Hơn 3.200 tỷ đồng từ các nguồn công – tư đầu tư cho lĩnh vực y tế
Ðó là số liệu được Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) công bố ngày 6-12, tại hội thảo "Kết hợp công – tư trong lĩnh vực y tế". Nguồn vốn công – tư này tập trung chủ yếu ở các bệnh viện thuộc TP Hồ Chí Minh và các bệnh viện thuộc Bộ Y tế. Nhờ phương thức này, nhiều dịch vụ kỹ thuật cao đã được triển khai như chẩn đoán hình ảnh (MRI, CT scan, siêu âm), xét nghiệm, nội soi chẩn đoán và can thiệp; đồng thời nguồn thu tài chính của bệnh viện tăng lên và giúp phát triển kỹ thuật tại các bệnh viện. Trong lĩnh vực y tế, có hai lĩnh vực được đầu tư theo hình thức kết hợp công – tư gồm: môi trường (nhà máy xử lý chất thải) và bệnh viện. Tuy nhiên, hình thức này thực hiện khi không tách thành pháp nhân độc lập sẽ có khả năng dẫn tới sự lạm dụng dịch vụ nếu kiểm soát không tốt… ((Nhân dân 7/12- trang 5, Nông thôn ngày nay 7/12- trang 14)
Hợp tác phát triển khoa học và công nghệ trong lĩnh vực y tế
Ðây là nội dung trong chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) đến năm 2020 được ký kết. Các nội dung phối hợp gồm: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý hoạt động khoa học và công nghệ phù hợp với đặc thù ngành y tế và yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế; Xây dựng thí điểm cơ chế đặt hàng, khoán và mua kết quả nghiên cứu đặc thù ngành y tế phục vụ một số nhiệm vụ cấp thiết đáp ứng nhu cầu của ngành; nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến để phát triển các sản phẩm từ dược liệu trong nước, có giá trị cạnh tranh so với sản phẩm nhập ngoại; đầu tư nâng cấp một tổ chức khoa học, công nghệ lĩnh vực trang thiết bị y tế và một tổ chức khoa học, công nghệ lĩnh vực dược; định kỳ tổ chức và tham gia thị trường công nghệ thiết bị y tế và dược quy mô quốc gia và quốc tế… (Nhân dân 7/12- trang 5)
Bác bỏ tin có đỉa trong mỳ gói
Cục An toàn thực phẩm vừa có thông báo bác bỏ thông tin có đỉa trong mỳ gói. Theo Cục An toàn thực phẩm, sản xuất mì gói phải qua công đoạn hấp chín ở 100oC và chiên trong dầu ở nhiệt độ 150oC, sau đó chạy qua hệ thống quạt để làm nguội, là môi trường đỉa không thể phát triển.
Theo Cục An toàn thực phẩm, đây là sản phẩm thực phẩm thứ ba dính tin đồn có đỉa, sau sữa và bánh snack. (Tuổi trẻ 7/12- trang 2, Lao động 7/12- trang Hà Nội, Nông thôn ngày nay 7/12- trang 2)
Không phát hiện thuốc trừ sâu trong cua đồng
Ngày 6-12, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã tiến hành lấy mẫu tám mẫu cua đồng tại tám chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội để xét nghiệm dư lượng thuốc trừ sâu. Các mẫu cua đồng được gửi về Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia để xét nghiệm dư lượng thuốc trừ sâu. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, không phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu trong 8 mẫu cua đồng này. (Tiền phong 7/12- trang 6, An ninh Thủ đô 7/12- trang 2)
Bị kéo đâm vào mắt
Bác sĩ Trần Trường Giang – trưởng khoa mắt Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ – cho biết các bác sĩ của bệnh viện vừa phẫu thuật lấy một cây kéo dài hơn 3,5cm ra khỏi hốc mắt một bệnh nhân.
Sau mổ, chức năng thị giác bệnh nhân bình thường và được xuất viện vết thương diễn biến thuận lợi. Trước đó, bệnh nhân này vào viện trong tình trạng còn nguyên cây kéo may đồ đâm vào mắt phải.
