Trang chủ » Tin tức » Điểm báo ngày 31/8/2012

Điểm báo ngày 31/8/2012

Cập nhật kiến thức về huyết học – truyền máu

Chiều 29-8, tại TP Ðồng Hới (Quảng Bình), Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư tổ chức Hội nghị khoa học huyết học – truyền máu toàn quốc năm 2012. Tại hội nghị, 102 báo cáo khoa học và 36 bài chuyên luận sâu về cập nhật các kiến thức tổng quan trong lĩnh vực huyết học – truyền máu trong nước và trên thế giới như: tế bào, đông máu, di truyền, miễn dịch, sinh học phân tử, lâm sàng huyết học, vi sinh, ghép tế bào gốc trong bệnh lý huyết học… Bên cạnh đó, nhiều công trình nghiên cứu về các vấn đề sâu và mới của chuyên khoa như: đột biến gien trong các bệnh máu, các vấn đề về tế bào gốc tạo máu và ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị một số bệnh máu và cơ quan tạo máu cũng được công bố. (Nhân dân – trang 5)
 
Giải pháp dinh dưỡng cho trẻ sinh mổ

Nhãn hàng Dumex (Tập đoàn Danone Pháp), phối hợp Tổng hội Y học – Hội Nhi khoa Việt Nam và Hội Phụ sản TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học Giải pháp dinh dưỡng cho trẻ sinh mổ, tại Phan Thiết (Bình Thuận). Trình bày tại hội thảo có GS, TS Nguyễn Công Khanh, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, PGS, TS Vũ Thị Nhung, Chủ tịch Hội Phụ sản TP Hồ Chí Minh và đại diện Dumex Việt Nam.
Trước thực trạng tỷ lệ sinh mổ ở Việt Nam có xu hướng ngày càng gia tăng, trẻ sinh mổ có nhiều nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, chấn thương, miễn dịch, đái tháo đường týp 1 và các bệnh liên quan hô hấp như hen suyễn, khò khè, viêm mũi dị ứng…, các bác sĩ đã cung cấp thông tin về thực trạng sinh mổ tại Việt Nam cùng những ảnh hưởng của sinh mổ ở mẹ và bé. Các bác sĩ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ miễn dịch đối với sức khỏe và sức phát triển ở trẻ sinh mổ. Thông qua hội thảo, các bác sĩ cũng phân tích vai trò và lợi ích của các loại sữa dùng cho trẻ sinh mổ. (Nhân dân – trang 5)
 
Hạ cánh khẩn cấp để chăm sóc bé trai chào đời trên máy bay

Chiều 30.8, thông tin từ Bệnh viện (BV) Phụ sản Từ Dũ (TP.HCM) cho biết, BV vừa tiếp nhận một trường hợp hết sức hy hữu: Một em bé người Philippines chào đời trên chuyến bay cất cánh từ Dubai (Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất) đi Manila (Philippines).
Theo đó, bà mẹ 32 tuổi, người Philippines, mang thai ở tuần thứ 28, bất ngờ sinh non khi đang đi trên chuyến bay của Hãng hàng không Emirates, số hiệu EK332 hôm 22.8. Tình huống hy hữu này buộc phi công phải đáp máy bay xuống phi trường Tân Sơn Nhất (TP.HCM) để đưa em bé vào BV chăm sóc y tế. Trước đó, trên máy bay, em bé được hút dịch, chất nhớt và sưởi ấm bằng đèn (trẻ sinh non rất cần sưởi ấm).
PGS-TS Ngô Minh Xuân – Trưởng khoa Sơ sinh (BV Từ Dũ) cho Thanh Niên biết: Bé trai được đưa vào viện lúc 16 giờ 50 (ngày 22.8), cân nặng 1,2 kg. Đến chiều qua sức khỏe bé tạm ổn.
Tại Việt Nam, với các thai phụ mang thai ở tuần thứ 36 trở đi, các hãng hàng không sẽ từ chối vận chuyển. Các bà mẹ mang thai cần thông báo về thời gian mang thai của mình khi đăng ký đi máy bay. Theo quy định, nếu mang thai từ 28 tuần cần cung cấp sổ khám thai, giấy siêu âm (để chứng minh tuổi thai); từ 28-35 tuần phải xuất trình xác nhận của bác sĩ “hành khách này có sức khỏe phù hợp để đi máy bay”. Giấy xác nhận này không quá 7 ngày (tính đến ngày lên máy bay). (Thanh niên – trang 5,  Tuổi trẻ – trang 9)
 
