Trang chủ » Tin tức » Điểm báo ngày 11/1/2013

Điểm báo ngày 11/1/2013

 
Khó bỏ vaccin Quinvaxem “5 trong 1”

Theo ông Nguyễn Văn Bình – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, vaccin Quinvaxem được Liên minh toàn cầu về vaccin và tiêm chủng (GAVI) tài trợ từ tháng 6. 2010 đến hết 2015 với nguồn tài chính khoảng 38,5 triệu USD.
Hiện Việt Nam đã nhập về khoảng 15 triệu liều và đã dùng hết 11 triệu liều. Nếu tỷ lệ tai biến cho phép khi tiêm vaccin của Tổ chức Y tế thế giới là 1/1 triệu liều thì với 4,5 triệu liều mỗi năm, tai biến sau tiêm vaccin Quinvaxem chỉ là 1 tử vong và 4 phản ứng nặng. Tuy nhiên, con số tai biến trong 1 tháng qua đã lên tới 7 ca, trong đó 4 ca tử vong.
Cho dù Hội đồng chuyên môn xử lý tai biến vaccin đã có nghi ngại về chất lượng vaccin, nhưng nhiều chuyên gia nhận định nếu không có bằng chứng rõ “mười mươi” là do chất lượng vaccin thì khó có thể từ chối nhận vaccin vì tương lai sẽ khó tìm được nguồn viện trợ. Chưa kể “cản ngại” là giá Quinvaxem 20.000 đồng/liều, còn các vaccin thế hệ cao hơn tại các trung tâm tiêm phòng dịch vụ có giá gần 550.000 đồng/liều (Nông thôn ngày nay (trang 2), Tuổi trẻ (trang 12), Gia đình & Xã hội (trang 7) 11/1).
                                                                                             
Mỗi bác sỹ sẽ không khám quá 50 bệnh nhân/ngày

 Theo Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 – 2020 vừa được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, mỗi bác sĩ chỉ còn phải khám 35 bệnh nhân/ngày làm việc và tại các bệnh viện sẽ không còn tình trạng nằm ghép, quá tải bệnh viện.

Thủ tướng yêu cầu giảm công suất sử dụng gường bệnh của các bệnh viện có công suất sử dụng gường bệnh quá cao (>120%) thuộc tuyến trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của 2 thành phố Hà Nội và TPHCM xuống dưới 100%; cơ bản khắc phục tình trạng nằm ghép vào năm 2015; phấn đấu từ năm 2020 trở đi không còn tình trạng quá tải bệnh viện.

Bên cạnh đó, phải đầu tư cho y tế cơ sở, nâng công suất sử dụng giường bệnh của bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh hiện có công suất sử dụng bệnh thấp đạt 60% vào năm 2015 và 80% vào năm 2020.

Để thực hiện được mục tiêu này, Thủ tướng chỉ đạo trong giai đoạn 2013 – 2015 Bộ Y tế cần tập trung ưu tiên đầu tư các bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và TPHCM. Giai đoạn 2016 – 2020: Tiếp tục đầu tư cho các bệnh viện thuộc phạm vi Đề án từ trung ương đến địa phương. Đến năm 2015 tăng tối thiểu 7.150 giường bệnh thuộc Đề án giảm tải bệnh viện. Tiếp tục cải tạo, mở rộng và từng bước hiện đại hóa khoa khám bệnh của các bệnh viện hiện có công suất sử dụng giường bệnh quá cao ở tuyến trung ương và tuyến cuối của 2 thành phố Hà Nội &TPHCM. Ưu tiên tăng thêm số giường bệnh ở tuyến tỉnh cho 5 chuyên khoa: Ung bướu, ngoại – chấn thương, tim mạch, sản và nhi.

Đặc biệt, sẽ không còn tình trạng một bác sĩ phải khám cả trăm bệnh nhân/ngày như hiện nay, mà sẽ giảm xuống để đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh. Theo đó, đến năm 2015 đảm bảo mỗi bác sĩ khám bệnh không quá 50 người bệnh/ngày làm việc và đến năm 2020, mỗi bác sĩ trung bình mỗi ngày chỉ khám 35 người bệnh/ngày làm việc.

