Trang chủ » Tin tức » Điểm báo ngày 4/9/2012

Điểm báo ngày 4/9/2012

Năm 2015: Dân số nước ta không quá 93 triệu người
 
Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) giai đoạn 2012-2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 
Theo đó, Chương trình đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2012-2015, mức sinh phải được chủ động duy trì hợp lý để quy mô dân số sớm ổn định trong khoảng 115-120 triệu người vào giữa thế kỷ 21. Trong giai đoạn từ nay đến 2015, phấn đấu đưa tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ) từ 2 con (năm 2010) giảm xuống còn 1,9 con, quy mô dân số không vượt quá 93 triệu người; tốc độ tăng dân số ở mức khoảng 1%; giảm tốc độ tăng nhanh tỷ số giới tính khi sinh để đến năm 2015 tỷ số giới tính khi sinh không vượt quá 113/100… Dự kiến tổng vốn đầu tư thực hiện Chương trình DS-KHHGĐ giai đoạn 2012-2015 là 8.990 tỷ đồng (An ninh thủ đô (trang 4) 4/9).
 
Thêm nhiều bệnh viện áp dụng viện phí mới
 
Bộ trưởng Bộ Y tế đã phê duyệt khung giá viện phí mới, áp dụng từ tháng 9 này cho các bệnh viện (BV) T.Ư: Nhi, Lão khoa, Bệnh nhiệt đới, Chợ Rẫy, Thống Nhất, 74, Tâm thần T.Ư I và II, Hữu Nghị, C Đà Nẵng, Đa khoa Thái Nguyên, Viện bỏng Lê Hữu Trác, Đa khoa Cần Thơ, Hữu nghị Việt Nam Cu Ba Đồng Hới, 71, T.Ư Huế.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đã phê duyệt bảng viện phí mới cho các BV tuyến T.Ư trực thuộc Bộ Y tế, gồm: Bạch Mai, Huyết học và Truyền máu T.Ư, K, Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), Phổi T.Ư.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, trong quá trình thẩm định giá viện phí đã phát hiện nhiều dịch vụ được BV liệt kê quá mức vật tư tiêu hao, thuốc sử dụng so với nhu cầu sử dụng thực làm đội chi phí bất hợp lý (Thanh niên (trang 2) 4/9).
 
Sốt xuất huyết tăng mạnh
 
Bộ Y tế cho hay, trong tháng 8 số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh với 9.252 trường hợp mắc, 9 trường hợp tử vong tại Đồng Nai, Đồng Tháp, Bình Dương, Tiền Giang, Bình Phước, Kon Tum, Bến Tre, Tây Ninh. Tích lũy số mắc/tử vong từ đầu năm là 38.000/29 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2011 số mắc tăng 19%, tử vong tăng 2 trường hợp.
Trong khi đó, số mắc tay chân miệng mới ghi nhận vẫn ở mức cao với hơn 11.200 trường hợp, trong đó 6 ca tử vong. Tích lũy từ đầu năm 2012 đến nay, cả nước ghi nhận gần 77.000 trường hợp mắc, 41 trường hợp tử vong, so với cùng kỳ năm 2011 số mắc giảm 4,7%, tử vong giảm 3 lần (Thanh niên (trang 2) 4/9).
 
