Người phụ nữ 38 lần hiến máu
Tuổi đã ngấp nghé lục tuần, thế nhưng nghe ai đó hỏi "Bao giờ ngừng hiến máu", bà Phạm Thị Lan (khu phố 2, phường 15, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) luôn cười tươi: "Hiến đến bao giờ đưa tay ra bác sĩ không chịu nữa thì thôi".
"Dụ" cả khu phố cùng hiến máu
Với bà Lan – Ủy viên Ban chấp hành, Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ phường 15, quận Gò Vấp – 24 lần hiến máu tại phường, 14 lần tại Viện tim TP Hồ Chí Minh vẫn chưa thấm tháp vào đâu. Sợ nhiều người nghèo không thoát được "lưỡi hái tử thần" vì thiếu máu, bà vận động chồng, con, anh chị em, các cháu trong gia đình cùng bà con hàng xóm tham gia công việc ý nghĩa này. Ðến nay, danh sách cộng tác viên thường xuyên của bà đã hơn 10 người. Bên cạnh hai lần hiến định kỳ mỗi năm, hễ khi phường hay Viện tim TP Hồ Chí Minh gọi điện "cầu cứu", đội quân ấy sẵn sàng lên đường. Tay lật giở từng trang giấy chi chít tên người đã hiến máu trong cuốn sổ dày cộm, bà Lan vui vẻ nói: "Lần đầu hiến máu nhìn cái kim to cũng sợ lắm! Nhưng đi riết hết sợ luôn. Thấy việc làm có ích, tôi rủ thêm nhiều người tham gia để giúp đỡ các bệnh nhân nghèo".
Trước kia, bà Lan không quan tâm nhiều cũng như chưa hiểu tường tận giá trị của việc hiến máu. Nhưng rồi trong một lần vào chăm con tại Bệnh viện Nhân dân Gia Ðịnh, chứng kiến cảnh một cháu bé quê ở Long An qua đời vì thiếu máu, bà nghiệm ra mình phải làm gì đó để cứu người, giúp đời. Tháng 7-2000, bà bắt đầu đăng ký tham gia hiến máu. Nhận thấy cần nhân rộng việc làm có ích, bà rủ thêm chồng, các con, mấy người bạn trong Hội Liên hiệp phụ nữ và chòm xóm cùng tham gia. Cô Hương bán thịt, cô Châu bán cá ngoài chợ Hoàng Mai, cô Oanh bán tạp hóa bên tận cầu An Lộc (quận 12), cô Tuyển thợ may, các bạn sinh viên, thanh niên trong xóm dần dần cũng theo chân Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ phường 15 Phạm Thị Lan đi hiến máu. Nhanh tay mở một cuốn sổ khác, bà Lan phấn khởi khoe: "Khu phố 2 hiến máu dữ lắm! Tôi bao nhiêu lần người ta bấy nhiêu lần. Chẳng hạn như bé Phượng hiến từ hồi sinh viên đến giờ đã 21 lần rồi chứ thua kém ai đâu".
Từ ngày nắm vai trò chi hội trưởng, bà Lan luôn vượt chỉ tiêu vận động dân cư tại địa phương đi hiến máu cho phường. Cứ 100 ca phường đưa ra, bà "rủ rê" được tới 80%, trong đó gần 10 thành viên trong gia đình bà là những người hăng say nhất. Không chỉ cùng mẹ hiến máu, anh Kiều Ngọc Doanh Doanh (31 tuổi, giáo viên toán Trường THPT Thạnh Lộc) còn hỗ trợ đo huyết áp cho người đi hiến máu mỗi khi xe về phường. Cô con gái út Kiều Ngọc Dương Quý Phi (18 tuổi, sinh viên Trường đại học Sài Gòn) được giao nhiệm vụ làm hồ sơ cho cộng tác viên và phát đường sữa. Trong tương lai không xa, khi bà Lan về hưu, có lẽ Quý Phi sẽ kế thừa công việc ý nghĩa này của mẹ.
