Thêm 16 bệnh viện áp dụng viện phí mới
Theo Bộ Y tế, trong đầu tháng 9 này, có thêm 16 bệnh viện (BV) tuyến trung ương sẽ được thông qua viện phí.
Đó là các BV: Nhi Trung ương, Lão khoa Trung ương, Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Chợ Rẫy, Thống Nhất, 74 Trung ương, Tâm thần Trung ương I và II, Hữu Nghị, C Đà Nẵng, Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Hữu nghị Việt Nam Cu Ba Đồng Hới, 71 Trung ương, Trung ương Huế và Viện Bỏng Lê Hữu Trác với mức tăng trên 90% khung giá viện phí tối đa.(An ninh thủ đô (trang 2) 05/09)
Dịch tay chân miệng tăng mạnh
Ngày 4-9, Bộ Y tế cho biết, trong tháng 8 vừa qua cả nước ghi nhận trên 11.000 bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng (TCM) mới, 6 trường hợp tử vong.
Tính chung từ đầu đến nay, số ca mắc trên cả nước là trên 76.000, trong đó có 41 trường hợp tử vong. Ở khu vực phía Bắc, so với cùng kỳ năm 2011, số mắc TCM trong tháng 8 giảm hơn 70% nhưng tại các tỉnh phía Nam bệnh vẫn đang lây lan rất mạnh, riêng tại TP Hồ Chí Minh hiện mỗi tuần ghi nhận thêm gần 500 trẻ mắc mới. Đặc biệt, thời điểm này đang là mùa tựu trường nên nguy cơ dịch bùng phát, lan rộng là rất lớn. Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo các địa phương cần đẩy mạnh chiến dịch phòng dịch, cố gắng giữ số mắc không tăng nhanh trong tháng 9, tránh để tình trạng đỉnh dịch TCM rơi vào giữa tháng 9 như năm ngoái.( An ninh thủ đô (trang 2) 05/09)
Xuất hiện vi rút cúm gia cầm nguy hiểm
Ngày 4.9, ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), cho biết hiện dịch cúm gia cầm đang hoành hành ở Hà Tĩnh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Kạn, Quảng Ngãi và Thanh Hóa, làm hơn 181.000 con gia cầm mắc bệnh, bị chết hoặc phải tiêu hủy.
Đáng lo ngại là qua giám sát dịch tễ, đã xác định được một loại vi rút cúm gia cầm H5N1 mới, được đặt tên là vi rút cúm gia cầm 2.3.2.1 C, có độc lực rất cao. “Cách đây 2 tháng, chúng ta đã được thông tin về nhóm vi rút mới, xuất hiện ở Trung Quốc, có độc lực rất cao, khả năng gây chết người cũng rất cao. Hiện nhóm vi rút này đã có mặt tại Việt Nam”, ông Diệp Kỉnh Tần, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết.
Ông Tần cũng cho biết đã yêu cầu các nhà khoa học trực thuộc Bộ nhanh chóng thực hiện các thí nghiệm, khảo nghiệm xem liệu các vắc xin phòng cúm gia cầm đang được sử dụng có hiệu lực đối với nhóm vi rút này hay không.( Thanh niên (trang 2), Tiền phong (trang 15), Tuổi trẻ (trang 2) 05/09)
Dịch cúm gia cầm lây lan tại một số địa phương
Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm, chiều 4-9, tại Hà Nội, Cục Thú y cho biết: Trong hai tuần qua, dịch cúm gia cầm tiếp tục xuất hiện ở ba tỉnh: Bắc Cạn, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, đưa tổng số địa phương có dịch cúm gia cầm lên bảy tỉnh, thành phố trên cả nước. Về dịch lợn tai xanh, lại có thêm hai tỉnh Bắc Cạn và Cần Thơ có dịch tai xanh chưa qua 21 ngày. Ðáng lo ngại, hiện nay ở khu vực phía bắc đã xuất hiện nhóm vi-rút H5N1, có sự khác biệt với vi-rút 2.3.2.1 (nhóm A và nhóm B) gây bệnh năm 2012… nguy cơ dịch lan rộng là rất cao. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Cục Thú y, Trung tâm chẩn đoán Thú y T.Ư tiếp tục giám sát sự lưu hành của vi-rút mới xuất hiện trong năm 2012, cần có kết luận sớm về hiệu quả vắc-xin đối với các nhánh vi-rút mới để tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm trong thời gian tới, đồng thời phát động Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng trên toàn quốc trong tháng 9.
