Bác sĩ Craig Roberts, trường đại học Strathclyde, cộng sự viên của bác sĩ Henriquez, cho biết ký sinh trùng nói trên có mặt trong bụi bặm, nước máy, nước biển và ao hồ, kể cả nước hồ bơi…, nghĩa là ở khắp nơi.
Ký sinh trùng này tự nuôi sống bằng cách ăn vi khuẩn bám kính áp tròng, ăn mô giác mạc. Tiến trình này có thể kéo dài một tuần và gây đau đớn vô cùng. Nghĩa là nếu bạn không làm vệ sinh kỹ kính áp tròng, để nó tiếp xúc thường xuyên với môi trường dơ dáy, bạn dễ dàng trở thành mồi ngon của ký sinh trùng Acanthomoeba. Đặc biệt, việc chẩn đoán phát hiện con ký sinh trùng này khá khó khăn bởi những triệu chứng nó gây ra (ngứa ngáy, làm chảy nước mắt, mờ mắt, chói mắt, sưng mí mắt trên) dễ bị nhầm lẫn với các bệnh về mắt khác.
Cũng may, số người bị nó tấn công không nhiều. Mỗi năm các bác sĩ Anh phát hiện chừng 75 người. Nhưng ai đã lỡ dính vào nó phải nhập viện, rửa mắt bằng dung dịch đặc trị (Dettol), nằm lại ba tuần. Nếu không thành công phải cấy ghép giác mạc. Trong những trường hợp nghiêm trọng nhất nó có thể gây mù. Đặc biệt, theo bác sĩ Henriquez, hiện nay chưa có thuốc trị nó một cách hiệu quả.
Graeme Stevenson, bác sĩ nhãn khoa hợp tác với các chuyên gia bào chế thuốc rửa kính áp tròng, cho biết thêm đa số những trường hợp bị ký sinh trùng Acanthamoeba là do rửa kính áp tròng bằng nước máy hoặc đi bơi, đi tắm mà vẫn đeo kính.
Hiệp hội Kính áp tròng Anh khuyến cáo những người dùng kính áp tròng cần tuân thủ mấy điều như sau: Mỗi ngày chỉ đặt kính một lần. Các hộp đựng kính phải được thay đổi mỗi tuần. Đi bơi hay tắm nên tháo kính ra, hoặc có thể mang kính nếu kính bơi bảo đảm nước không lọt vào mắt. Trong lúc tắm trong phòng tắm, cần nhắm mắt không cho nước lọt vào.