Trang chủ » Kho thuốc nhân loại » Dược liệu » Chòi mòi tía

Chòi mòi tía

Mô tả: Cây nhỡ cao 3-8m, có các nhánh nhẵn. Lá hình trái xoan ngược, có khi thuôn, thon – tù hay hình tim ở gốc, tròn hay hơi nhọn ở chóp, có mũi cứng, rất nhẵn, bóng, khi khô màu hung nâu, dài 6-15cm, rộng 3-6cm; cuống ngắn. Hoa thành bông đơn độc, to, nhẵn, ở ngọn hay ở nách lá. Quả mọng, gần hình cầu, đỏ rồi đen, đường kính 6-10mm, tận cùng bởi 4 đầu nhụy.
Quả tháng 7-9.
Bộ phận dùng: Rễ và lá – Radix et Folium Antidesmae Bunii.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc phổ biến khắp Ðông Dương. Còn phân bố ở Ấn Độ, Mianma, Nam Trung Quốc, Thái Lan, Inđônêxia, Philippin và Úc châu. Ta thường gặp trên đồi núi, bờ bụi ở nhiều nơi. Cũng được trồng. Ðể dùng làm thuốc, lấy rễ, rửa sạch, thái mỏng, phơi khô. Lá thu hái quanh năm, thường dùng tươi.
Thành phần hoá học: Vỏ cây chứa một alcaloid độc.
Tính vị, tác dụng: Rễ có vị rất đắng, tính hàn, không độc, có tác dụng phá tích bĩ, mạnh gân cốt, trợ khí, thông huyết. Lá có tác dụng chống độc.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Rễ chòi mòi tía được dùng trị ban nóng, lưỡi đóng rêu, đàn bà kinh nguyệt không đều, ngực bụng đau có hòn cục, đàn ông cước khí, thấp tê. Còn dùng chữa các chứng sản hậu cũng có kết quả. Lá được dùng ở Ấn Độ trị nọc độc của động vật; lá non dùng đun nước sử dụng trong suy mòn do giang mai.

Gửi thảo luận