Theo bác sĩ Giang, rất may kết quả chụp CT scanner cho thấy ngoại vật chưa xâm hại thành nhãn cầu và sọ não. Đây là trường hợp khá hi hữu và có phần may mắn cho bệnh nhân bởi những chấn thương mắt do vật sắc nhọn dạng này thường rất dễ gây tổn thương nhãn cầu. (Tuổi trẻ 7/12- trang 12)
Sơ cứu khi bị tấn công bằng kim tiêm
Gần đây có một số đối tượng nghiện ma túy sử dụng kim tiêm tấn công người thi hành công vụ hoặc đi “xin đểu”. Thực tế đã có người bị bọn xấu đâm kim tiêm khi chống cự lại các hành vi trấn lột.
Trong trường hợp này cần phải làm gì để đề phòng lây nhiễm HIV?
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Dung – Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, những người bị tổn thương hoặc bị tấn công bằng bơm kim tiêm, vật sắc nhọn… của những đối tượng nghi ngờ là con nghiện, người nhiễm HIV gây ra thường có tâm lý hoảng loạn. Đồng thời phản ứng ban đầu là nặn, bóp máu từ vết đâm, vết thương đó với mong muốn trục xuất lượng máu “độc” chứa virút HIV ra ngoài cơ thể. Tuy nhiên, cách làm này lại có tác dụng ngược, việc nặn, bóp ở vùng da bị tổn thương sẽ kích thích mạch máu xung quanh vùng da hoạt động, làm đẩy nhanh quá trình virút HIV (nếu có) xâm nhập.
Hành vi sơ cứu đúng nhất là để máu tự động chảy dưới vòi nước chừng 5-10 phút. Nếu có thể nên dùng xà phòng, dung dịch sát khuẩn, sau đó đến các cơ sở y tế gần nhất để làm các thủ tục thăm khám, xét nghiệm về mức độ phơi nhiễm HIV. Bác sĩ Dung cũng lưu ý “thời điểm vàng” để thuốc kháng HIV có công hiệu là trong khoảng thời gian 72 giờ tính từ thời điểm bị thương. Do vậy người có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để làm thủ tục thăm khám, xét nghiệm, tầm soát HIV trong thời điểm thuốc kháng virút HIV còn có công hiệu.
Bác sĩ Dung cũng cho biết thuốc kháng virút có tác dụng 100% trong 24 giờ đầu sau khi bị phơi nhiễm, tỉ lệ này sẽ giảm dần trong khoảng thời gian sau đó. Sau 72 giờ kể từ lúc bị phơi nhiễm HIV, thuốc hầu như không có hiệu quả.
Bác sĩ Nguyễn Thái Minh – phó trưởng khoa truyền nhiễm Bệnh viện Đống Đa Hà Nội – cho biết người có nguy cơ phơi nhiễm HIV cần làm test nhanh để xác định đã nhiễm HIV từ trước hay chưa. Đối với những người có kết quả dương tính với virút HIV, nghĩa là đã nhiễm HIV từ trước mà không phải do tình huống nghi phơi nhiễm HIV gần đây gây ra, bệnh nhân lập tức được tư vấn và chuyển sang điều trị.
Đối với trường hợp âm tính với HIV, có thể được chỉ định uống thuốc kháng virút HIV và phải tái khám trong vòng 3-6 tháng để xác định có virút HIV trong cơ thể hay không. Có nhiều trường hợp bác sĩ xác định nguy cơ phơi nhiễm HIV thấp như có vết thương ngoài da nhưng không sâu, không bị chảy máu… sẽ không phải uống thuốc kháng virút HIV.
