VN hình thành công nghiệp chăm sóc sức khỏe
Ngày 28-11, tại phiên bế mạc Hội thảo về kinh tế y tế lần 2 diễn ra tại Hà Nội, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế Lê Văn Truyền cho hay VN đã hội đủ các yếu tố cấu thành nền công nghiệp chăm sóc sức khỏe, với thị trường dịch vụ y tế (công và tư nhân), công nghiệp thiết bị y tế, công nghiệp dược, văcxin… Theo ông Truyền, ước tính thị trường công nghiệp chăm sóc sức khỏe của VN có giá trị 140.700 tỉ đồng/năm, chưa kể 20.000 tỉ đồng do người dân ra nước ngoài chữa bệnh hằng năm. Doanh thu của thị trường trang thiết bị y tế và dược ở VN đều tăng trưởng mức 16-20%/năm. Tuy nhiên ông Truyền cũng cho biết giá trị ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe VN còn thấp, chỉ tương đương 1/3 so với Thái Lan. So với Singapore chỉ khoảng 5 triệu dân nhưng chi cho thuốc men, trang thiết bị y tế và chăm sóc sức khỏe cũng gấp rưỡi VN (Tuổi trẻ 29/11).
Bị kẹt xương vịt lại tưởng bệnh tim
Theo ThS.BS Trần Ngọc Lưu Phương – phó khoa nội tiêu hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, bà T.T.M. (54 tuổi, ở Bình Chánh, TP.HCM) nhập viện ngày 27-11 vì bị đau ngực dữ dội, không ăn uống được. Trước đó bà M. đã đến một bệnh viện gần nhà khám vì nghi ngờ mắc bệnh tim mạch hoặc hô hấp, nhưng kết quả chụp X-quang phổi và đo điện tim không phát hiện ra bệnh, bác sĩ cho bà về. Bà M. tiếp tục đau ngực, khó chịu nhiều, không ăn uống được, phải đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương khám lại.
Tại đây, kết quả đo điện tim, chụp X-quang phổi cũng không có gì bất thường. Khi khai thác bệnh sử bác sĩ ghi nhận triệu chứng đau ngực chỉ xảy ra sau khi bệnh nhân ăn cháo với gỏi vịt và bị đau nhiều hơn mỗi khi ăn hay uống. Do đó các bác sĩ nghĩ đến khả năng bệnh nhân bị hóc dị vật thực quản.
Khi nội soi thực quản dạ dày qua đường miệng cho bệnh nhân, các bác sĩ phát hiện có một mảnh xương vịt hình ba cạnh, khá nhọn bị kẹt lại trong thực quản, nên đưa dụng cụ qua máy nội soi để gắp đoạn xương này ra ngoài an toàn. Hiện bệnh nhân đã hết đau ngực, ăn uống bình thường trở lại và được xuất viện (Tuổi trẻ 29/11).
Nghi vấn thêm bệnh nhi mắc bệnh lạ ở Quảng Ngãi
Ngày 28-11, theo thông báo của cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Văn Bình, bệnh nhi Nguyễn Văn Si, 4 tuổi, xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi có một số biểu hiện nghi là bệnh lạ (viêm dày sừng da bàn tay bàn chân) như men gan tăng, đau bụng, mệt mỏi, tuy nhiên bệnh nhi không có tổn thương ngoài da. Hiện bệnh nhi được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM và đang được tiếp tục xác định bệnh. Theo ông Bình, từ tháng 6 đến nay không phát hiện thêm bệnh nhân mắc bệnh mới ở Ba Tơ. Tuy nhiên, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân ở khu vực này sử dụng gạo do chính quyền địa phương cấp, gạo mới thu hoạch, bảo quản đảm bảo chất lượng, uống vitamin và tăng cường thể trạng (Tuổi trẻ 29/11).
Trao giải cuộc thi tranh cổ động về an toàn vệ sinh thực phẩm
Ngày 28-11, Bộ Y tế tổ chức tổng kết và trao giải cho 30 tác phẩm đạt giải trong cuộc thi sáng tác tranh cổ động về chủ đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Phát động cuộc thi từ tháng 7-2012, Ban tổ chức đã nhận được 133 tác phẩm dự thi của nhiều họa sỹ, nhà thiết kế chuyên và không chuyên nghiệp. Giải nhất trị giá 10 triệu đồng thuộc về họa sĩ Nguyễn Tuấn Khởi (Hà Nội). Ngoài ra còn có 3 giải nhì, 6 giải ba và 20 giải khuyến khích. Ban tổ chức cho biết những tác phẩm đạt giải sẽ được in thành các pano cỡ lớn phục vụ tuyên truyền Tháng Hành động quốc gia về an toàn thực phẩm năm 2013, đồng thời được gửi tới Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố để tham khảo và nhân rộng (Hà Nội Mới 29/11).