Ăn cơm… chồng, vác tù và hàng tổng
Nắm cương vị cao nhất ở cả hai hội nhưng "tiền lương" bà Lan nhận về mỗi tháng chẳng là bao. Vì thế, mỗi khi muốn mua cho người này thùng mì, người kia hộp sữa, cân đường để động viên lúc ốm đau, bà chỉ còn cách "mượn" tiền ông xã. Biết vợ "nghiện" công tác xã hội, ông Kiều Công Ðiệp (giáo viên toán Trường THPT Gò Vấp) luôn tạo mọi điều kiện từ vật chất cho đến tinh thần để bà an tâm công tác. Lớn tuổi là vậy nhưng khi quận tổ chức đi khám, chữa bệnh cho bà con nghèo ở vùng sâu, vùng xa, bà Lan lại trốn chồng theo đoàn phát thuốc. Với những kiến thức có được từ các khóa học sơ cấp cứu và dược, cộng thêm tinh thần ham học hỏi, chẳng mấy chốc bà Lan đã thuộc lòng một số dòng thuốc căn bản. Trở về từ những chuyến đi, bà quyết định lập luôn tủ thuốc mi-ni ngay tại nhà mình để mọi người dùng khi cần thiết. Ai trong chợ đứt tay, đau bụng, nhức đầu, đau răng, ai đi chợ bị xỉu đều được bà Lan đưa vào nhà giúp đỡ tận tình. Cô em gái là bác sĩ bên Mỹ thấy chị làm việc nghĩa cũng thường xuyên gửi thuốc về ủng hộ. Số còn lại đều do bà Lan bỏ tiền túi mua. Một năm trở lại đây, tủ thuốc miễn phí ấy có thêm vài loại thuốc trợ tim, vì "Tôi mới phát hiện mình bị tim nên mua thêm thuốc để những người cùng cảnh ngộ khi cần có cái mà dùng", bà Lan nói với giọng trầm buồn.
Kiêm luôn công việc bên Hội Liên hiệp phụ nữ phường, bà Lan hiểu khá rõ hoàn cảnh của những hộ gia đình trên địa bàn. Vì thế, nhà nào có người ốm đau, nhà nào có ma chay, có người đi xuất ngũ, có cãi vã… bà đều đến động viên, chia sẻ, giúp đỡ, hòa giải. Cảm phục cách sống vì cộng đồng của nữ cán bộ hiền lành này, nhiều người tìm đến với bà để san sẻ bớt phần nào khó khăn. Cùng đi hiến máu từ ngày đầu với bà Lan, đến nay chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ (48 tuổi, thợ thêu) đã có thành tích ngang ngửa "người dẫn đường". Không những thế, chị còn rủ thêm cậu con trai út Phạm Thái Hoàng (20 tuổi) đi hiến máu. Bằng những kiến thức có được nhờ theo học ngành điều dưỡng, trong mỗi đợt hiến máu của phường, Hoàng còn tham gia đo huyết áp, tư vấn những điều nên làm và cần tránh để người hiến máu hồi phục sức khỏe trong thời gian nhanh nhất. Chị Lệ chia sẻ: "Nói chung lần đầu ai cũng sợ nhưng cứ nghĩ nhiều người cần máu mình để sống là làm thôi. Mấy năm trở lại đây, tôi bắt chước chị Lan vận động thêm bạn bè, người thân tham gia hiến máu, giờ cũng được kha khá rồi". Ngồi sát đó, Phạm Thái Hoàng tiếp lời: "Bên cạnh việc hiến máu toàn phần, em còn tham gia hiến tiểu cầu để giúp những em bị thiếu tiểu cầu do sốt xuất huyết".
Yêu công việc là vậy nhưng theo quy luật thời gian, cố gắng gượng mấy bà Lan cũng chỉ có thể đảm nhận nhiệm vụ thêm vài năm nữa. Hiện tại, điều khiến bà trăn trở nhất là chưa tìm được người kế thừa, bởi: "Làm việc này không có lương lại tốn khá nhiều thời gian nên ít ai dám nhận. Cũng chọn được vài ba người nhưng do hoàn cảnh nên họ rút lui hết rồi. Nếu tới lúc đó không ai chịu làm, chắc con gái tôi sẽ kế thừa", bà Lan tâm sự.( Nhân dân 7/9 (trang 5))
Ca phẫu thuật nối 2 bàn tay đứt lìa
Chiều 5-9, trong lúc đang xếp giấy vào hệ thống máy cắt xén công nghiệp, anh N.V.Đ (18 tuổi ở Đông Anh, Hà Nội) vô tình để chạm người vào nút khởi động máy khiến lưỡi dao sập xuống, cả 2 bàn tay của anh bị chặt đứt rời. Anh được những người xung quanh sơ cứu, cầm máu và chuyển tới BV Việt Đức.