Bác sĩ Minh cũng cho biết các thủ tục thăm khám làm xét nghiệm HIV hiện nay rất đơn giản và ít tốn kém. Chi phí một lần xét nghiệm và tư vấn HIV như vậy khoảng 100.000 đồng. Cho nên ngoài việc sơ cứu vết thương đúng cách, người dân nếu rơi vào những tình huống có nguy cơ phơi nhiễm virút HIV như bị tấn công bằng kim tiêm hoặc sơ ý bị bơm kim tiêm của những đối tượng nghi ngờ nhiễm HIV đâm vào người thì cần phải đến ngay các cơ sở y tế để bác sĩ có thể đưa ra những phương pháp điều trị đúng đắn. (Tuổi trẻ 7/12- trang 12)
Một phụ nữ có hai tinh hoàn
Bệnh viện Chợ Rẫy vừa tiếp nhận một ca hy hữu, đó là bệnh nhân nữ tên S hơn 40 tuổi nhưng lại có tinh hoàn ẩn, trong đó một tinh hoàn bị ung thư chỉ định hóa trị. (xem thêm trang 2)
Theo lời kể của gia đình, bệnh nhân đã có chồng nhưng ly hôn vì không có con. Đến bệnh viện địa phương khám nguyên nhân hiếm muộn thì nghi ngờ ung thư buồng trứng. Bệnh nhân đã quyết định đến điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, các BS của bệnh viện khẳng định, bệnh nhân bị tinh hoàn ẩn chứ không phải u buồng trứng. Các BS tiến hành phẫu thuật và phát hiện, bệnh nhân này có đến hai tinh hoàn ẩn nằm ở ống bẹn. Một bên tinh hoàn đã hóa ung thư. Theo nhận định của các BS, bệnh nhân này bị lưỡng giới giả kết hợp tinh hoàn ẩn. (Xem thêm Lao động 7/12- trang 2)
Suýt mất ngón tay và “của quý” vì đeo nhẫn
Anh Lương Văn Cương (18 tuổi, ở Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) nhập viện trong tình trạng ngón tay đeo nhẫn bàn tay phải sưng to, rất đau, đồng thời có mùi thối.
Anh Cương cho biết, trước đó một tuần đã đeo cùng lúc 2 chiếc nhẫn inox vào tay. Chiếc nhẫn vì quá chặt thít ngón tay, khiến máu không lưu thông được, dẫn tới tình trạng viêm tấy và có dấu hiệu hoại tử. Khi đến phòng khám BV Việt – Đức, bác sĩ đã chuyển phòng mổ, với chỉ định phải cắt cụt ngón tay. Tuy nhiên, BS Nguyễn Hoàng Hải đã đề xuất việc dùng khoan cắt và cắt đứt được 2 chiếc nhẫn. Nhờ đó, ngón tay của anh Cương đã được giữ nguyên. Sau đó, anh Cương được dùng thuốc vài ngày và ngón tay đã dần trở lại bình thường.
Cũng chuyện vì đeo nhẫn, ông Trần Văn Cảnh (60 tuổi, ở Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng suýt mất “của quý” của mình. Do mặc cảm với vợ, một phút thiếu bình tĩnh, ông Cảnh dùng một chiếc vòng thép như chiếc nhẫn đeo vào “chân giữa”. Ngay hôm sau, “của quý” của ông sưng như 1 quả chuối, bầm tím, vòng không thể tháo được. Ở phòng khám Bệnh viện Việt – Đức, BS Hải đã dùng khoan với lưỡi cắt kim cương cắt rời chiếc vòng đó.
