Những người có khả năng sử dụng cùng một lúc nhiều phương tiện truyền thông như vừa xem truyền hình vừa chơi game (đa truyền thông) thường được coi là có bộ óc nhạy bén và lành mạnh.
Tuy nhiên, các nhà khoa học Mỹ cho rằng đó có thể là dấu hiệu của bệnh trầm cảm và lo âu, những dạng rối loạn tâm thần đáng lo ngại.
Tiến sĩ Mark Becker, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu Mối liên hệ giữa đa truyền thông và các chứng rối loạn tâm thần ở trường Đại học công lập Michigan (Mỹ), nói ông thật sự bất ngờ với kết quả trên. Tuy nhiên ông cho biết thêm vẫn còn đó một điểm chưa rõ ràng: “Chúng tôi chưa rõ đa truyền thông là nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm và lo âu hay những người mắc các chứng bệnh này tìm đến đa truyền thông như là một cách giải sầu”.
Theo ông Becker, đây là vấn đề y tế và xã hội bởi trong 10 năm qua số lượng thanh niên Mỹ sử dụng phương tiện truyền thông gia tăng 20%, nhưng thời gian dùng cùng một lúc nhiều phương tiện truyền thông đồng thời gia tăng đến 120%.
Tiến sĩ Becker và hai cộng sự Reem Alzahabi, Christopher Hopwood đã hỏi 319 thanh niên về thói quen và thời gian trong tuần sử dụng cùng một lúc ít nhất 2 phương tiện truyền thông bao gồm tivi, máy tính, máy nghe nhạc, điện thoại di động, nhắn tin, lướt web, chơi game v.v…
Họ đã đánh giá tình trạng sức khỏe tâm thần của nhóm đối tượng này bằng những công cụ chuẩn xác. Tuy chưa đạt mức chẩn đoán lâm sàng, cuộc nghiên cứu giúp các bác sĩ tâm thần học có một ý niệm về liệu pháp giảm bớt tình trạng rối loạn tâm thần. Chẳng hạn như, nếu đa truyền thông có thể giúp cải thiện chứng trầm cảm và lo âu, thì đây là một giải pháp tích cực. Còn nếu ngược lại thì cần lên tiếng báo động và khuyến cáo người sử dụng chớ sa đà.
Tiến sĩ Becker nhấn mạnh: “Dù cho thế nào đi nữa thì đây là thông tin quan trọng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về đa truyền thông và cách giảm thiểu tác động tiêu cực của nó”.
Công trình nghiên cứu nói trên đã được đăng tải trong chuyên san Journal Cyberpsychology, Behavior and Social Networking ngày 5/12.