Hà Nội: Tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên Đán 2013
Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm từ nay tới Tết Nguyên Đán 2013. Theo đó, Sở Y tế Hà Nội sẽ phối hợp với các cơ quan liên ngành tiến hành kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm từ thành phố tới xã, phường, thị trấn. Tập trung vào các nhóm thực phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết như bánh mứt, kẹo, ô mai; nhóm thịt và các sản phẩm từ thịt; nước giải khát các loại; hoa quả, nhất là hoa quả nhập khẩu… sẽ được lấy mẫu xét nghiệm đánh giá chất lượng.
Công tác thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được thực hiện chặt chẽ. Khi phát hiện sai phạm kiên quyết xử lý.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng chỉ đạo ngành Nông nghiệp tiếp tục quy hoạch và phát triển vùng rau an toàn, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, quy hoạch mạng lưới giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; xây dựng cửa hàng kinh doanh rau an toàn trên địa bàn thành phố; Ngành Công thương tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chất lượng thực phẩm, hàng hóa tại các chợ, siêu thị, cũng như kiểm soát, phòng chống thực phẩm giả, gian lận thương mại trong dịp Tết(Nông thôn ngày nay (trang 2) 30/11).
Chuột chứa virus suy thận có thể truyền bệnh qua phân
Ngày 29-11, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế chính thức xác nhận trường hợp một nam bệnh nhân 55 tuổi tại TP Hồ Chí Minh bị nhiễm virus Hanta do chuột cắn. Công văn của Cục này nêu rõ, virus Hanta là bệnh lây truyền từ động vật sang người do loài gặm nhấm (chủ yếu là chuột) bị nhiễm virus cắn hoặc do hít phải các chất thải của chuột có chứa virus. Virus Hanta có thể gây hội chứng sốt xuất huyết kèm suy thận với các triệu chứng như sốt cao đột ngột, buồn nôn, đau bụng, giảm huyết áp, có dấu hiệu nổi ban trên da, phù mặt, bí tiểu và sau đó là đa niệu. Ngoài ra, virus Hanta còn gây sốt xuất huyết hội chứng phổi với các triệu chứng như sốt đột ngột, ớn lạnh, nhức đầu, rối loạn đường tiêu hóa, suy hô hấp đột ngột và hạ huyết áp. Bệnh không lây từ người bệnh sang người lành.
Để chủ động phòng chống lây nhiễm bệnh, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân tránh tiếp xúc với chuột và chất thải của chúng, nếu tiếp xúc phải đeo khẩu trang, mang găng tay và rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc. Xác chuột phải đốt hoặc bỏ vào túi nilon 2 lớp, chôn ở độ sâu tối thiểu 50cm. Nếu có hiện tượng sốt liên quan đến chuột cắn hoặc tiếp xúc với chuột, chất thải của chuột, cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời (An ninh thủ đô (trang 8), Thanh niên (trang 5), Lao động (trang 1) 30/11).
Xả chất thải xuống hồ – Nguy cơ bùng phát dịch bệnh
Không chỉ chất thải sinh hoạt của nhà dân, chất thải từ bệnh viện cũng được xe bồn xả trực tiếp ra môi trường mà không hề qua xử lý.
Trưa 16.11, chiếc xe bồn BKS 29C-037.55 chạy từ đường Láng rồi rẽ thẳng vào cổng Bệnh viện (BV) Tai Mũi Họng T.Ư ở số 78 Giải Phóng. Vừa xuống xe, 3 người khẩn trương kéo ống hút cắm vào hầm cầu ở Khoa Khám bệnh của BV. Tới hơn 12 giờ, chiếc xe chạy ngược ra đường Lê Văn Lương, rẽ qua Hoàng Minh Giám rồi ra đường Phạm Hùng. Dừng nghỉ chưa đầy 10 phút, chiếc xe này tiếp tục đến hút chất thải hầm cầu của hộ dân ở sâu trong ngõ 262 đường Nguyễn Trãi; sau đó là một phòng khám đa khoa trên đường Giải Phóng. Khi bồn chứa đã đầy, chiếc xe chạy ra hướng đường Nguyễn Xiển, lên đường Vành đai 3, qua cầu vượt Thanh Trì rồi tấp vội vào bãi tập kết sửa chữa ô tô hỏng có kèm cả dịch vụ rửa xe. Lúc này là 15 giờ 30 phút.