Sau chấn thương, từ giọng Quảng Bình nói sang giọng Bắc

Từ ngày 7-8 đến nay, sau khi từ Bệnh viện T.Ư Huế trở về, bà N.T.T., 46 tuổi (TP Đồng Hới, Quảng Bình) đã khiến người nhà và láng giềng bất ngờ. Bao năm qua bà chỉ nói đặc sệt giọng Quảng Bình, vậy mà nay bà toàn nói bằng giọng… Bắc.
Ông Trần Đình Lâm, anh chồng bà Thảo, cho biết đến độ bà không còn gọi cái chén (dùng ăn cơm, theo cách gọi của người Quảng Bình) như trước mà gọi sang là cái bát (theo cách gọi của người Bắc).
Theo gia đình bà Thảo, ngày 25-7 bà bị một người đi xe máy đụng nên ngã đập đầu xuống đường ngất xỉu rất lâu. Sau khi cấp cứu ở bệnh viện tỉnh, bà được đưa vào chữa trị ở Bệnh viện T.Ư Huế và về nhà từ ngày 7-8.
Hiện bà vẫn luôn ở trong trạng thái đầu óc chòng chành, đau đầu ngây ngất… Bà T. cho biết không thấy có gì khác biệt hoặc khó nói hơn khi nói bằng giọng Bắc thay giọng địa phương. TS.BS Nguyễn Chánh – nguyên chủ nhiệm bộ môn ngoại dã chiến Bệnh viện Quân y 103 – cho rằng bà T. có thể do bị tai nạn nên khiến một vùng não thay đổi, tạo ra sự giao tiếp nhạy cảm và giao tiếp ngôn ngữ nhanh từ vùng não gây nên.
Phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) Nguyễn Minh Tuấn cũng cho hay hiện tượng như bệnh nhân N.T.T. gặp phải được coi là trạng thái rối loạn phân ly (hay còn gọi là nhân cách đôi), cùng lúc người bệnh sống bằng hai con người song song. Tình trạng này có thể gặp sau chấn thương, sau stress.
Theo bác sĩ Tuấn, trước đây có những trường hợp sau chấn thương, stress, bệnh nhân đã nói sang tiếng nước ngoài! Đây không phải là hậu quả của chấn thương sọ não mà là hậu quả của những sang chấn thần kinh. Bệnh này có thể chữa được khi người bệnh đến gặp bác sĩ thần kinh.
Còn bác sĩ Bùi Đức Phú, giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế, khẳng định đây là một hiện tượng bình thường vì đã có những trường hợp tương tự. (Tuổi trẻ – trang 9).
 
Nhập viện do nghẹn thịt bò

Ngày 30-8, bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, phó khoa nội tiêu hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM, cho biết bác sĩ của bệnh viện mới nội soi gắp miếng thịt bò khá to, bị kẹt ở thực quản cho một bệnh nhân. Đó là trường hợp ông L.V.C., 80 tuổi, ở Q.5, TP.HCM.
Ngày 29-8, ông C. nhập viện do ba ngày trước ông bị tức ngực, cứ ăn vào là ói ra. Tại bệnh viện, thấy bệnh nhân rụng hết răng nên bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị kẹt thức ăn trong thực quản. Bác sĩ đã nội soi bằng ống nội soi mềm qua đường miệng và gắp dị vật ra. Sau đó, bệnh nhân khỏe hẳn, ăn uống được và hết đau ngực. Do miếng thịt đã đè ép ba ngày nên bề mặt thực quản của bệnh nhân bắt đầu bị loét.
Theo bác sĩ Lưu Phương, nếu bệnh nhân không được gắp dị vật ra kịp thời, dị vật này tiếp tục đè ép thực quản làm thực quản có thể loét sâu hơn, rộng hơn, thậm chí gây thủng thực quản, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Bác sĩ Lưu Phương khuyên người già nên ăn thức ăn mềm, nhỏ để tránh bị hóc hoặc mắc nghẹn dị vật. (Tuổi trẻ – trang 9)
 
