Trang chủ » Tin tức » Điểm báo Ngày 11/12/2012

Điểm báo Ngày 11/12/2012

 Nên sửa Luật Bảo hiểm y tế để thu hút người tham gia
 
Đây là kiến nghị của Bộ Y tế tại hội nghị “Tổng kết, đánh giá 3 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) và định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều chỉnh của luật” do Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội VN tổ chức vào ngày 10.12 tại TPHCM.
 
Trên 30 triệu người chưa tham gia BHYT

Theo thống kê của BHXH VN, tính đến cuối tháng 9.2012, cả nước mới có trên 57 triệu người tham gia. Ước tính đến hết năm 2012, 67% dân số tham gia BHYT (hơn 59 triệu người). Các nhóm đối tượng có tỉ lệ tham gia BHYT cao với gần 100% là nhóm làm công ăn lương, quỹ BHXH đóng toàn bộ kinh phí mua BHYT như người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi… Trong khi đó, cả nước hiện vẫn còn trên 30 triệu người chưa tham gia BHYT.

Về tỉ lệ tham gia BHYT ở các đối tượng cũng đã cho thấy, Luật BHYT đến thời điểm này vẫn chưa thu hút được người tham gia. Cụ thể: Nhóm người lao động trong các doanh nghiệp mới đạt 49,9%; nhóm học sinh, sinh viên đạt 80,4%, nhóm hộ cận nghèo đạt khoảng 18,9%, nhóm tự nguyện chỉ đạt khoảng 24,5% tổng số đối tượng…

Theo đại diện Vụ BHYT – Bộ Y tế, tỉ lệ hộ cận nghèo tham gia BHYT thấp do nhiều địa phương không lập danh sách hộ cận nghèo mà chỉ tập trung bình xét và lập danh sách hộ nghèo. Hơn nữa, nhóm đối tượng này thường có thu nhập thấp nên rất khó tham gia BHYT. Thậm chí, nhiều địa phương đã lên phương án hỗ trợ cho các đối tượng cận nghèo đóng BHYT lên đến mức 80% nhưng họ vẫn không tham gia. “Ăn không đủ lấy tiền đâu đóng BHYT” là lý do phổ biến để trả lời câu hỏi tại sao đối tượng này không chịu tham gia BHYT.  
 
Chê BHYT vì chất lượng dịch vụ, thái độ, quá tải BV…  
 
 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, chất lượng khám – chữa bệnh vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân khi BV tuyến trên luôn trong cảnh quá tải trầm trọng, khám – chữa bệnh phải chờ đợi quá lâu, thủ tục thanh toán phiền hà, thái độ của nhân viên y tế, tiêu cực phong bao, phong bì. 
 
Theo ý kiến của đại diện của BHXH Việt Nam, thì người có thẻ BHYT vẫn phải tự chi trả khá nhiều từ tiền túi (trên 40%) cho các chi phí khám – chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi được hưởng. Đại diện Bảo hiểm xã hội VN đề xuất nâng hỗ trợ mức đóng của đối tượng là học sinh sinh viên từ 30% lên 50% mức đóng BHYT và hỗ trợ 30% mức đóng cho đối tượng thuộc hộ nông-lâm-ngư-diêm nghiệp. 
 
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT trên cơ sở tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của các bộ, ban, ngành và địa phương để hướng tới mục tiêu tăng tỉ lệ tham gia BHYT, phấn đấu tới năm 2015 có ít nhất 75% dân số tham gia BHYT, tới năm 2020 là 80% dân số tham gia. Để làm được việc này, trước hết phải tăng chất và lượng của các dịch vụ y tế. Tăng quyền lợi nhưng hạn chế thấp nhất sự chi trả từ tiền túi của người bệnh. (Lao động (trang 3) 11/12)

 

Khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí

 

Tỉnh đoàn Đồng Nai phối hợp với CLB Thầy thuốc trẻ Bệnh viện Đồng Nai vừa tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 300 người dân tại xã Đắc Lua, huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) vào ngày 8.12.

