Trang chủ » Tin tức » Điểm báo ngày 6/9/2012

Điểm báo ngày 6/9/2012

Nối thành công bàn chân bị đứt rời sau hơn 10 giờ đồng hồ
Ngày 4-9, BV Việt Đức cho biết vừa nối thành công bàn chân bị đứt rời cho một trẻ 3 tuổi, do tai nạn. Bệnh nhân là cháu Nguyễn Văn Dân, ở xã Hồng Tiến (Tiền Hải, Thái Bình).
Do cả gia đình đều sống trên thuyền, sợ con nhỏ bị ngã xuống sông nên mỗi khi đi làm xa bố mẹ cháu thường lấy dây dù buộc chân cháu bé vào thành thuyền. Ngày 21-8, trong lúc đang mải chơi trên thuyền, không may sợi dây dù buộc chân Dân bị cuốn vào guồng động cơ của thuyền, kéo căng và cắt đứt rời bàn chân phải của cháu, thấy cháu ngã văng dưới khoang thuyền, bàn chân bị đứt rời văng sang bên kia của buồng máy, ông nội cháu vội cho thuyền dừng lại, quay vào bờ để đưa cháu đi BV. Trong lúc bối rối, ông vứt bàn chân bị đứt rời xuống sông. Khi cháu đã được chuyển lên BV tỉnh, bố cháu là anh Nguyễn Văn Chiến nghe bác sĩ nói có thể nối lại được bàn chân đứt rời đã lập tức trở về nhờ người ngụp xuống sông mò tìm và may mắn là sau hơn 1 giờ ngụp lặn cuối cùng người ta cũng tìm thấy bàn chân của cháu để chuyển lên BV. Tại đây, cháu Dân được sơ cứu rồi tiếp tục chuyển lên BV Việt Đức.
Bác sĩ Đào Văn Giang, Khoa Phẫu thuật tạo hình – hàm mặt – BV Việt Đức cho biết, cháu Dân được đưa đến BV Việt Đức đêm 21-8 trong tình trạng cụt hoàn toàn cổ chân phải, lập tức bệnh nhân được chuyển vào phòng phẫu thuật. Nhận định đây là một ca nối khó vì thời gian bị đứt tương đối lâu (khoảng 10 tiếng) với tổn thương đụng giập, lại không được bảo quản ngay, tuy vậy kíp phẫu thuật của BV vẫn quyết tâm nối bàn chân cho cháu vì tiên lượng nếu nối thành công thì không những bảo tồn chức năng của bàn chân mà sau này cháu có thể đi lại bình thường. Đến nay, sau 16 ngày phẫu thuật, bàn chân của cháu bé đã hồng ấm, có các dấu hiệu sự sống. Dự kiến sau 2 tuần nữa cháu sẽ được tháo đinh, tháo bột và tập phục hồi chức năng.
Theo bác sĩ Giang, tất cả các ca tai nạn mất chân, tay, tai, mũi, da đầu, dương vật… đều có thể phẫu thuật nối liền. Vì vậy, sau khi bị tai nạn người nhà cần nhặt ngay bộ phận đứt rời, bọc gạc (nếu có), cho vào túi nilon sạch, buộc kín, tiếp đến cho vào nilon đựng nước và đựng trong hộp hoặc thùng đá,  chuyển lên BV càng sớm càng tốt. (An ninh Thủ đô – trang 8, Tiền phong 6/9 – trang 15).
 
Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn: Khẳng định vị thế trung tâm y tế chất lượng cao
Thành lập từ tháng 8-1970 trên cơ sở hợp nhất bốn đơn vị (Bệnh viện Ngoại khoa Xanh Pôn, Bệnh viện B nhi khoa, Bệnh viện khu phố Ba Đình, Phòng khám Phụ khoa Hà Nội) đến nay, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã và đang chứng tỏ là một trung tâm y tế kỹ thuật chất lượng cao. Rất nhiều kỹ thuật điều trị bệnh hiện đại đã được các bác sĩ của bệnh viện (BV) thực hiện thành công với hiệu quả cao.
Vững thời chiến
Với quy mô 520 giường bệnh, 9 phòng khám chuyên khoa, cùng đội ngũ 526 cán bộ, công nhân viên, khi thành lập, BV Đa khoa Xanh Pôn được Sở Y tế Hà Nội giao nhiệm vụ chính là khám, chữa bệnh (KCB) cho cán bộ, công nhân viên, nhân dân khu phố Ba Đình; đầu ngành của thành phố về ngoại khoa, sản phụ khoa và nhi khoa (riêng khoa Xương – Bỏng, tiếp nhận bệnh nhân toàn miền Bắc); cơ sở thực tập cho học sinh, sinh viên; KCB cho người nước ngoài. Dù gặp rất nhiều khó khăn từ buổi sơ khai, nhưng BV đã bắt tay ngay vào các hoạt động nâng cao chất lượng KCB thông qua những đề tài nghiên cứu, ứng dụng cụ thể như: "Điều trị bỏng tại chỗ bằng mật ong", "Cấp cứu suy hô hấp", "Châm cứu, day huyệt điều trị di chứng viêm não", "Điều trị vô sinh"… Năm 1972, miền Bắc bước vào giai đoạn chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ, BV đã kịp thời chuyển hướng sang hoạt động thời chiến. Ấn tượng nhất là suốt 12 ngày đêm diễn ra "Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không" tại Hà Nội, vượt lên khói lửa, đạn bom, đội ngũ thầy thuốc của BV đã bám trụ kiên cường, xung kích trên mặt trận cứu chữa người bệnh. Trung tâm Phẫu thuật của BV cùng với BV Việt – Đức đã đảm nhận phẫu thuật hơn 61% tổng số ca phẫu thuật của toàn thành phố. Rạng sáng 21-12 (địch đánh vào An Dương) và đêm 26-12 (địch đánh vào Khâm Thiên), BV tiếp nhận số bệnh nhân kỷ lục 223 trường hợp. Chiến công oanh liệt của nhân dân Thủ đô năm đó có đóng góp to lớn của các chiến sĩ áo trắng BV.
Mạnh thời bình
Phát huy truyền thống, bước vào thời kỳ đổi mới, BV đề ra quyết tâm phấn đấu trở thành trung tâm y tế kỹ thuật chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu điều trị không chỉ cho nhân dân Thủ đô mà cả các vùng lân cận bằng việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa. BV đã đầu tư trang bị thêm nhiều thiết bị hiện đại như máy chụp cộng hưởng từ, cắt lớp vi tính, tán sỏi tiết niệu ngoài cơ thể, xây dựng trung tâm xét nghiệm phát hiện, phòng bệnh HIV, labo sinh học phân tử…
Ngoài việc đầu tư về thiết bị, BV cũng chú trọng đào tạo nhân lực, cử cán bộ đi học tập kinh nghiệm, kỹ thuật chuyên môn tại các nước có nền y học phát triển. Đến nay, đội ngũ thầy thuốc của BV đã triển khai, ứng dụng hiệu quả nhiều phương pháp KCB hiện đại, trình độ không thua kém BV tuyến trung ương, thậm chí một số nước trong khu vực. Điển hình là kỹ thuật nội soi (tiêu hóa, tiết niệu, lồng ngực); phẫu thuật cột sống, khớp gối, háng; phẫu thuật vi phẫu trong mổ bệnh lý não; phẫu thuật tạo hình; kỹ thuật lọc máu liên tục, nút mạch điều trị ung thư, dị dạng mạch máu não, u não… Đặc biệt, có những kỹ thuật còn được thực hiện sớm nhất và duy nhất trên cả nước như kỹ thuật kết hợp xương dài bằng đinh Metaigean, kỹ thuật cố định gãy hai xương cẳng tay bằng xuyên đinh chùm kín dưới màn tăng sáng… Mới đây nhất, các bác sĩ của BV đã triển khai thành công kỹ thuật khó là can thiệp mạch vành. Chất lượng điều trị tăng, lượng bệnh nhân tín nhiệm tìm đến với BV cũng không ngừng tăng mỗi năm.
Xây dựng bệnh viện kiểu mẫu
Xác định vai trò, trách nhiệm là BV đầu ngành, BV kiểu mẫu của Thủ đô, giỏi về chuyên môn, mạnh về nghiên cứu khoa học và tận tình, chu đáo với người bệnh, BV đang tiếp tục xây dựng, triển khai đề án "Phát triển các dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao giai đoạn đến năm 2015 và định hướng năm 2020". Mục tiêu cụ thể của đề án là khôi phục, duy trì các dịch vụ, kỹ thuật trước đây đã làm nhưng tạm dừng; hoàn thiện và nâng cao các kỹ thuật cao đang triển khai tại BV; triển khai các kỹ thuật mới lần đầu áp dụng tại BV và khai thác hết khả năng kỹ thuật trên cơ sở những trang thiết bị mới mua sắm như chụp cắt lớp vi tính bằng máy CT-Scanner 64 dãy, nội soi, chụp mạch chẩn đoán, nút hóa chất u gan, dị dạng mạch não….; triển khai các dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao thuộc các chuyên ngành BV có thế mạnh, nhu cầu cao trên cơ sở đầu tư tập trung và đồng bộ. Về lâm sàng và cận lâm sàng, BV sẽ phát triển kỹ thuật trong các chuyên ngành nhi khoa, phẫu thuật tiêu hóa, chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật tạo hình, liên chuyên khoa mắt – tai mũi họng – răng hàm mặt, da liễu, nội I, nội II, phòng khám nội và ngoại; chẩn đoán hình ảnh (chẩn đoán hình ảnh trong can thiệp như nút mạch não và gan, mạch vành…), vi sinh, sinh hóa, huyết học truyền máu… Theo lộ trình đề án, BV đã thành lập Ban chỉ đạo, đào tạo nguồn nhân lực, kiện toàn tổ chức bộ máy, chuẩn bị xây dựng cơ sở vật chất theo quy hoạch tổng thể phát triển BV để đáp ứng với yêu cầu phát triển các dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao.
Triển khai đề án trên với sự cố gắng, nỗ lực của ngành y tế Hà Nội nói chung và tập thể cán bộ, thầy thuốc BV Đa khoa Xanh Pôn nói riêng chắc chắn sẽ đem lại dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt toàn diện không chỉ cho người bệnh của Hà Nội mà nhiều vùng lân cận. (Hà nội mới – trang 1+7)
 
