Sáng 16-12, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM đã tổ chức lễ khởi công xây dựng Trung tâm Ung bướu Chợ Rẫy trong khuôn viên bệnh viện.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến dự.
TS.BS Nguyễn Trường Sơn – giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy – cho biết dự án có tổng mức đầu tư hơn 428 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ. Trung tâm xây dựng trên diện tích 1.914m2 đất (vốn là nhà bảo dưỡng, nơi để ôtô và sân tennis của bệnh viện), gồm 2 tầng hầm và 12 tầng nổi.
Dự kiến hoàn thành sau hai năm xây dựng, Trung tâm sẽ có 250 giường điều trị bệnh nhân nội trú (200 giường bệnh nhân ung bướu và 50 giường bệnh nhân ung thư máu) được đưa vào sử dụng.
Trung tâm có nhiệm vụ, chức năng khám, tầm soát, phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân ung bướu, tổ chức hội chẩn, phối hợp chẩn đoán và điều trị với các viện, trung tâm các khoa khác trong và ngoài nước, tư vấn chăm sóc điều trị triệu chứng và giảm đau cho người bệnh ung thư…
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng hiện chuyên khoa ung bướu đang bị quá tải trầm trọng, đặc biệt tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Việc xây dựng Trung tâm Ung bướu Chợ Rẫy chỉ là giải pháp giải quyết quá tải tức thì, còn biện pháp lâu dài là sẽ xây dựng một mạng lưới điều trị ung bướu trong cả nước. (Gia đình & xã hội (trang 2), Tuổi trẻ (trang 2), Hà nội mới (trang 2), Lao động (trang 2), Thanh niên (trang 2), Tiền phong (trang 2), Nhân dân (trang 1) 17/12)
Việt Nam đã sản xuất được 10 loại vắc-xin trong tiêm chủng
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong chương trình tiêm chủng mở rộng khi tự sản xuất được 10 trong tổng số 11 loại vắc-xin dùng trong chương trình tiêm chủng.
Chiều 14/12, phát biểu tại buổi họp báo tổng kết 25 năm chương trình tiêm chủng mở rộng, ông Long khẳng định thời gian qua Việt Nam đã xây dựng được mạng lưới tiêm chủng mở rộng ở khắp các địa phương. Trên 90% trẻ em được tiêm chủng đầy đủ vắc-xin phòng bệnh.
Năm 2010, Việt Nam đã đưa vào tiêm chủng 11 loại vắc-xin để phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em như lao, sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván… Chúng ta không những chủ động nguồn vắc-xin phục vụ các chương trong nước mà còn phục vụ xuất khẩu.
Nhờ có tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh truyền nhiễm giảm hàng trăm lần. Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005 và tiến tới loại trừ bệnh sởi vào năm 2012… (Phụ nữ Việt Nam (trang 11), Gia đình & xã hội (trang 7) 17/12)
Giảm tải nhờ triển khai đồng bộ 2 Đề án
Bệnh viện Việt Đức đang triển khai tích cực Đề án 1816 “Cử cán bộ chuyên môn luan phiên từ tuyến trên về tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB)” và Đề án BV vệ tinh. Các Đề án đã góp phần nâng cao năng lực chuyên môn về ngoại khoa, mở rộng phát triển các dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu KCB ngay tại tuyến cơ sở… (Gia đình & xã hội (trang 7) 17/12)
Dùng mã vạch để giảm tải bệnh viện
Quá tải ở bệnh viện (BV) công đã là nỗi ám ảnh của bệnh nhân từ nhiều năm nay. Qua nhiều lần đưa con đi khám bệnh, một bạn đọc đề xuất giải pháp góp phần giảm tải để bệnh nhân bớt nỗi khổ chờ đợi, chen lấn.
Mỗi người có cách đánh giá riêng về sự quá tải ở các BV công. Tuy nhiên, chắc chắn một điều ai cũng nhận ra quy trình khám chữa bệnh tại nhiều BV công hiện nay quá nhiêu khê. Theo tôi, chỉ cần điều chỉnh chút xíu với một khoản đầu tư nho nhỏ là đã có thể giải quyết được khá nhiều vấn đề.
