thai kỳ. Trên thế giới bác sĩ có thể can thiệp để chỉnh sửa khuyết tật thoát vị cơ hoành ngay từ khi thai nhi còn trong bụng mẹ. Tuy nhiên, kỹ thuật này chưa được triển khai tại Việt Nam, nên hầu hết bệnh nhi được xử lý dị tật khi vừa chào đời. Bác sĩ Điển cho biết thêm khi thấy trẻ có biểu hiện tím không giải thích được, suy hô hấp, bụng phẳng dẹt cần nghĩ tới trẻ bị thoát vị cơ hoành để có hướng điều trị sớm (Tiền phong 12/1).