Giường bệnh ở hành lang được thanh toán 50% giá quy định
Ngày 5.9, Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) cho biết, quá trình thẩm định giá của bệnh viện (BV) tuyến T.Ư phát hiện một số bất hợp lý trong đề xuất khung giá viện phí mới nên một số dịch vụ đã phải giảm xuống còn 85-87% so với giá trần (giá đề xuất ban đầu là 90-97%).
Giá khám chữa bệnh tại các BV này với các trường hợp khám ban đầu cũng sẽ điều chỉnh giảm, thay vì tính tối đa 30.000 đồng/lần, vì chi phí cho dịch vụ này thấp hơn so với khám cấp cứu, khám các ca nặng do chuyển từ tuyến dưới. Riêng với các giường kê thêm do phát sinh không qua phê duyệt (hành lang, giường gấp), BHXH sẽ chỉ thanh toán 50% so với giường nằm thông thường (1 bệnh nhân/giường bệnh). Giá dịch vụ siêu âm đen trắng thanh toán không quá 30.000 đồng, thay vì 35.000 đồng như khung giá đã ban hành.
Theo BHXH Việt Nam, một số BV thực hiện khung giá chưa chủ động cải thiện chất lượng phục vụ: số bệnh nhân/bàn khám vẫn ở mức cao với 60-70 người/bàn khám/ngày, thậm chí cao hơn; tình trạng nằm ghép vẫn phổ biến.
Trong tháng 10, BHXH sẽ có đánh giá ban đầu về chất lượng dịch vụ y tế tại các BV đã áp dụng giá viện phí mới.
Cùng ngày Bộ Y tế cho biết, từ nay đến ngày 15.9 sẽ có thêm 16 BV tuyến T.Ư thực hiện giá viện phí mới. Mức điều chỉnh cao nhất với những BV hạng đặc biệt, hạng I là 93% và thấp nhất là 85% ở một số BV chuyên khoa, đa khoa T.Ư đặt tại một số địa phương. Mức tăng lần này có phần khiêm tốn hơn so với đợt phê duyệt lần đầu (hầu hết ở mức 95-97% giá trần). (Thanh niên – trang 4)
 
2,5 tỉ đồng ghép lại thận cho bệnh nhân bị “cắt nhầm”
Sáng qua, 5.9, Bệnh viện Trung ương (BVT.Ư) Huế đã có buổi gặp gỡ các cơ quan báo chí để chính thức thông báo kết quả thành công của ca ghép thận cho bệnh nhân (BN) Hứa Cẩm Tú (37 tuổi, trú tại thị trấn Thới Lai, TP.Cần Thơ) xuất viện.
BN Hứa Cẩm Tú là người bị "cắt nhầm" 2 quả thận tại BV đa khoa Cần Thơ ngày 6.12.2011. Sau đó, BN được chạy thận nhân tạo tại BV đa khoa Cần Thơ. Dưới sự chỉ đạo của PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, đoàn chuyên gia BVT.Ư Huế do GS-TS Bùi Đức Phú làm trưởng đoàn đã hội chẩn và thống nhất phương án điều trị và ghép thận cho BN Tú tại BVT.Ư Huế.
Ca ghép thận được tiến hành ngày 10.7 và kéo dài hơn 8 tiếng với hai lần mổ nhưng phải đến 7 giờ sáng hôm sau các thông số xét nghiệm mới trở lại bình thường. Sau cuộc mổ này, BN đã gặp rất nhiều rắc rối từ các rối loạn và phải mổ đi mổ lại tới 10 lần để giành giật mạng sống cho BN. Kể từ lần mổ thứ 10 (ngày 10.8) đến nay, BN hoàn toàn ổn định, vết mổ khô, không còn tụ máu, khoang phúc mạc không nhiễm trùng, không còn rối loạn đông máu, không xuất hiện hiện tượng thải ghép, chức năng thận tốt, BN đi lại, ăn uống và tiểu tiện bình thường.
Theo GS Bùi Đức Phú, toàn bộ kinh phí từ đi lại, ăn ở, điều trị, ghép thận, hỗ trợ người hiến thận… cho BN Tú lên đến khoảng 2,5 tỉ đồng và được BVT.Ư Huế cùng ngành y tế chi trả, bệnh nhân không đóng bất cứ một khoản nào. "Việc điều trị chống thải ghép cho BN Tú sau khi xuất viện sẽ được BV đa khoa Cần Thơ thực hiện theo phác đồ của BVT.Ư Huế. Hiện tại Bộ Y tế và UBND TP.Cần Thơ cũng đang dự kiến sẽ làm cho BN Tú một thẻ bảo hiểm 100% để bệnh nhân có thể yên tâm chữa trị” – GS Phú cho biết. (Thanh niên – trang 13, Tuổi trẻ – trang 9, Tiền phong – trang 6, Nông thôn ngày nay – trang 2, Sức khỏe & Đời sống – trang 6).
 