Một số thuốc chữa bệnh tăng giá
 
Ghi nhận tại các điểm bán lẻ dược phẩm ở TP.HCM chiều 3.9, hiện nay giá cả của một số mặt hàng thuốc chữa bệnh cả tân dược và đông dược có sự biến động tăng so với hơn một tháng trước. Trong đó, mặt hàng đông dược tăng mạnh hơn.
Chẳng hạn như: Song phụng điều kinh giá bán lẻ trước đây 26.000 – 27.000 đồng/chai 280 ml dạng nước, hiện bán lẻ 33.000 đồng/chai; Mát gan giải độc từ 19.000 – 20.000 đồng/chai nay lên 27.000 – 28.000 đồng/chai; Đông huê điều kinh thủy từ 22.000 – 23.000 đồng/chai lên 27.000 – 28.000 đồng/chai.
Những mặt hàng tân dược có giá tăng như: kháng sinh Augmentin dạng gói bột, hàm lượng 500 mg từ 182.000 – 183.000 đồng/hộp 12 gói lên 192.000 – 193.000 đồng/hộp. Augmentin loại 250 mg từ 122.000 – 123.000 đồng/hộp 12 gói lên 132.000 đồng/hộp. Thuốc nhỏ mắt Indocolifue từ 67.000 – 68.000 đồng/lọ lên 73.000 – 74.000 đồng/lọ; thuốc trị tim mạch Nitromint Spray từ 39.000 đồng/hộp 30 viên lên 49.000 đồng/hộp; thuốc bổ mắt Ocuvit từ ngoài 160.000 đồng/hộp 60 viên lên 172.000 đồng/hộp.
Ngoài ra, theo các chủ nhà thuốc bán lẻ, gần đây các loại thực phẩm chức năng cũng tăng giá, vì có nhiều người mua sau mỗi đợt các công ty quảng cáo hàng, có loại giá bán lẻ từ 160.000 đồng/hộp trước đây, nay lên 200.000 đồng/hộp (Thanh niên (trang 2) 4/9).
 
TPHCM, Quảng Ngãi, Đà Nẵng chưa áp khung viện phí mới năm nay
 
Đà Nẵng vừa dự kiến tăng viện phí từ năm 2013 khi được HĐND TP thông qua. Khảo sát tại các BV công trên địa bàn Đà Nẵng, các mức thu viện phí vẫn được thực hiện theo bảng giá cũ.
Tại các phòng khám, phòng điều trị, khoa Tim mạch, Ngoại tiêu hóa… các bảng niêm yết giá viện phí không thay đổi. BS.Trần Ngọc Thạnh– Giám đốc BV Đa khoa Đà Nẵng cho hay.
Hiện công tác khám, chữa bệnh thu chi viện phí vẫn tiến hành theo mức giá cũ. Chắc trước khi tăng giá, sở sẽ có thông báo cụ thể.
Theo BS. Nguyễn Út – Phó giám đốc Sở Y tế TP.Đà Nẵng: khung giá mới về việc tăng viện phí cho 447 dịch vụ y tế được Bộ Y tế đề xuất tăng, sở đã hoàn thành và gửi Sở tài chính Đà Nẵng thẩm định. Sau đó, khung giá viện phí mới này tiếp tục trình HĐND TP Đà Nẵng tại kỳ họp vào tháng 12-2012 tới.
Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Nguyễn Hùng Chiến cũng cho biết: thành phố đã thành lập tổ liên ngành đề xuất phương án tăng viện phí từ 3 ngành: y tế – tài chính và BHXH.
Nếu được thông qua, mức thu viện phí mới sẽ áp dụng sớm nhất từ năm 2013. Được biết, mức tăng viện phí của Đà Nẵng dự kiến phổ biến từ 60-70% so với khung giá tăng viện phí cao nhất do Bộ Y tế đề xuất.
Cũng theo ông Chiến, việc tăng viện phí được đánh giá trên tổng
hợp nhiều yếu tố, gắn với đời sống dân sinh cả thực trạng ngành y tế, đạo
đức y bác sĩ.
BS Thạnh cũng thừa nhận mức giá cũ được xây dựng từ 15 năm trước, trong khi hiện nay tất cả các chi phí đầu vào từ điện, nước, vật dụng y tế đều “tăng chóng mặt”. “Nếu không tăng viện phí, các bệnh viện sẽ gặp khó trong việc đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Nhưng tăng thế nào cho phù hợp là vấn đề quan trọng”, BS. Thạnh nói thêm.
Lãnh đạo nhiều bệnh viện trên địa bàn cho rằng: việc chưa tăng
viện phí trong thời điểm hiện nay góp phần san sẻ khó khăn với người bệnh, đặc biệt là người nghèo.
Để giảm bớt khó khăn này, gần năm nay Đà Nẵng là địa phương tiên phong cả nước áp dụng nhiều chính sách riêng có hỗ trợ cho các bệnh nhân, như: bù phần đồng chi trả BHYT (5-20%) cho các bệnh nhân suy thận trên địa bàn… (Tiền phong (trang 2) 4/9).
 