Tính đến ngày 4-9, tỉnh Nam Ðịnh có 12 xã, thuộc các huyện Ý Yên, Vụ Bản và Giao Thủy có gia cầm mắc dịch cúm gia cầm. Tổng số gia cầm tại các địa phương phải tiêu hủy đến nay là hơn 12 nghìn con. Năm xã mới bùng phát dịch là Vĩnh Hào, Ðại Thắng, Hiển Khánh (Vụ Bản), Yên Phong (Ý Yên), Thọ Nghiệp (Xuân Trường) đang được Chi cục Thú y tỉnh chỉ đạo vệ sinh, tẩy trùng chuồng trại chăn nuôi; nghiêm cấm đưa gia cầm và sản phẩm gia cầm từ vùng dịch ra khỏi địa bàn…
Chiều 4-9, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã họp khẩn cấp bàn biện pháp đối phó với dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh. Ðến ngày 3-9, dịch cúm đã xảy ra ở 29 thôn thuộc 22 xã tại sáu huyện và có 72.916 con vịt bị chết và tiêu hủy. Ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp Cơ quan Thú y Vùng IV lấy mẫu xét nghiệm, xác định nguyên nhân gây bệnh, tổ chức khống chế ổ dịch và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện sẵn sàng chống dịch. Ngành đã phân bổ khẩn cấp một triệu liều vắc-xin cúm gia cầm cho bảy huyện, thành phố để triển khai các biện pháp tiêm phòng, chống dịch… UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. (Nhân dân (trang 8) 05/09)
Vụ bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện FV:
Đề nghị cơ quan công an làm rõ
Đó là khẳng định của chị Mai Thị Thu Trang – con gái ông Mai Trung Kiên (57 tuổi, Hà Nội) – với Tuổi Trẻ chiều 4-9 về việc cha chị đã tử vong sau mổ cắt ruột thừa tại Bệnh viện FV (TP.HCM) ngày 7-8.
Theo chị Trang, lúc đầu luật sư của gia đình có đặt vấn đề bồi thường sinh mạng cha chị với Bệnh viện FV. Tuy nhiên, do bệnh viện không có thiện chí giải quyết vụ việc nên gia đình chị sẽ không làm việc với bệnh viện và cũng không quan tâm đến số tiền bồi thường. Vì vậy, gia đình chị đã có đơn gửi cơ quan công an đề nghị điều tra làm rõ vụ việc.
Chiều cùng ngày, Bệnh viện FV có thông cáo báo chí gửi các báo đài về trường hợp tử vong của ông Mai Trung Kiên. Theo Bệnh viện FV, hội đồng xử lý kỷ luật của bệnh viện sẽ họp và quyết định các hình thức kỷ luật đối với các bác sĩ có liên quan.
Bệnh viện cũng thừa nhận bác sĩ của bệnh viện có sơ suất trong quá trình điều trị cho bệnh nhân Kiên do bác sĩ không chẩn đoán và xử lý kịp thời tình trạng xuất huyết nội của ông Kiên sau khi cắt ruột thừa.
Theo Bệnh viện FV, bệnh viện và thân nhân của ông Kiên đã gặp gỡ nhiều lần để giải quyết vấn đề bồi thường cho gia đình. Tuy nhiên, do gia đình yêu cầu bồi thường số tiền lớn nên bệnh viện còn thương lượng thì gia đình đã quyết định đề nghị cơ quan công an truy tố trách nhiệm hình sự các bác sĩ của bệnh viện.( Tuổi trẻ (trang 4) 05/09)
Bệnh tay chân miệng tăng vượt dự báo
Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, đã cho biết như vậy tại buổi giao ban giữa Sở Y tế TP.HCM với các quận huyện vào chiều 4-9.
Theo bác sĩ Thọ, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng đã tăng đột ngột trong ba tuần nay. Trong tháng 7, TP có 1.212 ca tay chân miệng nhưng đến tháng 8 đã có 2.258 ca mắc, tăng gần gấp đôi. Từ đầu năm đến nay, tại TP đã có sáu trẻ mắc bệnh tay chân miệng tử vong.
Bệnh tay chân miệng lây qua đường tiếp xúc nên phạm vi ổ dịch rộng. Vì vậy, bác sĩ Thọ yêu cầu các quận huyện cần chống dịch trên các ổ dịch, chứ không nên sa đà vào điều tra dịch tễ các ca bệnh.