Thêm 16 bệnh viện áp dụng phí dịch vụ mới
Thông tin từ Bộ Y tế ngày 5-9 cho hay sẽ có thêm 16 bệnh viện tuyến T.Ư áp dụng giá dịch vụ mới từ  ngày 10 và 15-9 tới. Trong số này có các bệnh viện lớn như Chợ Rẫy, T.Ư Huế, Nhi T.Ư, C Đà Nẵng, Đa khoa T.Ư Cần Thơ, Đa khoa T.Ư Thái Nguyên, Việt Nam – Cuba Đồng Hới Quảng Bình, Bệnh nhiệt đới T.Ư, Lão khoa T.Ư…
Theo Bộ Y tế, các bệnh viện mới được phê duyệt áp giá dịch vụ theo ba nhóm: nhóm 1 (bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt đóng tại Hà Nội và TP.HCM) được áp dụng mức giá tối đa bằng 93% khung của liên bộ Y tế – Tài chính; nhóm 2 là các bệnh viện T.Ư đóng tại các tỉnh thành và một số bệnh viện chuyên khoa tuyến T.Ư được phê duyệt mức 90-92% khung; số còn lại áp dụng 85-88% khung. Như vậy, so với giá dịch vụ tối đa của các bệnh viện đã phê duyệt giá giữa tháng 7 vừa qua, mức giá tối đa mới được phê duyệt thấp hơn khoảng 3%.
Cùng ngày, Bảo hiểm xã hội VN cho hay cơ quan này đang chuẩn bị văn bản hướng dẫn chi trả viện phí mới (sau khi đã thống nhất với Bộ Y tế, Bộ Tài chính), theo hướng các giường bệnh kê thêm mà chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, giá ngày giường chỉ được chi trả bằng 50% so với thông thường. (Tuổi trẻ – trang 2)
 
Tẩy độc dioxin cho 24 người
Hôm nay 6-9, 24 nạn nhân có nồng độ dioxin trong máu cao ở Đà Nẵng bắt đầu điều trị tại Bệnh viện Quân y 103 bằng phương pháp tẩy độc Hubbard. Trước đây, trên 300 bệnh nhân, trong đó có 22 người nhiễm dioxin, đã được tẩy độc bằng phương pháp này và đánh giá ban đầu là khả quan.
Song trao đổi với Tuổi Trẻ, Thiếu tướng PGS.TS Hoàng Mạnh An, giám đốc Bệnh viện 103, khẳng định cần thêm nghiên cứu khoa học.
Chưa có được thông số cần thiết


"Với 300 người, trong đó có 22 nạn nhân chất độc da cam ở Thái Bình, được tẩy độc bằng phương pháp Hubbard, kết quả sau tẩy độc đều tốt xét ở việc bệnh nhân ăn ngủ được, sức khỏe cải thiện, một số không còn thấy sự xuất hiện của bệnh mãn tính như trước điều trị. Phương pháp này là tẩy độc nói chung, chưa tính cụ thể về tẩy độc dioxin"
Ông Trần Xuân Thu (phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin VN)

Thiếu tướng An cho biết: sau thảm họa Chernobyl (Ukraine) năm 1986, phương pháp tẩy độc Hubbard được ứng dụng và đạt thành công trong việc giải quyết hậu quả cho các nạn nhân bị nhiễm độc. Sau này, nhiều nước ứng dụng phương pháp này trong việc tẩy độc cho các nạn nhân bị nhiễm hóa chất trong chiến tranh, tai nạn lao động…
Ở VN, Hubbard được đưa vào thực hiện ở Trung tâm Tẩy độc Thái Bình từ năm 2011, ứng dụng trên 22 đối tượng là nạn nhân chất độc da cam – dioxin và đã đạt được thành công nhất định. Tuy nhiên, hiệu quả ghi nhận trên các nạn nhân này chỉ tính ở mức độ phục hồi sức khỏe, chưa có được thông số cần thiết về mặt khoa học để có thể kết luận toàn diện về hiệu quả của phương pháp này trên nạn nhân bị nhiễm dioxin.
Bệnh viện 103 đưa phương pháp Hubbard vào điều trị nhằm hướng đến việc có thể đưa ra kết luận toàn diện về hiệu quả của phương pháp này trên những nạn nhân dioxin và là cơ sở triển khai điều trị đại trà.
Người dân cần bình tĩnh
Đó là ý kiến của ThS Trần Thị Tuyết Hạnh, nghiên cứu viên chính Chương trình giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm dioxin qua thực phẩm, Hội Y tế công cộng VN. Bà Hạnh cho rằng không nên quá lo lắng trước thông tin mẫu máu của 62 người dân tại Đà Nẵng được chọn ngẫu nhiên khảo sát nồng độ dioxin đều nhiễm chất độc này, vì ngay cả mẫu máu của những người không sống tại điểm nóng dioxin vẫn có một hàm lượng dioxin nhất định.


