Trang chủ » Tin tức » Đầu năm học nói về sự lãng phí

Đầu năm học nói về sự lãng phí

Đã có nhiều ý kiến, đề án, hiến kế cải cách, chấn hưng… với mục đích cuối cùng là chất lượng giáo dục của Việt Nam được nâng lên tầm khu vực. Nếu cũng học 12 năm như nhiều nước nhưng sản phẩm đầu ra chất lượng thấp thì đó là một sự lãng phí. Bản thân sự lãng phí rất khó định lượng, lãng phí trong giáo dục lại càng khó hơn, nhưng chắc chắn một điều nó là rất lớn. Tốc độ phát triển của khoa học công nghệ và những thay đổi đến chóng mặt, nhưng nếu chúng ta cứ bước những bước dò dẫm trong giáo dục với các phương pháp cũ kỹ, lạc hậu thì sẽ khó đáp ứng được đòi hỏi của thời đại.

Thế giới đã thực hiện phương pháp giảng dạy để nâng cao tính độc lập trong suy nghĩ, gợi mở sáng tạo từ hàng chục năm nay, nhưng Việt Nam vẫn sử dụng phương pháp áp đặt tư duy một chiều. Chương trình học khai thác tối đa sức nhớ hơn là sức suy nghĩ. Thầy cô đọc và học sinh chép, thầy cô giảng và học sinh ghi. Cách dạy và học này áp dụng ngay cả với bậc đại học.
Đối với công nghệ ngày nay, con người không cần phải thuộc lòng kiến thức cũ theo kiểu tầm chương trích cú, chỉ cần một cú click trên máy vi tính là có thể tìm được cái mình cần thay vì phải bỏ công học thuộc lòng, thậm chí học sinh có thể tiếp cận nhiều ý kiến trái chiều trong cùng một vấn đề. Vậy thì tại sao phải bắt học sinh học thuộc lòng? Tại sao phải nghe chỉ một mình lời giảng của thầy giáo? Điều mà chúng ta cần chính là phát hiện ra cái mới, rèn luyện cho học sinh các  phương pháp để suy nghĩ phản biện, tư duy sáng tạo. Cuộc sống cần một chuỗi sáng tạo liên tục, gặm nhấm cái cũ chẳng mang lại lợi ích gì cho nhân loại.
Xin chỉ nêu một vấn đề chưa phải là lớn như sách giáo khoa. Ở vào thời đại xa lộ thông tin thênh thang mà học sinh Việt Nam vẫn còn học tập theo một bộ sách giáo khoa chỉ do một nhóm người biên soạn. Đây là điểm phi lý nhất đã được đề cập nhiều năm nay nhưng không được lắng nghe, thay đổi. Bỏ độc quyền biên soạn và xuất bản sách giáo khoa đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học tự nhiên là việc phải làm để tăng chất lượng biên soạn sách, khai thác được trí tuệ của toàn xã hội. Giáo viên, học sinh có quyền lựa chọn những bộ sách hay để dạy và học. Cuộc cạnh tranh này sẽ nâng cao chất lượng biên soạn sách, học sinh tiếp cận được nhiều “bộ óc” khác nhau, khai thác kiến thức từ nhiều trí tuệ khác nhau. Độc quyền biên soạn và xuất bản tất cả các loại sách giáo khoa là một loại “lợi ích nhóm” cần phải dẹp bỏ.
Cha mẹ đầu tư cho con cái mười mấy năm học, bản thân mỗi người phải mất chừng ấy thời gian để hoàn tất bậc học phổ thông, xã hội cũng chí phí rất nhiều cho sự nghiệp giáo dục này. Chính vì vậy, phải tính đến hiệu quả cao nhất bằng thước đo chất lượng đầu ra. Nếu chất lượng thấp, thì đây là sự lãng phí vô cùng lớn.

 
Lê Chân Nhân

Gửi thảo luận