Ký sinh trùng “amip ăn não người”: Từ 5 – 10% số người dân bị nhiễm

Ở Việt Nam, loại ký sinh trùng "amip ăn não người" đã xuất hiện từ lâu, thâm nhập vào cơ thể người đơn giản là qua phân và nước bẩn. Tỉ lệ nhiễm ký sinh trùng này trong cộng đồng khoảng 5 – 10%.
Như Báo Lao Động đưa tin ngày 30.8, tại BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM vừa ghi nhận bệnh nhân đầu tiên tử vong do não đã bị ký sinh trùng amip tấn công và “ăn thịt” các tổ chức tế bào não. Tuy nhiên, theo PGS – TS Nguyễn Văn Đề, Trưởng khoa Ký sinh trùng (Trường ĐH Y Hà Nội), loại ký sinh trùng này đã xuất hiện từ lâu, thâm nhập vào cơ thể người đơn giản là qua phân và nước bẩn.
TS Đề cho biết: Đề tài nghiên cứu được ông công bố gần đây cho thấy: Amip phân bổ trên khắp các tỉnh/thành. Loại ký sinh trùng đường ruột này lây lan và phát tán chính qua phân, nếu phân có chứa mầm bệnh được mang đi tưới rau hoặc được đổ thải xuống sông, hồ thì theo đó mà lây lan. Chính vì thế, người dân ở nông thôn, nữ giới có tỉ lệ mắc cao hơn tương ứng với người dân thành thị, nam giới. Tuy nhiên, trẻ em không phải là đối tượng mắc nhiều.
Tỉ lệ nhiễm ký sinh trùng này trong cộng đồng, tức là số người có bào nang trong người khoảng 5 – 10%. Tuy nhiên, nó chỉ thể hiện thành bệnh khi có điều kiện thuận lợi trong ruột, hoặc khi cơ thể yếu, sức miễn dịch kém. Từ ruột, amip sẽ theo đường máu đi lên gan gây áp xe gan, lên não gây áp xe não…
Việc xuất hiện amip ở não, tại Viện Sốt rét ký sinh trùng và côn trùng T.Ư, ĐH Y Hà Nội đã ghi nhận có nhiều trường hợp. Tuy nhiên, hiếm gặp ca tử vong. Bởi nếu được chẩn đoán đúng bệnh, kịp thời thì có thể khỏi hoàn toàn.
Ca tử vong ghi nhận tại BV Bệnh nhiệt đới TPHCM có thể là do bệnh nhân đã đến muộn, hoặc tổ chức não bị áp xe là vùng nguy hiểm – nơi có chức năng quan trọng, vì thế sự tổn thương ở não là nặng nề gây ra cái chết. Amip làm hủy hoại tổ chức não nên bệnh được gọi là áp xe não do amip gây tử vong.
Theo đề tài công bố của TS Đề, ký sinh trùng amip có thể xuất hiện trong tất cả mọi loại rau nếu được tưới bằng phân hoặc nước bẩn chứa mầm bệnh. Khi rau, thức ăn được nấu chín qua nhiệt độ 70oC thì mầm bệnh sẽ bị diệt. Vì thế, chỉ bằng thực hành ăn chín uống sôi, không tắm ao hồ nước bẩn, rửa tay xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, đã có thể phòng nhiễm amip được.
Tuy nhiên, TS Đề cũng lưu ý ông đã gặp nhiều bệnh nhân từ nặng đến nhẹ, nhiều trường hợp tử vong oan do cơ sở y tế không chẩn đoán đúng bệnh nhân đã bị nhiễm ký sinh trùng nên chữa theo hướng bị u chẳng hạn. Bệnh nhân bị hội chứng lỵ ở ruột, siêu âm thấy trong gan có ổ áp xe, chụp CT thấy ổ áp xe não thì cần xét nghiệm elisa xét nghiệm máu và phân, nếu đúng nhiễm amip, hoặc các loại giun sán chỉ cần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tái khám đúng hẹn, bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn.
