Nam học sinh mắc bệnh người lớn
Tại một trường THPT trên địa bàn Hà Nội, sau khi tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh, các bác sĩ đã bất ngờ phát hiện 20 nam sinh mắc một căn bệnh của người lớn – bệnh sùi mào gà.
Theo ý kiến của nhiều bác sĩ thì vấn đề đáng lo ngại ở đây không phải là căn bệnh các em đang mắc phải, mà là cách giáo dục học sinh về các kiến thức cần thiết liên quan đến tình dục, sinh sản, dẫn đến một tình trạng đáng báo động là các em không biết tự bảo vệ bản thân.
Theo BS Vũ Thị Bích Phương – PGĐ Trung tâm tư vấn và phát triển cộng đồng: “Cả nhà trường và gia đình cần kết hợp với nhau để giúp học sinh hiểu hơn về vấn đề này. Cần phải có những bài giảng về sinh lý cụ thể cho học sinh biết, gia đình nên quan tâm để ý đến con cái, vì các em đang ở trong độ tuổi mới lớn còn rất mơ hồ về kiến thức tình dục”.
Còn theo BS Nguyễn Quỳnh Giang – Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản Hà Nội: “Bệnh sùi mào gà có thể gặp với bất cứ ai, nhưng dễ điều trị. Do hiểu biết sơ sài về tình dục an toàn nên nhiều em không biết mình mắc bệnh. Lúc phát hiện ra lại rơi vào tình trạng tâm lý lo lắng, sợ hãi và xấu hổ không dám nói cho bố mẹ biết, đến khi bệnh nặng mới đến trung tâm điều trị”.
Ghi nhận tại các trung tâm khám và chữa các bệnh nam khoa cho thấy, số lượng bệnh nhân đến khám bệnh “người lớn” có nhiều nam học sinh còn trên ghế nhà trường. Không ít nam sinh đã mắc các bệnh tình dục ngay lần đầu với gái mại dâm mà không dùng bao caosu. Bệnh các em dễ mắc nhất là sùi mào gà, giang mai, nấm…
Trước đây bệnh sùi mào gà được coi là lành tính nhưng trong một số trường hợp, bệnh có thể trở thành ác tính như gây ung thư cổ tử cung ở nữ giới và ung thư dương vật ở nam giới. Bệnh sùi mào gà gây nên bởi một loại virus có tên là Human papova (HPV). Một tỉ lệ lớn các bệnh nhân mắc phải bệnh này chủ yếu do lây qua đường tình dục, chỗ sây sát niêm mạc. Sùi mào gà thường không có triệu chứng gì nên nhiều bệnh nhân để tổn thương rất lớn hoặc rất nặng mới phát hiện ra. |
(Lao động 4/12 (trang chuyên trang Hà Nội))
Khám và chữa bệnh từ thiện cho bà con Việt kiều tại Campuchia
Từ ngày 1-3.12, tại thành phố Koh Kong, tỉnh Koh Kong, Tỉnh Hội người Campuchia gốc Việt Nam tỉnh Koh Kong đã phối hợp cùng các bác sĩ, thầy thuốc từ thiện của thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khám và chữa bệnh miễn phí cho khoảng 3.000 Việt kiều và người dân nghèo Campuchia.
Là một địa phương nằm xa trung tâm đất nước (ở cực Tây Nam của Campuchia, giáp với Thái Lan), đường giao thông không thuận lợi, Koh Kong được coi là một trong những tỉnh nghèo của Campuchia. Hoạt động khám, chữa bệnh từ thiện của các bác sĩ, lương y Việt Nam đã nhận được sự chào đón nhiệt thành của người dân và chính quyền địa phương. Đoàn khám, chữa bệnh từ thiện của Việt Nam đến Koh Kong lần này có hơn 30 thành viên, trong đó có các bác sĩ và lương y làm việc tại một số bệnh viện và phòng khám tại thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai về chuyên khoa mắt, phụ khoa, điều trị xương khớp, câm điếc, bại liệt…
Phó Thị trưởng thành phố Koh Kong Yu Mi cho biết, cuộc sống của người dân Campuchia tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn, điều kiện chăm sóc y tế còn hạn chế. Vì vậy, chương trình khám, chữa bệnh miễn phí do Tỉnh Hội người Campuchia gốc Việt Nam tỉnh Koh Kong tổ chức có ý nghĩa xã hội rất to lớn. Thay mặt chính quyền tỉnh Koh Kong, ông Yu Mi cảm ơn các thầy thuốc Việt Nam đã có những việc làm nhân đạo và tốt đẹp cho người dân Koh Kong. (Lao động 4/12 (trang 6))
Lần đầu tiên phẫu thuật cột sống bằng robot
Ngày 5-12 tới, BV Việt Đức sẽ thực hiện 2 ca phẫu thuật bệnh lý cột sống bằng robot định vị Renaissence.