Hôm nay, 6-9, BV Việt Đức thông tin cho biết, nạn nhân Đ. nhập viện trong đó bàn tay phải bị máy cắt giấy chém đứt ngang bàn tay còn tay trái bị cắt tới cổ. Đây mới là trường hợp thứ 3 bị đứt rời cả 2 bàn tay mà BV Việt Đức từng tiếp nhận. Kíp phẫu thuật Khoa Phẫu thuật tạo hình- hàm mặt lập tức tiến hành phẫu thuật vi phẫu nối ghép các dây thần kinh, mạch máu để nối 2 bàn tay cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 8 tiếng và kết thúc vào khoảng 2h sáng 6-9. Hiện bàn tay của bệnh nhân đã hồng ấm trở lại nhưng vẫn phải tiếp tục theo dõi. (Khoa học & Đời sống, Tiền phong, An ninh Thủ đô 7/9 (trang 2))
Tăng cường phòng, chống cúm A (H5N1), bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện dịch cúm trên gia cầm xảy ra tại nhiều địa phương và nguy cơ lan sang người là rất lớn. Tính đến ngày 23-8-2012, cả nước đã ghi nhận bốn trường hợp mắc cúm A (H5N1), trong đó có hai người bệnh chết; bệnh TCM có 80.176 trường hợp mắc, trong đó 41 người bệnh chết; bệnh SXH có 43.220 trường hợp mắc, trong đó 35 người bệnh chết. Các bệnh dịch này đang tiếp tục diễn biến phức tạp và có nguy cơ tăng cao trong các tháng 9, 10-2012.
Ðể ngăn chặn nguy cơ các loại bệnh dịch này, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc bệnh và người bệnh chết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Thành lập ngay các đoàn liên ngành để kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các quận, huyện, xã, phường; chỉ đạo tăng cường kiểm tra công tác vệ sinh phòng bệnh tại các cụm dân cư, hộ gia đình, nhà trẻ, mẫu giáo, các điểm giết mổ, vận chuyển, buôn bán, chăn nuôi gia cầm.
b) Ðẩy mạnh vận động việc thực hiện rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh môi trường loại bỏ lăng quăng, bọ gậy, kết hợp phát động phong trào vệ sinh yêu nước tới tận các quận, huyện, xã, phường, thôn, bản, xóm, ấp, nóc và các điểm dân cư tập trung.
c) Tăng cường công tác truyền thông trực tiếp tại cộng đồng thông qua đội ngũ y tế thôn bản, cán bộ phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh, hướng dẫn cho gia đình thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch trên đàn gia cầm, thủy cầm để phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch; kịp thời thông báo cho ngành y tế để phối hợp triển khai các biện pháp phòng lây truyền vi- rút cúm A (H5N1) sang người.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo hệ thống thông tin, báo chí đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến về nguy cơ, tác hại và các biện pháp phòng, chống dịch, tập trung vào các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, khu vực vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.
4. Bộ Giáo dục và Ðào tạo chỉ đạo việc tuyên truyền, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cúm A (H5N1), bệnh TCM và SXH trong các trường học; đồng thời hướng dẫn các em học sinh tuyên truyền về phòng, chống dịch trong gia đình, cộng đồng; phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong việc quản lý sức khỏe học sinh, thông báo ngay cho các đơn vị y tế khi phát hiện có trường hợp mắc bệnh để phối hợp xử lý kịp thời.
5. Bộ Tài chính nghiên cứu, hướng dẫn các địa phương thực hiện chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch theo Quyết định số 73/2011/QÐ-TTg ngày 28-12-2011 của Thủ tướng Chính phủ.
6. Bộ Y tế giám sát chặt chẽ tình hình dịch tại các địa phương, chỉ đạo các cơ sở y tế sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, thuốc, hóa chất cho công tác điều trị người bệnh và xử lý ổ dịch. Tập trung triển khai các biện pháp giảm tỷ lệ chết do bệnh cúm A (H5N1), bệnh TCM và SXH.