Hiện chưa có đánh giá tổng thể ảnh hưởng sức khỏe và gánh nặng bệnh tật do dioxin của người dân sống tại các khu vực điểm nóng dioxin. Tuy nhiên theo quyết định số 09/2008/QĐ-BYT của Bộ Y tế thì có 17 bệnh tật được cho là có liên quan với phơi nhiễm dioxin, trong đó có các bệnh tật nguy hiểm như một số loại ung thư, bất thường sinh sản, dị tật bẩm sinh, tiểu đường type 2…
(Nguồn: Hội Y tế công cộng VN)

Trên thế giới chưa có những chương trình hiệu quả để giảm nhanh nồng độ dioxin trong cơ thể người. Cơ thể đào thải dioxin nhờ quá trình chuyển hóa dioxin ở trong gan thành các chất dễ tan trong nước và ít độc hại hơn. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra rất chậm và do đó dioxin thường tích tụ lại trong cơ thể một thời gian dài. Kết quả một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy thời gian để phân hủy một nửa lượng dioxin trong cơ thể người khoảng 5,8- 14,1 năm (trung bình khoảng 7,5 năm).
Cùng một liều phơi nhiễm thì những người mập thường tích tụ nhiều dioxin trong cơ thể và đào thải chậm hơn những người gầy. Những người nhiễm dioxin ở mức nặng có thể dùng olestra, một loại chất béo bổ sung, khi ăn vào không bị hấp thụ qua đường ruột giúp đào thải dioxin qua phân diễn ra nhanh hơn. Một loại thuốc có tên Colestimide, là thuốc làm giảm lượng cholesterol, cũng có tác dụng giảm lượng dioxin trong máu. Tuy nhiên đến nay ở VN chưa thấy đề cập đến ứng dụng này. Kết quả của phương pháp Hubbard được sử dụng gần đây về tẩy độc dioxin cần thêm chứng minh khoa học.
Nghiên cứu và kinh nghiệm lâm sàng trên thế giới, mức độ tích tụ dioxin trong cơ thể từ 10ppt (pg/g, 1pg tương đương 1 phần nghìn tỉ g) hay cao hơn được xem là bất bình thường và có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe. Dioxin được xếp vào chất ung thư nhóm 1 – nghĩa là chất gây ung thư ở người. Theo kết quả một nghiên cứu được công bố, nồng độ dioxin trung bình trong mẫu máu của hơn 40 người dân sống ở xung quanh sân bay Biên Hòa, Đồng Nai (những người có nguy cơ cao phơi nhiễm dioxin do sống trên khu vực đất ô nhiễm và tiêu thụ thực phẩm, đặc biệt là cá tôm đánh bắt ở các hồ ô nhiễm dioxin trong và xung quanh sân bay) là 28ppt, trong khi nồng độ trung bình 32 mẫu máu của người Hà Nội là 2,2ppt.
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người nhiễm dioxin đều bị ung thư, dị tật hay các biểu hiện lâm sàng khác. Bị ung thư hay các bệnh khác phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó phơi nhiễm với dioxin ở mức cao là một trong những yếu tố quan trọng làm tăng nguy cơ bị ung thư, chứ không phải là yếu tố quyết định chắc chắn 100% rằng một người sẽ bị ung thư.
Nguy cơ cao từ thực phẩm nhiễm bẩn dioxin
Cũng theo bà Hạnh, người dân sống ở khu vực điểm nóng dioxin, ví dụ tại các phường xung quanh sân bay Đà Nẵng và sân bay Biên Hòa nhưng không tiêu thụ các thực phẩm nguy cơ cao nhiễm dioxin ở trong và xung quanh sân bay thì nguy cơ bị nhiễm dioxin sẽ thấp hơn nhiều, do ước tính khoảng 90% dioxin trong cơ thể con người là vì tiêu thụ thực phẩm nhiễm bẩn dioxin.
Các nghiên cứu trong và ngoài nước trước đây muốn xác định nồng độ dioxin trong máu hoặc sữa thường phải gửi mẫu đi Mỹ,Canada hoặc Đức để phân tích với chi phí 1.000-1.500 USD/mẫu. Hiện nay labo dioxin ở Bộ Tài nguyên – môi trường đã phân tích được nồng độ dioxin trong các mẫu đất, bùn và không khí, còn một labo ở TP.HCM đã quảng cáo xác định được nồng độ dioxin trong máu và sữa người, với chi phí khoảng 8 triệu đồng/mẫu.