Như đã quá thông thạo địa hình, tài xế lùi xe áp sát mép hồ Yên Sở (P.Yên Sở, Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội) để 3 người trên xe nhảy xuống mở van đổ chất thải. Mất 20 phút, toàn bộ chất thải hầm cầu trong bồn hút từ BV, phòng khám… được tống thẳng xuống hồ Yên Sở. Theo nhiều người dân ở khu vực này, đã một thời gian dài họ thấy xe bồn mang BKS 29C-037.55 đỗ tại điểm trên, nhưng chỉ ngỡ xe vào đây sửa chữa hoặc rửa xe, chứ không ai ngờ xe đổ chất thải xuống khu vực hồ nuôi cá trong khu dân cư này…
Nghe PV Thanh Niên thuật lại việc chất thải hầm cầu của BV được xả thẳng xuống hồ Yên Sở, đại diện của BV Tai Mũi Họng T.Ư cũng hoàn toàn bất ngờ: “BV không hề có hợp đồng xử lý chất thải hầm cầu với công ty nào, mà chỉ làm theo kiểu dịch vụ, xong lần nào BV trả phí đầy đủ lần đó. Còn việc chất thải bể phốt BV được các xe đem đổ đi đâu thì BV không thể nắm được”. Được biết, toàn BV có 3 khu hầm cầu và tất cả hệ thống hầm cầu này đều được thông với hệ thống hầm cầu của BV Bạch Mai.
Chỉ có 180 nhà vệ sinh được xử lý !
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đoàn Hồng Quang, Giám đốc chi nhánh Cầu Diễn (Công ty môi trường đô thị Hà Nội), khẳng định trên toàn địa bàn Hà Nội chỉ duy nhất trạm xử lý phân bùn, bể phốt thuộc Chi nhánh Cầu Diễn do ông quản lý là có đủ năng lực xử lý chất thải hầm cầu đạt chuẩn. Tuy nhiên, với công suất 50 tấn/ngày, trạm chỉ phục vụ 180 nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn thành phố. Hiện trạm có 3 xe phục vụ việc thông hút hầm cầu mang BKS 29V-9016, 30F-5120 và 29T-6312. Ông Quang cũng khẳng định ngoài việc phục vụ 180 nhà vệ sinh công cộng, đơn vị của ông chưa từng nhận làm dịch vụ hoặc theo đơn đặt hàng cho công ty hay cơ sở vệ sinh nào khác.
Trung tá Trần Quốc Dũng, Đội trưởng Đội Môi trường đô thị và xây dựng cơ bản thuộc Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an TP.Hà Nội), cho biết hiện trên địa bàn Hà Nội có tới trên 100 công ty, cơ sở lớn nhỏ và hàng trăm chiếc xe bồn chuyên dịch vụ hút chất thải hầm cầu. Có những khu vực đã từ lâu được biết tới như một “làng nghề” chuyên hút hầm cầu. Đó là các xã Cổ Nhuế (H.Từ Liêm) và xã Liên Hồng (H.Đan Phượng). Chỉ tính riêng xã Liên Hồng đã có tới trên 200 xe bồn hoạt động ngày đêm trên nhiều tuyến phố. “Tất cả các công ty, cơ sở mà đơn vị nắm được đều có giấy phép kinh doanh hoạt động do Sở Kế hoạch – Đầu tư TP.Hà Nội cấp. Kể cả những chiếc xe bồn cũng đều được đăng ký và lưu hành”, trung tá Dũng cho biết. Ông Dũng cũng khẳng định: “Toàn bộ chất thải hầm cầu mà các công ty, cơ sở này thu gom được, kể cả từ những BV, phòng khám tư trên địa bàn Hà Nội, đều được xả thẳng ra môi trường”.