Đây là cơ sở đầu tiên ở Việt Nam, cũng là lần đầu tiên một cơ sở y khoa ở khu vực Đông Nam Á triển khai loại phẫu thuật này. Bác sĩ Nguyễn Văn Thạch, Phó giám đốc BV Việt Đức cho biết, so với phương pháp phẫu thuật thông thường thì ứng dụng robot định vị trong phẫu thuật giúp phẫu thuật viên lập được kế hoạch các bước mổ, cách mổ trước trên robot. Phương pháp này cũng giúp vết mổ chính xác hơn, ít xâm lấn, thời gian hồi phục và xuất viện của bệnh nhân nhanh hơn. (Tiền phong, An ninh Thủ đô 4/12 (trang 2))
Chevron hỗ trợ phòng chống HIV
Chevron Vietnam, chi nhánh của Tập đoàn Chevron Mỹ, cho biết đã cam kết tài trợ 1 triệu USD để hỗ trợ chương trình phòng chống HIV/AIDS tại VN thông qua Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét với sự phối hợp của Bộ Y tế.
Đóng góp của Chevron sẽ giúp các phụ nữ mang thai được tư vấn và làm xét nghiệm HIV, phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị bằng thuộc ARV để giảm thiểu nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con… (Thanh niên 4/12 (trang 7))
Đề xuất chế độ BHYT cho nạn nhân chất độc hóa học
Ngày 3-12, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo phục hồi chức năng (PHCN) cho nạn nhân chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Y tế tiếp tục rà soát danh mục bệnh, tật và ban hành tài liệu hướng dẫn chẩn đoán bệnh, tật liên quan chất độc hóa học.
Xây dựng các chương trình phát hiện sớm, tư vấn sinh sản, giải độc và PHCN cho nạn nhân chất độc hóa học, đồng thời phối hợp Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất chế độ bảo hiểm y tế phù hợp cho các nạn nhân.
PGS.TS Trần Trọng Hải, Phó giám đốc Dự án Tổ chức PHCN tại cộng đồng cho nạn nhân chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Trường Đại học Y tế công cộng), cho biết, Dự án này được triển khai tại ba tỉnh Thái Bình, Quảng Ngãi và Đồng Nai cho những người tham gia kháng chiến và người thân trong gia đình họ bị nhiễm chất độc hóa học dioxin. Thời gian triển khai dự án từ năm 2008 đến 2013.
Đến nay, dự án đã cung cấp dịch vụ và chuyển giao kiến thức PHCN cho 14.886 nạn nhân và người khuyết tật; 7.600 nạn nhân được phục hồi chức năng tại nhà; 343 nạn nhân đã được phẫu thuật hoặc PHCN tại bệnh viện; 820 nạn nhân được cấp phát dụng cụ trợ giúp. (Nông thôn Ngày nay, Thanh niên 4/12 (trang 7))
28 tác phẩm đoạt giải báo chí Việt Nam về HIV/AIDS
Chiều 3-12, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức Lễ tổng kết và trao giải thưởng báo chí Việt Nam về HIV/AIDS lần thứ ba.