Bên cạnh nâng tổng số giường bệnh, Thủ tướng cũng chỉ đạo cần thành lập mạng lưới bệnh viện vệ tinh của 5 chuyên khoa: Ung bướu, ngoại – chấn thương, tim mạch, sản và nhi. Thí điểm xây dựng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình lồng ghép với các cơ sở y tế sẵn có để tăng cường năng lực quản lý, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục cho người dân và gia đình họ (Nông thôn ngày nay (trang 3) 11/1).
 
Chớ coi thường bệnh thủy đậu ở người lớn

Thông tin một bác sĩ mắc bệnh thủy đậu tử vong làm nhiều người giật mình về quan niệm chỉ trẻ em mới mắc bệnh thủy đậu hoặc người lớn lỡ mắc bệnh này cũng chẳng sao.
TS.BS Lê Mạnh Hùng, phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết đang vào mùa của bệnh thủy đậu.

Bệnh thường rộ lên trước tết

Xuất hiện quanh năm nhưng bệnh thường rộ lên trước tết âm lịch một tháng và kéo dài sau tết vài tháng. Tuy chưa có con số thống kê cụ thể nhưng theo bác sĩ Hùng, số người mắc bệnh thủy đậu đến khám tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới bắt đầu có dấu hiệu gia tăng và dự báo số người mắc bệnh này sẽ tăng trong thời gian tới. Đa số trường hợp mắc bệnh thủy đậu đều tự khỏi nhưng vẫn có một số trường hợp gây ra biến chứng, thậm chí tử vong. Đặc biệt, người lớn mắc bệnh thủy đậu lại dễ bị biến chứng và có tỉ lệ tử vong cao hơn trẻ em, bác sĩ Hùng nhấn mạnh.

Chỉ trong thời gian ngắn từ cuối tháng 12-2012 đến những ngày đầu tháng 1-2013, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận hai trường hợp người lớn mắc bệnh thủy đậu có biến chứng nặng.
Trong đó trường hợp tử vong là một bác sĩ, 51 tuổi, ở Sa Đéc, Đồng Tháp và một trường hợp gia đình xin về nhưng hiện đã hồi phục. Trước những ca bệnh này, ngày 4-1 Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã có văn bản gửi Viện Pasteur, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM để báo cáo. Theo bác sĩ Hùng, sau nhiều năm (từ năm 2008 đến nay), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới mới ghi nhận một ca mắc bệnh thủy đậu bị tử vong. Lúc bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện đã trong tình trạng viêm phổi quá nặng, suy hô hấp.

Chủ động phòng ngừa

Bệnh thủy đậu do siêu vi Varicella zoster gây ra. Biểu hiện chính của bệnh là các tổn thương dạng bóng nước trên da và niêm mạc. Sau khi siêu vi xâm nhập cơ thể, phải qua thời gian khoảng 10-20 ngày (gọi là thời kỳ ủ bệnh) người bệnh mới xuất hiện các triệu chứng của một người nhiễm siêu vi (sốt, đau đầu, uể oải, chán ăn…). Lúc này, trên da người bệnh có thể xuất hiện những hồng ban có đường kính vài milimet và sau 1-2 ngày mới xuất hiện nốt đậu. Đa số nốt đậu có đường kính dưới 5mm, tuy nhiên cũng có nốt đậu có đường kính tới 10mm. Nốt đậu nổi nhiều là dấu hiệu cảnh báo bệnh có thể diễn tiến nặng.

Theo bác sĩ Hùng, biến chứng thường gặp nhất là bị nhiễm trùng tại các nốt đậu. Những người bị biến chứng này nếu không chữa trị kịp thời, tổn thương sẽ ăn sâu, lan rộng nên cho dù được chữa khỏi vẫn có thể để lại nốt sẹo rỗ gây mất thẩm mỹ, nặng hơn còn dẫn đến viêm mô tế bào, nhiễm trùng máu. Ngoài ra, người mắc bệnh thủy đậu còn có thể bị biến chứng viêm phổi, viêm não…

Biến chứng viêm phổi hay gặp ở người lớn hơn là trẻ em và thường xuất hiện vào ngày thứ 3-5 của bệnh. Viêm phổi có thể diễn tiến nhẹ, hồi phục nhưng cũng có thể diễn tiến nặng dẫn tới suy hô hấp, phù phổi… và nguy hiểm tính mạng. Riêng trường hợp bị viêm não, tỉ lệ tử vong chiếm 5-20%, ngay cả khi được cứu sống vẫn có thể để lại di chứng nặng nề hoặc phải sống đời thực vật trong suốt tháng ngày còn lại.