Theo ông Đoàn Hồng Quang, chất thải sau khi hút từ nhà vệ sinh công cộng về tới trạm sẽ lập tức được chứa trong hầm ủ có phun và khử trùng bằng hóa chất. Kế đến cho lắng lọc rồi lại xử lý bằng vi sinh… quá trình này kéo dài ít nhất 30 ngày thì mới đạt chuẩn, tránh nguy cơ gây hại đến sức khỏe cộng đồng, tác động xấu đến môi trường sống. “Chất thải hầm cầu ở các BV, phòng khám đa khoa thì nguy cơ lây nhiễm, phát sinh mầm bệnh rất cao. Đặc biệt là chất thải từ các khu xét nghiệm, X-quang, phòng cấp cứu… Loại chất thải y tế này luôn ẩn chứa nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như: trực khuẩn, thương hàn, tiêu chảy, tả, lỵ, viêm gan siêu vi và ký sinh trùng đường ruột… Nếu đem đổ thẳng ra môi trường thì nguy cơ dịch bệnh rất cao”, ông Quang bức xúc.
Phạt không đủ răn đe
Tính từ đầu năm 2012 tới nay, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã phát hiện, xử lý 30 trường hợp xả chất thải hầm cầu ra môi trường. Hiện mức phạt cao nhất khi phát hiện một xe bồn xả chất thải hầm cầu ra môi trường cũng chỉ là 12,5 triệu đồng và giữ xe 30 ngày; trong khi lợi nhuận thu về tương đối lớn nên không đủ sức răn đe.
Trung tá Trần Quốc Dũng cho rằng TP.Hà Nội cần phải có một dự án để Công ty môi trường đô thị Hà Nội khẩn trương xây dựng và mở rộng trạm xử lý phân bùn, bể phốt thuộc chi nhánh Cầu Diễn. Kế đến, những loại xe bồn chuyên dùng hút hầm cầu cần phải có giấy phép đặc thù và được gắn chíp theo dõi… (Thanh niên (trang 13) 30/11).
Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS (1/12): Hướng tới “không còn người nhiễm mới HIV”
Kiểm soát lây nhiễm HIV trong cộng đồng, giảm nhanh và tới “không cong người nhiễm mới HIV” là một trong những mục tiêu hàng đầu của Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đây cũng là chủ đề phòng chống HIV/AIDS năm 2012. Báo GĐ&XH đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, BYT xung quanh vấn đề này (Chi tiết xem Báo GĐ&XH) (Gia đình & Xã hội (trang 2) 30/11).
Quảng Nam: Dịch sốt xuất huyết tăng mạnh
Theo thống kê của Sở Y tế Quảng Nam, từ đầu năm 2012, trên địa bàn có 196 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 9,8 lần so với cùng kỳ năm 2011 (20 ca mắc), tuy nhiên không có ca nào tử vong. Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam còn một số ổ dịch sốt xuất huyết tại các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Núi Thành. Ngành Y tế và các cấp chính quyền địa phương đã và đang phối hợp tổ chức xử lý các ổ dịch này, tránh bùng phát ra diện rộng (Gia đình & Xã hội (trang 2) 30/11).
15 năm Viện Chiến lược và Chính sách y tế: Nhiều đóng góp quan trọng cho ngành Y
Hôm nay (30/11), Viện Chiến lược và Chính sách y tế bước vào tuổi 15. Thời gian tuy chưa dài song Viện đã từng bước trưởng thành, có những đóng góp quan trọng trong vai trò tham mưa giúp BYT ban hành một số chính sách, chiến lược của Ngành (Chi tiết xem GĐ&XH) (Gia đình & Xã hội (trang 2) 30/11).