Nâng chất trước khi tăng viện phí
 
Sở Y tế Tiền Giang vừa trình UBND tỉnh đề án “Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập”.
Đề án này đưa ra nhiều giải pháp mang tính đột phá nhằm giải quyết những tồn tại trong việc khám chữa bệnh. Ông NGUYỄN HÙNG VĨ – phó giám đốc Sở Y tế Tiền Giang – cho biết:
– Đề án này sau khi được phê duyệt sẽ triển khai thực hiện ngay, trước khi áp dụng viện phí mới (khoảng tháng 10).
* Muốn nâng cao chất lượng khám chữa bệnh phải nhận diện rõ thực trạng của các cơ sở y tế trong tỉnh hiện nay. Thực trạng đó là gì, thưa ông?
– Đó là tình trạng quá tải tại khoa khám bệnh và khu điều trị nội trú của một số bệnh viện tuyến tỉnh. Do quá tải nên bệnh viện phải kê thêm giường ngoài hành lang, hai người bệnh phải nằm một giường… làm ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ bệnh nhân. Trong khi đó, phần lớn bệnh viện tuyến huyện và xã hoạt động chưa hết công suất, gây lãng phí.
Tiền Giang chỉ mới đạt 4,87 bác sĩ/10.000 dân (chỉ tiêu là 7 bác sĩ/10.000 dân), hiện còn thiếu tới 372 bác sĩ. Riêng các trạm y tế chỉ mới có 144/169 xã, phường có bác sĩ.
* Đó có phải là nguyên nhân dẫn đến tinh thần, thái độ phục vụ của y, bác sĩ chưa tốt khiến bệnh nhân than phiền?
– Quá tải bệnh viện tuyến tỉnh, đặc biệt là quá tải khám chữa bệnh ban đầu đối với bệnh nhân diện bảo hiểm y tế (BHYT), dẫn đến y, bác sĩ phục vụ quá sức, phục vụ bệnh nhân chưa được tốt như mong muốn. Khảo sát thực tế của Sở Y tế cho thấy người bệnh phần nhiều phàn nàn về thái độ phục vụ của nhân viên y tế khi đến khám chữa bệnh ban đầu ngoại trú ở các bệnh viện tuyến tỉnh. Còn tuyến huyện thì đỡ hơn. Như vậy, bài toán cần giải quyết ở đây là làm sao thuyết phục người bệnh diện BHYT vui vẻ đăng ký và thực hiện khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến cơ sở mà không đổ dồn về bệnh viện tuyến tỉnh.
* Ông nói Tiền Giang sẽ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trước khi tăng viện phí. Cụ thể là sẽ làm gì?
– Chúng tôi đang tập trung nhiều giải pháp để nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân cho đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y tế. Chúng tôi cũng sắp xếp lại đội ngũ và trang thiết bị y tế để làm sao phát huy được hết khả năng phục vụ bệnh nhân.
Tại khoa khám bệnh sẽ tăng cường nhân lực để khám trong những ngày, giờ cao điểm. Chấn chỉnh tình trạng khám qua loa và không tư vấn cho người bệnh. Các cơ sở khám chữa bệnh phải tổ chức bộ phận tiếp đón chuyên nghiệp, hướng dẫn chu đáo cho người bệnh các thủ tục đến khám, nhập viện hoặc phải chuyển viện. Các khoa điều trị nội trú cũng cắt giảm quy trình, thủ tục không cần thiết và gây phiền hà cho người bệnh. Hạn chế tối đa tình trạng bố trí 2-3 bệnh nhân nằm chung một giường. Đặc biệt sẽ thực hiện khám chữa bệnh hẹn giờ và ký hợp đồng với bác sĩ các phòng khám tư nhân tham gia khám chữa bệnh BHYT tại tuyến xã, phường.
* Xin ông nói rõ hơn về việc khám chữa bệnh hẹn giờ?
– Cách làm này đang được thí điểm ở một số bệnh viện, kết quả rất tốt. Bệnh viện công bố số điện thoại, bệnh nhân sẽ gọi hẹn giờ đến khám, đặc biệt là người già. Sở Y tế đã chỉ đạo tất cả bệnh viện phải làm công việc này ngay trong tháng 9.
* Việc ký hợp đồng với phòng khám tư nhân để khám chữa bệnh cho bệnh nhân diện BHYT thì sao?
– Toàn tỉnh Tiền Giang có khoảng 600 bác sĩ có phòng khám ngoài giờ ở rải rác khắp các xã, phường. Trong khi đó hiện nay phần lớn người dân có thẻ BHYT không thiết tha đến khám chữa bệnh ban đầu ở trạm y tế xã, phường theo quy định vì họ thiếu tin tưởng về chất lượng… Trong việc khám chữa bệnh, yếu tố chẩn đoán đúng bệnh là quan trọng nhất. Các bác sĩ có phòng khám ngoài giờ phần lớn công tác ở các bệnh viện tuyến huyện và tỉnh, có nhiều kinh nghiệm nên thu hút bệnh nhân khá nhiều. Do đó chỉ cần mời gọi chừng 400 bác sĩ này hợp đồng với các trạm y tế xã, phường để khám chữa bệnh cho bệnh nhân diện BHYT thì bệnh nhân sẽ chấp nhận và không còn đổ dồn về tuyến trên nữa.
* Ông nói rõ hơn về cách làm?
– Ngành y tế sẽ ký hợp đồng với các bác sĩ có phòng khám tư nhân trên địa bàn xã, phường. Các phòng khám này sẽ nhận khám bệnh ban đầu cho bệnh nhân có thẻ BHYT bất kể trong hay ngoài giờ hành chính. Bệnh nhân phải trả thêm tiền công khám bệnh chênh lệch giữa giá BHYT thanh toán và giá của phòng khám đó. Ví dụ, giá khám bệnh tuyến xã được BHYT thanh toán là 3.500 đồng/lần khám, còn giá khám bệnh ở phòng khám tư nhân là 10.000 đồng/lần khám thì người bệnh sẽ trả khoản chênh lệch 6.500 đồng. Khám chuyên khoa thì tiền công khám cao hơn và bệnh nhân phải đóng tiền chênh lệch nhiều hơn.
Sau khi khám bệnh, bác sĩ phòng khám tư nhân sẽ ghi toa thuốc, người bệnh đến trạm y tế xã, phường nhận thuốc chữa bệnh ngoại trú theo quy định. Cách làm này đang thực hiện tại Phòng khám đa khoa dân lập Mỹ Tho, xã Long Trung, huyện Cai Lậy (Tuổi trẻ (trang 2) 4/9).
 