TS.BS Lê Mạnh Hùng cho rằng phần lớn trường hợp mắc bệnh thủy đậu có thể khỏi bệnh nếu được chăm sóc tốt. Song đến nay vẫn còn nhiều người điều trị bệnh thủy đậu theo những cách dân gian như đốt rơm rạ để uống hoặc tự mua thuốc uống… Với những trường hợp bệnh nặng thì những cách điều trị trên sẽ làm chậm quá trình can thiệp y khoa, gây nguy hiểm.

Ai từng bị thủy đậu hiếm khi nào mắc bệnh lại do đã miễn dịch với bệnh. Do có một tỉ lệ người bệnh thủy đậu có thể bị diễn biến nặng, biến chứng nguy hiểm nên bác sĩ Hùng khuyên người chưa mắc bệnh hoặc chưa xác định từng mắc bệnh, nhất là phụ nữ chuẩn bị có con, nên chích ngừa thủy đậu vì đây là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.

Thai phụ mắc bệnh có nguy cơ truyền cho con

Khắp mặt và người nổi chi chít những nốt đậu, chiều 5-1, ngồi tại khoa nội A, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, chị N.T.T.T., 26 tuổi, ở Biên Hòa, Đồng Nai lo lắng kể chị đang mang thai đứa con đầu lòng mới được ba tháng, không biết bệnh này ảnh hưởng gì đến con chị sau này.

Theo TS.BS Lê Mạnh Hùng, người mẹ mắc bệnh thủy đậu khi mang thai dưới 20 tuần sinh con ra sẽ có một tỉ lệ nhỏ (khoảng 2%) bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh. Các biểu hiện của hội chứng này có thể là: sẹo da, nhẹ cân, các bệnh về mắt (đục thủy tinh thể, tổn thương võng mạc…), tay chân ngắn, đầu bé, chậm phát triển tâm thần…

Với những người mẹ bị thủy đậu trong khoảng thời gian trước sinh năm ngày đến sau sinh 48 giờ, trẻ sinh ra dễ mắc bệnh thủy đậu chu sinh và có tỉ lệ tử vong cao (khoảng 30%) (Tuổi trẻ (trang 12) 11/1).
 
Bệnh viện càng lớn, nguy cơ nhiễm khuẩn càng cao

Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện chiếm 5-10%.Càng ở bệnh viện tuyến trên, bệnh viện hạng 1 nơi có nhiều can thiệp, phẫu thuật thì nguy cơ nhiễm khuẩn càng cao. Bác sĩ Phan Văn Báu, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đã cho biết như vậy tại hội thảo Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện được tổ chức tại Sở Y tế ngày 10-1.

Nhiễm khuẩn bệnh viện dẫn đến nhiều hệ lụy cho người bệnh và cho hệ thống y tế như tăng biến chứng và tử vong cho người bệnh, kéo dài thời gian nằm viện, tăng sử dụng kháng sinh, tăng chi phí điều trị cho người bệnh (Tuổi trẻ (trang 12) 11/1).
 
5-10 trẻ lên cơn suyễn nhập viện/đêm

Hơn một tuần nay, thời tiết lạnh hơn vào ban đêm khiến nhiều trẻ lên cơn suyễn phải nhập viện tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM. Trước đây trung bình mỗi đêm khoa hô hấp tiếp nhận 1-2 trẻ lên cơn suyễn nay lên đến 5-10 trẻ. rong đó có trẻ nhập viện bị suy hô hấp nặng, phải thở máy. Theo bác sĩ Trần Anh Tuấn, trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1, hầu hết trẻ phải nhập viện là những trẻ bị lên cơn suyễn lần đầu, chưa được chẩn đoán mắc bệnh suyễn trước đó hoặc những trẻ mắc bệnh suyễn nhưng người nhà thấy trẻ ổn định nên tự ý ngưng thuốc điều trị dự phòng.

Bác sĩ Anh Tuấn khuyên các bậc cha mẹ khi thấy trẻ khò khè từ ba đợt trở lên cần đưa đi khám xem có bị bệnh suyễn hay không để được điều trị dự phòng. Ngay cả những trẻ mắc bệnh suyễn được bác sĩ cho ngưng thuốc điều trị dự phòng cũng cần đi tái khám vì thời tiết lạnh rất dễ làm trẻ lên cơn  (Tuổi trẻ (trang 12) 11/1).
 