Đầu tư 1.210 tỷ đồng cho công tác chăm sóc bà mẹ, trẻ em
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến vừa phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tập trung vào làm mẹ an toàn (LMAT) và chăm sóc sơ sinh (CSSS) giai đoạn 2011-2015, dự kiến sẽ đầu tư 1.210 tỷ đồng cho công tác này.Mục tiêu chung của Kế hoạch là giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh thông qua cải thiện tình trạng sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, ưu tiên các vùng còn nhiều khó khăn, các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương đặc biệt phụ nữ nghèo, phụ nữ và trẻ sơ sinh người dân tộc thiểu số nhằm giảm sự khác biệt trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ LMAT và CSSS giữa các vùng miền, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030; Chiến lược Dân số – Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.
Về các mục tiêu cụ thể, sẽ tăng cường tiếp cận các dịch vụ có chất lượng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau sinh, ưu tiên những vùng khó khăn/đặc biệt khó khăn nhằm thu hẹp sự chênh lệch giữa các vùng miền. Giảm tỷ số tử vong mẹ xuống còn 58,3/100.000 sơ sinh sống, trong đó khu vực đồng bằng giảm xuống còn 30/100.000 sơ sinh sống và khu vực miền núi giảm xuống còn 85/100.000 sơ sinh sống. Tỷ lệ phụ nữ được quản lý thai nghén đạt 95%, trong đó khu vực đồng bằng đạt 99% và khu vực miền núi đạt 90%. Tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai ít nhất 3 lần trong 3 thai kỳ đạt 87%, trong đó khu vực đồng bằng đạt 95% và khu vực miền núi đạt 70%. Tỷ lệ phụ nữ đẻ được nhân viên y tế đã qua đào tạo đỡ đạt 98%, trong đó khu vực đồng bằng đạt 99% và khu vực miền núi đạt 85%.
Tăng tỷ lệ phụ nữ đẻ do người đỡ đẻ có kỹ năng hỗ trợ lên 30% so với năm 2010. Tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc trong tuần đầu sau đẻ đạt 85%, trong đó khu vực đồng bằng đạt 95% và khu vực miền núi đạt 65%. Tỷ số phá thai giảm xuống còn 25/100 sơ sinh sống.
Tăng cường tiếp cận các dịch vụ có chất lượng về chăm sóc sơ sinh, ưu tiên những vùng khó khăn/đặc biệt khó khăn nhằm thu hẹp sự chênh lệch giữa các vùng miền.
Giảm tỷ suất tử vong sơ sinh xuống còn dưới 10‰, trong đó khu vực đồng bằng giảm xuống còn 7‰ và khu vực miền núi giảm xuống còn 13‰. Giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới một tuổi xuống còn 14‰, trong đó khu vực đồng bằng giảm xuống còn 10‰ và khu vực miền núi giảm xuống còn 20‰. Giảm tỷ lệ trẻ sơ sinh dưới 2500g xuống còn 10%. Tăng tỷ lệ trẻ sơ sinh được bổ sung vitamin K1 ngay sau đẻ lên 85%, trong đó khu vực đồng bằng đạt 93% và khu vực miền núi đạt 80%. Tăng tỷ lệ trẻ được bú mẹ trong giờ đầu sau đẻ đạt 75%, trong đó khu vực miền núi đạt 60%. Tăng tỷ lệ trẻ sơ sinh được tiêm phòng viêm gan B trong 24 giờ đầu sau đẻ đạt 70%.
Kế hoạch hành động cũng đề ra các nhóm giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng đến nhóm giải pháp về nhân lực.
Đối với các thôn, bản thuộc vùng đặc biệt khó khăn, nơi có tỷ lệ đẻ tại nhà cao, sẽ tăng cường nhân lực chăm sóc hộ sinh cho các thôn bản vùng đặc biệt khó khăn thông qua mở rộng hình thức đào tạo và sử dụng cô đỡ thôn bản; chuẩn hóa chương trình, tài liệu đào tạo, ban hành chính sách tuyển dụng và hỗ trợ cô đỡ thôn bản đã qua đào tạo.