Nhẫn là vật có tính chất kỷ niệm, tín nghĩa, truyền thống hoặc biểu tượng cho địa vị, quyền lực nên nhiều khi cũng là vật bất ly thân của nhiều người. Tuy nhiên, BS Hải khuyến cáo: Khi đeo, nhẫn cần đeo cái vừa với tay, không khít quá với ngón tay, không có cạnh sắc… Trong trường hợp kích thước nhẫn quá nhỏ so với ngón tay, nó sẽ như một cái vòng garô ôm chặt lấy ngón tay. Máu theo động mạch có áp lực lớn hơn có thể đi qua chỗ bó của chiếc nhẫn, nhưng máu tĩnh mạch ở phần ngoài của ngón tay có áp lực thấp hơn không thể qua được chỗ bó của chiếc nhẫn để quay về làm phần ngoài của ngón tay càng ngày càng sưng nề, viêm tấy. Nếu không được giải phóng khỏi chiếc “vòng kim cô” này, ngón tay rất có thể bị hoại tử, phải cắt bỏ. Vì thế, nếu ngón tay đeo bị sưng, cần đến bệnh viện ngay, bác sĩ có thể chỉ mất 5 phút để cắt bỏ mà không sây sát gì đến ngón tay. (Lao động 7/12- trang Hà Nội)
Dừng cấp đăng ký thuốc có nguy cơ gây giảm trí tuệ
Ngày 6-12, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết ngừng tiếp nhận và xét duyệt hồ sơ đề nghị cấp số đăng ký cho các thuốc chứa phối hợp hoạt chất almitrin với raubasin, kể cả hồ sơ đăng ký mới. Nguyên nhân là kết quả lâm sàng thuốc có thành phần phối hợp giữa almitrin với raubasin (thuốc Duxil do Công ty Les Laboratoires Servier – Pháp sản xuất) cho thấy có nguy cơ liên quan đến tác dụng không mong muốn của thuốc như suy giảm trí tuệ. Căn cứ kết luận của Hội đồng Xét duyệt thuốc, Bộ Y tế đối với thuốc có thành phần phối hợp almitrin với raubasin, Cục Quản lý dược quyết định ngừng tiếp nhận và xét duyệt đơn hàng nhập khẩu thuốc thành phẩm chứa phối hợp hoạt chất almitrin với raubasin. Ngừng tiếp nhận và xét duyệt đơn hàng nhập khẩu nguyên liệu almitrin, nguyên liệu raubasin, bán thành phẩm. (Tiền phong 7/12- trang 6)
Mua bảo hiểm y tế cho đồng bào thiểu số
Từ ngày 1-1-2013, tỉnh Khánh Hòa sẽ chi ngân sách để mua BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số không thuộc vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, với mệnh giá 567.000 đồng/thẻ BHYT, theo Nghị quyết vừa được HĐND tỉnh Khánh Hòa thông qua ngày 5-12.
Hiện nay, tại Khánh Hòa có hơn 58.200 đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó còn khoảng 6.950 người không thuộc vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, không được hỗ trợ mua BHYT theo Quyết định số 30 của Thủ tướng Chính phủ. Từ năm 2013, mỗi năm tỉnh Khánh Hòa sẽ chi ngân sách khoảng 4 tỉ đồng để mua thẻ BHYT cho số đồng bào trên. Như vậy, Khánh Hòa là tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thiện hệ thống chế độ, chính sách hỗ trợ BHYT cho người nghèo. Toàn bộ đồng bào dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú tại địa bàn tỉnh Khánh Hòa đều được hỗ trợ mua BHYT từ nguồn ngân sách hàng năm của tỉnh. (Tiền phong 7/12- trang 10)
Đà Nẵng: Gia tăng các dịch bệnh truyền nhiễm
Ngày 6.12, thông tin từ Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vaccin sinh phẩm thuộc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng, tính đến cuối tháng 11, toàn thành phố ghi nhận 2.947 trường hợp mắc bệnh tay – chân – miệng. Trong đó, có 1 trường hợp tử vong. Ngoài ra, còn có 273 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Số lượng bệnh nhi nhập viện những ngày qua tăng rất cao, có ngày hơn 250 bệnh nhân vào Khoa Hô hấp của bệnh viện để khám bệnh. Đó là chưa kể, trung bình mỗi ngày, số bệnh nhi điều trị nội trú tại bệnh viện do các bệnh về hô hấp khoảng trên dưới 100 em (phần lớn dưới 3 tuổi). Các bệnh trẻ hay gặp gồm viêm phế quản, ho, viêm mũi – họng cấp, viêm phổi do biến chứng… (Nông thôn ngày nay 7/12- trang 14)
Cứu sống một thanh niên nuốt banh kẹp sắt
Chiều 6.12, tin từ bệnh viện Đa Khoa Nghệ An cho biết, vừa cứu sống thành công một bệnh nhân nuốt banh kẹp dài 12 cm. Trước đó vào đầu tháng 12, bệnh nhân Phạm Viết N. (SN 1990), trú xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) nhập viện trong tình trạng đau nhức vòm cổ và bụng. Sau khi chụp X – Quang các bác sỹ phát hiện thấy một dị vật nằm ở trong vùng ruột non và đang gây lở loét. Qua phẫu thuật nội soi, các bác sỹ đã gắp ra 1 cái banh kẹp bằng sắt dài 12 cm. (Nông thôn ngày nay 7/12- trang 14, An ninh Thủ đô 7/12- trang 8)
Khuyến khích sinh con gái
Đó có thể là một trong những giải pháp tình thế sẽ được áp dụng nhằm hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang ngày càng trầm trọng hiện nay.