Cũng trong buổi giao ban, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, trưởng phòng nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM, lưu ý ngày 5-9 các trường mầm non, cấp I, II và III trong TP đồng loạt khai giảng. Do vậy, các quận huyện cần có kế hoạch cụ thể phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, đặc biệt cần tập trung can thiệp vào các trường mầm non và các nhóm trẻ gia đình.(Tuổi trẻ (trang 9), Lao động (trang 7), Khoa học và đời sống (trang 2) 05/09)
Vụ bệnh nhân tử vong sau mổ ruột thừa tại
Bệnh viện FV (Tp. Hồ Chí Minh): Gia đình đề
nghị mức bồi thường 1,5 triệu USD
Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, mức bồi thường mà gia đình đưa ra là 1,5 triệu USD tương đương 31 tỉ đồng.
Sau khi báo Lao Động có bài viết về trường hợp bệnh nhân Mai Trung Kiên (bố diễn viên Mai Thu Huyền) bị tử vong do BS tắc trách tại BV FV vào ngày 12.8. Chiều ngày 4.9, BV FV đã có thông báo gửi đến cơ quan báo chí chính thức gửi lời xin lỗi và chấp nhận bồi thường với gia đình. Theo TGĐ Cty TNHH y tế Viễn Đông VN, BS Jean Marcel Guillon, BS điều hành BV FV thì, bệnh nhân Mai Trung Kiên nhập viện vào ngày 7.8.2012 và đã qua đời tại BV FV vào ngày 12.8. Ngay sau khi BV nhận được thông tin tố cáo của gia đình bệnh nhân qua báo chí và sở y tế, BV đã liên lạc với gia đình để bày tỏ cảm thông sâu sắc và xem xét các sự việc xung quanh trường hợp tử vong của bệnh nhân và đã gửi các báo cáo liên quan cũng như đã giải trình với sở y tế.
Câu hỏi gia đình đặt ra, tại sao BV chưa xử lý kỷ luật ê kíp BS tham gia phẫu thuật và gây tử vong cho nạn nhân. BS Jean Marcel Guillon cho biết: “BV chỉ có thể xử lý kỷ luật đối với các BS liên quan và xin lỗi gia đình công khai trên báo chí khi có kết luận của sở y tế”.
Cũng theo lãnh đạo BV, kết luận của sở y tế cũng ghi nhận đây là một ca bệnh khó và có nguy cơ tử vong cao trong điều trị do bệnh nhân có bệnh tim mạch và di chứng tai biến mạch máu não. Theo BS Jean Marcel Guillon, nhiều thông tin một chiều cho rằng, việc chẩn đoán trong trường hợp của bệnh nhân Kiên là rất khó do bệnh nhân có tất cả những triệu chứng của bệnh lý tim mạch. Tất cả sáu BS có chuyên môn cao của BV cũng tham gia điều trị cho bệnh nhân, không BS nào nghi ngờ về chảy máu bụng do bệnh nhân không có biểu hiện triệu chứng chảy máu bụng và vì vậy đã không chẩn đoán kịp thời.
Hiện nay, BV đã đề nghị bồi thường cho gia đình. Tuy nhiên theo BV FV hai bên chưa thống nhất được mức bồi thường do gia đình nạn nhân yêu cầu cực kỳ lớn là 1,5 triệu USD.
Được biết, trước đó, chiều ngày 31.8, sở y tế đã có công văn số 4912/SYT-Ttra do GĐ Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh ký dựa trên kết luận của hội đồng chuyên môn Sở Y tế với nội dung: “Nguyên nhân tử vong sốc không hồi phục do xuất huyết nội sau phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa trên bệnh nhân có bệnh tim mạch với nguy cơ cao và di chứng tai biến mạch máu não đang điều trị thuốc kháng đông. BV FV đã không chẩn đoán và xử lý kịp thời tình trạng xuất huyết nội”.(Lao động (trang 1) 05/09)
Giảm tải bằng bệnh viện vệ tinh
Nhiều bệnh viện (BV) chuyên khoa sâu, đầu ngành đã và đang xây dựng đề án mở "BV vệ tinh" ở nhiều tỉnh, thành để giảm áp lực quá tải cho các BV tuyến trên. Đây là giải pháp được cho là đột phá của Bộ Y tế.
Sắp tới, BV Đa khoa Đồng Nai sẽ là BV vệ tinh của BV Ung bướu TP.HCM. Theo Sở Y tế TP.HCM, các BV thuộc sở sẽ đẩy mạnh việc mở BV vệ tinh đối với các chuyên khoa sâu, quá tải nhiều là ung bướu, tim mạch, ngoại chấn thương, sản khoa và nhi khoa.(Tuổi trẻ (trang 7)
Trang chủ » Tin tức » Điểm báo ngày 05/9/2012