Sản phụ Quảng Ngãi “né” bệnh viện nhà
 
Trước tình trạng tai nạn sản khoa liên tục xảy ra ở các bệnh viện Quảng Ngãi, nhiều gia đình sản phụ ở tỉnh này muốn ca sinh nở an toàn phải “cơm đùm cơm nắm” khăn gói đi bệnh viện các tỉnh khác để sinh nở.
Sợ đẻ rơi giữa đường
Nhìn khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc bên con gái vừa mới chào đời, khó hình dung chị Lương Thị Tại (TP Quảng Ngãi) vừa trải qua những phút giây hãi hùng. Vỡ ối lúc 5g sáng, chị liên hệ các loại xe dịch vụ để ra Đà Nẵng sinh nhưng tìm mãi không ra. Cực chẳng đã chị đành ra cầu Trà Khúc, nơi xe dù chuyên lượn lờ bắt khách, phó mặc số phận hai mẹ con cho tài xế.
Chị cho biết: Bụng đã đau mà đoạn đường lại xa, xe thì lúc chạy ào ào với hàng loạt pha lạng lách đánh võng, lúc lại dừng đột ngột đón khách, chờ qua cầu tạm, lòng chị như lửa đốt. Mỗi lần xe xóc qua “ổ gà, ổ voi” càng khiến chị đau đớn. Chị kể: “Lúc đó thấy rõ đứa bé trong bụng lại “tụt xuống” chút nữa. Tôi ôm bụng như muốn kéo con lại nhưng không thể, chỉ biết cầu trời khấn Phật đừng đẻ rơi giữa đường”.
Đến gần 11g, chị mới đến cổng bệnh viện ở Đà Nẵng, nước ối đã xuất gần hết, nếu chậm một chút là nguy hiểm đến tính mạng hai mẹ con. Bác sĩ Hạnh, trưởng khoa sản Bệnh viện Hoàn Mỹ – Đà Nẵng, kể: “Chưa vào tới cổng, bệnh nhân đã kêu la ầm ĩ, nhân viên, hộ lý đưa đi làm thủ tục xét nghiệm để sinh thường, nhưng chị nhất quyết đòi sinh mổ để lấy đứa bé ra cho nhanh, kíp đỡ đẻ cũng rối theo”.
Nhiều sản phụ khác chọn Bệnh viện Đa khoa trung ương QuảngNam gần tỉnh nhà để dễ xoay xở. Đã tính toán từ trước, chị Phạm Thị Nương (huyện Bình Sơn) và chị Nguyễn Thị Quyên (TP Quảng Ngãi) nhập viện trước khi sinh vài ngày. Theo các sản phụ này, cực chẳng đã mới đi đẻ xứ người chứ ở Quảng Ngãi, bệnh viện đa khoa tỉnh ngay cạnh nhà, đỡ chi phí, chẳng phải di chuyển đường xa.
Né bệnh viện nhà
Những tháng gần đây, mỗi chiều đến Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi sẽ thấy cả dàn xe đủ loại từ 4-17 chỗ đậu chật kín trong khuôn viên và trước cổng bệnh viện. Một tài xế lái xe cấp cứu tên H. cho biết: “Đó là cao điểm trong ngày của các bệnh nhân chuyển viện. Riêng đội tôi có sáu xe thường xuyên túc trực, sẵn sàng chạy khi có yêu cầu từ bệnh nhân”. Hỏi anh đã chở bao nhiêu ca đi Đà Nẵng đẻ, anh nhíu mày lắc đầu: “Không đếm hết, nhưng khoảng ba ca đã đẻ ngay trên xe”.
Theo anh H., xe dịch vụ chở thai phụ ra Đà Nẵng đẻ cấp cứu thường 1,5 triệu đồng/chuyến/một chiều (có bác sĩ, hộ lý đi kèm); taxi, xe dù từ 800.000 đồng trở lên. Muốn được nhận bảo hiểm, chuyển viện phải có xác nhận của lãnh đạo bệnh viện. Nhưng có thai phụ sau khi khám xong tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi đùng đùng đòi đi Đà Nẵng mặc dù không có giấy chuyển viện.
