Trang chủ » Tin tức » Điểm báo ngày 9/12/2012

Điểm báo ngày 9/12/2012

Có bệnh viện dùng thuốc sai đến 72%


Nhiều báo cáo tại hội nghị khoa học “Hoạt động dược bệnh viện TP.HCM mở rộng năm 2012” do Hội Dược sĩ bệnh viện TP.HCM tổ chức ngày 8-12 cho thấy hoạt động dược trong bệnh viện còn nhiều bất cập.

“Cùng một thuốc, tên thương mại, nhà sản xuất, hàm lượng, đường dùng, dạng bào chế nhưng giá thuốc thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) có sự chênh lệch lớn giữa các cơ sở khám chữa bệnh của TP.HCM cũng như giữa các tỉnh, TP” – bà Lưu Thị Thanh Huyền, phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, trình bày như vậy.

Giá chênh lệch lớn

Minh chứng cho nhận xét này, bà Huyền cho biết cùng một nhà sản xuất nhưng giá thuốc Supercef (Cefepim) 1g trúng thầu vào các bệnh viện năm 2010 chênh lệch tới 23%. Hay cùng một hoạt chất kháng sinh Meropenem 1g có nhiều tên thương mại trúng thầu vào các bệnh viện chênh lệch giá từ vài chục ngàn đến 200.000-250.000 đồng.

Thậm chí thuốc cùng một nhà sản xuất, một hàm lượng nhưng trúng thầu vào mỗi bệnh viện một giá. Qua khảo sát giá 19 loại thuốc có hoạt chất paracetamol 500mg (18 loại thuốc nội do 18 hãng sản xuất được nhiều cơ sở khám chữa bệnh sử dụng và một loại thuốc ngoại) đã trúng thầu và đang sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh cho thấy cùng là thuốc Việt Nam nhưng giá trúng thầu chênh lệch rất lớn, từ vài chục phần trăm đến 6-7 lần.

Trong đó, một nhóm có giá trúng thầu từ 85-140 đồng/viên, nhóm có giá trúng từ 140-420 đồng/viên và nhóm có giá trúng từ 420-650 đồng/viên. Riêng loại thuốc ngoại có giá trúng thầu 900 đồng/viên.

Khảo sát giá thuốc trúng thầu của các bệnh viện tại TP.HCM năm 2011, Bảo hiểm xã hội TP đã phát hiện nhiều loại thuốc trúng thầu có sự chênh lệch giá rất lớn và bất hợp lý nên đã có văn bản gửi Sở Y tế TP thông báo về tình trạng này và chỉ chấp nhận thanh toán nếu giá thuốc trúng thầu cùng loại vào bệnh viện này chênh lệch với bệnh viện khác dưới 5%.

Theo bà Thanh Huyền, năm 2011 quỹ BHYT chi trả 25.000 tỉ đồng chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân BHYT, riêng TP.HCM chi trả hơn 4.000 tỉ đồng. Trong đó, 60% chi phí khám chữa bệnh BHYT là chi cho tiền thuốc.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những trường hợp kê toa thuốc chưa phù hợp, trong quá trình điều trị bệnh nhân có sự thay đổi thuốc nhiều nhưng ghi chép trong bệnh án không rõ ràng…

Điều này thể hiện rõ trong năm 2011 số lượng người tham gia BHYT tuy chỉ tăng 7% so với năm 2010, nhưng chi phí khám chữa bệnh trong năm 2011 lại tăng gấp ba lần (21%) năm 2010. Nếu bệnh viện, bác sĩ lựa chọn thuốc thật sự cần thiết, đúng mục đích, an toàn, hợp lý và hiệu quả sẽ hạn chế lãng phí do sử dụng thuốc bất hợp lý.

Nhiều sai sót trong sử dụng thuốc

Tại hội thảo, các bệnh viện cũng trình bày về sai sót trong sử dụng thuốc cho bệnh nhân và đưa ra hướng khắc phục để hạn chế tối đa sai sót thuốc.

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu Ba – trưởng khoa dược Bệnh viện Fortis Hoàn Mỹ Đà Nẵng – cho biết sai sót thuốc là một thách thức trong quản lý hoạt động dược bệnh viện. Sai sót thuốc chủ yếu do lỗi của con người, không chỉ bác sĩ mà kể cả giáo sư, tiến sĩ cũng có khi sai sót thuốc.