7. Ðề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng các đoàn thể nhân dân tích cực và chủ động tham gia cùng chính quyền các cấp, ngành y tế và ngành nông nghiệp thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch cúm A (H5N1), bệnh TCM và SXH. (Cùng chủ để: Thủ tướng Chính phủ gửi công điện yêu cầu phòng chống cúm A (H5N1) – Hà Nội mới, trang 2, ngày 7/9/2012). ( Tuổi trẻ, Nhân dân 7/9 (trang 1))
Từ nước ngoài về, hàng loạt thanh niên mắc sốt rét
Ngày 6/9, ông Hoàng Văn Hội, Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng tỉnh TT – Huế, cho biết, tại địa bàn các xã Lộc Thủy, Lộc Trì, Lộc Tiến và thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) có 33 thanh niên ra nước ngoài trở về bị mắc sốt rét thuộc chủng ngoại lai, bệnh khó chữa, kéo dài dai dẳng.
Hầu hết, thanh niên mắc sốt rét chủng ngoại lai kể trên đều có thời gian dài làm ăn, sinh sống, lao động nghề rừng ở các nước Lào, Campuchia và nhiễm bệnh tại đây. Khi trở về trong dịp lễ, tết, mùa mưa, họ mang theo mầm bệnh và có nguy cơ tạo lây nhiễm ra cộng đồng. ( Tiền phong 7/9 (trang 6))
Giả bác sĩ vào bệnh viện lừa đảo
Công an TP.Huế đang điều tra làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Thị Thu Tịnh (24 tuổi, trú xã Phong Thu, H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế).
Trước đó, qua phản ánh của bệnh nhân và các cán bộ y tế, bảo vệ BV T.Ư Huế đã bắt giữ Tịnh tại căn tin của BV khi Tịnh đang “giúp đỡ” người nhà một bệnh nhân và giao cho công an xử lý. Khám xét Tịnh, các bảo vệ còn thu giữ 3 bảng tên giả của Bộ Y tế và BV T.Ư Huế, trong đó có bảng tên ghi: Lê Nguyễn Yên Nhi – Bác sĩ nội trú Khoa Cấp cứu hồi sức BV T.Ư Huế.
Tại cơ quan công an, Tịnh khai: Khoảng hơn 1 tháng trở lại đây đã sử dụng áo blouse, bảng tên giả in logo “Bộ Y tế” và “BV T.Ư Huế” vào BV làm quen với gia đình người bệnh để tạo lòng tin, rồi nhận lời giúp đỡ người nhà bệnh nhân giải quyết các thủ tục tại BV để chiếm đoạt tiền và tài sản.
Ngày 15.8, Tịnh làm quen với chị Nguyễn Thị Kim Lan (ở xã Phú Mỹ, H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) đang có mẹ ruột điều trị tại BV T.Ư Huế. Tịnh nhận lời đi thanh toán giùm chị Lan tiền viện phí và chiếm đoạt 2,1 triệu đồng. Trước đó, sau khi làm quen với anh Nguyễn Tuân Phùng (trú tại Q.2, TP.HCM) có bố đang điều trị tại Khoa Ngoại tiêu hóa BV T.Ư Huế, Tịnh đã hứa giúp đỡ cho bố anh được mổ sớm. Sau đó, Tịnh gợi ý anh Phùng đưa 1 triệu đồng để lo tiền… “cà phê cho bác sĩ"…(Nông thôn ngày nay, Tiền phong 7/9 (trang 6))
Đề xuất tăng viện phí
Đó là kiến nghị của các Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và Thanh Nhàn tại buổi giám sát của Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP về việc chấp hành pháp luật trong khám, chữa bệnh cho nhân dân và thực hiện khung giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh diễn ra ngày 6-9.