 
Ngoài ra đoàn còn trao 200 phần quà dụng cụ học tập cho các học sinh nghèo, hiếu học tại địa phương với tổng kinh phí hơn 30 triệu đồng. (Thanh niên (trang 8) 11/12)
 
Minh bạch giá thuốc cung ứng vào bệnh viện 
 
Hiện nay các bệnh viện công lập đều thực hiện mua thuốc thông qua đấu thầu. Tuy đã bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời thuốc phục vụ điều trị cho người bệnh, nhưng việc đấu thầu thuốc vẫn có những hạn chế, bất cập. Như việc xây dựng giá kế hoạch nhiều loại thuốc chưa có quy định cụ thể; chưa có hồ sơ mời thầu mẫu; chưa quy định rõ tiêu chí lựa chọn thuốc; chưa quy định rõ về việc xét thầu theo mặt hàng hay theo gói thầu… Ngay việc ban hành những quy định về đấu thầu thuốc cũng nằm trong tình trạng "thiếu đâu bù đấy".
 
Thống kê cho thấy, tiền thuốc chiếm hơn 50% tổng chi phí khám và điều trị cho người bệnh, riêng các bệnh viện tuyến trung ương, tỷ lệ này lên tới hơn 60%. Hệ thống các bệnh viện công lập hiện sử dụng khoảng 40% tổng giá trị tiền thuốc sử dụng trong cả nước. Do quy định chưa chặt chẽ mà có hiện tượng cùng một thuốc, tên thương mại, nhà sản xuất, hàm lượng, dạng bào chế nhưng lại có sự chênh lệch về giá giữa các cơ sở khám, chữa bệnh trên cùng một địa bàn cũng như giữa các tỉnh, thành phố; thuốc trong bệnh viện có giá cao hơn giá thị trường; thuốc còn phân phối lòng vòng, qua nhiều tầng nấc trung gian, đẩy giá thuốc lên cao bất hợp lý. Chính vì vậy, việc có các quy định chặt chẽ về đấu thầu thuốc sẽ tăng sự công khai, minh bạch, bảo đảm công bằng và hạn chế các vấn đề tiêu cực. Việc kiểm soát được giá thuốc sẽ kiểm soát được cả chi phí điều trị, không để quỹ bảo hiểm y tế phải bội chi vì tiền thuốc.
 
Việc đấu thầu thuốc suy cho cùng là đạt mục tiêu cung ứng kịp thời, đầy đủ và bảo đảm chất lượng các loại thuốc để điều trị và giá cả hợp lý. Do vậy, các bệnh viện cũng như các đơn vị liên quan cần thực hiện nghiêm quy định về đấu thầu thuốc, quản lý giá thuốc mới ban hành, như giá đề nghị trúng thầu của từng mặt hàng thuốc không được cao hơn giá trong kế hoạch đã được phê duyệt và không được cao hơn giá bán buôn kê khai hoặc kê khai lại đang còn hiệu lực. Loại bỏ ngay những nhà thầu cung cấp nhiều loại giá cho một loại thuốc. Các đơn vị cũng cần thực hiện tốt về mẫu hồ sơ mời thầu mua thuốc; khắc phục tình trạng không thống nhất về các yêu cầu, tiêu chí trong việc lựa chọn thuốc trúng thầu cung ứng cho các bệnh viện.
 
Các cơ quan chức năng, nhất là những đơn vị trực tiếp tham gia Tổ công tác liên ngành về giá thuốc ở trung ương và các địa phương cần phát huy vai trò "gác cửa", nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc việc điều chỉnh giá thuốc của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc. 
 
Ðã được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế cần sớm xây dựng và triển khai thí điểm quản lý giá thuốc do ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế chi trả theo phương thức thặng số bán buôn tối đa toàn chặng. Việc triển khai càng sớm thì càng giúp người bệnh được lợi. Nó cũng là cơ sở để sửa đổi, bổ sung quy định quản lý giá thuốc.
 