Nguyên nhân dẫn đến sai sót thuốc là do bác sĩ kê đơn thuốc, ra y lệnh sai; điều dưỡng sao chép y lệnh của bác sĩ sai; khoa dược cấp phát thuốc sai; điều dưỡng thực hiện sử dụng thuốc điều trị cho bệnh nhân sai… Cụ thể những sai sót thuốc thường gặp là sai hàm lượng thuốc, sai đường dùng, sai tên thuốc (do tên gọi gần giống nhau), sai chỉ định, sai số lượng.

Theo dược sĩ Thu Ba, vai trò của dược sĩ bệnh viện góp phần đáng kể trong việc quản lý nguy cơ sai sót thuốc, tăng an toàn cho bệnh nhân. Bằng việc giám sát, trong chín tháng đầu năm 2012 Bệnh viện Fortis Hoàn Mỹ Đà Nẵng đã tự phát hiện 266 ca có sai sót thuốc trong tổng số hơn 132.000 ca được kiểm tra, giám sát.

Đánh giá việc sai sót trong sử dụng thuốc có thể gây tổn hại cho bệnh nhân, kéo dài thời gian nằm viện, tốn kém thêm thuốc và xét nghiệm để điều trị độc tính, khiến bệnh nhân mất niềm tin vào hệ thống y tế, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) đã thực hiện khảo sát sai sót tại hai khoa hồi sức ngoại và hồi sức tích cực.

Kết quả khảo sát trên 2.200 liều sử dụng thuốc cho thấy tỉ lệ có sai sót ở khoa hồi sức ngoại lên đến hơn 72%, còn ở khoa hồi sức tích cực gần 60%. Các sai sót thường gặp là gộp liều hoặc chẻ liều thuốc, sai liều dùng, sai kỹ thuật thực hiện, sai tốc độ (truyền thuốc), thuốc không chỉ định (y lệnh không cho hoặc đã chỉ định ngưng thuốc nhưng vẫn cho bệnh nhân sử dụng), bỏ sót liều, sai kỹ thuật chuẩn bị, thuốc hỏng…

Trong đó, sai tốc độ chiếm tỉ lệ cao nhất với hơn 40%, kế đến là sai kỹ thuật chuẩn bị (hòa tan, dung môi…) và sai kỹ thuật thực hiện. Đáng chú ý, sai sót thuốc chủ yếu tập trung ở thuốc tiêm truyền (hơn 49%) và tiêm tĩnh mạch chậm (gần 37%). Tuy nhiên, sau khi có sự giám sát và can thiệp của bộ phận dược bệnh viện, mức độ sai sót nghiêm trọng đã giảm rõ rệt, từ hơn 9,4% xuống gần 3%…

Hồ sơ bệnh án cũng đầy sai sót

Phân tích 239 hồ sơ bệnh án tại các khoa lâm sàng của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM sáu tháng đầu năm 2012 cho thấy còn hồ sơ bệnh án không ghi đầy đủ, rõ ràng tiền sử dùng thuốc của bệnh nhân; y lệnh dùng thuốc không ghi đầy đủ, rõ ràng: gần 11% không ghi hàm lượng, nồng độ thuốc, hơn 28% không ghi thời điểm dùng thuốc, hơn 46% không ghi khoảng cách giữa các lần dùng thuốc cho bệnh nhân; thay đổi thuốc không rõ lý do (gần 34%)…t6cf  * Tuổi trẻ (trang 3 ) 9/12

Vinh danh những người đem lại “ánh sáng” cho người mù

Đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp cuối năm Ngân hàng Mắt thuộc Bệnh viện Mắt trung ương lại phối hợp cùng với chính quyền huyện Kim Sơn, Ninh Bình tổ chức vinh danh những gia đình có người thân hiến tặng giác mạc. Việc này đã trở thành một hoạt động thường niên và được duy trì từ năm 2007 khi cụ Nguyễn Thị Hoa, người dân xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình là người đầu tiên trong cả nước hiến tặng giác mạc sau khi qua đời.

