Trang chủ » Tin tức » Điểm báo Ngày 29/8/2012

Điểm báo Ngày 29/8/2012

'Bẫy' nghèo do viện phí tăng
Viện phí tăng khiến chi phí khám chữa bệnh tăng, tạo nên bẫy nghèo do khám chữa bệnh… là một trong những vấn đề được đưa ra tại Hội thảo Đại biểu dân cư với Luật Bảo hiểm Y tế, viện phí và Luật Khám, chữa bệnh, tổ chức ngày 28- 8 tại Hà Nội.
Nguy cơ lạm dụng kỹ thuật tăng cao
Sau một thời gian áp dụng mức viện phí mới, Bộ Y tế thành lập tổ thẩm định giá với 17 thành viên thuộc Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và Bộ Tài chính.
Đã có 6 BV được Bộ Y tế phê duyệt thẩm định giá với mức giá trung bình bằng khoảng 93- 97% mức tối đa của khung giá. Với các BV còn lại, sẽ hoàn thành phê duyệt chậm nhất trong tháng 9.
Sau 3-6 tháng thực hiện thu mức viện phí mới, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo việc kiểm tra tại các BV T.Ư, chỉ đạo Sở Y tế và BHXH các tỉnh kiểm tra tình hình thực hiện tại một số BV.
Trong quá trình kiểm tra, nếu thấy có điểm nào bất hợp lý sẽ kiến nghị với Bộ Y tế, HĐND tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp. BV nào cung cấp chất lượng dịch vụ không tương xứng với giá mới được duyệt sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp.
Tuy nhiên, BS.TS Trần Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển Cộng đồng (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), cho rằng, với sự ổn định giữa các tuyến của hệ thống khám chữa bệnh công, chính sách viện phí mới ít tác động tích cực lên tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Nguyên nhân là ở tuyến này ít thực hiện kỹ thuật, chỉ trông chờ vào khám bệnh và giường bệnh vốn rất ít. Việc tăng giá này tác động mạnh đến việc thực hiện hơn 400 dịch vụ, kỹ thuật; dẫn đến tăng mua thuốc, vật tư sử dụng; kéo theo tăng tiêu thụ cho các hãng cung cấp thuốc, vật tư, làm tăng chi trả từ BHYT và túi tiền của người dân. Hệ lụy là chi phí khám chữa bệnh tăng, tạo nên bẫy nghèo do khám chữa bệnh.
Ngoài ra, nếu không điều chỉnh giữa các loại hình BV thì việc tăng thu từ khám bệnh, ngày giường bệnh sẽ tạo nên chênh lệch thu nhập giữa các BV trên cùng địa bàn, tạo động lực cho sự di chuyển nguồn cán bộ lên các BV lớn, tránh xuống các BV nhỏ, tạo nên mất cân đối nguồn lực trong hệ thống y tế công.
Chính sách viện phí mới cũng tạo ra áp lực cho tuyến dưới trong sử dụng kỹ thuật y học để thu hút người dân khiến nguồn ngân sách nhà nước phải chi thêm cho y tế, kèm theo xã hội hóa đầu tư vào cơ sở dịch vụ công. Điều này dẫn tới mô hình công-tư lẫn lộn và nguy cơ lạm dụng kỹ thuật tăng…
Thiếu chính sách cho trẻ nhỏ, phụ nữ nghỉ thai sản
Ông Trần Văn Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho biết, nhiều nước giàu hiện nay cũng không dám đưa vào danh mục chi trả BHYT các loại thuốc, dịch vụ đắt tiền như Việt Nam.
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), cho biết, BHYT đang trả từ chi phí thấp nhất đến cao nhất. Với thuốc, BHYT kê từ viên paracetamol giá 500 đồng đến thuốc ung thư 40 triệu đồng.
Theo thống kê của ngành y tế, Việt Nam hiện có khoảng 3 triệu người mắc viêm gan C. Trong đó, khoảng 300.000 người cần điều trị bằng interferon. Theo phác đồ điều trị 42 tuần của BV Nhiệt đới TP HCM, BHYT sẽ phải trả 172- 300 triệu đồng chi phí tiền thuốc cho một bệnh nhân viêm gan C.
Nếu tính cả BV Nhiệt đới tại Hà Nội thì BHYT sẽ phải trả 90.000 tỷ đồng cho 2 bệnh viện này, trong khi thu từ BHYT năm 2011 chỉ đạt 80.000 tỷ đồng.
Rà soát lại tình hình thực hiện BHYT thời gian qua, ông Tiến cho rằng, vẫn còn bất cập cả về cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện.
Tới nay vẫn thiếu cơ chế chính sách cho một số nhóm đối tượng đặc biệt như trẻ dưới 6 tuổi và phụ nữ trong thời kỳ nghỉ thai sản.
Với trẻ 6 tuổi, BHXH đang áp dụng giải pháp tình thế là theo chính sách bảo hiểm tự nguyện. Tuy nhiên, việc này không đảm bảo tính liên tục và lâu dài.
Cháu nào không may mắc nan y cần hưởng chế độ đặc thù hoặc dịch vụ cao thì BHXH nhiều khả năng không thể chi trả. Với phụ nữ nghỉ thai sản, hiện chưa có đơn vị nào tổ chức đóng bảo hiểm cho họ trong thời gian đó. (Tiền phong (trang 3) 29/8)