Hỗ trợ 24 nạn nhân dioxin đi tẩy độc
Sáng 5-9, ông Nguyễn Xuân Anh – phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng – và Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng đã tổ chức cuộc gặp gỡ, động viên và tặng quà 24 nạn nhân nhiễm chất độc dioxin trước khi lên đường đi Hà Nội chữa trị. Tại buổi gặp gỡ, mỗi người được hỗ trợ 1 triệu đồng cùng phần quà trị giá 100.000 đồng. Theo bà Nguyễn Thị Hiền – chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, 24 nạn nhân sẽ được hỗ trợ mọi chi phí đi lại, ăn ở và điều trị tẩy độc trong một tháng tại Bệnh viện Quân y 103 bằng phương pháp Hubbard. Dự kiến đợt điều trị thứ hai sẽ được tổ chức vào tháng 10.

(Tuổi trẻ – trang 9, Tiền phong – trang 2, Nông thôn ngày nay – trang 2, Sức khỏe & Đời sống – trang 2)
 
Máy xay thịt cuốn đứt bàn tay bé trai 17 tháng
Bác sĩ Nguyễn Duy Luật – khoa vi phẫu Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM – và êkip mổ cho biết bệnh viện vừa phải cắt bỏ bàn tay trái của một bé trai 17 tháng tuổi (Q.12, TP.HCM) để cứu tính mạng của bé.
Theo bác sĩ Luật, trước đó vào 10g ngày 2-9 bé trai này được gia đình đưa vào Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP trong tình trạng cánh tay trái còn nằm trong máy xay thịt.
Nguyên nhân do trong lúc máy xay thịt (cha mẹ bé làm nghề bán thịt) đang chạy, bé đã thò tay và bị cuốn bàn tay vào máy.
Gia đình tức tốc ngắt điện máy xay và đưa bé cùng máy xay vào Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Sau đó bệnh viện này đã chuyển bé sang Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP. Khi vào cấp cứu bé bị sốc mất máu đe dọa tính mạng.
Do tay bé bị giập nát hoàn toàn và trong tình trạng mất máu nhiều nên các bác sĩ buộc cắt bỏ ngang 1/3 giữa cẳng tay trái để cứu bé. (Tuổi trẻ – trang 9)
 