TS. Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ, Bộ Y tế) cho biết, ước tính đến hết năm nay, tỷ số giới tính ở nước ta sẽ tăng lên 113,5/100, nghĩa là cứ 100 trẻ gái thì lại có đến 113,5 trẻ trai được sinh ra. Sự mất cân bằng này sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khó lường trong tương lai không xa.
Theo ông Dương Quốc Trọng, nhằm hạn chế được tình trạng này, ngoài những giải pháp đang thực hiện, Tổng cục DS-KHHGĐ vừa đề xuất thêm các giải pháp tình thế có thể áp dụng trong thời gian này như: khuyến khích sinh con một bề là nữ, ưu tiên nữ giới trong tạo công việc, ưu tiên trong hưởng thụ các phúc lợi xã hội khác như miễn giảm viện phí, học phí… Được biết, những giải pháp tình thế nói trên được các chuyên gia nước ngoài đánh giá khả quan. (An ninh Thủ đô 7/12- trang 2):
Bệnh ung thư tăng nhanh
Tại Việt Nam mỗi năm có thêm khoảng 150.000 ca mắc bệnh và 75.000 ca tử vong do ung thư. Ở TP.HCM, ung thư là một trong những bệnh phổ biến nhất và đang có dấu hiệu gia tăng nhanh.
Những thông tin này được Bệnh viện Ung bướu TP.HCM báo cáo tại hội thảo phòng chống ung thư TP.HCM lần thứ 15, được tổ chức ngày 6 và 7-12 do Bệnh viện ung bướu TP và Hội Ung thư TP tổ chức.
5 loại ung thư hàng đầu
Thống kê của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho thấy tỉ lệ mắc các loại ung thư nói chung tại TP tăng trung bình 5,4% mỗi năm (giai đoạn 2006-2010). Bệnh ung thư xuất hiện nhiều từ sau 40 tuổi và tăng dần theo tuổi tác, cho đến sau 80 tuổi thì giảm.
Theo Bệnh viện Ung bướu TP, năm loại ung thư hàng đầu ở nam giới là phổi, gan, đại trực tràng, dạ dày và vòm hầu (chiếm 58%); còn ở nữ giới là vú, cổ tử cung, đại trực tràng, phổi và tuyến giáp (chiếm 63%). Đặc biệt ở nữ giới có sự gia tăng tỉ lệ ung thư vú, đại trực tràng và tuyến giáp. Dự báo trong những năm kế tiếp, tỉ lệ mắc các loại ung thư nói chung ở cả nam và nữ tại TP.HCM tiếp tục tăng trung bình 5,4% mỗi năm.
Đáng lưu ý, theo ghi nhận tình hình ung thư tại TP.HCM từ năm 2003 cho thấy ung thư vú ở phụ nữ đã vượt qua ung thư cổ tử cung để chiếm vị trí đứng đầu. Ung thư cổ tử cung, phổi, đại trực tràng, dạ dày, tuyến giáp và buồng trứng là những loại kế tiếp thường gặp, trong đó ung thư tuyến giáp đã vượt lên xếp thứ năm trong thống kê của hai năm 2009-2010.
Về tuổi mắc ung thư, ở nhóm tuổi 0-14 tuổi, ung thư máu chiếm vị trí cao nhất; còn ung thư mắt, thận, xương, mô mềm là các loại thường gặp tiếp theo.