Tại khoa sản Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, thời gian gần đây chỉ còn sản phụ người đồng bào các huyện miền núi. Theo một cán bộ của khoa này thì 10 thai phụ khi vào khám có 6-7 ca xin chuyển viện hoặc bỏ viện để đi sinh nơi khác, phần nhiều ra các bệnh viện công và tư ở Đà Nẵng. Theo cánh lái xe, ngày cao điểm một xe phải chở đến ba ca đi về Quảng Ngãi – Đà Nẵng như con thoi. Bác sĩ Lê Viết Nho, phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam, cho biết sáu tháng đầu năm 2012 có trên 40% sản phụ là người Quảng Ngãi nhập viện sinh con. Trong khi đó, tại Trung tâm Phụ sản nhi Đà Nẵng, một ngày bình thường các bác sĩ, hộ lý ở đây đã lần lượt tiếp 17 thai phụ của Quảng Ngãi ra sinh.
“Cải tổ” khoa sản
Bác sĩ Nguyễn Xuân Mến, phó giám đốc Sở Y tế kiêm giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, nói: “Để lấy lại lòng tin người bệnh, bệnh viện đã có kế hoạch tăng giường bệnh, ưu tiên sử dụng giường cho bệnh nhân, chống quá tải. Bố trí lại ca trực, tăng thiết bị, kể cả máy siêu âm bốn chiều, chuẩn hóa lại các quy trình bệnh viện, quy trình khoa sản. Hiện đã bố trí một số bác sĩ đi học để nắm bắt, triển khai các dịch vụ kỹ thuật sản khoa. Vì vậy, số lượng thai phụ đến khoa sản đã được cải thiện. Nếu trước đây khoảng 100 thai phụ/ ngày thì nay đã tăng lên 130 thai phụ/ngày”.
Đối với đội ngũ bác sĩ, nhân viên, bệnh viện đã tổ chức huấn luyện lại y đức cũng như chuyên môn. Thời gian qua đã có hai bác sĩ của Bệnh viện Từ Dũ ra hỗ trợ về chuyên môn một tháng. Đồng thời, bệnh viện cử bác sĩ, nhân viên đi học thêm trực tiếp tại Bệnh viện Từ Dũ. Ngoài ra, còn cho đội ngũ nữ hộ sinh học tập để chuẩn lại thái độ tiếp xúc, phục vụ, giảm thiểu phiền hà đối với bệnh nhân. Ban giám đốc bệnh viện cử một lãnh đạo thường xuyên theo dõi khoa, có vấn đề gì nảy sinh sẽ họp trực tiếp với giám đốc bệnh viện để giải quyết.
Ông Mến cũng cho hay hiện Sở Y tế đã áp dụng quy tắc ứng xử trong chuyên môn. Qua đó thường xuyên nhắc nhở các y bác sĩ trau dồi ứng xử văn hóa với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Nếu phát hiện ai vi phạm sẽ xử lý, kỷ luật nặng hơn. Theo kế hoạch, khoảng hai tuần nữa quy trình sắp xếp nhân sự và mua sắm các thiết bị hiện đại, quy trình “cải tổ” khoa sản sẽ hoàn thành. 
Sẽ xây bệnh viện chuyên sản nhi
Ông Cao Khoa, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết đã chỉ đạo ngành y tế lập dự án xây dựng bệnh viện chuyên khoa sản nhi quy mô 250 giường bệnh. Tỉnh sẽ ưu tiên bố trí ngân sách khoảng 200 tỉ đồng để xây dựng, dự kiến thực hiện từ năm 2013-2015. Theo ông Khoa, muốn đảm bảo y đức phải tăng cường công tác quản lý quy trình khám và điều trị bệnh nhân. Trước tiên phải rà soát toàn bộ quy trình trước đây để bổ sung, điều chỉnh. “Không thể làm công tác chính trị tư tưởng chung chung được, phải tiến hành toàn diện. Quản lý chặt chẽ cũng là cách để giáo dục về ý thức trách nhiệm. Ngoài ra, tỉnh đã chỉ đạo ngành y tế, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi tăng cường trang thiết bị hiện đại. Nếu trang thiết bị yếu, không thể đào tạo ra được đội ngũ bác sĩ giỏi, không đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân” – ông Khoa nói (Tuổi trẻ (trang 2) 4/9).
 