Đối với tuyến xã, bổ sung số lượng nhân lực sản nhi thông qua việc tăng cường tuyển dụng, luân chuyển nhân viên hộ sinh và đào tạo bổ sung kiến thức, kỹ năng hộ sinh cho cán bộ trực tiếp làm công tác đỡ đẻ tại các trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực, ưu tiên các cơ sở có nhân viên đỡ đẻ tại các vùng khó khăn về địa lý…
Đối với tuyến huyện, bổ sung số lượng thông qua tăng cường tuyển dụng, luân chuyển bác sỹ chuyên khoa sản, nhi đào tạo bác sỹ đa khoa thành bác sỹ chuyên khoa định hướng sản và nhi, đặc biệt ưu tiên các huyện có khó khăn về địa lý; tăng cường đào tạo liên tục cho cán bộ y tế trực tiếp làm công tác đỡ đẻ để đạt được tiêu chuẩn của người đỡ đẻ có kỹ năng, ưu tiên các huyện có khó khăn về địa lý. Tập trung đào tạo cán bộ theo kíp đáp ứng yêu cầu của từng gói dịch vụ kỹ thuật về cấp cứu sản khoa và chăm sóc sơ sinh.
Ở nhóm giải pháp nhằm đảm bảo tài chính cho công tác LMAT và CSSS, sẽ đẩy mạnh truyền thông vận động về tầm quan trọng của công tác LMAT và CSSS cho các nhà hoạch định chính sách, các cấp lãnh đạo và các đại biểu dân cử. Tăng cường đầu tư cho công tác LMAT và CSSS thông qua Dự án mục tiêu quốc gia về sức khỏe sinh sản. Huy động các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng tham gia vào vận động chính sách, nguồn lực và môi trường xã hội thuận lợi cho công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
Kế hoạch cũng đưa ra các nhóm giải pháp để thực hiện tốt các mục tiêu trên như: nhóm giải pháp về tăng cường hệ thống thông tin y tế; nhóm giải pháp về cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc, thuốc thiết yếu, khoa học và công nghệ; nhóm giải pháp tăng cường năng lực về quản lý trong công tác LMAT và CSSS; nhóm giải pháp nhằm nâng cao tính sẵn có và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, chú trọng phát triển các dịch vụ chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh thiết yếu; nhóm giải pháp về nâng cao nhận thức, thái độ và thay đổi hành vi của người dân về LMAT và CSSS
Với vai trò của đơn vị đầu mối, Vụ Sức khỏe bà mẹ – trẻ em, Bộ Y tế sẽ chịu trách nhiệm thu thập và chia sẻ thông tin, điều phối và hoạt động giữa các ngành, các đơn vị, chương trình/dự án, các tổ chức trong và ngoài nước tham gia vào công tác LMAT và CSSS nhằm tăng cường phối hợp hiệu quả và tránh trùng lắp.
Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, thành phố là đơn vị đầu mối, có trách nhiệm tham mưu cho Sở Y tế xây dựng kế hoạch hoạt động về chăm sóc sức khỏe sinh sản hàng năm của địa phương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời điều phối hoạt động giữa các đơn vị, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn tỉnh/thành phố nhằm tăng cường hiệu quả phối hợp và tránh trùng lắp./. (Gia đình & Xã hội (trang 2) 30/11).
BV Châm cứu Trung ương tăng cường Đề án 1816
Trong những năm qua, BV Châm cứu Trung ương là đơn vị làm tốt công tác luân chuyển cán bộ với phương châm kết hợp Đề án 1816 và Bệnh viện vệ tinh để nâng cao năng lực cho tuyến dưới, giảm tải cho tuyến trên ((Chi tiết xem GĐ&XH) (Gia đình & Xã hội (trang 2) 30/11)
Ứng phó với thách thức về sức khỏe – vệ sinh môi trường trong bối cảnh toàn cầu hóa
Đó là chủ đề chung của Hội nghị "Khoa học quốc tế y học lao động và Vệ sinh môi trường lần thứ IV và Hội nghị khoa học y học lao động toàn quốc lần thứ VIII" do Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường phối hợp với Cục Quản lý môi trường y tế Việt Nam tổ chức.