Ở nhóm tuổi 15-24, ung thư buồng trứng (ở phụ nữ) và ung thư tuyến giáp là những ung thư hàng đầu ở cả hai giới.
Ở nhóm tuổi 25-34, ung thư tuyến giáp vẫn đứng đầu bảng thống kê; ở nam giới ung thư đại tràng, ung thư gan xuất hiện nhiều; ở nữ giới là ung thư vú.
Từ nhóm tuổi 35 trở lên bắt đầu định hình rõ những ung thư thường gặp ở cả hai giới với thứ tự ít thay đổi hơn so với những nhóm tuổi trước đó. Đó là ung thư phổi, gan, đại trực tràng, dạ dày và vòm hầu ở nam giới; ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng, phổi và tuyến giáp ở nữ giới.
Sau 65 tuổi, ung thư da là một trong những ung thư thường gặp ở cả hai giới, nhưng ung thư vú giảm ở nữ giới.
Phòng tránh được
Theo bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, nguyên nhân khiến những bệnh nhân mắc các loại bệnh như ung thư phổi, ung thư gan, ung thư đại trực tràng gia tăng thời gian gần đây là do người dân hút thuốc lá, uống bia, rượu nhiều, ăn ít rau xanh, ăn nhiều chất béo, ít vận động…
Với ung thư gan thì viêm gan siêu vi B là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh này. Nếu người dân được chích ngừa thì có thể hạn chế mắc bệnh ung thư gan. Ngoài ra, việc uống nhiều rượu, bia rất dễ bị xơ gan và ung thư gan. Cách bảo quản thực phẩm không tốt, để bị ẩm, mốc nhưng vẫn chế biến để ăn cũng dễ dẫn đến ung thư gan. Nguyên nhân chính gây ung thư dạ dày là do vi khuẩn HP; một nguyên nhân khác khiến bệnh ung thư dạ dày gia tăng còn do thói quen ăn những thực phẩm được bảo quản lâu ngày như dưa cải muối, mắm…
Theo bác sĩ Quốc Thịnh, bên cạnh yếu tố cơ địa đột biến gen của từng cá nhân thì tập quán ăn uống cũng đóng vai trò quan trọng có thể dẫn đến ung thư. Trước đây khi người dân còn nghèo, thường ăn nhiều loại rau xanh nên ít có nguy cơ ung thư. Hiện cuộc sống công nghiệp phát triển, mức độ tiêu thụ rau xanh giảm, người dân ăn nhiều chất béo, ít ăn rau, trái cây và ít vận động. Lối sống này rất dễ dẫn đến mắc bệnh ung thư.
Đối với ung thư vú và ung thư cổ tử cung, bệnh này ít gặp ở người dân TP nhưng lại gặp nhiều ở người dân các tỉnh do ý thức vệ sinh phụ nữ và việc sinh đẻ chưa được kiểm soát tốt. Nguyên nhân gây bệnh này là do virut HPV, hiện đã có văcxin chủng ngừa nhưng do giá thành cao nên nhiều người dân chưa tiếp cận được.
Để phòng tránh ung thư, theo bác sĩ Quốc Thịnh, trước tiên người dân cần ăn uống, ngủ nghỉ điều độ, thường xuyên tập thể dục, hạn chế ăn chất béo, ăn nhiều trái cây, rau xanh, không hút thuốc lá, chích ngừa gan siêu vi B, chích ngừa ung thư cổ tử cung…
Báo cáo của TS.BS Bùi Diệu – phó chủ tịch Hội Ung thư VN – cho thấy phần lớn người bệnh ung thư được chẩn đoán trễ, ít có cơ may chữa khỏi. Trong đó ung thư gan giai đoạn muộn chiếm tỉ lệ cao nhất, gần 88%, kế đến là dạ dày gần 87%, phổi hơn 84%, ung thư vú và ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn chiếm tỉ lệ thấp hơn, gần 50% và gần 54%. Chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là yếu tố cốt lõi để cải thiện tiên lượng sống cho bệnh nhân ung thư. |
(Tuổi trẻ 7/12- trang 12, Tiền phong 7/12- trang 6)