Trang chủ » Tin tức » Điểm báo ngày 12/12/2012

Điểm báo ngày 12/12/2012


Dùng kháng sinh chữa ho cho trẻ: Dễ gây loạn khuẩn đường ruột


Khoảng hơn 1 tuần trở lại đây, thời tiết miền Bắc khá lạnh, độ ẩm không khí cao khiến tỷ lệ trẻ bị các bệnh viêm đường hô hấp tăng cao. Đây là một bệnh đơn giản, tuy nhiên đa phần phụ huynh khi thấy trẻ biểu hiện bệnh vội vàng cho uống kháng sinh, dẫn đến nhiều nguy cơ biến chứng.


TS.BS Phạm Kim Thanh, Phòng khám nhi – BV Đa khoa Quốc tế Thu Cúc cho biết, gần đây BV tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ bị loạn khuẩn đường ruột do dùng kháng sinh điều trị ho. Điển hình mới đây, một bệnh nhi 4 tuổi ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), bị biến chứng dẫn đến tiêu chảy cấp rất nguy kịch. 


Theo lời mẹ cháu bé kể lại, do thấy cháu bị ho, cha mẹ đưa đến một phòng khám tư gần nhà để khám và mua kháng sinh về cho uống nhưng chưa khỏi bệnh viêm đường hô hấp thì cháu lại bị thêm tiêu chảy. Thấy vậy, mẹ cháu lo lắng nên tiếp tục mua kháng sinh loại mạnh hơn cho bé uống. Hậu quả là bé bị tiêu chảy cấp dẫn đến viêm tiểu kết tràng, tổn thương thực thể ở ruột kết, phải nhập viện điều trị. Bác sĩ Thanh cho biết, khi trẻ có hiện tượng tiêu chảy do dùng kháng sinh điều trị bệnh thì chỉ cần dừng kháng sinh là tự khỏi.
Cũng có trường hợp một số trẻ có thể do không hợp với loại kháng sinh đang dùng nên bị loạn khuẩn đường ruột, khi chuyển sang loại kháng sinh khác lại bình thường. Tốt nhất là các bậc phụ huynh nên tránh lạm dụng kháng sinh nặng cho trẻ uống trong trường hợp không thật sự cần thiết. 


Tại khoa Nhi – BV Bạch Mai, số trẻ vào khám do biểu hiện ho, viêm đường hô hấp cấp cũng tăng đáng kể trong hơn 1 tuần qua. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi cho biết, thời tiết trở lạnh, ngày nắng ấm, độ ẩm không khí cao là nguyên nhân khiến tỷ lệ trẻ bị các bệnh viêm đường hô hấp tăng. Theo thói quen, khi thấy trẻ bị ho hoặc cúm, các bà mẹ thường mua ngay kháng sinh và các loại thuốc ho về cho con uống. Việc làm này chẳng những không mang lại hiệu quả, mà thậm chí còn gây nguy hiểm cho trẻ. Việc lạm dụng kháng sinh ở trẻ còn gây ra nhiều nguy cơ bị các tác dụng phụ và có thể bị kháng thuốc. Bác sĩ Dũng khuyến cáo, khi trẻ bị virus tấn công, điều cần thiết nhất là bổ sung dinh dưỡng tăng cường sức đề kháng cho trẻ, chỉ trong trường hợp chắc chắn có nhiễm khuẩn mới cho uống kháng sinh. 


Theo PGS.TS. Phạm Quốc Bình – Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam, khi trẻ bị ho và các bệnh viêm đường hô hấp, tốt nhất chỉ nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt. Có thể chữa trị tại nhà cho trẻ bằng các bài thuốc dân gian rất đơn giản như: sử dụng mật ong trộn dầu gừng, lá húng chanh hấp đường phèn, ăn cháo có thảo quả, cho ngửi tỏi giã nát khi ngủ hoặc giã nát lấy tinh dầu của củ tỏi tía cho uống… Các dược liệu này rẻ tiền, dễ kiếm, dùng an toàn và có hiệu quả phòng cúm rất tốt (An ninh thủ đô (trang 7) 12/12).


Nghệ An: Hàng ngàn phụ huynh lo lắng vì thiếu vắc xin


Nhiều gia đình ở Nghệ An đang hết sức lo lắng vì con mình chưa được tiêm vắc xin 5 trong 1 và viêm não Nhật Bản. Hiện vắc xin này không còn đủ cung ứng cho nhu cầu tiêm của người dân. (Chi tiết xem báo Gia đình & Xã hội) (Gia đình & Xã hội (trang 7) 12/12).


Chứng chỉ hành nghề dược cấp một lần


Từ ngày 10/12/2012, mỗi cá nhân chỉ được cấp một Chứng chỉ hành nghề dược và chỉ được quản lý chuyên môn một hình thức tổ chức kinh doanh tại một địa điểm kinh doanh thuốc. Đó là quy định của Nghị định 89/2012/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2006/NĐ-CP ngày 9/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Dược.