BTC đã nhận được gần 600 tác phẩm ở các loại hình báo chí: báo in, điện tử, phát thanh, truyền hình, ảnh tham gia dự thi. Những tác phẩm từ các cây bút chuyên và không chuyên tập trung nêu những gương người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS vượt lên hoàn cảnh, sống có ích, tích cực tham gia tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ, gây ấn tượng mạnh mẽ cho công chúng.
Ông Trần Bá Dung, Giám đốc Nhà văn hóa, Chủ tịch CLB Nhà báo Việt Nam với công tác phòng, chống HIV/AIDS nhận xét: “Về chất lượng, nhiều tác phẩm điều tra công phu, đi sâu vào vấn đề, con người. Ca ngợi những tấm gương vượt lên số phận, những người nhiễm HIV đã mạnh dạn công khai và tham gia tích cực vào công tác truyền thông phòng chống HIV/AIDS”.
Một số tác phẩm đã phê phán hiện tượng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV thông qua hình ảnh, âm thanh sinh động một cách thuyết phục, cảnh báo dư luận góp phần hạn chế hiện tượng này”.
Ban tổ chức đã trao bốn giải nhất, sáu giải nhì, tám giải ba và 10 giải khuyến khích cho các tác phẩm. Ngoài ra, một tập thể và hai cá nhân được trao giải có nhiều tác phẩm tham dự. (Nhân dân 4/12 (trang 3))
Chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở KCB tư nhân
Văn phòng Chính phủ vừa đề nghị Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương tăng cường thanh, kiểm tra hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) tư nhân để chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật hiện hành, đặc biệt chú ý các cơ sở KCB có yếu tố nước ngoài; Rà soát các quy định và thủ tục cấp giấy phép hành nghề, chứng chỉ chuyên môn đối với các cơ sở và người hành nghề KCB tư nhân, sớm lập lại trật tự trong các hoạt động KCB tư nhân, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân khi đi KCB. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cần lưu ý các cơ quan truyền thông phải thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về thông tin, quảng cáo đã đăng ký của cơ sở KCB…(Sức khỏe & Đời sống 4/12 (trang 2))
Báo Sức khỏe&Ðời sống đoạt giải Báo chí Việt Nam về HIV/AIDS
Tại lễ trao Giải báo chí Việt Nam về HIV/AIDS lần thứ 3 (ngày 3/12/2012) do Nhà văn hóa-Hội Nhà báo Việt Nam và Câu lạc bộ Nhà báo Việt Nam với công tác phòng chống HIV/AIDS tổ chức, tác giả Nguyễn Thị Thu Hương – Phó Trưởng ban Dược & Chuyên đề Cuối tháng, Báo Sức khỏe&Đời sống với tác phẩm “ARV và nỗi lo kháng thuốc” đã giành giải Ba cho đề tài này. Tính từ ngày phát động đến kết thúc nhận tác phẩm, Ban tổ chức nhận được 600 tác phẩm dự giải ở nhiều thể loại. Số lượng tác phẩm dự giải lần thứ 3 gấp 2 lần trước đã đóng góp tích cực vào thành công của giải. Qua cuộc thi này, những tác phẩm đoạt giải nói riêng và những tác phẩm tham gia hội thi nói chung đã góp phần định hướng dư luận xã hội đến công tác phòng, chống HIV/AIDS, nâng cao một bước trình độ nhận thức và thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS của cộng đồng. (Sức khỏe & Đời sống 4/12 (trang 2))
3 trường hợp xem xét điều chỉnh giá dịch vụ KCB
Theo Nghị định 85/2012/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12, giá dịch vụ KCB được xem xét điều chỉnh trong 3 trường hợp: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi định mức kinh tế kỹ thuật dịch vụ KCB; Nhà nước thay đổi về cơ chế, chính sách tiền lương và khi có biến động giá của các yếu tố đầu vào. Theo đó, năm 2013, giá các dịch vụ KCB được tính trên cơ sở các chi phí trực tiếp sau: Tiền thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao – thay thế để thực hiện dịch vụ; Tiền điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường, tiền duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện các dịch vụ; Chi phí trả phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật…(Sức khỏe & Đời sống 4/12 (trang 2))