Trang chủ » Tin tức » Điểm báo Ngày 14/12/2012

Điểm báo Ngày 14/12/2012


Việt Nam không có sữa Meiji nhiễm xạ


Hôm qua, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, đã nhận được thông tin về việc sữa Meiji Step của Nhật Bản bị nhiễm phóng xạ có thể có tại Việt Nam. Cục này cho biết, theo văn bản chính thức của Văn phòng đại diện Meiji Co.,Ltd tại Việt Nam ngày 12-12-2012 gửi Cục An toàn Thực phẩm đã khẳng định: “Đây là thông tin hoàn toàn không đúng sự thật” (Tiền phong 14/12).

Năm 2013 sẽ có thêm  1.000 giường

Từ ngày 13- 14/12 tại TP. Hồ Chí Minh diễn ra Hội nghị tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và Diễn đàn quốc gia về chất lượng bệnh viện lần thứ 1 với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Y tế, đại diện các bệnh viện cả nước và các chuyên viên, nhà nghiên cứu đến từ các tổ chức quốc tế. Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết năm 2013, sẽ có thêm 1.000 giường bệnh được đầu tư và hoàn thiện. Vì thế, ông đề xuất cần tiếp tục thực hiện Luật Khám chữa bệnh, chỉ thị 05 và Thông tư 04 đã được ban hành, các đề án đang thực hiện như Đề án Giảm tải bệnh viện; Đề án Bệnh viện vệ tinh cũng cần được tiếp tục triển khai giải quyết những vấn đề về quá tải bệnh viện, gây khó khăn cho người dân trong khám chữa bệnh. (Gia đình & xã hội 14/12)

Sẽ tiếp tục tăng giá viện phí!

Đây là thông tin do PGS-TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục quản lý khám – chữa bệnh – đưa ra tại hội nghị “Tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh” do Bộ Y tế tổ chức tại TPHCM ngày 13.12. Theo đó, giá viện phí vừa được điều chỉnh chỉ mới tính 3/7 cấu phần của giá viện phí, sắp tới, giá này sẽ được thu đúng, thu đủ. Điều này có nghĩa, giá viện phí sẽ tiếp tục tăng.

Giá viện phí mới “cõng” 7 loại chi phí

Theo lý giải của Bộ Y tế, mức giá điều chỉnh viện phí mới đây chỉ xoay quanh 3 yếu tố trực tiếp, đó là: Chi phí thuốc, vật tư sử dụng cho khám bệnh, ngày giường điều trị, dịch vụ kỹ thuật; chi phí duy tu, bảo dưỡng, mua sắm thay thế các tài sản, công cụ, dụng cụ nhỏ theo định mức kinh tế kỹ thuật; chi phí điện, nước, xử lý chất thải. Nếu điều chỉnh giá chỉ dựa trên 3 yếu tố thì chắc chắn các BV sẽ không đủ “thu bù chi”. Sắp tới, giá viện phí sẽ được tính thêm 4 yếu tố còn lại để cấu thành giá là: Lương, phụ cấp, sửa chữa lớn tài sản, khấu hao nhà cửa, trang thiết bị lớn, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Nhận định của Cục Quản lý khám – chữa bệnh: Nếu tính đúng, tính đủ, giá viện phí phải cộng thêm 4 yếu tố cấu thành giá như đã nêu trên và chắc chắc 4 yếu tố này sẽ được đưa vào giá dịch vụ y tế trong thời gian sắp tới để nâng cao chất lượng khám – chữa bệnh. Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho biết, tính đến thời điểm này, qua khảo sát hiện đã có 34/38 BV tuyến T.Ư thực hiện mức viện phí mới về các cải cách chất lượng khám – chữa bệnh, có 14,3% số BV đầu tư thêm trang bị cơ sở vật chất, 35,7% số BV mở thêm quầy thu viện phí, buồng khám, chỗ ngồi… phù hợp với số lượng bệnh nhân đến khám, 35,7% có sửa chữa, nâng cấp khoa khám bệnh, 14,3% thực hiện phát số tự động, bảng số điện tử, 64,3% công khai giá dịch vụ y tế, 42,9% ứng dụng công nghệ thông tin…
Số giường bệnh trong thời gian ngắn đã tăng lên 1.050 giường bệnh. Cụ thể, BV Bạch Mai tăng thêm 100 giường; BV K tăng 300 giường; Nội tiết T.Ư 150 giường; Đa khoa T.Ư Quảng Nam 500 giường. 

BV bị dân phàn nàn, không được thu 100% viện phí

Câu hỏi được đặt ra cho ngành y tế: Giá dịch vụ đã có sự điều chỉnh, vậy chất lượng khám – chữa bệnh có tăng theo tỉ lệ thuận; làm thế nào để nâng cao chất lượng khám – chữa bệnh; bao giờ người bệnh mới hết chịu cảnh quá tải, nằm ghép và nhiễm khuẩn bệnh viện?… Những vấn đề này lãnh đạo Bộ Y tế vẫn chưa đưa ra được lời giải đáp mang tính thuyết phục. Một thực tế nhức nhối đang tồn tại lớn cho ngành y tế ở VN đó chính là sự quá tải trầm trọng các BV tuyến trên. Người dân mất niềm tin vào các BV tuyến dưới khi hàng loạt các vụ tử vong được báo chí phản ánh trong thời gian gần đây trong lĩnh vực sản, nhi, chấn thương chỉnh hình… do năng lực, thái độ phục vụ. Chính điều này đã dẫn đến hệ quả: “Vượt lên tuyến trên cho an toàn”. 

Theo thống kê của Bộ Y tế: “54% số bệnh nhân để ở tuyến dưới có thể chữa được nhưng vẫn vượt lên tuyến trên khám – chữa bệnh nội, ngoại trú. Và quan trọng là BV tuyến trên muốn giữ bệnh nhân”. 2 – 3 người bệnh chung một giường là tình trạng diễn ra ở nhiều BV T.Ư và tuyến tỉnh, công suất giường bệnh lên tới 120 – 160%. Đặc biệt là các chuyên khoa ung bướu, tim mạch, ngoại chấn thương, sản, nhi… ở Bệnh viện K, Bạch Mai, Chợ Rẫy, Nhi T.Ư, Phụ sản T.Ư, Từ Dũ…, công suất sử dụng giường vượt 165%, thậm chí trên 200%. 


Một con số được Bộ Y tế đưa ra cũng gây nhiều tranh cãi đó là: Hằng năm có tới 80 – 90% số BV đạt danh hiệu xuất sắc toàn diện, thế nhưng người bệnh và dư luận xã hội vẫn phàn nàn về chất lượng BV(?!). Chính vì điều này, từ năm 2013, ngành y tế sẽ thử nghiệm áp dụng bộ tiêu chí với 35 chỉ số để đánh giá chất lượng BV, nhằm khuyến khích, định hướng và thúc đẩy các BV cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm đem lại sự hài lòng cao nhất có thể cho người bệnh trong điều kiện cho phép. Cụ thể: Người bệnh được chỉ dẫn rõ ràng, đón tiếp chu đáo,  sử dụng buồng vệ sinh sạch sẽ, tôn trọng quyền riêng tư cá nhân, nộp viện phí minh bạch…Để thực hiện được bộ tiêu chí trên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, những BV không đạt “chuẩn chất lượng” do Bộ Y tế ban hành thì không được thu đủ 100% viện phí mà chỉ được thu 70-80% viện phí tùy loại (Lao động 14/12).

Gửi thảo luận