Đến nay, huyện Kim Sơn trở thành ngọn cờ đầu trong phong trào hiến tặng giác mạc trong cả nước khi 12 trên 27 xã thuộc huyện Kim Sơn có người hiến tặng giác mạc- hàng trăm người đã noi gương cụ, sau khi qua đời giành lại một phần cơ thể mình để đem lại ánh sáng và niềm hi vọng cho người khác.

Buổi lễ là nơi tôn vinh và trao bằng “nghĩa cử cao đẹp” cho 17 hộ gia đình ở huyện Kim Sơn có người thân hiến tặng giác mạc. Sự kiện năm nay còn đặc biệt hơn các năm khác vì có sự tham dự của những người được ghép giác mạc và trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường

Trong không khí đầm ấm, tràn đầy nghĩa tình, những người được ghép giác mạc đã gặp gỡ, trò chuyện với những hộ gia đình có người thân hiến giác mạc, bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với nghĩa cử cao đẹp của những người hiến giác mạc ở Ninh Bình cũng như ở nhiều nơi trên cả nước.

Trải qua 5 năm của cuộc vận động, từ cụ Nguyễn Thị Hoa, người dân giáo xứ Cồn Thoi, đến nay đã có 108 người hiến tặng ở 12 xã thị trấn (Cồn Thoi, Kim Động, TT Bình Minh, Kim Mĩ, Kim Tân, Văn Hải, Định Hóa, Thượng Kiệm, Đồng Hướng, Như Hòa, Kim Định). Số người hiến tặng giác mạc còn được lan rộng ra các huyện ở tỉnh Ninh
Bình như: Khánh Nhạc, Yên Mỗ, Gia Viễn, Tp Ninh Bình và không chỉ dừng lại ở đó số người hiến đã tăng dần theo năm tháng. Tính đến nay cả nước đã có 151 người hiến tặng giác mạc sau khi qua đời ở 12 tỉnh thành trong cả nước.

    Ông Trần Đức Hiệp ở xã Văn Hải-Kim Sơn-Ninh Bình, người được hiến tặng giác mạc chia sẻ: “ Ngày trước, mắt tôi gần như mù, đi lại và nhìn gì cũng khó khăn. Thậm chí trong bữa ăn, tôi không biết phải gắp ở đâu, gắp cái gì, muốn đi đâu cũng phải nhờ người thân, bạn bè giúp đỡ. Với tôi, có được giác mạc, có được đôi mắt sáng như được sống một cuộc đời mới. Tôi càng thấm thía hơn sự quan trọng của đôi mắt cũng như nghĩa cử cao đẹp của những người hiến tặng giác mạc. Tôi biết còn rất nhiều người giống như tôi, vì thế tôi đã tham gia làm tình nguyện viên hội hiến mắt tỉnh Ninh Bình, tham gia vận động tích cực với ý thức đem lại đôi mắt sáng cho nhiều người như tôi trên khắp cả nước”

     Cùng chung suy nghĩ với ông Hiệp, ông Trần Gia Bình ở Văn Hải-Kim Sơn- Ninh Bình, một trong những cộng tác viên lâu năm của hội mắt tâm sự: “Tôi đã hoạt động trong hội được hơn 4 năm, từ những năm 2007-2008 khi phong trào hiến giác mạc mới chỉ nhen nhóm trong cộng đồng. Nhìn những người mù lòa dò dẫm, tìm đường đi một cách khó khăn, tôi hiểu được tầm quan trọng của việc hiến giác mạc và thấm thía hơn câu nói: “Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”. Chính vì thế nên tôi cùng những người trong hội luôn tích cực vận động những người trong xóm, trong huyện hiến giác mạc.