Ngoài ra, Nghị định cũng quy định Chứng chỉ hành nghề dược được cấp một lần, có giá trị trong phạm vi cả nước. Cũng theo Nghị định, 4 trường hợp trả lại chứng chỉ hành nghề dược gồm: Cơ sở kinh doanh thuốc thay đổi người quản lý chuyên môn về dược; Cơ sở kinh doanh thuốc chấm dứt hoạt động kinh doanh; Cơ sở nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc nhưng nhận được văn bản trả lời không cấp của cơ quan tiếp nhận hồ sơ: Cá nhân xin cấp lại Chứng chỉ hành nghề dược (đối với các Chứng chỉ hành nghề đã cấp có thời hạn 5 năm) (Gia đình & Xã hội (trang 6) 12/12).


BV Đa khoa Tiền Hải, Thái Bình: Vận dụng tốt Đề án 1816


BV Đa khoa Tiền Hải, Thái Bình luôn được đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu tuyến huyện, thành phố trong công tác KCB. Trong nhiều năm, BV duy trì danh hiệu bệnh viện xuất sắc toàn diện. Triển khai Đề án 1816, được sự giúp đỡ của Viện Khoa học công nghệ, BV Bạch Mai, BV Đa khoa Thái Bình, BV Đại học Y, BV Nhi, BV Phụ sản… các bác sỹ BV Đa khoa Tiền Hải đã thực hiện hiệu quả nhiều kỹ thuật mới vượt tuyến trong chẩn đoán, điều trị ngay tại đơn vị như: Các kỹ thuật nội soi mở sang hàm, cắt po –lysp mũi, các kỹ thuật của khoa Đông y – PHCN, tiêm khớp, tiêm cạnh cột sống… (Chi tiết xem báo Gia đình & Xã hội) (Gia đình & Xã hội (trang 6) 12/12).


Tăng cường an ninh tại các bệnh viện


UBND TP.HCM vừa yêu cầu Sở Y tế TP, Công an TP, chủ tịch UBND các quận, huyện tăng cường quản lý, kiểm tra nhằm đảm bảo an ninh trật tự tại các bệnh viện (BV) trên địa bàn TP; không để xảy ra tình trạng giang hồ bảo kê, trấn lột như tại BV Phạm Ngọc Thạch mà Báo Thanh Niên đã phản ánh.


Chiều 11.12, bác sĩ Nguyễn Huy Dũng – Giám đốc BV Phạm Ngọc Thạch cho biết, sau loạt bài trên Báo Thanh Niên, công an địa phương đã tích cực theo dõi, bám sát xung quanh khu vực BV; đội bảo vệ mới cũng “cứng rắn” hơn nên không còn tình trạng giang hồ hoành hành như trước. Trưởng, phó các khoa phòng của BV này cũng cho biết gần đây không còn tình trạng giang hồ cát cứ ở đây, giúp các bác sĩ, nhân viên an tâm làm việc hơn (Thanh niên (trang 2) 12/12).


Bỏ ngay việc bác sĩ hắt hủi bệnh nhân BHYT


Hôm qua, phát biểu tại hội thảo góp ý về đề án Quy hoạch phát triển ngành y tế TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 của Sở Y tế TP.HCM, do Ủy ban MTTQ TP.HCM tổ chức, GS Trần Đông A thẳng thắn cho rằng cần có sự thay đổi trong cách tiếp cận đối với bệnh nhân có BHYT.


Theo GS, nhiều bác sĩ (BS) quen thói đối xử không công bằng với bệnh nhân có BHYT như coi thường, hắt hủi… làm xấu hình ảnh người làm nghề y. Do đó, cần thay đổi cách thức, thái độ đối với bệnh nhân BHYT để tạo sự công bằng, phục vụ tốt hơn cho người nghèo, qua đó mới có thể thực hiện được mục tiêu phát triển mạnh mẽ BHYT tiến tới BHYT toàn dân.


Về vấn đề giảm tải bệnh viện (BV), theo GS Trần Đông A, bước đầu nên chú trọng hơn mô hình BV, khoa vệ tinh. Việc đưa các khoa vệ tinh xuống các BV tuyến quận, huyện đã bắt đầu phát huy hiệu quả, ngoài ra, mô hình BS gia đình cũng cần được chú trọng hơn.


Ông Đặng Văn Khoa, ủy viên Ủy ban MTTQ TP, cho rằng với đề án mục tiêu đề ra rất nhiều và khá hay, nhưng việc thực hiện lại vô cùng khó khăn, nhất là tình trạng thiếu BS, cán bộ y tế có trình độ chuyên môn. “Hiện TP.HCM có khoảng 7.000 BS, theo đề án thì đến năm 2015 cần khoảng 15.000 BS, như vậy trong 3 năm tới phải “kiếm” được 8.000 BS. Con số này lấy đâu ra trong khi thực tế giỏi lắm thì cũng chỉ có khoảng 1.000 BS ra trường tại TP.HCM”, ông Khoa bày tỏ.


GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc BV Từ Dũ, phân tích đề án còn dàn trải quá nhiều, không nên đặt tiêu chí số lượng mà phải nhấn mạnh đến chất lượng trong đào tạo BS. Nếu đặt nặng chỉ tiêu, đào tạo qua loa rồi cho ra trường đối với ngành y là rất nguy hiểm.


PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết theo dự kiến đến năm 2020 mới chỉ giải quyết được một phần tình trạng quá tải còn hiện tại thì vẫn chưa giảm được (Thanh niên (trang 2) 12/12).


Đại phẫu cắt u quái hơn 2 kg cho trẻ một tuần tuổi


Sáng qua, các bác sĩ Khoa Ngoại nhi (Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội) thực hiện ca đại phẫu cắt bỏ khối u quái cho bé B.V sinh ngày 5-12-2012. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lợi, Giám đốc Trung tâm Sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản T.Ư) cho biết, sản phụ N.T.H (24 tuổi) sinh bé V. khi thai nhi ở tuần thứ 40, bằng phương pháp đẻ mổ.


Trẻ sinh ra nặng 4,6kg. Tuy nhiên, từ vị trí xương cụt của trẻ mọc ra một khối u quái to hơn cơ thể trẻ. Khối u quái theo quan sát ở dạng dịch, nặng chừng hơn 2kg.


Khối u lớn khiến hai chân của bé V. luôn ở tư thế dạng sang hai bên chứ không duỗi thẳng được. Chị H. mang thai lần đầu, trong tình trạng hoàn toàn khỏe mạnh, đây cũng là lần sinh con đầu tiên của sản phụ này.


Sau sinh, bệnh nhi được chăm sóc đặc biệt để tránh khối u bị bội nhiễm. Từ khi sinh ra đến trước khi mổ, khối u tiếp tục phát triển thêm, bệnh nhi ăn uống và tiêu hóa tốt.


PGS.TS Trần Danh Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán trước sinh (Bệnh viện Phụ sản T.Ư) cho biết, sản phụ được phát hiện thai nhi mang dị tật khối u từ khá sớm nhưng được khuyên giữ thai, vì có thể phẫu thuật loại bỏ khối u cho trẻ sau khi chào đời. Đến tuần thứ 32 của thai kỳ, xác định rõ đây là khối u quái vùng cùng cụt, một dị tật hiếm gặp.


Các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản T.Ư và Việt Đức đã hội chẩn và đi đến quyết định phẫu thuật loại bỏ khối u quái cho bé V.


Chiều 10-12, bệnh nhi này được chuyển từ Bệnh viện Phụ sản T.Ư sang Bệnh viện Việt Đức để theo dõi một đêm trước khi đại phẫu.


Bác sĩ Lợi cho biết, ca phẫu thuật này được dự đoán gặp nhiều khó khăn do trẻ nhỏ, khối u quá lớn. Theo đánh giá của các chuyên gia ngành Ngoại nhi, gây mê cho trẻ sơ sinh là khâu đặc biệt khó.


Sáng qua, sau hơn 2 tiếng phẫu thuật, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Nhi (Bệnh viện Việt Đức) đã cắt bỏ thành công khối u quái khỏi cơ thể bệnh nhi này. PGS.TS Trần Ngọc Bích, Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi cho biết, từ khi sinh ra, bé B.V. và khối u nặng 4,6kg, nhưng trước khi lên bàn mổ bệnh nhi với khối u đã nặng 5kg.


Khối u phát triển rất nhanh, nên các bác sĩ nhận định cần phẫu thuật cho bệnh nhân càng sớm càng tốt. Khối u là hỗn hợp nước, da đầu, tóc, 2 chân và 1 bàn tay đã bị teo, dạ dày, ruột, bàng quang.


Tuy nhiên theo TS Bích, khối u này không được gọi là thai nhi song sinh do khối u không có sọ, mặt, cột sống.


Khó khăn nhất của ca phẫu thuật là khối u nằm lấn sâu vào trực tràng, xương cụt dễ dẫn tới sai sót khi mổ. Đặc biệt, khối u xâm lấn xương chậu, khớp háng của bệnh nhi, nếu bác sĩ cắt không khéo sẽ làm thủng trực tràng của trẻ.


Để thực hiện ca đại phẫu này, Bệnh viện Việt Đức đã chuẩn bị trang thiết bị kỹ hơn các ca phẫu thuật khác và đặt ra các phương án có thể xảy ra trong khi mổ vì đây là một ca bệnh đặc biệt.


Sau mổ, bệnh nhi đã tỉnh táo và tiểu tiện tốt. Hiện bé B.V. đang được chăm sóc đặc biệt tại phòng hồi sức Khoa Phẫu thuật Nhi (Tiền phong (trang 8) 12/12).

Gửi thảo luận