Một lát cắt
Tôi chọn BV quận 8, một bệnh viện tuyến quận/huyện, để phân tích và đưa ra giải pháp vì kết quả có thể áp dụng được cho nhiều nơi khác. Chiều 6-12, tôi dắt con đi khám bệnh tại BV quận 8, TP.HCM. Tôi đi khám bệnh buổi chiều để tránh tình trạng dồn ứ bệnh nhân từ sáng sớm, và buổi chiều thì bác sĩ không bận khám cho nhóm bệnh nhân điều trị nội trú khiến bệnh nhân ngoại trú phải chờ đợi lâu hơn.
Tôi nộp sổ khám bệnh lúc 13g50, đến 14g47 mới lấy được số thứ tự. Tại phòng khám, bác sĩ thao tác khoảng năm phút. Sau đó tôi đến bộ phận hành chính đóng dấu để được lấy thuốc. Thời gian chờ đợi tại đây cũng tương đương thời gian chờ lấy được số thứ tự. Thời gian chờ ở phòng dược nhanh hơn, khoảng 30 phút. Như vậy, cha con tôi mất hơn hai giờ rưỡi cho chuyến khám bệnh. Trong đó, riêng việc liên quan đến y lệnh mất khoảng hai giờ, chiếm 80% thời lượng. Và đặc biệt là thao tác khám bệnh chỉ mất năm phút, tương đương 3,3% thời lượng.
Đấy là cha con tôi còn may mắn. Một bệnh nhân khác đi khám mắt, cũng diện bảo hiểm y tế, phải mất hơn ba giờ. Và thời gian chủ yếu là chờ đợi. Trong lúc chúng tôi chờ đóng dấu để được lấy thuốc, có khoảng 50 người nữa cũng chờ như vậy.
Công nghệ của bãi giữ xe
Trong khi bệnh nhân bị dồn ứ ở các khâu thực hiện y lệnh thì ngoài bãi giữ xe BV quận 8 không ai phải chờ đợi lâu như thế. Mọi người chỉ dừng xe và nhận một chiếc thẻ từ là có thể chạy cái ào đến chỗ đậu xe.
Bãi giữ xe, nghe thì thấp kém, nhưng cũng giữ vai trò xung yếu tương tự khâu phát số thứ tự và đóng dấu lấy thuốc. Cả ba khâu này đều là những khâu thắt cổ chai trong quy trình đến BV để khám chữa bệnh: cơ bản là phục vụ tập trung toàn bộ đối tượng mà BV phải phục vụ chứ không có sự phân tán như ở các
khoa, bộ phận khác.
Sự khác biệt là thông tin cần ghi nhận lại của mỗi khâu có khác nhau. Bãi giữ xe chỉ ghi số xe, nhận dạng người gửi và người lấy xe. Còn hai khâu kia phải ghi lý lịch trích ngang, số lượng, chủng loại thuốc… Tuy nhiên, sự khác nhau này chỉ là thứ yếu. Cái chính của sự khác nhau ấy là ở công nghệ.
Bãi giữ xe ở BV quận 8 giải quyết nhanh vì đã được trang bị hệ thống quản lý xe bằng thẻ từ. Xe đến, chỉ việc đậu vào tầm ngắm của camera và nhận thẻ của nhân viên phụ trách là xong.
Trong khi đó ở hai khâu kia phần nhập liệu các thông tin về bệnh nhân, tên thuốc… vẫn là hoạt động thủ công của nhân viên nên chiếm nhiều thời gian. Tại sao không thử thay đổi: thẻ bảo hiểm y tế cũng có mã vạch, BV cũng đã được trang bị hệ thống phần mềm lưu bệnh án, kê toa thuốc… Chỉ cần trang bị thêm thiết bị đọc mã vạch cho hai bộ phận thắt cổ chai nói trên và kết nối với phần mềm lưu bệnh án, kê toa thuốc… sẽ giảm thiểu rất nhiều công việc vất vả của hệ thống hành chính vốn đang phục vụ khâu khám chữa bệnh. Lúc bấy giờ nhân viên hành chính chỉ nhận sổ khám bệnh và quét thẻ bảo hiểm y tế như nhân viên bãi giữ xe. Chi phí cho việc đầu tư thêm này chắc chắn không đáng kể. (Tuổi trẻ (trang 9) 17/12)