Công việc vận động có  thuận lợi nhưng cũng rất nhiều khó khăn, hầu hết đều do những quan niệm duy tâm nặng nề, sự thiếu hiểu biết của người dân khi cho rằng lấy giác mạc là lấy toàn bộ con ngươi, linh hồn vì thế người thân của họ sẽ không được yên nghỉ. Cộng tác viên Trần Gia Bình nói tiếp: “Nhiều gia đình khi đồng ý hiến đã phải vượt qua định kiến, “lời qua, tiếng lại” của người trong họ, trong xóm. Nhưng nhờ sự vận động của tình nguyện viên, của linh mục và giáo xứ, định kiến cũng qua đi vì nghĩa cử cao đẹp của người hiến tặng có sức lan tỏa rộng và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đến nay đã có hơn 30 người thuộc nhiều hộ gia đình ở xã Văn Hải sau khi mất đã đồng ý hiến tặng giác mạc, đem lại đôi mắt sáng cho rất nhiều người”

    Ông Nguyễn Văn Liên, quê ở xã Cồn Thoi-Kim Sơn-Ninh Bình trong gia đình có người thân hiến giác mạc chia sẻ: “Mẹ tôi, cụ bà Phạm Thị Liễu mất tháng 5-2012 .Trước lúc cụ đi xa, chúng tôi đã được tình nguyện viên, bà con công giáo đến hỏi thăm, khuyên bảo về hoạt động hiến giác mạc vì cộng đồng. Điều đó đã giúp mẹ tôi và gia đình hiểu được nghĩa cử cao đẹp của những người hiến tặng và hoàn toàn đồng ý hiến giác mạc cho bệnh viện sau khi mẹ tôi qua đời.”

Xã Cồn Thoi-Kim Sơn hiện đã có gần 60 người, nhiều gia đình có cả mẹ và con hiến giác mạc. Đây là xã đi đầu, cái nôi trong phong trào hiến giác mạc vì cộng đồng của thành phố Ninh Bình cũng như trên khắp cả nước.

     Cùng với nghĩa cử cao đẹp của các cụ và gia đình, buổi lễ còn tôn vinh tới sự đóng góp, hỗ trợ của nhiều cá nhân, tổ chức đã tham gia vào hoạt động đầy tính nhân văn này. Đó là các tổ chức chính quyền, tổ chức ORBIS tại Việt Nam, hội Chữ Thập Đỏ, các cộng tác viên tình nguyện tham gia vào phong trào vận động hiến tặng giác mạc giác mạc… Các vị linh muc, các vị chánh trương, bà con giáo dân đã nhiệt tình ủng hộ, góp phần quan trọng vào việc đem lại ánh sáng cho những người bị bệnh giác mạc.                                                        

Giác mạc là lớp màng trong suốt nằm ngoài cùng nhãn cầu, phía trước tròng đen. Giác mạc nh­ư lớp kính trong suốt đón ánh sáng bên ngoài vào, giúp nhìn thấy đư­ợc thế giới chung quanh. Thị lực sẽ bị giảm hay bị mất hoàn toàn nếu giác mạc trở nên mờ đục do bị bệnh, tổn th­ương hoặc nhiễm khuẩn. Hiện có tới 100.000 người bị mù hai mắt do bệnh lý giác mạc. Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương, ở Việt Nam có khoảng 300.000 người mù do bệnh lý giác mạc và cứ mỗi năm lại có thêm khoảng 15.000 người bị mù mới. Phương pháp điều trị duy nhất có thể khôi phục một phần thị lực cho những bệnh nhân này là ghép giác mạc (Nhân dân (trang 5) 9/12).

Ngành y tế Hà Nội ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật cao


Ngày 8/12, hơn 300 đại biểu là giáo sư, tiến sĩ, các chuyên gia đầu ngành của các viện, trường, bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã tham dự Hội nghị khoa học ngành y tế Thủ đô lần thứ nhất. Trong hai năm gần đây có hơn 200 đề tài nghiên cứu khoa học của các thầy thuốc Hà Nội trực tiếp đề cập những vấn đề thực tiễn trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Gần 50 đề tài có tính ứng dụng cao được chọn báo cáo tại hội thảo lần này, tập trung vào các lĩnh vực lâm sàng như: phẫu thuật lồng ngực, thần kinh sọ não, ổ bụng và sản khoa; Phẫu thuật chỉnh hình, răng – hàm – mặt, tai – mũi – họng, mắt, gây mê hồi sức; Hồi sức cấp cứu, nhi khoa, nội khoa, tâm thần, da liễu và bệnh phổi… Ðây cũng là dịp để các thầy thuốc học tập trao đổi kinh nghiệm, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân Thủ đô (Nhân dân (trang 3) 9/12).

Gửi thảo luận