Xử trí khi trẻ bị tiêu chảy và viêm hô hấp do trời lạnh

Tại khoa Nhi – BV Bạch Mai cũng như tại BV Nhi trung ương, những ngày rét đậm gần đây số trẻ vào khám do mắc tiêu chảy virus rota và viêm hô hấp tăng gần gấp đôi so với ngày thường. Các bác sĩ cho biết, hiện miền Bắc đang bước vào mùa dịch tiêu chảy do virus rota, trong khi trời lạnh khiến hầu hết trẻ dưới 3 tuổi bị ảnh hưởng đường hô hấp.

Trẻ mắc bệnh do mẹ ngại rửa tay

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi – BV Bạch Mai cho biết, số trẻ bị tiêu chảy đến khám tại khoa những ngày gần đây tăng gấp đôi so với bình thường, đa phần là do virus rota.
Nhiều trẻ phải truyền dịch, thậm chí có bé bị sốc, trụy tim mạch vì mất nước nặng. Khi vào viện, tình trạng thường gặp nhất ở các bệnh nhi là nôn trớ nhiều sau khi ăn, nôn liên tục, vướng đờm trong cổ họng, bụng trướng hơi, sốt. Theo ông Dũng, thời điểm này miền Bắc đang trong mùa dịch tiêu chảy do virus rota, hay còn gọi là tiêu chảy mùa đông. Đây là bệnh nhiễm khuẩn dạ dày, ruột cấp do virus rota gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là lứa tuổi từ 3 tháng đến 24 tháng. 

“Với bệnh này, thông thường trẻ sẽ nôn trước, sau vài ngày thì bắt đầu đi ngoài. Trẻ bị tiêu chảy nếu không nôn sẽ khỏe hơn vừa tiêu chảy vừa nôn. Trẻ có thể ho, sốt nên một số cha mẹ dễ nhầm với viêm đường hô hấp, viêm mũi họng”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết. Cũng theo ông Dũng, biến chứng nguy hiểm của bệnh là mất nước, mất muối nhiều, dễ dẫn đến trụy mạch, thậm chí tử vong nếu không được bù nước kịp thời. Vì thế, điều quan trọng trong việc điều trị bệnh là bù dịch và chế độ dinh dưỡng phù hợp. Bệnh thường kéo dài 3-7 ngày.

Bác sĩ Cấn Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám bệnh – BV Nhi trung ương cho biết, số trẻ nhập viện điều trị tiêu chảy cấp do rota virus đang tăng lên. Do đó, để phòng bệnh các bà mẹ cần đưa trẻ đi tiêm phòng vaccine ngừa rota virus. Virus rota chủ yếu gây bệnh cho trẻ qua đường tiêu hóa (virus từ phân của người bệnh, bám vào bề mặt, các vật dụng trong gia đình, qua tay bé hoặc tay của người chăm sóc, rồi xâm nhập qua đường miệng) nên muốn phòng bệnh cần giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh bàn tay cho trẻ sạch sẽ. Song thực tế trong những ngày này thời tiết ở miền Bắc rất lạnh nên nhiều phụ huynh ngại rửa tay cho bé, thậm chí rửa tay của mình trước khi cho con ăn, khiến bệnh càng dễ lây…   

Cẩn thận với dấu hiệu viêm phổi

TS.BS Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh – BV Nhi Trung ương cho biết, để phòng những biến chứng đáng tiếc của bệnh viêm phổi, cha mẹ nên đưa trẻ tới viện ngay khi trẻ có dấu hiệu sốt nhẹ, ho húng hắng, chảy nước mắt và nước mũi, khò khè, ăn kém, bỏ bú, đặc biệt là thở nhanh. Đáng chú ý, ngoài số trẻ mắc bệnh tăng do nhiễm lạnh tại nhà, có nhiều cháu còn bị hạ thân nhiệt ngay trong quá trình vận chuyển đến BV khám điều trị, khiến bệnh tình diễn tiến nặng hơn.