Trẻ mắc bệnh nhiều hơn do giao mùa

Thời gian gần đây, tại các cơ sở khám, điều trị nhi khoa trên địa bàn Hà Nội, số trẻ đến khám vì các biểu hiện ho, sốt, sổ mũi… có xu hướng tăng đáng kể. 
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi – BV Bạch Mai  cho biết, trung bình một ngày khoa tiếp nhận khoảng 200 trẻ đến khám, trong đó quá nửa là do sốt virus và bệnh đường hô hấp. Lý do vì thời tiết miền Bắc đang chuyển sang thu, lạnh về sáng và đêm, trưa nóng, biên độ nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch lớn. 

Ông Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, để phòng bệnh cho trẻ vào thời điểm này, cha mẹ nên giữ cho môi trường sống trong nhà sạch sẽ, thoáng mát, thông khí tốt, đồng thời chú ý đến việc ăn uống nâng cao sức đề kháng cho trẻ, nên tắm cho bé vào buổi trưa khi trời ấm, tránh tắm vào buổi tối vì trẻ dễ nhiễm lạnh. Đặc biệt, khi thấy trẻ sốt cao cần chú ý theo dõi tình trạng bệnh, nên đưa đi khám sớm. (An ninh thủ đô (Trang 7))

“Bệnh lạ” ở TP.HCM chỉ là tin đồn thất thiệt

Nhiều ngày qua rộ lên tin đồn về một loại bệnh “suy giảm miễn dịch” có các triệu chứng tương tự HIV/AIDS xuất hiện ở những người Việt từ Mỹ về TP.HCM đã gây lo lắng cho người dân thành phố… Những thông tin này còn khẳng định, các bệnh nhân đã xuất hiện ở hàng loạt bệnh viện Chợ Rẫy, Gia Định, Bình Dân, Thủ Đức…
Bấn loạn vì “bệnh lạ”
Ngày 25-8, một số thông tin từ nước ngoài cho biết, các nhà khoa học Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ vừa phát hiện một loại “bệnh lạ” ở những bệnh nhân lứa tuổi trung bình 50 và một số bệnh nhân đã tử vong trong đó có một vài người gốc Á ở Mỹ. “Bệnh lạ” này có các dấu hiệu như bệnh lao phổi, gây tổn thương cho hệ thống miễn dịch của bệnh nhân, làm cho bệnh nhân không thể chống lại các mầm bệnh như người khỏe mạnh và các biện pháp dùng kháng sinh dường như không có tác dụng. Các thông tin còn dẫn, bệnh có khả năng từ ô nhiễm môi trường và một người Việt tại Mỹ có tên Kim Nguyen ở bang Tennessee cũng đang được điều trị, kể cả dùng một loại thuốc chống ung thư giúp ức chế việc sản sinh các kháng thể.
Ngày 27-8, một số trang mạng của Việt Nam đã đăng tải một bài có sự xác nhận của các bác sỹ, chuyên gia y tế tại TP.HCM về sự xuất hiện bệnh này ở Việt Nam. Trong đó có ý kiến của chuyên gia nghiên cứu y tế Phạm Thành (Sở Y tế TP.HCM) với những phát hiện quan trọng về mức độ nguy hiểm của bệnh lạ chủ yếu ở người châu Á di cư sang Mỹ sinh sống và làm việc trong độ tuổi từ    18-70. Tất cả họ đều cho kết quả xét nghiệm HIV âm tính?! Một ý kiến khác của bác sỹ Lê Thị Thu Hương – Trung tâm Nghiên cứu y tế TP.HCM: Tại TP.HCM, các nhà khoa học đang nghiên cứu về căn bệnh suy giảm hệ miễn dịch có những triệu chứng như bệnh AIDS, tuy nhiên sau khi làm các xét nghiệm thì không phát hiện virus HIV…
Ngay lập tức, thông tin này loan rất nhanh và gây hoang mang trong người dân. Chị Quảng Thái Thiết, trú ở Thới Tam Thôn, Hóc Môn sáng 28-8 đi khám ở bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết: “Tôi bị các nốt đỏ mọng nước, có bọng mưng mủ. Khi nghe đồn loại “bệnh lạ” xuất hiện ở TP.HCM, họ nói bệnh này lây lan nhanh, chết nhanh hơn cả AIDS, tôi lo quá đi xét nghiệm, may chỉ là vết côn trùng cắn gây nhiễm trùng da”. Chị Nguyễn Hoàng Bảo Anh ở đường Hà Huy Tập, phường Đa Kao, quận 1 lại lo lắng: “Tin đồn rằng bất cứ người châu Á nào sang Mỹ về đều bị loại “bệnh lạ” này khiến cả nhà tôi bấn loạn vì chúng tôi vừa từ bên ấy về. Họ còn nói bệnh này lây lan nhanh lắm, nó còn lây lan từ các loại côn trùng, bọ hút máu đang tăng mạnh ở  một số tỉnh miền Nam và nhiều bệnh nhân đã xuất hiện ở hàng loạt bệnh viện Chợ Rẫy, Gia Định, Bình Dân, Thủ Đức…”.
