Thế nào là ho?
Chúng ta nên biết rằng, ho là một phản xạ của cơ thể để tống các vật lạ trong đường hô hấp ra ngoài. Đó có thể coi là một phản xạ có lợi bảo vệ cơ thể bạn. Tuy nhiên, phản xạ này ở một mức độ nào đấy lại gây phiền toái cho bạn trong sinh hoạt, giấc ngủ, ăn uống và giao tiếp. Vì vậy, đôi khi bạn cần đến thuốc ho hỗ trợ làm dịu cơn ho bên cạnh các thuốc điều trị nguyên nhân ho. Việc chọn thuốc ho phù hợp, có hiệu quả và tránh được các tác dụng không mong muốn là điều hết sức quan trọng trong việc điều trị ho.
Phân loại ho
Có hai dạng ho là ho khan và ho có đờm:
Ho khan thường kèm với ngứa họng, gây khàn giọng hoặc mất giọng. Nguyên nhân của ho khan thường do thay đổi thời tiết, hít phải bụi bặm hay các loại khói như khói công nghiệp và đặc biệt là khói thuốc lá. Ho khan còn có thể là do nhiễm virut, do cúm hoặc cảm lạnh. Ngoài ra, ho khan có thể là triệu chứng của một nguyên nhân khác như hen phế quản, viêm phế quản mạn, suy tim sung huyết, ung thư phổi…
Ho có đờm thường kèm với tình trạng khạc ra chất nhầy hoặc đờm kèm theo cảm giác “nặng ngực”. Bệnh nhân có cảm giác nghẹt thở và khó thở, các triệu chứng này thường làm cho bệnh nhân mệt mỏi. Ho có đờm có thể là triệu chứng còn lại sau khi bị đau họng, nghẹt mũi và viêm xoang.
Các loại thuốc ho
Thuốc ho có vô vàn sản phẩm trên thị trường nhưng tựu trung lại chỉ chứa đựng một trong các thành phần sau đây:
Thuốc tác dụng lên hệ thần kinh trung ương, ức chế trung tâm ho, ví dụ như codein, dextromethorphan, opium, các thuốc này có tác dụng làm dịu cơn ho, nhất là ho khan. Tuy nhiên, thuốc cũng gây ức chế trung tâm hô hấp nên không nên dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi, người bị suy hô hấp, hen suyễn hoặc mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Thuốc có tác dụng làm loãng đờm, tan đờm như acetylcystein, carbocistein, bromhexin, ambroxol, guaiphenesin… Thuốc này có tác dụng làm đờm loãng ra và dễ dàng bị tống ra ngoài qua phản xạ ho hoặc qua sự vận chuyển của niêm mạc đường hô hấp. Ngoài ra, chúng còn tăng khả năng xâm nhập kháng sinh vào đờm giúp mau lành bệnh, khi đờm hết thì ho sẽ hết. Thuốc được dùng trong trường hợp ho có đờm, hoặc đờm tiết ra đặc quá không khạc ra được. Không dùng trong trường hợp bệnh phổi tắc nghẽn, suy hô hấp hoặc hen suyễn vì khi đó đờm được tiết ra nhưng không vận chuyển ra ngoài được, làm gia tăng sự tắc nghẽn ở phổi. Thuốc này được khuyến cáo không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi. Thuốc cũng có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày nên thận trọng trong trường hợp có tiền sử viêm loét dạ dày – tá tràng.
Thuốc có tác dụng chống dị ứng như promethazin, oxomemazin, clopheniramine… Các thuốc này có tác dụng chống dị ứng, giảm ngứa họng và giảm ho, nhất là ho do dị ứng. Bên cạnh đó, thuốc có tác dụng gây ngủ nên cũng giảm bớt ho về đêm. Tuy nhiên chính tác dụng gây ngủ này khiến trẻ đi học dễ lơ mơ ngủ gà. Khi người lớn dùng thuốc này tránh vận hành máy móc, tàu xe. Ngoài ra, thuốc còn gây khô miệng, chán ăn và táo bón.
Thuốc có tác dụng chống sung huyết như pseudoephedrine, thuốc có tác dụng co mạch, giảm sung huyết mũi, chống ngẹt mũi. Thuốc này thường phối hợp với các thành phần trên để tăng tác dụng trị ho và cúm, làm thông mũi. Vì tác dụng co mạch, gây mạch nhanh nên không dùng cho người tăng huyết áp, người có tiền sử bệnh tim mạch. Ngoài ra, thuốc gây kích thích nhẹ nên người uống có thể khó ngủ, chán ăn.