Về ký sinh trùng amip “ăn” não người: Các chuyên gia nói gì?
Sau ca tử vong của một bệnh nhân 25 tuổi được xác định do amip “ăn” não người, nhiều thông tin về loại amip này đã được đưa ra. Hầu hết các ý kiến của chuyên gia đầu ngành y về bệnh nhiễm, ký sinh trùng đều cho rằng đây là bệnh rất hiếm gặp. Tuy nhiên, vẫn có một vài thông tin trái chiều, cảnh báo quá đà gây hoang mang cho dư luận. Thậm chí, một số thông tin còn nhầm lẫn về cả tác nhân gây bệnh (vi sinh vật Naegleria fowleri) với dòng amip thông thường.
Rất hiếm gặp và không phải amip thông thường
Trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống, TS.BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết, bệnh nhân P.V.T. (25 tuổi, ngụ Phú Yên, tạm trú tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) được xác định đã tử vong sau 1 ngày nhập viện do mắc phải loại amip “ăn” não – thực chất là loài vi sinh vật đơn bào ký sinh có tên khoa học là Naegleria fowleri. Theo BS. Châu, đây là trường hợp đầu tiên được BV Bệnh nhiệt đới phát hiện bị nhiễm amip “ăn” não và là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam tử vong do loại ký sinh nguy hiểm này.
Tại Việt Nam, theo BS. Châu, do từ trước đến nay không có ai được ghi nhận bệnh do Naegleria fowleri nên cũng chưa có nghiên cứu khoa học nào về đặc điểm gây bệnh cũng như dịch tễ về chủng này. Triệu chứng lâm sàng chính của bệnh thường là sốt nhẹ, đau đầu, cứng cổ. Vào thời kỳ cuối, khi não người bệnh đã bị phá hủy nghiêm trọng, bệnh nhân có triệu chứng tâm thần, thay đổi hành vi, có ảo giác rồi tử vong. Bệnh thường tiến triển nhanh trong vòng dưới 2 tuần.
Đồng quan điểm, ThS.BS. Nguyễn Hồng Hà – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khuyến cáo, để chẩn đoán sớm các ca bệnh, các bệnh viện tại tuyến cơ sở thấy những trường hợp có các triệu chứng nghi ngờ như trên và có tiền sử đi bơi, lặn ngụp ở hồ nước, sông suối… mà xét nghiệm dịch não tủy cho thấy:  áp lực tăng nhiều, protein tăng cao, tăng bạch cầu trung tính trong giai đoạn sớm, soi dịch não tủy thấy amip di động… thì cần chuyển bệnh nhân lên tuyến có điều kiện xét nghiệm phân tử để chẩn đoán xác định chủng amip, từ đó có hướng điều trị tích cực.
Cảnh giác với tác nhân gây bệnh
PGS.TS. Triệu Nguyên Trung, Viện trưởng Viện Sốt rét ký sinh trùng – côn trùng Quy Nhơn cho biết, N.fowleri được biết như một loại amip “ăn” não (the brain-eating amoeba) là một loại tác nhân sống tự do trong các vật thể ẩm và nước ngọt như ao, hồ, sông và các suối nước nóng. Ngoài ra, còn tìm thấy trong các vùng đất, gần nơi thải nước của các nhà máy công nghiệp và các hồ bơi chưa khử khuẩn chlorid có chứa giai đoạn trùng roi tạm thời và dạng amip. Không có bằng chứng về ký sinh trùng này sống trong nước đại dương. Nó lệ thuộc vào nhóm gọi là Percolozoa hoặc Heterolobosea, tuy không phải là một amoeba thật sự, nhưng vẫn được coi như một loài để tiện theo dõi, do đó còn gọi là bệnh do đơn bào N.fowleri. N.fowleri có thể xâm nhập và tấn công vào hệ thần kinh trung ương, mặc dù  hiếm khi xảy ra, song nếu bị nhiễm khuẩn thường dẫn đến tử vong với tỷ lệ khoảng 98 – 99%.
N.fowleri thường được tìm thấy trong các vật thể trong nguồn nước ngọt ấm như sông, hồ; các vùng có địa nhiệt hoặc suối nước nóng tự nhiên; nước ấm thải ra từ các khu hoặc nhà máy công nghiệp; nguồn nước uống xuất phát từ địa nhiệt; trong đất ẩm; hồ bơi mà ít khi được bảo trì, bảo dưỡng và quan tâm đến vấn đề vệ sinh, nhất là vấn đề sát khuẩn; nước ấm với nhiệt độ < 47°C.
N.fowleri tồn tại trong 3 thể: thể nang, tư dưỡng (ameboid) và roi (flagellate).
Phát hiện tác nhân gây bệnh này trong nước có thể thực hiện bởi ly tâm mẫu nước có bổ sung thêm Escherichia coli, dùng thêm viên thức ăn (pellet) bổ sung vào môi trường thạch không có chất dinh dưỡng. Sau vài ngày, đĩa được quan sát vi thể và các nang Naegleria được xác định thông qua kiểm tra hình thái học. Việc xác định cuối cùng của các loài có thể thực hiện bằng nhiều phương pháp hóa sinh hoặc sinh học phân tử khác nhau.
Ký sinh trùng N.fowleri “ăn” não người thế nào?
PGS.TS. Bùi Khắc Hậu, giảng viên Đại học Y Hà Nội cho biết, N.fowleri là loài amip tự do thuộc giống Naegleria gây viêm màng não – não bất thường.
Sau khi N.fowleri xâm nhập vào cơ thể người qua niêm mạc mũi, chúng phá vỡ hàng rào bảo vệ của chất nhầy ở niêm mạc mũi, sau đó đi qua các dây thần kinh vùng khứu giác rồi di chuyển đi lên não, chúng cư trú tại một vùng nhất định của não, sinh sản một cách nhanh chóng ở đây. Tại não chúng thực bào hồng cầu và tế bào não (thực bào = ăn tế bào) và gây nên tình trạng viêm não – màng não cấp tính.
Một đặc tính sinh học vô cùng quan trọng của loài N.fowleri tuy là một loại ký sinh trùng đơn bào nhưng lại nhạy cảm với một loại kháng sinh chống nấm AmphotericinB.
Sau khi N.folwleri xâm nhập cơ thể người có thời kỳ nung bệnh khoảng từ 1 – 14 ngày thì các triệu chứng khởi đầu của bệnh sẽ xuất hiện (thời kỳ tiên phát) như nhức đầu, sốt, thở nhanh khoảng 30 lần/ phút. Sốt có thể lúc đầu là sốt nhẹ, sau đó sốt cao lên tới 39 – 41oC. Kèm theo các triệu chứng về thần kinh như cứng cổ, ảo giác, mất khả năng kiểm soát hành vi. Tiếp đến là biểu hiện các triệu chứng như lú lẫn, u ám, thiếu tập trung và có thể xuất hiện cơn co giật. Bệnh diễn biến rất nhanh đi đến suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa, rơi vào tình trạng hôn mê sâu và tử vong. Từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên cho đến khi tử vong có thể xảy ra vào khoảng 7 – 14 ngày, đặc biệt có trường hợp nặng chỉ trong vài ngày. Với các triệu chứng gây bệnh của N.fowleri rất giống với các triệu chứng bệnh viêm màng não – não  do vi khuẩn hoặc virut gây ra nên dễ chẩn đoán nhầm.
Nên quan tâm chứ không nên hoang mang!
Đánh giá về ca tử vong do amip “ăn” não người, TS.BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho rằng, thông tin truyền thông về ca bệnh tử vong có lẽ nên dừng lại bởi có nhiều bài báo đã hơi quá đà. Bên cạnh đó, người dân không nên hoang mang bởi N.fowleri có trong ao hồ, sông ngòi, đầm nước ngọt nhưng hiếm khả năng gây bệnh. Theo BS. Châu, nếu có thể, các nhà khoa học nên quan tâm nghiên cứu về sự lưu hành của N.fowleri tại nước ta để có những khuyến cáo phù hợp nhất.
Đồng quan điểm này, TS.BS. Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, chuyên gia về ký sinh trùng cũng cho rằng, Việt Nam chưa có nghiên cứu về tỷ lệ hay vùng lưu hành của amip “ăn” não người. Tuy nhiên, về mặt y tế dự phòng thì có lẽ chưa cần thiết phải đưa ra những cảnh báo quá đà dễ làm người dân lo lắng và đổ xô đi khám bệnh một cách không cần thiết.
Cần phân biệt và chẩn đoán đúng bệnh do amip “ăn” não người
PGS.TS. Nguyễn Văn Đề, Trưởng khoa Ký sinh trùng Đại học Y Hà Nội cho biết, amip thường gặp là loài Entamoeba histolytica, phân bố rải rác trên khắp các tỉnh/thành. Loại ký sinh trùng đường ruột này lây lan và phát tán chính qua phân, nếu phân có chứa mầm bệnh được mang đi tưới rau hoặc được đổ thải xuống sông, hồ thì theo đó mà lây lan. Chính vì thế, người dân ở nông thôn, nữ giới có tỉ lệ mắc cao hơn tương ứng với người dân thành thị, nam giới. Tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng này trong cộng đồng, tức là số người có bào nang amip trong ruột người khoảng 5 – 10%. Tuy nhiên, nó chỉ thể hiện thành bệnh khi có điều kiện thuận lợi trong ruột hoặc khi cơ thể yếu, sức miễn dịch kém. Amip này thường gây bệnh kiết lỵ, một số trường hợp, amip thể hoạt động ăn hồng cầu từ ruột sẽ theo đường máu đi lên gan gây áp-xe gan, lên não gây áp-xe não…
Ca tử vong ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh là do loài amip khác gây nên, đó là loài Naegleria fowleri, loài này có sức hủy hoại tế bào não mạnh hơn và có thể là tổ chức não bị áp-xe là vùng nguy hiểm – nơi có chức năng quan trọng, vì thế sự tổn thương ở não là nặng nề gây tử vong. Kết quả chọc dò dịch não tủy cho thấy bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng amip Naegleria fowleri với kỹ thuật PCR là chính xác, tuy nhiên đây không phải là một amip thật sự mà thường được gọi như một loại amip cho thuận tiện.
Chính vì thế, một lần nữa cần khẳng định việc phân loại và chẩn đoán tác nhân gây bệnh vẫn luôn là việc làm cần thiết, quan trọng nhất để quyết định phương án điều trị trong bất cứ trường hợp nào, nhất là đối với những ca bệnh nguy hiểm vừa qua.   


Khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế về phòng, chống bệnh viêm não – màng não: Không nên tắm, bơi ở những nơi có nguy cơ cao
Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh viêm não – màng não do đơn bào Naegleria fowleri  là một bệnh rất hiếm gặp nhưng có tỷ lệ tử vong rất cao. Trong vòng 49 năm, từ năm 1962 – 2011, Hoa Kỳ chỉ ghi nhận 123 trường hợp nhiễm, với số mắc trung bình từ 0 – 8 trường hợp trong một năm. Tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên ghi nhận trường hợp viêm não – màng não do Naegleria fowleri.
Đơn bào Naegleria fowleri sống tự dưỡng trong môi trường nước ngọt (hồ, sông, công trình chứa nước nhân tạo…) khu vực khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Đơn bào Naegleria fowleri phát triển tốt nhất trong môi trường nhiệt độ 46oC. Đơn bào Naegleria fowleri có thể xâm nhập cơ thể người qua niêm mạc mũi và gây bệnh viêm não – màng não. Do đó, để phòng, chống nhiễm đơn bào Naegleria fowleri, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm một số nội dung như: Không nên tắm, bơi ở những nơi có nguy cơ cao; Trong khi tắm, bơi bể bơi, hồ, ao, suối hạn chế tối đa nước vào mũi bằng cách giữ cao đầu không để ngập nước, sử dụng kẹp mũi; Sau khi tắm, bơi nên vệ sinh mũi sạch sẽ, sử dụng dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng để xịt, rửa mũi… “Khi phát hiện đau đầu, sốt, buồn nôn, nôn cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời”. 

(Sức khỏe & Đời sống – trang 4, An ninh Thủ đô 6/9 – trang 8)

Gửi thảo luận