Chỉ là “tin vịt”
Trước những thông tin trên, chiều 28-8, PV ANTĐ đã liên hệ với Sở Y tế TP.HCM để khẳng định, có hay không sự xuất hiện của bệnh “suy giảm miễn dịch” tại TP.HCM? Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM, bác sỹ Nguyễn Hoài Nam vô cùng bức xúc trước thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận: Ngành Y tế TP.HCM không hề có các chuyên gia y tế, bác sỹ nào như bài viết nêu và khẳng định: “Ngay sáng 28-8, chúng tôi đã gọi điện đến tất cả các bệnh viện toàn thành phố và yêu cầu báo cáo nhanh về loại bệnh này, nhưng các bệnh viện đều cho biết không tiếp nhận bệnh nhân có triệu chứng của căn “bệnh lạ” giống HIV/AIDS. Ngay cả bệnh viện Bệnh Nhiệt đới – nơi tập trung phân tuyến điều trị bệnh về HIV/AIDS và bệnh viện Da liễu TP.HCM cũng không tiếp nhận bất kỳ bệnh nhân có triệu chứng như trên. Như vậy, thông tin trên hoàn toàn bịa đặt và không có căn cứ…”.
 Bác sỹ Võ Minh Quang – Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho rằng: Hiện vẫn chưa có thông báo chính thức nào của các cơ quan có trách nhiệm về việc xuất hiện căn “bệnh lạ” giống bệnh AIDS ở Việt Nam, vì vậy người dân phải hết sức bình tĩnh trong việc tiếp nhận thông tin. Bởi “bệnh lạ” này, theo thông tin chúng tôi có được, nó khá hiếm gặp, có thể bệnh bắt nguồn từ một dạng nhiễm trùng nào đó, không lây từ người sang người, vì thế không thể lây lan từ các loại côn trùng, bọ hút máu như thông tin đồn đoán ngoài… vỉa hè. Nhân đây, cũng đề nghị cơ quan quản lý thông tin, truyền thông cần có biện pháp quản lý chặt chẽ để tránh những thông tin không chính xác, kiểu “tin vịt” thế này tồn tại, gây hoảng loạn, bức xúc trong nhân dân. (An ninh thủ đô (Trang 12))

 

Phạt phòng khám có bác sĩ Trung Quốc sử dụng thuốc lậu

 

Sáng 28.8, bác sĩ Nguyễn Thái Sơn, Chánh thanh tra Sở Y tế Quảng Ngãi, cho biết đã ra quyết định xử phạt 17,5 triệu đồng đối với phòng chẩn trị y học cổ truyền Vượng Phát (đường Phan Đình Phùng, TP.Quảng Ngãi) vì sử dụng thuốc chưa được phép lưu hành trong khám, chữa bệnh.

Thanh tra Sở cũng đã có văn bản đề nghị Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi rút giấy phép hoạt động đối với bác sĩ Long Ju (51 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) đã đăng ký làm công việc chuyên môn khám, chữa bệnh tại phòng chẩn trị y học cổ truyền Vượng Phát.

Trước đó, sáng 23.8, Thanh tra Sở và Công an Quảng Ngãi phát hiện tại phòng khám này lưu giữ nhiều loại thuốc xuất xứ từ Trung Quốc, chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam, không có số đăng ký lưu hành, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Ngoài ra, từ tháng 5.2012 đến nay, sau khi về Trung Quốc, bác sĩ Long Ju không trở lại phòng khám. Thanh tra Sở đã tịch thu toàn bộ số thuốc lậu để tiêu hủy. (Thanh niên (trang 2) 29/8)


Gửi thảo luận