Số tiền 44 tỉ thất thoát ở Cục Điện ảnh dần dần khép lại với quyết định tạm đình chỉ vụ án đã khiến không chỉ những người trong cuộc mà cả dư luận phải giật mình. Sự giật mình ở đây không nằm ở số tiền nhiều ít, to nhỏ bởi 44 tỉ đồng so với các con số thất thoát ở các lĩnh vực kinh tế khác gần đây quả là bé, rất bé. Nhưng đối với nền điện ảnh nước nhà thì nó không hề nhỏ. Thậm chí rất lớn. Nó sẽ càng lớn hơn nữa nếu như số tiền đó làm được vài ba bộ phim cỡ Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Bao giờ cho đến tháng Mười, Chuyện tử tế… chẳng hạn.
Nhưng ngược lại, nếu nó lại sản xuất ra những bộ phim nhạt nhẽo, rẻ tiền, thậm chí nhảm nhí tác động xấu đến thẩm mĩ của người xem, làm lệch lạc những qui chuẩn đạo đức xã hội thì có lẽ việc thất thoát số tiền đó còn là… may mắn. Những cái tên phim nghe đã… ngã ngửa như “Cưới ngay kẻo lỡ”, “Hello cô Ba”, “Thiên sứ 99” hay “Công chúa teen và ngũ hổ tướng”. Ghê hơn, còn có bộ phim mang tên: “Siêu sĩ, ca mẫu, nhà con học và khoa chó”. Sau này, dư luận phản ứng dữ dội nên nó đành mang cái tên có vẻ “Trương Ba – hàng thịt” là “Hoán đổi thân xác” hay “Nàng men chàng bóng”.
Thực ra, chuyện xuất hiện những phim thuộc dòng “nhảm nhí.com” này không lạ. Khi lúa không tốt thì cỏ dại mọc lên. Nếu đất bỏ hoang thì cỏ dại thống trị.
Thế nhưng nếu đổ thêm tiền, thậm chí rất nhiều tiền thì bức tranh điện ảnh Việt Nam có sáng sủa hơn không? Có lẽ là không. Đạo diễn Đặng Nhật Minh, một tên tuổi lớn trong ngành điện ảnh nước nhà đã từng nói “Nếu cứ để việc Nhà nước đặt hàng làm phim như hiện nay thì có đổ thêm bao nhiêu tiền của cũng vô ích, chỉ có lợi cho khâu trung gian. Kết cục chúng ta vẫn không có những tác phẩm xứng đáng với sự mong đợi của khán giả, xứng đáng với đồng tiền mà Nhà nước bỏ ra”.
Đây là ý kiến hoàn toàn chính xác. Có thể nói, điện ảnh Việt Nam kém phát triển chính vì sự ưu ái của Nhà nước đối với lĩnh vực này. Cụ thể là Nhà nước luôn dành những đơn đặt hàng “màu mỡ” mà thực chất là một dạng bao cấp. Chính sự bao cấp này mới là nguyên nhân chính làm “hư” ngành điện ảnh nước nhà, khiến họ trở thành những đứa bé “già mà không lớn”, mãi mãi không dám rời bầu vú mẹ.
Có thể không khó chỉ ra một số lĩnh vực sau gần 30 năm Đổi mới vẫn khư khư thu mình trong tấm chăn bao cấp để rồi giờ đây trở thành nơi cho những phần tử lười biếng và bất tài trú ngụ. Thậm chí, có nơi còn biến thành mảnh đất màu mỡ để tham nhũng phát triển mà sự việc ở Cục Điện ảnh vừa qua là một điển hình.
Tiền thuế của dân không thể dùng vô ích như vậy.
Vì thế, theo các bạn có nên cắt “bầu sữa” của “đứa con” điện ảnh? Và rộng hơn, đâu là những nơi trú ngụ của những phần tử lười biếng, bất tài và còn những “cậu ấm, cô chiêu” nào cần phải “cai sữa”?