Theo BV Mắt T.Ư, mỗi năm tại đây cũng ghi nhận từ 4 – 5 trường hợp viêm loét giác mạc do amip. Khi mắt bị va đập, dẫn đến tổn thương loét, ký sinh trùng amip sẽ từ ngoại cảnh môi trường (như bùn đất, vật bẩn) thâm nhập vào tổ chức mắt qua chỗ tổn thương, gây nên loét giác mạc. Nếu phát hiện sớm một vài ngày sau đó và đến BV điều trị, thị lực có thể phục hồi. Nếu muộn, điều trị sẽ khó khăn do vết loét đã sâu, lượng ký sinh trùng đã sinh sôi nảy nở nhiều, khó diệt, khiến mắt bị đau nhức, lâu ngày sẽ dẫn đến hỏng và phải bỏ mắt.
BS Nguyễn Hoan Phu – Phó khoa Nhiễm Việt – Anh BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM – người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân đầu tiên nhiễm loại amip trên cho biết: Khi amip naegleria fowleri thâm nhập vào mũi sẽ theo cơ quan xúc giác tấn công lên não. Các triệu chứng thường bắt đầu trong vòng hai tuần bị nhiễm trùng và bao gồm nhức đầu, sốt, buồn nôn, nôn mửa và cổ cứng. Sau đó, bệnh nhân trở nên bối rối, không thể tập trung và có thể bị co giật, ảo giác. Nhiễm trùng bệnh tiến triển nhanh và thường gây ra tử vong trong sau 3-7 ngày.
TS BS Mạnh Siêu – GĐ Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM: “Đây là loại bệnh có tỉ lệ tử vong cao – chiếm từ 95-98%. Trong tự nhiên, do nước ngọt bề mặt rộng lớn, amip nếu có tồn tại cũng không thể gây bệnh cho tất cả mọi người, vì thế cho nên tần suất nhiễm bệnh rất thấp, không gây thành dịch.
Ở nước ngoài, người ta chỉ sợ môi trường hồ bơi, khi có quá nhiều người tập trung vào một chỗ, khả năng amip từ xoang mũi của người này đi vào nước và lan sang người khác cao, do đó cần đề phòng bệnh lây lan trong hồ bơi. Nhưng ở nước ta, các hồ bơi được cho thuốc sát trùng rất nhiều, khó có khả năng amip tồn tại.
Để phòng tránh, tốt nhất khi bơi ở ao hồ, sông suối, không nên nuốt nước hoặc để bị sặc nước vào mũi, ngoài ra nên uống nước chín để loại trừ amip. Biện pháp khử trùng nước tự nhiên không khả thi. Đây là bệnh hiếm gặp nên người dân không nên hoang mang lo lắng…”. (Lao động – trang 1+2, Nông thôn ngày nay – trang 3, Gia đình & Xã hội 31/8 – trang 7, Tuổi trẻ 31/8 – trang 4, Tiền phong 31/8 – trang 6)
 
Tử vong vì ăn tiết canh lợn

Ngày 30-8, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư) cho biết thời gian gần đây gia tăng bệnh nhân mắc bệnh do khuẩn liên cầu lợn. Mới đây một bệnh nhân quê Hà Nam, nhập viện trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn quá nặng, suy thận, tử vong sau hai ngày điều trị do biến chứng. Gia đình bệnh nhân cho biết, bệnh nhân nghiện rượu và rất thích ăn tiết canh nên gần như ngày nào cũng ăn tiết canh.
Hiện nay tại Khoa Hồi sức tích cực vẫn còn 2 bệnh nhân nặng đang được các bác sĩ điều trị. (Tiền phong – trang 10; Nông thôn ngày nay 31/8 – trang 3)


Gửi thảo luận