Đại diện các bệnh viện cho rằng, mức viện phí quá thấp hiện nay cùng với kinh phí nhà nước cấp cho các bệnh viện công lập còn hạn hẹp đã ảnh hưởng nhiều đến chất lượng khám, chữa bệnh và khó thu hút, giữ chân các cán bộ, bác sĩ giỏi. Cụ thể, từ năm 1995 đến nay các khoản thu của bệnh viện không thay đổi (ví dụ tiền khám bệnh vẫn là 2.500 đồng/lần khám, tiền giường nội trú từ 9.000 đồng đến 12.000 đồng), trong khi giá các dịch vụ thiết yếu khác đều tăng cao. Hơn nữa, mặc dù cùng đóng trên địa bàn Thủ đô nhưng các bệnh viện của thành phố lại phải thu phí thấp hơn so với các bệnh viện tuyến TƯ.
Tại buổi giám sát, các bệnh viện đề xuất điều chỉnh giá thu dịch vụ khám, chữa bệnh theo hướng tính đủ chi phí theo giá thị trường trong từng giai đoạn, tăng viện phí tại các bệnh viện hạng I của thành phố ngang bằng với các bệnh viện TƯ cùng hạng trên địa bàn…(Hà Nội mới 7/9 (trang 5))
Vĩnh Long: Dân đổ xô mua thuốc trị bá bệnh
Người dân ùn ùn đổ về nhà ông Kim Lụa (dân tộc Khmer ở ấp Phù Ly 1, xã Đông Bình, huyện Bình Minh) mua thuốc trị bá bệnh. Thuốc này xuất xứ từ Campuchia, chưa qua kiểm định…
Theo chỉ dẫn của người dân, ngày 3.9, chúng tôi đến nhà ông Kim Lụa ở ấp Phù Ly 1. Trước nhà ông Lụa có rất nhiều người chờ đến lượt bắt mạch, bốc thuốc. Gọi là bốc thuốc nhưng thật ra là những gói thuốc để sẵn trong bọc được bào chế giống như viên thuốc tây nhưng lớn hơn chút ít. Ở đây có 3 loại thuốc là thuốc màu xám, đỏ và xanh lá cây. Tất cả các loại bệnh đều được “thầy” bán 3 loại thuốc này với giá 25.000 đồng/bọc (1 bọc 6 viên).
Anh Nghĩa chở cha mình từ quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ đến nhà ông Lụa mua thuốc cho biết: "Cha tôi bị đau nhức cơ. Nghe nói nơi đây có thuốc hay nên lặn lội tìm tới mua. Mới tháng rồi cha tôi mua 10 gói về uống thấy ăn được, ngủ được nên nay trở lại để mua tiếp". Gia đình chị Lan gồm 8 người ở TP.Cần Thơ cũng đến đây bốc thuốc.
Chị Lan cho biết: "Cả nhà tôi mới tới đây lần đầu vì nghe mọi người khen thuốc này trị bá bệnh". Tuy nhiên, sau khi nhận thuốc chị Lan mới tá hỏa khi thấy ai cũng mua thuốc như nhau, không có giấy phép lưu hành của các cơ quan chức năng. Gặp chúng tôi, chị Lan lấy ra 2 viên để nhờ đem đến các cơ quan chức năng kiểm định coi là loại thuốc gì. Thuốc trị bá bệnh được giới thiệu là thuốc cổ truyền đặc biệt Khmer, sản xuất tại ấp Ba Ring, xã Sxay Chrum, tỉnh Kandal, Campuchia. Tuy nhiên, chẳng thấy cơ quan nhập khẩu hay được phép lưu hành tại Việt Nam.
Theo nguồn tin của NTNN, toàn bộ số thuốc này được mua từ vợ chồng ông Chau Sóc Khắc ở ấp Thuận An, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Vợ chồng ông này bỏ mối thuốc cho ông Kim Lụa với giá 15.000 đồng/bọc, ông lụa bán ra với giá 25.000 đồng/bọc. Ông Lụa trước đây làm ở Hội Chữ thập đỏ xã Đông Bình, sau đó nghỉ việc chuyển qua bốc thuốc Nam. Sau khi có bệnh nhân chết ngay nhà ông nên chính quyền địa phương không cho ông làm nghề này nữa. Ông chuyển qua làm thầy pháp lại bị cấm nên chuyển qua bán thuốc cho tới nay.
Hiện nay, mỗi ngày có khoảng 200 người đến đây bốc thuốc với các loại thuốc giống hệt nhau để trị bá bệnh. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn chưa đến kiểm tra, xử lý. (Nông thôn ngày nay 7/9 (trang 6))