Nguyên nhân
Thông thường sau khi sinh, từ 10 đến 20 giờ, dạ dày và ruột của trẻ hầu như không có vi khuẩn. Nhưng sau khi tiếp xúc với môi trường, kết hợp việc được cho ăn uống nên các vi khuẩn xâm nhập qua đường miệng, đường hô hấp, trực tràng và hình thành một hệ thống vi khuẩn trong đường tiêu hoá gọi là hệ vi khuẩn chí đường ruột. Các vi khuẩn này được chia làm 2 loại đó là loại vi khuẩn có lợi cho và vi khuẩn có hại.
Bình thường các loại vi khuẩn này luôn ở thế cân bằng, trẻ sẽ có đường ruột khoẻ mạnh, tiêu hoá hấp thu tốt. Nhưng vì một lý do nào đó như trẻ bị suy dinh dưỡng, ăn uống không hợp lý, dùng thuốc kéo dài hoặc dùng kháng sinh, khi thay đổi thời tiết… có thể gây nên rối loạn hệ vi khuẩn chí gọi là loạn khuẩn đường ruột.
Khi dùng kháng sinh để điều trị các bệnh viêm họng, viêm amidal, viêm phổi… thì kháng sinh lại tiêu diệt luôn cả những vi khuẩn có lợi cho đường tiêu hóa gây ra tình trạng loạn khuẩn đường ruột.
Các chế phẩm vi sinh
Để điều trị loạn khuẩn đường ruột có thể dùng các chế phẩm vi sinh (Probiotic là các vi khuẩn lành tính) như Antibio, Lactomin Plus, Biolactin (liều lượng theo chỉ dẫn của bác sĩ)… Trong 1 vài tuần bệnh sẽ ổn định. Điều quan trọng là khi trẻ bị loạn khuẩn đường ruột làm rối loạn tiêu hoá, ảnh hưởng đến khả năng tiêu hoá và hấp thu thức ăn, vì thế ngoài cho uống chế phẩm vi sinh thì cần cho trẻ có một chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Chế độ ăn
Không nên cho bé ăn nhiều đồ ngọt. Nếu trẻ còn bú thì nên tiếp tục cho bú mẹ bình thường, trong khi đó mẹ cũng phải kiêng ăn đồ ngọt. Nếu trẻ phải ăn sữa ngoài chọn sữa không có đường lactoza (free lactose).
Bữa ăn của trẻ cần đầy đủ các chất dinh dưỡng và năng lượng, nên cho trẻ ăn những thực phẩm dễ tiêu hoá như: thịt gà, thịt lợn nạc, sữa chua, sữa đậu nành, bí đỏ, cà rốt, chuối tiêu, hồng xiêm… nên thay mỡ bằng dầu ăn. Tránh không nên cho trẻ ăn những loại thức ăn khó tiêu như ngô, đỗ nguyên hạt, thực phẩm nhiều chất xơ. Ngoài ra có thể cho trẻ uống nước táo ép, hồng xiêm xay, chuối xay. Chú ý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giữ vệ sinh ăn uống. Nên cho trẻ ăn thêm 1 – 2 cốc sữa chua mỗi ngày.
Tác dụng của sữa chua đậu nành
Do dễ hấp thu và giữ được sự cân bằng vi khuẩn, sữa chua đậu nành có thể giúp những bệnh nhân loạn khuẩn đường ruột khỏi bệnh và hồi phục sức khỏe nhanh chóng. Nghiên cứu cho thấy, sau 30 ngày dùng sữa chua loại này, hơn 90% bệnh nhân (cả người lớn và trẻ em) tăng 0,5-3 kg trọng lượng.
– Trẻ em 13-20 tháng tuổi dùng 150 ml, thời gian như trên. Các bữa ăn khác của trẻ vẫn được duy trì bình thường.
Có thể chế biến sữa chua này từ hạt đậu tương hoặc bột đậu tương sống.
Làm từ hạt đậu tương: Đậu hạt 100-150 g, đường 50-70 g, men Lactobacillus 20 g, nước 1 lít. Chọn những hạt đâu tương chắc và tốt, ngâm nước ấm 20-30oC trong 6-8 giờ, đãi sạch vỏ rồi xay nước (có thể xay bằng máy sinh tố, máy xay thịt quay tay hoặc cối đá). Sau đó lọc bỏ bã qua vải phin mỏng, cho đường vào. Đun sôi dịch sữa, để nguội 30-40oC rồi cho men (đã đánh nhuyễn) vào. Đổ sữa vào cốc sạch, cho vào tủ ấm ở nhiệt độ 40-50oC trong 2 giờ (nếu không có tủ ấm có thể ủ trong nước ấm 40-50oC). Khi mặt sữa đông mịn, đều là được.
Làm từ bột đậu tương sống: Bột đậu tương sống từ 60 – 65g, đường từ 50 – 70g, men Lactobacillus 20g, nước 1 lít.
Hòa tan bột đậu tương trong nước ấm 30-35oC rồi lọc qua phin mỏng. Các bước tiếp theo được thực hiện giống như cách trên.
Sản phẩm đạt yêu cầu có màu trắng, đông mịn, đông đều từ đáy cốc lên mặt sữa, vị hơi chua, béo ngậy. Có thể bảo quản sữa trong tủ lạnh 1-2 ngày.
Phòng tránh loạn khuẩn đường ruột cho trẻ
Để trẻ không bị rối loạn tiêu hóa, bạn cần chú ý đến chế độ ăn hợp lý và đúng giờ, cho trẻ ăn đồ ăn tươi và dễ tiêu hóa, uống nhiều nước, ăn nhiều rau quả, sữa chua. Hạn chế những thức ăn nhiều chất béo, chất đạm cũng như những thức ăn để lâu ngày, dễ ôi thiu.
Khi phát hiện bé có những triệu chứng rối loạn tiêu hóa tránh tự ý dùng kháng sinh, vì kháng sinh không chỉ tiêu diệt vi khuẩn có hại mà các vi khuẩn có lợi cũng bị tiêu diệt khiến bệnh của bé càng nặng thêm.