Một tháng, trên 11.000 bệnh nhân tay chân miệng mới
 
Bộ Y tế vừa cho biết dù số mắc mới không tăng cao như dự đoán, nhưng tháng 8 vừa qua vẫn có trên 11.000 bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng mới, sáu trường hợp tử vong.
Tính từ đầu năm 2012, cả nước có trên 76.000 ca mắc mới, trong đó có 41 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2011, số mắc tay chân miệng trong tháng 8 giảm hơn 70%.
Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo các địa phương đẩy mạnh chiến dịch phòng dịch trước mùa khai trường, cố gắng giữ số mắc không tăng nhanh trong tháng 9 vì năm 2011, năm có số ca mắc tay chân miệng cao nhất từ trước đến nay thì đỉnh dịch là tháng 9.
Ngoài ra, bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, với trên 9.200 ca mắc mới riêng trong tháng 8. Tính từ đầu năm cả nước có trên 38.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó 29 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2011, số mắc sốt xuất huyết tăng gần 20% và dự đoán còn tăng trong giai đoạn đỉnh dịch (tháng 9-11 tới đây) (Tiền phong (trang 1) 4/9).
 
Thêm những tranh luận khoa học về “amip ăn não người”
           
Sau khi Lao động có bài viết “ Xuất hiện trường hợp đầu tiên do amip ăn não người và BYT cũng xác nhận ca đầu tiên được phát hiện tại VN. Nhưng gần đây, trên nhiều báo lại xuất hiện ý kiến trái ngược (chi tiết xem Lao động ngày 4/9) (Lao động (trang 1) 4/9).

Gửi thảo luận