Thực hiện tài chính y tế hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe nhân dân: Bắt đầu từ cơ chế tự chủ và BHYT toàn dân
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo lần 2 về tài chính y tế hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân diễn ra từ ngày 27 – 28/11, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, đổi mới cơ chế tài chính hướng đến việc bệnh viện thực hiện tự chủ toàn phần hoặc một phần. Tuy nhiên, cần có cơ chế hợp lý để giảm tỷ lệ tự chi trả từ tiền túi của người bệnh, mà giải pháp tốt nhất là tiến đến bảo hiểm y tế toàn dân
Hai mặt của tự chủ tài chính BV công
Theo PGS.TS. Phạm Lê Tuấn – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Y tế, năm 2010, tỷ lệ chi cho y tế là 9,14% ngân sách; chi y tế bình quân đầu người tăng khá nhanh, từ mức 21USD (năm 2000) lên 75USD (năm 2009) và ước tính năm 2010 là 85USD. Đáng chú ý là nguồn chi công từ BHYT chiếm tỷ trọng từ 8,75% (năm 2005) đã tăng lên gần 18% (năm 2009) và gần đây có thể cao hơn. Đến nay, hầu hết các BV Trung ương và khoảng 70% số BV tuyến tỉnh, huyện đã thực hiện tự chủ ở các mức độ khác nhau.
Qua quá trình tự chủ, nguồn thu sự nghiệp của các BV tăng nhanh, chiếm tỷ lệ cao và tạo cơ sở giảm dần việc cấp kinh phí của Nhà nước cho BV. Đặc biệt, thu nhập của cán bộ y tế BV công tăng đáng kể, bình quân ở các BV tự chủ toàn phần (tự chủ từ tài chính, nhân lực…) cao gấp 2 hay 3 lần so với lương. Đáng chú ý, với các BV tự chủ, để tăng thu nhập, BV đã thực hiện mở rộng các dịch vụ KCB theo yêu cầu, KCB chất lượng cao, hay liên doanh, liên kết để lắp đặt thêm thiết bị y tế hiện đại nhằm tăng cường dịch vụ y tế. Theo đánh giá của một số chuyên gia y tế của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, các BV tự chủ với việc mở rộng các dịch vụ KCB và liên doanh liên kết với tư nhân, hay nước ngoài… là biện pháp “tự cứu mình” khi kinh tế khó khăn. Đồng thời cũng giúp người bệnh được hưởng lợi nhiều hơn, nhất là với những người có khả năng chi trả. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt “được”, các chuyên gia cũng cho rằng, vấn đề này hiện cũng đang bộc lộ nhiều mặt trái. Theo ý kiến của PGS.TS. Phạm Lê Tuấn, tư nhân đầu tư vào BV công để cung ứng dịch vụ tư thì các khoa KCB dễ trở thành “sân sau” của BV công, dẫn tới tiêu cực như: sử dụng cơ sở vật chất, nhân lực “công” cho các hoạt động “tư”. Chính vì thế, trước những nguy cơ này, Bộ Y tế đã yêu cầu các BV chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót như: nghiêm cấm việc lạm dụng các dịch vụ để tận thu, hạn chế việc đầu tư kiểu góp vốn dưới mọi hình thức.
Là người “gác cổng” lĩnh vực tài chính y tế của ngành y tế, PGS.TS. Phạm Lê Tuấn rất thẳng thắn cho rằng, bên cạnh những tiến bộ đã đạt được, vấn đề tài chính y tế còn có một số tồn tại như: nguồn lực tài chính chi cho y tế còn hạn hẹp, đầu tư công cho y tế ở Việt Nam chỉ 75USD/người/năm, bằng… 1/20 so với Singapore, bằng 1/2 so với Thái Lan, mức tăng ngân sách nhà nước chưa đủ đáp ứng được các yêu cầu chi tiêu cơ bản, trong đó chi thường xuyên tại trạm y tế xã và chi trả cho nhân viên y tế thôn bản quá thấp; cơ chế phân bổ còn bất cập và hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính chưa cao. Bên cạnh đó, các phương thức chi trả cho cơ sở cung ứng dịch vụ y tế ở Việt Nam còn rất lạc hậu. Ngân sách nhà nước cấp cho các BV, cơ sở y tế công lập theo dòng ngân sách chủ yếu dựa theo tiêu chí đầu vào…
BHYT – Giải pháp quan trọng để tiến tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện nay chi phí cho y tế từ tiền túi của người dân vẫn ở mức rất cao, lên tới 49% tổng chi y tế. Trong khi đó, nhiều nước ở trong khu vực tỷ lệ này chỉ 30%, thậm chí ở một số nước phát triển tỷ lệ này chỉ khoảng 20%. Thực tế này đang dẫn tới sự mất công bằng trong chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhiều người bệnh ở bệnh viện tuyến dưới đổ dồn lên BV tỉnh, TW để có chất lượng dịch vụ y tế tốt hơn, dẫn tới tình trạng quá tải ở các BV tuyến trên. “Do đó, hiện nay chúng ta đang phấn đấu giảm tỷ lệ này xuống 40% vào năm 2020, trong đó để thực hiện được mục tiêu này thì phải đẩy nhanh việc thực hiện BHYT để tiến tới BHYT toàn dân”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cùng quan điểm với Bộ trưởng Bộ Y tế, TS. Takeshi Kasai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho rằng BHYT là giải pháp quan trọng để tiến tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe, cũng như là tầm nhìn phát triển của hệ thống y tế của tất cả các quốc gia. Bởi lẽ hằng năm, toàn cầu có hàng trăm triệu người phải đối mặt với các vấn đề về bệnh tật, dịch bệnh do khó khăn về tài chính chi trả cho dịch vụ y tế. TS. Takeshi Kasai cho rằng, đối với Việt Nam, để thực hiện được BHYT toàn dân đòi hỏi phải có một hệ thống y tế và tài chính y tế vận hành rõ ràng và minh bạch (Sức khỏe & Đời sống 29/11).
Trang chủ » Tin tức » Điểm báo ngày 29/11/2012