Trang chủ » Phổ biến kiến thức » Cẩm nang sức khoẻ » Hút thuốc thụ động làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ nặng

Hút thuốc thụ động làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ nặng

Nhóm nghiên cứu đã xem xét gần 6.000 người thuộc 5 tỉnh ở Trung Quốc. Họ thấy rằng những người phơi nhiễm khói thuốc thụ động tăng đáng kể nguy cơ bị hội chứng sa sút trí tuệ nặng.

 
Hút thuốc thụ động vốn được biết là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch và hô hấp, bao gồm bệnh mạch vành và ung thư phổi. Tuy nhiên, cho đến nay còn chưa chắc chắn liệu hút thuốc thụ động có làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ hay không do thiếu các nghiên cứu. Đây là nghiên cứu đầu tiên phát hiện ra mối liên quan rõ rệt giữa hút thuốc thụ động và hội chứng sa sút trí tuệ.

 

Trong nghiên cứu này, TS Ruoling Chen, giảng viên cao cấp về y tế công cộng tại Đại học Hoàng Gia London (Anh) – và các đồng nghiệp đã phỏng vấn 5.921 người. Các đối tượng đều trên 60 tuổi và đến từ các tỉnh An Huy, Quảng Đông, Hắc Long Giang, Thượng Hải và Sơn Tây.
 
Các nhà khoa học đã tìm hiểu mức độ phơi nhiễm khói thuốc thụ động, thói quen hút thuốc lá và mức độ hội chứng sa sút trí tuệ của những người tham gia.

 
Họ phát hiện được 10% số đối tượng bị hội chứng sa sút trí tuệ nặng. Tình trạng này có liên quan đáng kể với mức độ và thời gian phơi nhiễm khói thuốc thụ động.
 
TS Ruoling Chen nói “Hút thuốc thụ động nên được xem là một yếu tố nguy cơ quan trọng trong hội chứng sa sút trí tuệ. Tránh phơi nhiễm khói thuốc thụ động có thể làm giảm nguy cơ bị hội chứng này. Trung Quốc, và rất nhiều quốc gia khác, đang trong quá trình già hóa dân số.

 
Vì vậy, sa sút trí tuệ sẽ ảnh hưởng đáng kể đến người bệnh, gia đình họ và cả những người chăm sóc. Đây sẽ là một gánh nặng xã hội lớn”.

 
“Tăng nguy cơ mắc hội chứng sa sút trí tuệ ở những người phơi nhiễm khói thuốc thụ động cũng tương tự như tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Vì vậy cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa kịp thời, không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở các quốc gia khác trên thế giới”, tiến sĩ Ruoling Chen bổ sung.
 
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Occupational and Environmental Medicine.
 

Gửi thảo luận