Đã có 154 báo cáo của các nhà khoa học trong nước và nước ngoài về các lĩnh vực sức khỏe nghề nghiệp, vệ sinh sức khỏe môi trường, vệ sinh sức khỏe trường học và các vấn đề khác. Hội nghị tập trung nghiên cứu các yếu tố nguy cơ về an toàn, vệ sinh lao động, điều kiện lao động, nghiên cứu áp dụng và giải pháp can thiệp cải thiện điều kiện làm việc, giải pháp dự phòng bảo vệ sức khỏe cho người lao động. Bên cạnh đó, các nghiên cứu về vệ sinh môi trường và sức khỏe trường học, tai nạn thương tích… cũng rất đa dạng phong phú và mang tính thực tiễn cao. Đặc biệt báo cáo của Cục Quản lý môi trường y tế về đánh giá tác động giữ vệ sinh môi trường, nguồn nước hộ gia đình và hành vi vệ sinh chăm sóc trẻ em dưới 5 tuổi tại Việt Nam; hay Đề án Nghiên cứu hành vi liên quan đến rửa tay bằng xà phòng đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu. Bên cạnh đó, báo cáo Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến sức khỏe người lao động, cộng đồng và các giải pháp ứng phó; nghiên cứu ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe cộng đồng và các giải pháp làm giảm ô nhiễm môi trường…Các nghiên cứu này đã góp phần vào việc cải thiện môi trường, chăm sóc bảo vệ sức khỏe người lao động, học sinh và cộng đồng dân cư.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết: Trên thế giới đang có hàng triệu người chết do các bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường, nhiều người làm việc trong điều kiện không đạt tiêu chuẩn về sức khỏe và an toàn vệ sinh. Trong năm 2008, Tổ chức Lao động quốc tế cho biết, đã có 2,34 triệu người chết do tai nạn lao động hoặc bệnh tật liên quan đến nghề nghiệp. Đây là thách thức lớn đối với chuyên ngành y học lao động và vệ sinh môi trường trên toàn thế giới. Thứ trưởng nhấn mạnh: Thực hiện đường lối đổi mới và hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước, Việt Nam đã thu được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế. Ở hầu hết các tỉnh thành phố đều có các khu công nghiệp với quy mô phong phú, nhiều làng nghề phát triển mạnh mẽ do vậy Việt Nam cũng như các quốc gia cũng gặp nhiều thách thức liên quan đến sức khỏe nghề nghiệp và bảo vệ môi trường. Vấn đề vệ sinh môi trường nói chung và vệ sinh môi trường nông thôn nói riêng là một trong những mục tiêu thiên niên kỷ cũng như chiến lược phát triển của Việt Nam quan tâm.
Kết quả đo kiểm tra môi trường lao động cho thấy, số mẫu vượt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép trung bình là 14,4%; Bệnh nghề nghiệp có xu hướng tăng cả về số người mắc và các loại bệnh. Chỉ tính riêng giai đoạn 2005 – 2010, trung bình hàng năm có khoảng 1600 – 1700 trường hợp tử vong do tai nạn lao động được ghi nhận và số tai nạn lao động hàng năm tăng hơn 17%. Thời gian qua điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe ở nông thôn được cải thiện; Tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh hợp tiêu chuẩn đã tăng hơn, tỷ lệ trạm y tế xã có công trình nước sạch và vệ sinh môi trường mới đạt 84% tập trung chủ yếu ở đồng bằng tỷ lệ người dân thực hiện hành vi vệ sinh cá nhân có lợi cho sức khỏe còn thấp. Vấn đề vệ sinh môi trường trong trường học cũng được quan tâm. Theo đánh giá của WHO, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người mắc bệnh khúc xạ cao trên thế giới. Hiện nay ô nhiễm môi trường từ chất thải công nghiệp, môi trường y tế, giao thông, hóa chất… và vấn đề toàn cầu hóa chuyển giao công nghệ vào Việt Nam là những thách thức to lớn đang đặt ra với người làm công tác vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe người lao động và cộng đồng (Gia đình & Xã hội (trang 2) 30/11).
Trang chủ » Tin tức » Điểm báo ngày 30/11/2012