TS Hà khuyến cáo, giữ ấm cho trẻ đúng cách là biện pháp quan trọng nhất để phòng bệnh trong thời tiết giá lạnh. Tại gia đình, nếu có điều kiện thì có thể giữ ấm cho trẻ bằng cách dùng điều hòa 2 chiều hoặc lò sưởi. Song khi dùng điều hòa cần lưu ý không nên để nhiệt độ quá cao vì sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa trong nhà và ngoài nhà cũng dễ khiến trẻ bị viêm đường hô hấp. Thông thường nên để nhiệt độ khoảng từ 20-25 độ C. Đặc biệt, cần tránh các kiểu sưởi ấm bằng cách dùng lò than hoặc bết than ủ trong phòng kín vì sẽ ngộ độc khí CO, gây nguy hiểm tính mạng.

Chú ý cho trẻ uống nước ấm để tránh viêm họng. Thường xuyên vệ sinh mũi họng, làm thông thoáng đường thở cho trẻ bằng cách nhỏ nước muối sinh lý hàng ngày. Cần ngâm lọ nước muối vào nước ấm trước khi tra mũi cho trẻ. Khi trẻ có biểu hiện bệnh, không được tự điều trị cho trẻ bởi sức đề kháng của trẻ còn yếu, việc tự ý dùng thuốc, dùng kháng sinh dễ gây các biến chứng nguy hiểm (An ninh thủ đô (trang 8) 11/1).
 
Đắc Nông: Phạt năm bệnh viện gây ô nhiễm môi trường

 Sáng 9-1, Thanh tra Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Đác Nông phối hợp các ngành liên quan kiểm tra việc chấp hành pháp luật về lĩnh vực bảo vệ môi trường tại năm bệnh viện đa khoa tuyến huyện trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra đã phát hiện cả năm bệnh viện đều gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Căn cứ vào kết quả kiểm tra, Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnhĐác Nông đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính năm bệnh viện với số tiền 39,2 triệu đồng về hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Cụ thể, xử phạt Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Giút 7,5 triệu đồng; Bệnh viện Đa khoa huyện Đác Glong năm triệu đồng; Bệnh viện Đa khoa huyện Đác Mil 14 triệu đồng; Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Nô 7,5 triệu đồng và Bệnh viện Đa khoa huyện Đác R’lấp 5,2 triệu đồng.

Kết quả kiểm tra cho thấy, các bệnh viện nêu trên đều xả nước thải y tế vượt tiêu chuẩn từ năm đến 10 lần; thải khí vượt quy chuẩn từ hai đến dưới năm lần với lưu lượng khí thải từ 2.000 m3/giờ trở lên; các chất thải nguy hại của bệnh viện chưa được xử lý bằng lò đốt mà chỉ thực hiện việc chôn lấp…

Điều đáng nói là trong năm bệnh viện bị xử phạt nêu trên, Bệnh viện Đa khoa huyện Đác Glong mặc dù mới được xây dựng với kinh phí khoảng 60 tỷ đồng và đưa vào hoạt động từ đầu năm 2009, với hệ thống các khoa, phòng khá hoàn chỉnh, nhưng đến nay bệnh viện này chưa có hệ thống xử lý nước thải, rác thải y tế đạt chuẩn nên đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Cụ thể, trong thời gian qua, các chất thải nguy hại có khối lượng khoảng 5 kg/ngày như hóa chất xét nghiệm, bệnh phẩm, vật dụng dính máu… chỉ được bệnh viện xử lý sơ bộ bằng vôi bột, cloramine B hoặc đốt bằng dầu hỏa rồi cho vào một hố bê tông để lưu chứa.

Nguy hiểm nhất là đối với chất thải lỏng, do không có hệ thống thu gom, xử lý nên cả nước thải sinh hoạt thông thường, nước mưa và nước thải y tế từ các khoa, phòng khám chữa bệnh, phòng mổ của bệnh viện đều đổ vào một bể, không hề được xử lý. Nước thải tại bể chứa trước khi thải ra môi trường có các thông số như BOD5 vượt 7,22 lần, Colifom vượt 4,2 lần, tổng P=15 mg/ lít, vượt 2,3 lần so với các quy chuẩn hiện hành của Việt Nam.

Tình trạng trên đã khiến cho môi trường bị ô nhiễm do các vi sinh vật, vi khuẩn lây truyền trong nguồn nước thải.

Ngoài xử phạt, Thanh tra Sở còn buộc Bệnh viện Đa khoa các huyện tiến hành khắc phục hậu quả, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải tại bệnh viện đạt theo tiêu chuẩn quy định (Nhân dân (trang 5) 11/1).


Gửi thảo luận