Thuốc là một mặt hàng đặc biệt, có những đặc thù riêng, với hơn 20 nghìn mặt hàng cho nên cần phải có  những quy định riêng trong việc đấu thầu cung ứng vào bệnh viện. Nhưng hiện nay, Luật Ðấu thầu không có quy định chi tiết về hướng dẫn đấu thầu đối với thuốc. Việc đấu thầu thuốc hiện vẫn chung với quy định đấu thầu các mặt hàng phục vụ xây dựng, trang thiết bị… Ðược biết Bộ Y tế đang kiến nghị Chính phủ cho phép xây dựng một nghị định hướng dẫn về công tác đấu thầu thuốc. Việc này cần được triển khai sớm, cùng với đó là xây dựng những văn bản quy định mới một cách thật chặt chẽ và đầy đủ, khi đó giá thuốc cung ứng vào bệnh viện sẽ được quản lý chặt chẽ và công khai, minh bạch. (Nhân dân (trang 7) 11/12)

 

Ban hành phác đồ điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do virut mới

 

Bộ Y tế vừa ban hành phác đồ “Hướng dẫn giám sát, chẩn đoán, điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do chủng mới của vi rút Corona (HcoV-EMC)”.

 
Vi rút này thường gây nhiễm trùng hô hấp nặng kèm theo suy thận, có thể lây nhiễm qua đường tiếp xúc trực tiếp với chất tiết của người bệnh. Cuối tháng 9 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông báo về ca bệnh viêm đường hô hấp cấp nhiễm vi rút Corona mới (Corona là vi rút từng gây dịch viêm đường hô hấp cấp SARS vào năm 2002-2003), là bệnh nhân Qatar, trước khi sang Anh điều trị đã sinh sống ở Ả Rập Xê Út.
 
Bệnh có biểu hiện sốt trên 38 độ, khó thở và có hội chứng suy thận cấp. Hiện bệnh chưa có thuốc đặc trị, vì vậy chủ yếu là điều trị triệu chứng (hạ sốt, điều trị suy hô hấp, suy thận). Bộ Y tế khuyến cáo phòng lây nhiễm bằng cách rửa tay bằng xà phòng thường xuyên; đeo khẩu trang khi ra đường, khi đến chỗ đông người… (Sức khỏe & đời sống (trang 5) 11/12)
 
65% dân số tham gia bảo hiểm y tế
 
Tổng kết 3 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) do Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội VN tổ chức ngày 10-12, đại diện Bảo hiểm xã hội VN cho biết, đến nay cả nước đã có hơn 57 triệu người tham gia BHYT, tương đương 65% dân số, tăng hơn 4 triệu người so với cùng kỳ năm 2011.
 
Trong đó, vùng trung du và miền núi phía Bắc, độ bao phủ BHYT đạt tới 77% dân số. Nhiều tỉnh vùng cao như Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng…, có tỷ lệ bao phủ BHYT trên 90% dân số.
 
Khu vực có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ chưa đến 50% dân số. Một số tỉnh có tỷ lệ bao phủ BHYT rất thấp là: Tây Ninh, Bình Phước, Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Tháp…
 
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Luật BHYT đã từng bước đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến chính sách BHYT tại VN, khẳng định tính đúng đắn và phù hợp trong lựa chọn chính sách tài chính y tế thông qua BHYT.
 
Theo bà Tiến, tỷ lệ tham gia BHYT chưa đầy đủ có nguyên nhân là chất lượng khám chữa bệnh chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân; hệ thống y tế cơ sở chưa đáp ứng đủ điều kiện khám chữa bệnh, vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh…
 
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, sắp tới sẽ có thông tư về phân tuyến và vượt tuyến bệnh viện để giảm tải, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
 
Tại hội nghị, Bảo hiểm Xã hội VN đề xuất nâng hỗ trợ mức đóng BHYT của đối tượng là học sinh – sinh viên từ 30% lên 50% và hỗ trợ 30% mức đóng cho đối tượng thuộc hộ nông lâm ngư diêm nghiệp. (Tiền phong (trang 6) 11/12)
 

 

Gửi thảo luận